Khi khởi động "Những con đường tơ lụa mới" vào năm 2013, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc vào một cuộc phiêu lưu chưa từng có trong lịch sử. Trong một thập kỷ, Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ euro đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ Châu Á đến Châu Âu, qua Châu Phi. Hơn 150 nước đã tham gia dự án mà trên hết là một mạng lưới các hành lang đường bộ và đường biển quy mô toàn cầu.
Bản đồ kế hoạch Những con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Mercator Institute for China Studies
Mười năm sau khi dự án được khởi động, những con đường tơ lụa mới, mà Tập Cận Bình gọi là "công trình thế kỷ", đã đạt được những thành tựu gì ? Để trả lời câu hỏi này, RFI Pháp ngữ giới thiệu đến thính giả, độc giả loạt bài đặc biệt, với nhiều phóng sự, bài báo, bản đồ và các cuộc phỏng vấn. RFI việt ngữ giới thiệu bài viết "Những con đường tơ lụa mới" : 10 năm sau và những thành tựu trái ngược" đăng ngày 04/09/2023.
Ngày 07/09/2013, cách nay tròn 10 năm, trong chuyến công du cấp nhà nước đến Kazakhstan, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu từ thủ đô Astana : "Hãy cùng nhau xây dựng vành đai kinh tế dọc theo những con đường tơ lụa", khởi động một dự án khổng lồ. Một tháng sau đó, tại Jakarta, trước Quốc hội Indonesia, ông Tập phát biểu : "Hãy cùng nhau xây dựng một con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21". Dự án lớn của Tập Cận Bình có tên gọi "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road, trong tiếng Anh, và viết tắt là Obor).
Thực ra, cụm từ "Những con đường tơ lụa mới" không đủ bao quát để mô tả dự án của Tập Cận Bình. Trên thực tế, cụm từ "những con đường tơ lụa" được nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đưa ra vào năm 1876. Vào thời điểm các cường quốc ở lục địa già đang ao ước có một tuyến đường sắt Á-Âu, nhà địa lý Đức đã đặt tên cho mạng lưới dọc theo tuyến đường đã có từ lâu nối từ Trung Quốc vượt qua sa mạc để vận chuyển hàng hóa đến Châu Âu là "những con đường tơ lụa". Hai đế chế vận hành thương mại thế giới và thu lợi từ mạng lới này. Mạng lưới thực ra đã hoạt động từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến tận thế kỷ 15 sau Công nguyên, thời điểm các nước Châu Âu bắt đầu công cuộc chinh phạt thuộc địa quy mô lớn.
Là một sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng của phương Tây, cụm từ "những con đường tơ lụa" không bao gồm "tuyến đường biển" từ trước tới nay vẫn nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương. Trên hết, "những con đường" này lại không phải do Châu Âu hay Trung Quốc, mà do các thương gia Trung Á tổ chức, với các chuyến hàng nối từ ốc đảo này sang ốc đảo khác.
Cụm từ "những con đường tơ lụa", được nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đưa ra vào năm 1876, với ao ước có một tuyến đường sắt Á-Âu nối từ Trung Quốc vượt qua sa mạc để vận chuyển hàng hóa đến Châu Âu.
Trong khi đó, tham vọng của dự án những "con đường tơ lụa mới" thì hoàn toàn khác và là chưa từng có. Lần này, Trung Quốc muốn giành ưu thế, không còn muốn phụ thuộc vào các tuyến đường thương mại chịu ảnh hưởng của Mỹ, chẳng hạn như qua eo biển Malacca, nơi phần lớn giao thương hàng hải thế giới đi qua. Bắc Kinh muốn lập một mạng lưới mà Trung Quốc nằm ở trung tâm, là nhà cấp vốn và cũng là nước hưởng lợi chính, bằng bất cứ giá nào. Trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã giải ngân gần 1.000 tỉ euro để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và viễn thông, cùng nhiều dự án khác, tạo ra một mạng lưới phức tạp các hành lang trên đất liền và các tuyến đường biển. Bắc Kinh cũng đã thuyết phục được hơn 150 nước ký thỏa thuận tham gia vào "những con đường tơ lụa mới".
