Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/09/2023

Mỹ và Việt Nam hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

RFA tiếng Việt, Nguyễn Hồng Hải, Carl Thayer

Ngày 25/7/2013, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố đưa quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện.

Mười năm sau, lãnh đạo hai nước bắt đầu thảo luận về khả năng đưa quan hệ hai nước lên mức cao hơn là đối tác chiến lược, mức thứ hai sau mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam hiện mới chỉ thiết lập với bốn quốc gia khác là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

RFA nhìn lại quan hệ Việt – Mỹ suốt 10 năm qua theo chín trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện được đưa ra trong tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước năm 2013.

1. Hợp tác chính trị và ngoại giao

Trụ cột hợp tác chính trị và ngoại giao giữa hai nước trước tiên bao gồm việc Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định "ủng hộ độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập quốc tế của Việt Nam", theo tuyên bố chung.

doitac1

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng ở Washington ngày 25/7/2013. Photo : AP

Tuyên bố chung cũng khẳng định hợp tác chính trị và ngoại giao bao gồm đối thoại cấp cao giữa Bộ trưởng Ngoại giao và các cơ quan đảng của hai nước, ủng hộ việc tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), hợp tác hạ nguồn sông Mekong, xây dựng các sứ quán và cơ quan đại diện ở hai nước.

Kể từ năm 2000, sau chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam, các Tổng thống Mỹ khác bao gồm George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều lần lượt đến Việt Nam. Trong đó, ba chuyến thăm của Tổng thống Obama và Trump diễn ra sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Việt Nam đầu tiên đến Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam là Phan Văn Khải vào năm 2005. Sau đó, các thủ tướng khác của Việt Nam cũng đến Mỹ.

Đặc biệt quan trọng là chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đến Mỹ kể từ sau cuộc chiến Việt Nam, cho thấy sự nhìn nhận của Mỹ với chế độ chính trị do Đảng cộng sản lãnh đạo tại Việt Nam.

Giới chức hai nước hiện cũng đang thảo luận về các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ trong năm nay.

Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm. Tại cuộc điện đàm này hai bên đã gửi và chấp nhận lời mời đến thăm lẫn nhau. Theo truyền thông Nhà nước, hai vị lãnh đạo cũng đồng ý sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước.

Nói về khả năng diễn ra các chuyến thăm cấp cao này, chuyên gia về an ninh và quan hệ quốc tế, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết.

Carl Thayer : Theo tôi kịch bản vào lúc này là ông Nguyễn Phú Trọng có kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 7. Không có các chuyến thăm cấp cao, theo tôi sẽ không có quan hệ đối tác chiến lược. Một trong những cái giá mà Mỹ phải chấp nhận là chấp nhận vai trò của ông Tổng bí thư trong hệ thống chính trị. Về cuối năm có Thượng đỉnh ASEAN và các cuộc gặp đa phương cấp cao ở Ấn Độ và ở Indonesia. Tổng thống Biden sẽ tham dự. Tôi nghĩ là vào tháng 9 (thường là vào tháng 11 nhưng giờ họ chuyển lên sớm hơn). Đó có thể là cơ hội cho ông ấy đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thăm Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, dù là nước không tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở vùng biển này, nhưng Hoa Kỳ vẫn khẳng định tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này và đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng ở trong khu vực.

Vào ngày 15/4/2023, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã dự lễ khởi công Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ đô la và được coi là một trong những đại sứ quán đắt nhất của Mỹ trên thế giới.

doitac2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự lễ khởi công Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 15/4/2023. Photo : AP

Chính trị cũng được coi là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin giữa hai nước khi cân nhắc việc đưa mối quan hệ lên một cấp mới. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia về Khoa học Chính trị, nghiên cứu viên tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc nhận định.

Nguyễn Hồng Hải : Nếu hai nước nâng cấp lên quan hệ chiến lược thì tôi cho rằng cái vấn đề về chính trị đầu tiên vẫn phải là cái đầu tiên. Chính trị ở đây thể hiện ở lòng tin và tôi luôn nhấn mạnh một điều là lòng tin luôn là yếu tố quan trọng và quyết định trong quan hệ việt Mỹ.

