Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/09/2023

Thượng đĩnh Đông Á bối rối trước sự chuyển động chọn phe

Trọng Thành, Minh Anh, Reuters

Tuyên bố chung thượng đỉnh Đông Á cam kết "duy trì khu vực như một trung tâm tăng trưởng" toàn cầu

Trọng Thành, RFI, 07/09/2023

Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 18, với sự tham gia của khối ASEAN và 8 quốc gia ngoài khối, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, diễn ra hôm nay, 07/09/2023, tại Jakarta, với sự chủ tọa của Indonesia, chủ tịch luân phiên ASEAN. Thượng đỉnh đã ra Tuyên bố chung khẳng định cam kết "duy trì khu vực như một trung tâm tăng trưởng".

ase1

Ngồi hàng đầu từ trái sang phải: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, tổng thống Philippine Ferdinand Marcos, Jr., thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Thượng đỉnh Đông Á, Jakarta, Indonesia, ngày 07/09/2023. AP - Yasuyoshi Chiba

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh Đông Á nhấn mạnh cam kết "đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế rộng lớn vì các lợi ích chung và nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế ở khu vực Đông Á". ASEAN được nhìn nhận như trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực. Bản tuyên bố chung của 18 nước "ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế và chính sách do ASEAN chủ trương, tái khẳng định ASEAN là động lực của EAS".

Hồi năm ngoái, tại thượng đỉnh EAS, tổ chức tại Phnom Penh, các bên đã không ra được tuyên bố chung do bất đồng về cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga. Báo Thái Lan Bangkok Post ghi nhận EAS năm nay đã đạt được đồng thuận về một tuyên bố chung mà cả Mỹ và Nga đều chấp nhận được, với việc các bên tham gia đã tránh đề cập đến chiến tranh Ukraine.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tham gia thượng đỉnh Đông Á lần này. Theo AFP, thượng đỉnh hôm nay là cơ hội đầu tiên để các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga gặp nhau, gần hai tháng sau hội nghị ASEAN căng thẳng trước đó hồi tháng 7, cũng tại Jakarta, trong bối cảnh các nước phương Tây kiên quyết yêu cầu Nga nhận trách nhiệm về cuộc chiến xâm lăng Ukraine.

Trọng Thành

*************************

ASEAN họp thượng đỉnh mở rộng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc

Minh Anh, RFI, 06/09/2023

Hôm 06/09/2023, lãnh đạo Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN lần lượt có các cuộc họp với các đồng cấp Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối đầu giữa các cường quốc và các căng thẳng trên Biển Đông được cho là những chủ đề bao trùm các cuộc họp cấp cao này.

ase2

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN tại Jakarta, Indonesia, ngày 06/09/2023 via Reuters - Pool

Phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN+3, quy tụ 10 nước thành viên của ASEAN và lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thủ tướng Lý Cường – đến họp thay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đã bày tỏ quan ngại trước các chính sách của Mỹ nhằm hình thành những khối tại các vùng lân cận với Trung Quốc như Bộ Tứ - QUAD (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) hay liên minh AUKUS (Úc, Mỹ, Anh). 

Ông Lý Cường cho rằng "những bất đồng và tranh cãi có thể nảy sinh giữa các nước vì những hiểu lầm, khác biệt lợi ích, hay những can thiệp từ bên ngoài". Trước thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng với nhiều lãnh đạo Đông Nam Á, thủ tướng Trung Quốc cho rằng "điều cần thiết là không chọn phe, phản đối sự đối đầu giữa các khối và ngăn chặn một cuộc Chiến tranh lạnh mới" nhằm kiểm soát những tranh chấp trên. 

Còn trong cuộc họp giữa ASEAN với Nhật Bản, hai bên thống nhất hình thành Quan hệ Đối tác Chiến lược thông qua các chương trình hợp tác cụ thể, đôi bên cùng có lợi. Thông cáo chung kết thúc cuộc họp khẳng định "Nhật Bản là đối tác tích cực nhất của ASEAN, quốc gia ủng hộ hàng đầu cho việc triển khai Tầm nhìn ASEAN về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". 

Theo phát biểu của tổng thống Widodo, việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở của ASEAN với chi phí hàng năm là 184 tỷ đô la. Về phần thủ tướng Fumio Kishida, ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong 6 lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông và tuần tra hàng hải. 

AFP lưu ý, các cuộc họp trong ngày hôm nay có tầm quan trọng khu vực trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vào ngày thứ Năm 07/9, bàn về các thách thức địa chính trị quan trọng, với sự tham dự của đại diện 18 nước và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Cuộc họp lớn này cũng sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Nga với Mỹ, mà đại diện là phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, kể từ sau cuộc họp ASEAN cấp ngoại trưởng ở Jakarta hồi tháng 7/2023. 

Minh Anh

***************************

Trung Quốc cảnh báo tránh ‘Chiến tranh Lạnh mới’ tại thượng đỉnh ASEAN

Reuters, VOA, 06/09/2023

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng điều quan trọng là phải tránh ‘Chiến tranh Lạnh mới’ khi xử lý xung đột giữa các nước trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

ase3

Thủ tướng Lý Cường phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia hôm 6/9 giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thủ tướng Lý nói các nước cần ‘xử lý thỏa đáng những khác biệt và tranh chấp’.

"Hiện tại, điều rất quan trọng là phải phản đối việc theo phe, đối đầu khối và Chiến tranh Lạnh mới," ông Lý phát biểu trong cuộc họp.

ASEAN, vốn đã cảnh báo về nguy cơ bị kéo vào tranh chấp của các cường quốc, có các cuộc thảo luận rộng hơn với Thủ tướng Lý, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo các nước đối tác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ.

Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự.

Ưu tiên trong chương trình nghị sự tại Jakarta là lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu vào đầu cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, bà Harris nói rằng Mỹ cam kết gắn bó với khu vực.

"Hoa Kỳ có cam kết lâu dài đối với Đông Nam Á và nhìn chung là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," bà nói.

Một quan chức Nhà Trắng trước đó cho biết bà Harris sẽ ‘nhấn mạnh lợi ích chung của Mỹ và ASEAN trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả trên Biển Đông, trước những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và các hành động khiêu khích của Trung Quốc’.

ASEAN trong tuần này đã thảo luận với Trung Quốc về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết.

Vấn đề này cũng được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật, nơi các nhà lãnh đạo ‘bày tỏ tầm quan trọng của việc giữ cho tình hình khu vực thuận lợi, nhất là ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông’, bà nói.

Ngay trước cuộc họp thượng đỉnh, Trung Quốc đã công bố bản đồ có ‘đường 10 đoạn’ thể hiện yêu sách chủ quyền mở rộng của họ trên Biển Đông.

"Philippines kiên quyết bác bỏ lập luận gây hiểu lầm vốn xem các tranh chấp ở Biển Đông chỉ thông qua lăng kính cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường," Tổng thống Marcos nói.

"Điều này không chỉ bác bỏ tính độc lập và quyền tự quyết của chúng tôi, mà còn coi thường lợi ích hợp pháp của chính các nước chúng tôi."

Một số nước ASEAN đã phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự chặt chẽ với Trung Quốc trong khi những nước khác cảnh giác hơn. Mỹ cũng đã tranh thủ các nước ASEAN nhưng với mức độ thành công khác nhau.

Reuters

Nguồn : VOA, 06/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Minh Anh, Reuters
Read 235 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)