Dự án này giờ đây đã vượt hẳn khuôn khổ "con đường" và "vành đai", đi xa tới tận Nam Mỹ, tập hợp phần lớn các quốc gia "phía nam", tức là những nước đang phát triển vốn dĩ không hài lòng về trật tự kinh tế thế giới do phương Tây và Mỹ thống trị. Kể từ sau Kế hoạch Marshall (tái thiết Châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến), thế giới chưa từng biết đến một tham vọng nào lớn đến như vậy. Điều này khiến phương Tây lo lắng, bởi họ thấy Trung Quốc đang tạo ra một công cụ khổng lồ về kinh tế và chính trị toàn cầu.
Từ năm 2016, bắt đầu có nhiều chỉ trích nhắm vào dự án của Trung Quốc. Chuyên gia Nadège Rolland của cơ quan tư vấn Mỹ National Bureau of Asian Research nhắc lại : "Những con đường tơ lụa mới phải đối mặt với một vấn đề lớn về tầm nhìn và hình ảnh trên trường quốc tế. Cảng Hambantota ở Sri Lanka đã bị đặt dưới sự kiểm soát của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong 99 năm. Nhiều nước nhận ra rằng cái gọi là đầu tư đó không phải là đầu tư, mà thực ra là các khoản vay với lãi suất ngày càng tăng, khiến số nợ tăng lên và quốc gia sẽ không thể quản lý được về tài chính". Một nhà nghiên cứu Ấn Độ đúc kết những chỉ trích này bằng một cụm từ cô đọng : "ngoại giao bẫy nợ". Tiếp cận được các cơ sở chiến lược ở Châu Á, Châu Phi, Vịnh Ba Tư và thậm chí cả ở Châu Mỹ dường như là mục tiêu thực sự của Bắc Kinh.
Tài chính hóa sự phát triển của Châu Phi
Xavier Aurégan, nhà địa lý học, giảng viên Đại học Công giáo Lille của Pháp, nhận xét : "Các kết quả ở Châu Phi khá trái ngược. Một mặt, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa đa số các nước Châu Phi tham gia dự án, trừ đảo quốc Maurice và Eswatini, vốn công nhận Đài Loan. Trung Quốc đã tăng cường năng lực tài chính, không chỉ là đầu tư, mà còn xem mọi dự án hạ tầng cơ sở đều là một phần của Những con đường tơ lụa mới, kể cả những dự án được khởi động từ trước năm 2013. Dưới góc độ này, dự án tương đối thành công".
Nhưng mặt khác, Xavier Aurégan cũng chỉ ra rằng dự án toàn cầu của Trung Quốc đang ngày càng gây tranh cãi : "Việc tài trợ để đổi lấy hợp đồng cho các công ty Trung Quốc là đáng phê phán", bởi vì gây bất lợi cho các tập đoàn quốc tế hoặc Châu Phi. Điều được gọi là "quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi" mà Trung Quốc ngợi ca đang đạt đến giới hạn. Nhà địa lý học của Ấn Độ nhấn mạnh là nếu việc tài trợ phát triển ở Châu Phi mang lại hợp đồng cho phương Tây thì sẽ bị Trung Quốc lên án là gây nợ nần, tạo ra các mạng lưới ảnh hưởng, các kiểu lệ thuộc và mọi tác động môi trường và xã hội cho địa phương.
Tái cân đối và mềm dẻo, linh hoạt
Năm 2017, dự án được Trung Quốc đổi tên thành "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI). Bắc Kinh muốn rằng chữ "sáng kiến" có thể giúp cải thiện hình ảnh. Nhà nghiên cứu Nadège Rolland nhấn mạnh : "Vào mùa hè năm 2018, Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp với các quan chức hỗ trợ phát triển Những con đường tơ lụa, các bộ, cơ quan của đảng hoặc doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Tập, cần thực hiện những dự án ít tham vọng hơn, và nếu có thể thì phải phù hợp với mong muốn phát triển của các nước đối tác".
