Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2023

BRICS mở rộng không phải là thắng lợi cho Trung Quốc

C. Raja Mohan

Như là phát súng cảnh báo để phương Tây chấm dứt giấc ngủ chiến lược ở thế giới phương Nam.

brics1

Các nhà lãnh đạo và đại diện BRICS, bao gồm các đại biểu từ sáu quốc gia được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Johannesburg ngày 24/8/2023. Ảnh Per-Anders Pettersson

Những người tin rằng thế giới đang dịch chuyển sang trật tự toàn cầu hậu phương Tây đã tìm thấy bằng chứng cho niềm tin của mình vào tuần trước. Tại thượng đỉnh thường niên ở Johannesburg, diễn đàn BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi lớn – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – đã công bố mở rộng quy mô bằng cách mời thêm 6 thành viên mới. Sang tháng 1 năm sau, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sẽ tham gia tổ chức. Nếu dùng sức nặng kinh tế làm thước đo quyền lực, thì đây sẽ là một khối có sức mạnh phi thường. Cùng nhau, 11 quốc gia BRICS sẽ có tỷ trọng GDP toàn cầu dựa trên sức mua tương đương (purchasing power parity) cao hơn các nước công nghiệp G-7.

Tùy thuộc vào quan điểm của bạn, bạn có thể ăn mừng việc BRICS mạnh hơn hoặc lo lắng về điều đó – không có gì là hoàn toàn chắc chắn. BRICS mở rộng sẽ không làm đảo lộn thế giới và cũng không báo trước sự trỗi dậy của một trật tự toàn cầu hậu phương Tây. Cũng phi lý không kém là các tuyên bố cho rằng việc mở rộng BRICS đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc, Nga, và những nỗ lực của họ nhằm xây dựng một khối chống phương Tây từ các quốc gia phương Nam – hoặc rằng BRICS là cốt lõi của Phong trào Không liên kết mới.

Tất cả những cách giải thích này đều ít chú ý đến động lực đằng sau việc BRICS mở rộng và những tác động của nó. Khi nhầm lẫn những hy vọng và nỗi sợ về trật tự toàn cầu của họ với những phân tích khách quan, các nhà bình luận phương Tây đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết của họ về các quốc gia phương Nam, với những lợi ích đa dạng và cách can dự riêng với các cường quốc.

Chắc chắn, việc nhiều quốc gia quan trọng bất ngờ bày tỏ mong muốn trở thành thành viên BRICS đã ảnh hưởng đến khâu phân tích. Nhưng việc mở rộng danh sách thành viên không biến BRICS thành một khối hùng mạnh, mà chỉ làm xói mòn sự gắn kết ít ỏi mà khối này có được trước khi mở rộng.

Cuộc đối đầu địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã phủ bóng đen lên BRICS và bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một chương trình nghị sự thống nhất. Việc có thêm thành viên mới sẽ dẫn đến những xung đột mới : Ai Cập và Ethiopia đang tranh chấp quyết liệt trên sông Nile, trong khi Iran và Ả Rập Saudi là những kẻ thù trong khu vực – bất chấp nỗ lực hòa giải do Bắc Kinh làm trung gian. Những vấn đề này và nhiều vấn đề khác sẽ khiến việc biến sức nặng kinh tế tổng hợp của các quốc gia BRICS trở thành một lực lượng chính trị có ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu trở nên khó hơn nhiều.

Những người coi BRICS như một Phong trào Không liên kết mới đã vô tình đúng ở một khía cạnh : Giống như Phong trào Không liên kết, BRICS sẽ không đạt hiệu quả trong việc biến những luận điệu mạnh mẽ về các vấn đề toàn cầu thành những kết quả cụ thể, thực tiễn. Khi thúc đẩy mở rộng BRICS, Trung Quốc chỉ đang tạo cho mình một diễn đàn thảo luận lớn hơn. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn xây dựng một khối chống phương Tây lớn, thì họ không thể đạt được mục tiêu này vì bên trong BRICS có quá nhiều bạn bè của Mỹ.

Ai Cập, Ả Rập Saudi, và UAE là những đối tác an ninh thân cận của Mỹ. Ngay cả khi có những khác biệt với Washington, các nước này khó có thể từ bỏ những đảm bảo an ninh của Mỹ để chạy theo những lời hứa chưa được kiểm chứng của Trung Quốc, chứ chưa nói đến sự bảo vệ từ một tổ chức vô dụng như BRICS. Trong bài phát biểu tại thượng đỉnh Johannesburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia BRICS "thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự" và "từ chối nỗ lực tạo ra các vòng tròn nhỏ hoặc các khối độc quyền". Nhưng Ấn Độ đã là một phần của ít nhất hai "vòng tròn nhỏ" như vậy. Một là Đối thoại An ninh Bốn bên với Australia, Nhật Bản, và Mỹ ; vòng tròn thứ hai là diễn đàn I2U2 kết hợp Ấn Độ với Israel, UAE, và Mỹ. Tại Johannesburg, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí còn kêu gọi "chuỗi cung ứng linh hoạt và toàn diện", một kiểu nói tránh để nhắc đến việc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc coi BRICS là một diễn đàn để mở rộng vai trò của mình ở phương Nam thì Ấn Độ cũng vậy – và tương tự là Ả Rập Saudi và UAE, những nước sẵn sàng triển khai những khoản lớn từ nguồn vốn mà họ đã tích lũy trong nhiều thập niên để giành được lợi ích kinh tế và chính trị ở Châu Phi và xa hơn nữa. Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa các nước BRICS để giành ảnh hưởng toàn cầu có lẽ sẽ gây ra hậu quả lớn hơn lợi ích chung của họ trong việc chống lại phương Tây. Thay vì tạo dựng một sân khấu mới để đối đầu với phương Tây, diễn đàn BRICS sẽ là một sân khấu mới để họ đối đầu lẫn nhau.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách phương Tây nên bớt than vãn về "sự trỗi dậy" của BRICS – thay vào đó, hãy tập trung vào những mâu thuẫn nội khối mà họ có thể khai thác.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc cố gắng thúc đẩy một liên minh chống phương Tây. Quả thực, lịch sử cho chúng ta biết rằng Moscow và Bắc Kinh đã đánh giá quá cao khả năng đoàn kết các xã hội ngoài phương Tây để chống lại phương Tây. Khi các hy vọng về một cuộc cách mạng cộng sản ở Đức tan vỡ sau Thế chiến I, người sáng lập Liên Xô, Vladimir Lenin, đã quay sang Châu Á và hứa sẽ "thiêu đốt phương Đông" bằng các cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu và các chúa tể thực dân phương Tây. Tại Đại hội các dân tộc phương Đông năm 1920 ở Baku, thuộc Azerbaijan do Soviet chiếm đóng bấy giờ, Quốc tế Cộng sản đã tập hợp một nhóm đa dạng và đầy màu sắc, gồm các nhà dân tộc chủ nghĩa, các nhà cách mạng, và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Tuy nhiên, nỗ lực của Lenin đã không tiến xa được vì chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy khiến Châu Á trở nên không thân thiện với những ý tưởng của Bolshevik.

