Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2023

Quyền lập hội ở Việt Nam dành cho ai ?

Triệu Tử Long - Trần Dzạ Dzũng

Quyền lập hội của Đảng và quyền lập hội của dân

Triệu Tử Long, VNTB, 05/09/2023

Quyền lập hội là của Đảng, vì yếu tố chính trị của Đảng là yêu cầu xuyên suốt của Quy chế 118.

Cụ thể hóa quyền lập hội của công dân ?

laphoi1

Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Quy chế) mà Thường trực Ban Bí thư – bà Trương Thị Mai vừa ký ban hành, đó là chuyện "quyền lập hội của Đảng", vì yếu tố chính trị của Đảng là yêu cầu xuyên suốt của Quy chế.

Nếu là hội của dân, thì vấn đề chính sẽ là "ý chí – nguyện vọng" của người dân không chịu sự giới hạn nào về quyền chính trị, mà chỉ tuân thủ theo hành lang pháp luật hiện hành.

Để tránh bị quy chụp về điều luật hình sự số 117 hay 331, bài viết này xin nhấn rõ từ đầu là các viện dẫn thuần cách hiểu của giáo trình trường luật ; và những góp ý đều trên tinh thần theo Hiến định tại điều 28.1 "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước".

Trước hết, khái niệm "hội" (association) được định nghĩa từ điển là sự liên kết nhiều người vì một lợi ích chung (union des personnes dans un interet commun) ; hay là một nhóm người công khai liên kết vì một mục đích đặc biệt (an official group of people who have joined together for a particular purpose).

Như vậy khái niệm "hội" cần được hiểu một cách đơn giản đó là sự liên kết một số người vì công việc hoặc mục đích, lợi ích chung nào đó. Tuy nhiên, pháp luật của hầu hết các nước đều không thừa nhận một tổ chức là hội nếu tổ chức đó được thành lập vì mục đích kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Nếu các cá nhân liên kết với nhau vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận thì tạo ra tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, công ty và hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật thương mại. Hơn nữa, hội không những là tổ chức phi lợi nhuận mà còn là tổ chức phi nhà nước mang tính tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí hoạt động.

Quyền lập hội là quyền cơ bản của con người và công dân, quyền này còn được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ coi là một phần cơ bản của quyền tự do ngôn luận, vì trong nhiều trường hợp, người ta chỉ thực hiện quyền này có hiệu quả khi kết hợp với người khác.

Điều 18 Hiến pháp Italia năm 1947 quy định : "Công dân có quyền tự do lập hội không cần sự cấp phép nào miễn là mục đích thành lập hội không bị cấm trong pháp luật hình sự". Luật về Hội của Ba Lan năm 1989 quy định : "Hội là sự liên kết tự nguyện, tự quản, bền vững và không vì mục đích lợi nhuận".

Các nội dung trên đều chung quan điểm rằng quyền tự do lập hội (Freedom of Association) là quyền cơ bản của con người chứ không phải riêng của công dân.

Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 đã khẳng định : "Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình". Điều 22 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng quy định : "Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình".

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1982, vì vậy cần phải nội luật hóa quy định này chẳng hạn như trong dự án luật về hội bằng cách quy định rõ : "Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người bị mất năng lực hành vi pháp luật do bị bệnh tâm thần hoặc do phạm tội hình sự".

Để có thể "nội luật hóa", cần tu chỉnh điều 25 của Hiến pháp năm 2013, vì điều luật Hiến pháp này hiện chỉ quy định "công dân" chứ không phải "mọi người" có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình – Bởi pháp luật tồn tại vì con người chứ không phải con người tồn tại vì pháp luật, nên khi đời sống và nhận thức của con người đổi mới thì pháp luật cũng cần phải đổi mới để không bị lạc hậu.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 05/09/2023

Tham khảo :

– Dictionnaire encyclopédique de la langue française, édition ALPHA, 2004, p. 83.

– Oxford advanced learner’s Dictionary, Oxford University Press, 2000, p. 62.

*********************

Hội, đoàn dân sự nào ở Việt Nam không phải chịu sự chỉ đạo của Đảng ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 05/09/2023

Những hội đoàn như nuôi chó kiểng, thú cưng,… có thể không phải chịu sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhận xét trên không phải là dè bỉu hay châm biếm gì, mà đó là một thực tế, qua đó cho thấy tính độc lập của các tổ chức dân sự xã hội ở Việt Nam hiện nay là rất hiếm hoi khi mọi hoạt động nếu không phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, thì cũng buộc phải theo "lề lối – định hướng" của Đảng.

laphoi2

Nói có chứng cứ.

Trong Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Quy chế) mà Thường trực Ban Bí thư – bà Trương Thị Mai vừa ký ban hành, có một điều khoản nội dung là dù cá nhân đó được tín nhiệm bầu chọn "phổ thông đầu phiếu" để làm người đứng đầu tổ chức xã hội dân sự đó dẫu với tỷ lệ 99% đi nữa, thì người đó chỉ được phép "nhận chức" tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Theo Quy chế, thì về tiêu chuẩn, điều kiện buộc người nào đó được tín nhiệm của các hội viên, thì trường hợp muốn đề cử những người đó vào các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội thì những ông, bà này phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định như có phẩm chất chính trị – có nghĩa phảu là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đạo đức tốt ; có năng lực lãnh đạo, quản lý ; có uy tín và kinh nghiệm công tác ; đối với các hội chuyên ngành cần có chuyên môn phù hợp.

Đối với lãnh đạo hội là người đã nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc phải có đủ sức khoẻ, uy tín cao, được ban thường vụ, ban chấp hành đồng thuận, nhất trí giới thiệu.

Về độ tuổi : chủ tịch, phó chủ tịch hội là người đã nghỉ hưu thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Đối với chủ tịch hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về nhiệm kỳ : chủ tịch, phó chủ tịch hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ; trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quy chế có phần "kết" đưa ra yêu cầu : Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hội và quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.

Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý nhà nước ; quyết định biên chế, kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách của hội gắn với nhiệm vụ được giao.

Ban Cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với hội ; thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và pháp nhân trực thuộc hội, xử lý nghiêm vi phạm.

Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, hướng dẫn công tác nhân sự đối với hội. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng Trung ương và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế, định kỳ báo cáo Ban Bí thư…

30 hội, đoàn thuộc diện chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế trên, gồm : Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Xin được nhấn rõ là con số 30 ở trên thực tế là gần như "bao trùm" hết tất cả các tổ chức hội đoàn dân sự "có giấy phép hành chính" ở Việt Nam. Đơn cử, chỉ nói riêng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thôi, thì tổ chức đó có tới 152 hội thành viên, trong đó có 89 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương.

Tổ chức chính trị – xã hội này còn có hơn 500 đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo được thành lập theo Nghị định 81 ; 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm bao gồm báo, báo điện tử, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin điện tử và ấn phẩm khác.

Theo đánh giá của nhóm thân hữu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Quy chế về hội, đoàn mà Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành là ‘tín hiệu’ cho việc tái khởi động dự án luật về quyền lập hội.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 05/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Trần Dzạ Dzũng
Read 198 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)