Lãnh đạo số một của Trung Quốc cũng yêu cầu một chiến dịch tuyên truyền để Những con đường tơ lụa mới dễ được chấp nhận hơn ở các nước này, chứ không cần tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính quốc tế để làm sạch các dự án lớn đang bị nhắm tới. Chi bớt tiền hơn và được nhìn nhận tốt hơn chính là yêu cầu mới của ông Tập.
Không dễ trả lời là sự tái cân đối đó đã thành công hay không, bởi vì năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến một số dự án lớn phải tạm ngưng. Các nước như Cộng hòa Dân chủ Congo đang cố đàm phán lại một số hợp đồng, thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là dự án "Những con đường tơ lụa mới" phải ngừng trong suốt thời kỳ Covid-19.
Nhà nghiên cứu Nadège Rolland lưu ý : "Thật khó để có một bản tổng kết duy nhất vì Những con đường tơ lụa có nhiều nhánh, dự án không đơn giản chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng mà đầu tư vốn dĩ đã giảm từ năm 2016, mà còn nhắm vào nhiều lĩnh vực khác liên quan đến phát triển hợp tác về y tế, giáo dục hoặc thay đổi các tiêu chuẩn quốc tế, vốn là một trục nỗ lực chính. Về điểm này, theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc, kết quả tích cực hơn, với rất nhiều tiến bộ, nhất là ở các nước đang phát triển".
Bản chất "đa diện, đa chiều" của dự án BRI mang lại cho Trung Quốc một sự linh hoạt nhất định. Trong đại dịch, y tế, hay nói đúng hơn là "những con đường tơ lụa y tế", đã được Bắc Kinh phát huy giá trị. "Những con đường tơ lụa y tế" đã truyền tải hoàn hảo đường lối "ngoại giao vắc xin" của Bắc Kinh. Hình ảnh những chiếc khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế đựng trong trong những chiếc hộp với lá cờ Trung Quốc được trông thấy rõ đã lan tỏa trên tất cả các phương tiện truyền thông. Có một điều ít được biết đến là cụm từ "Những con đường tơ lụa y tế" đã được tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhân vật được Trung Quốc ủng hộ, nói đến từ năm 2017.
"Cộng đồng cùng chung vận mệnh" và trật tự thế giới thay thế
Qua "Những con đường tơ lụa mới", mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là tài trợ về cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển, mà là tạo ra một "cộng đồng cùng chung vận mệnh". Cách nói mơ hồ này của Tập Cận Bình che giấu điều mà nhà nghiên cứu Nadège Rolland gọi là "sự thay đổi chuẩn mực quốc tế". Sự thay đổi này đã diễn ra từ nhiều năm nay thông qua chiến lược của Trung Quốc trong các tổ chức đa phương : chẳng hạn, Bắc Kinh tranh thủ việc chính quyền Mỹ thời Donald Trump rút lui để đảm nhận vai trò lãnh đạo tại một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Nhưng chiến thuật này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.
Bắc Kinh không thể thay đổi cán cân quyền lực với phương Tây tại Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của định chế quốc tế này, thế nên Trung Quốc lập nên các tổ chức song song do Bắc Kinh đứng đầu, nhằm cố gắng lật đổ trật tự thế giới hiện hành, chẳng hạn như thông qua "Những con đường tơ lụa y tế". Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alain Wang, giáo sư trường Supélec, nhấn mạnh : "Vào lúc Trung Quốc gặp khó khăn tại Tổ chức Y tế Thế giới, họ đã đầu tư vào Châu Phi và lập một trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) ở Ethiopia. Africa CDC lẽ ra đã được thành lập với sự đồng tài trợ của Trung Quốc và Mỹ, nhưng chính quyền Mỹ thời Donald Trump đã rút lui và Bắc Kinh đã thay thế luôn vai trò của Mỹ". Chuyên gia Alain Wang cho biết thêm : "Trung Quốc đã đầu tư khoảng 65 triệu euro để xây một tòa nhà khổng lồ ở Addis Abeba. Trung tâm này hiện nay dành cho Châu Phi, nhưng cũng có các chi nhánh quan trọng ở Ai Cập, Gabon, Kenya, Zambia và Nigeria, và chắc chắn sẽ được nhân rộng ở Châu Phi, và thậm chí là lan xa hơn nữa, có thể là ở cả Châu Mỹ Latinh và Châu Á".