Sang thập niên 1960, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông nghĩ rằng ông có thể làm được điều tương tự khi nỗ lực thúc đẩy các cuộc cách mạng ở Châu Á. Thế nhưng, thất bại của ông đã mở đường cho "chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc" ở quê nhà. Các nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và Leonid Brezhnev chọn thử một chiến thuật khác – liên kết với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Châu Phi và Châu Á để chống lại phương Tây. Moscow dường như đã giành được chỗ đứng ở phương Nam trong suốt những năm 1970. Tại hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết năm 1979 ở Havana, lãnh đạo Cuba Fidel Castro và những người ủng hộ ông đã tuyên bố rằng Liên Xô và các nước vệ tinh chính là "đồng minh tự nhiên" của Thế giới Thứ Ba.

Tuy nhiên, nước Mỹ bị cho là đang suy thoái cuối cùng đã quay trở lại vào những năm 1980 và đẩy Moscow vào thế phòng thủ. Trong khi đó, giới tinh hoa tại các nước phương Nam đã chứng tỏ sự khôn ngoan khi lợi dụng sự chia rẽ giữa phương Tây, Liên Xô, và Trung Quốc để làm lợi cho mình. Tuyên bố của Castro và các nhà lãnh đạo khác về tình hữu nghị với khối cộng sản vào năm 1979 có nhiều điểm tương đồng với việc Trung Quốc thể hiện tham vọng của mình đối với BRICS. Nhưng cũng giống như việc Liên Xô tự vắt kiệt nguồn lực khi hỗ trợ một danh sách dài các nước thuộc Thế giới Thứ Ba vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc của Tập cũng đã đi quá xa – nước này đang bị bao vây bởi những khó khăn kinh tế sâu rộng và phải bận rộn đối phó với sự phản kháng từ Mỹ.

Tuy nhiên, thông báo mở rộng BRICS vào tuần trước có một tác dụng hữu ích : yêu cầu phương Tây ngừng xem thường vai trò của phương Nam. Theo đó, những người ra quyết định sáng suốt ở phương Tây nên loại bỏ thái độ coi thường bảo thủ, lẫn thái độ trịch thượng cấp tiến – vốn là những thái độ đang gây khó khăn cho việc thu hút giới tinh hoa ở các nước phương Nam – và cần tìm ra những cách tốt hơn để tái thu hút các quốc gia đang phát triển.

Mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây hiện đại từ thế giới ngoài phương Tây là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Châu Á và Châu Phi. Quá trình phi thực dân hóa và cạnh tranh với khối cộng sản để giành được bạn bè ở phương Nam đã giúp phương Tây giành lại được vị thế. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, những bài học từ Chiến tranh Lạnh nhanh chóng bị lãng quên, và phương Tây lại bắt đầu chế nhạo và chỉ trích các nước phương Nam. Khi đó, Trung Quốc và Nga đã xuất hiện, khai thác sự phẫn nộ chống phương Tây ở các nước phương Nam.

Phương Tây không thể duy trì vị thế thống trị toàn cầu của mình mà không phải làm gì. Họ cần phải bước xuống khỏi bệ cao mà họ đã tự đặt lên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và vật lộn trong "vũng bùn" thách thức từ Trung Quốc và Nga. Phương Tây đã thành công vượt qua những thách thức đối với vị thế thống trị toàn cầu của mình trong một giai đoạn dài cạnh tranh giữa các siêu cường, khi họ tìm ra nhiều cách hợp tác hơn để thu hút giới tinh hoa ngoài phương Tây. Và họ có thể làm điều tương tự một lần nữa. Việc mở rộng BRICS có thể là một việc làm ngu ngốc, nhưng nó vẫn là một phát súng cảnh báo rằng phương Tây phải chấm dứt giấc ngủ chiến lược của mình. Các nước Phương Nam đang chờ họ.

C. Raja Mohan

Nguyên tác : "BRICS Expansion Is No Triumph for China", Foreign Policy, 29/08/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/09/2023

C. Raja Mohan là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á và là cựu thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: C. Raja Mohan, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 1706 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)