Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2023

"Hiến tài sản" để mong được… yên thân

Phú Nhuận

"Hiến tặng tài sản" đó như là "hối lộ" cho "của đi thay người".

taisan1

"Mẹ chúng tôi" ở lá đơn trên là bà Cát Hạnh Long, người bị chính quyền cách mạng xử bắn với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác" trong chính sách Cải cách ruộng đất bắt đầu triển khai vào năm 1953.

Cứ vào dịp lễ Quốc khánh là báo chí nhà nước lại nhắc về chuyện nhiều gia đình doanh nhân còn mua biệt thự, tặng chính quyền cả nhà in để tái thiết nền kinh tế vốn đang kiệt quệ sau ngày độc lập.

Các tài liệu phục vụ cổ động chính trị hay đưa tin ‘nhắc lại’ hàng năm có nội dung đại khái như là ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh còn hoạt động bí mật, giới doanh thương đã có những đóng góp to lớn khi âm thầm ủng hộ những khoản tài chính to lớn bằng tiền mặt, vàng, mua tín phiếu… để tổ chức hoạt động.

Điển hình như gia đình nhà tư sản ngành tơ lụa Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, trước Cách mạng tháng Tám đã ủng hộ cho Cách mạng số tiền tương đương với 200 cây vàng. Hoặc từ năm 1943, trong lúc quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng Đông Dương thì vợ chồng nhà tư sản buôn bán tơ lụa khác là Đỗ Đình Thiện cũng đã đóng góp 20.000 đồng Đông Dương để Đảng có quỹ hoạt động.

Sau khi từ chiến khu về Hà Nội chuẩn bị cho Lễ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cả Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các cán bộ giúp việc đã trú ngụ tại nhà riêng của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô ở căn nhà số 48 Hàng Ngang. Ông bà cũng là một trong những "Mạnh Thường Quân" chu cấp các nhu cầu hậu cần cả tháng cho Chính phủ lâm thời, tiếp các thành viên phái đoàn Đồng Minh mới vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, may trang phục cho các thành viên Nội các lâm thời để ra mắt quốc dân.

Để hoạt động, Chính phủ cần có tiền. Do đó, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký ban hành Sắc lệnh số 4-SL về thành lập "Quỹ độc lập". Sau đó, Chính phủ ra chỉ thị về triển khai tổ chức "Tuần lễ Vàng" (từ 17/9 đến 24/9/1945) trong cả nước để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ, ủng hộ nền độc lập quốc gia.

Không phủ nhận việc tự nguyện đóng góp của giới doanh thương thời đó, nhưng theo những gì mà người viết này trải nghiệm qua thời gian bị "đánh tư sản" sau tháng 4/1975, cho đến lúc vào nghề báo được tiếp cận nhiều đơn tình kêu oan của dân chúng, người viết nghĩ rằng việc "hiến tặng" đó, có lẽ còn xuất phát từ lo lắng chuyện "chuyên chính cách mạng", và "hiến tặng tài sản" như là "hối lộ" cho "của đi thay người".

Xin dẫn chứng từ trích một lá đơn :

"Hà Nội ngày 27/4/1998. Kính gửi ông Chủ tịch Quốc hội. Chúng tôi là con trai, con dâu của bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long tên là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát tức Hoàng Công. (Ông Hoàng Công đã mất do tai nạn năm 1989) và vợ ông Công là Đỗ Ngọc Diệp xin gửi đến ông Chủ tịch Quốc hội một việc khẩn.

Trong nhiều năm qua gia đình chúng tôi đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan có trách nhiệm các cấp chính quyền từ xã trở lên đến Trung ương cùng Tổng bí thư xin xem xét việc khen thưởng cho mẹ chúng tôi theo Nghị quyết 28 CP ngày 29/4/1995. Nhưng cho đến nay chưa được cấp nào trả lời…".

Ngoài lá đơn gửi ông Chủ tịch Quốc hội là Nông Đức Mạnh năm 1998 ấy, còn hơn 20 lá đơn khác gửi cùng nội dung đến các đời Thủ tướng, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội từ năm 1995.

"Mẹ chúng tôi" ở lá đơn trên là bà Cát Hạnh Long, người bị chính quyền cách mạng xử bắn với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác" trong chính sách Cải cách ruộng đất bắt đầu triển khai vào năm 1953. Người đứng đầu chính phủ khi ấy là ông Hồ Chí Minh đã bị chỉ trích nặng nề về chuyện "vô ơn" này với người đã đóng góp nhiều tiền bạc, vải vóc, nhà cửa cho cách mạng như khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức "Tuần lễ vàng", bà Cát Hanh Long đã đóng góp hơn 100 lượng vàng.

Đâu chỉ vậy, lịch sử còn cho biết trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Khi thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", bà đã cho san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên.

Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị…

Hiến tài sản tự nguyện mà còn bị kết tội như bà Cát Hanh Long là một tấm gương, nên các nhà tư sản ở miền Nam Việt Nam sau tháng 4/1975 đã không chọn "hiến cho yên thân", mà chấp nhận bị "trưng dụng" – một mỹ từ của chiến dịch "đánh tư sản" của Hà Nội ; và nhiều nhà tư sản chọn rời bỏ đất nước qua đường biển, tạo nên một cách hiểu mới về "thuyền nhân".

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 05/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận
Read 265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)