Đối với các nhà nghiên cứu về Trung Quốc, đó chính là thành tích cho Bắc Kinh : "Trung Quốc đã biết tập hợp xung quanh họ một số nước lớn nhỏ sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong tương lai và Trung Quốc tự đặt mình là nhà lãnh đạo của một thế giới đối lập với thế giới phương Tây. Nhưng đó là một thế giới không tồn tại nền dân chủ, thế giới của các nước độc tài".
Tương lai của "Những con đường tơ lụa mới" sẽ ra sao ?
Đối với chuyên gia Xavier Aurégan, dự án đang "tạm ngưng". Các khoản cho vay của Trung Quốc giảm rõ rệt : Theo trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh, cơ quan tư vấn của Đại học Phục Đán (Fudan) ở Thượng Hải, tại Châu Phi cận Sahara, trong năm 2022, các khoản cho vay của Trung Quốc đã giảm 65% so với năm 2021. Nhà địa lý học này cho biết thêm : "Có những suy nghĩ trái ngược trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc. Một số tin rằng dự án BRI có lẽ đã chấm dứt, có lẽ đã hơi lỗi thời và cần hướng tới một dự án khác. Dự án khác này được gọi là "kỷ nguyên mới" của Tập Cận Bình. Có thể một cánh cửa mới trong chính sách đối ngoại sẽ dần dần được triển khai".
Nhưng chuyên gia Nadège Rolland lại không đồng ý kiến. Theo bà, từ vài năm nay người ta đã nói đến việc BRI bị khai tử, nhưng dự án vẫn được duy trì. Tuy nhiên bà nhận định : "Có thể là nó ít hiện diện hơn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc". Đồng thời bà đề cập đến sự cạnh tranh của các dự án mới : "Sáng kiến Phát triển Toàn cầu" (Global Developpment Initiative) hoặc "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" (Global Security Initiative). Nhưng những dự án nói trên cũng bổ sung thêm cho BRI. Nhà nghiên cứu Nadège Rolland lưu ý : "Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch, các quan chức Trung Quốc đã đến thăm một số nước bạn hữu và BRI cũng đã xuất hiện trong các thỏa thuận hợp tác được ký kết năm 2022 và thậm chí là trong cả năm 2023".
Trung Quốc đã chuyển hướng các con tàu theo lộ trình đi thẳng hơn tới Moskva và quảng bá đó như tuyến đường tránh "tuyến đường xuyên Caspi" đến Istanbul.
Ví dụ gần đây nhất : Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á tại Tây An diễn ra ngày 18 và 19/5/2023. Tập Cận Bình đã mời 5 nhà lãnh đạo Trung Á và đón chào họ với nghi thức ngang tầm lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Chủ đề chính là "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Dĩ nhiên dự án này vẫn là một trong những công cụ chính của chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình. Bằng chứng là thượng đỉnh Tây An diễn ra cùng thời điểm với thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, nơi các cường quốc phương Tây thể hiện một mặt trận chung chống lại tham vọng của Trung Quốc, nước vẫn duy trì sự ủng hộ "vô giới hạn" đối với nước Nga bất chấp cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine. Cuộc xâm lược của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây chắc chắn đã làm ngưng một phần hoạt động vận chuyển hàng hóa trên "các tuyến đường sắt tơ lụa" xuyên Á-Âu. Thế nhưng, không nản lòng, Trung Quốc đã chuyển hướng các con tàu theo lộ trình đi thẳng hơn tới Moskva và quảng bá đó như tuyến đường tránh "tuyến đường xuyên Caspi" đến Istanbul. Giờ là lúc cần sự mềm dẻo, linh hoạt và tái cân bằng. "Những con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc chưa bị khai tử.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 07/09/2023