2. Quan hệ kinh tế và thương mại

Mặc dù đứng thứ hai trong thứ tự chín trụ cột trong tuyên bố chung hai nước, trụ cột quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Việt Nam theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế là thành công nhất. Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng qua các năm.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 1995 khi mới bình thường hóa là 450 triệu đô la. Con số này vào năm 2013 là 29,69 tỷ đô la. Vào năm 2022, kim ngạch song phương đạt 138,92 tỷ đô la, tức tăng hơn 100 tỷ đô la so với giai đoạn cách đây 10 năm.

doitac3

Khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Mỹ và 11 quốc gia khác bao gồm Việt nam đang thảo luận để đạt được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ngay trong tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 2013, lãnh đạo hai nước cũng "tái khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện và tiêu chuẩn cao vào thời điểm sớm nhất có thể".

Lãnh đạo hai nước hy vọng : "TPP của thế kỷ 21 sẽ tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy các mục tiêu phát triển và giúp tạo việc làm ở Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước thành viên TPP khác". Hiệp định được ký kết vào năm 2016.

Tuy nhiên, vào năm 2017, sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định này vì cho rằng đây là một "thảm họa tiềm tàng", sẽ khiến nhiều người Mỹ mất việc.

Trong 10 năm là đối tác toàn diện, quan hệ kinh tế thương mại hai nước cũng gặp phải những gập ghềnh khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Hà Nội thao túng tiền tệ nhằm thu lợi xuất khẩu. Vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ.

doitac4

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã phàn nàn với Hà Nội về tình trạng nhập siêu của Mỹ với Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ nguồn chính phủ Mỹ, nhập siêu của Mỹ từ Việt Nam liên tục tăng theo các năm.

Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 24,65 tỷ đô la trong khi nhập khẩu từ Mỹ là 5,04 tỷ đô la, tương đương mức nhập siêu của Mỹ từ Việt Nam là 19,61 tỷ đô la. Vào năm 2020 khi Mỹ mở cuộc điều tra thao túng tiền tệ đối với Việt Nam, mức nhập siêu của Mỹ từ Việt Nam đã lên 69,62 tỷ đô la.

Nói về tầm quan trọng của trụ cột quan hệ kinh tế, thương mại khi hai nước trở thành đối tác chiến lược, Giáo sư Carl Thayer nhận định.

Carl Thayer : Việt Nam cần tiếp cận thị trường Mỹ. Họ có thặng dư thương mại và họ không muốn điều đó bị phá hỏng.

3. Hợp tác khoa học và công nghệ

Trong lĩnh vực hợp tác khoa học và công nghệ, lãnh đạo hai nước trong bản tuyên bố chung đã đề cập đến việc tăng cường hợp tác song phương, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên sự sáng tạo.

Việt Nam là một nước ưu tiên trong các sáng kiến về biến đổi khí hậu của Tổng thống Obama, theo thông tin từ Cơ quan Phát triển và Quốc tế Hoa Kỳ.

Vào tháng 1/2014, chỉ vài tháng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong một dự án rừng và đồng bằng ở vùng đồng bằng sông Hồng trị giá 26 triệu đô la.

doitac5

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry (trái) gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tại Hà Nội ngày 5/9/2022. Photo : AFP

"Dự án này giúp thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ thông qua việc tập trung hỗ trợ nhiều cho vùng đồng bằng sông Hồng để giúp các cộng đồng người dân Việt Nam đảo ngược suy thoái môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu". - Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại buổi lễ khởi động dự án.

Mỹ cũng nằm trong số các quốc gia công nghiệp phát triển hồi cuối năm ngoái đã cam kết huy động 15,5 tỷ đô la giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu than sang các nhiên liệu khác thân thiện với môi trường.

4. Hợp tác giáo dục

Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia phát triển được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn là nơi du học. Số lượng du học sinh Việt Nam sang Mỹ du học liên tục tăng trong các năm từ năm 2000 đến nay.

doitac6

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP Hồ Chí Minh. Photo : AP

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, trong niên học 2000 – 2001, số du học sinh Việt Nam vào Mỹ là 2.022. Con số này đã tăng lên 16.579 vào niên học 2013 – 2014 sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Niên học 2018 – 2019 có số du học sinh Việt Nam tại Mỹ cao nhất là 24.392. Các niên học sau đó, số du học sinh giảm bớt do ảnh hưởng của giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021. Số du học sinh Việt Nam tại Mỹ trong niên học 2021-2022 là 20.713.

doitac7

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước đã đề cập đến việc thành lập trường Đại học Fulbright ở Việt Nam và điều này đã thành hiện thực khi Đại học Fulbright Việt Nam do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ được chính thức thành lập vào tháng 5/2016 nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam.

5. Môi trường và y tế

Về môi trường, Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, quản lý rừng và đa dạng sinh học, nạn ô nhiễm môi trường, và chuẩn bị ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Các dự án này được thực hiện qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Theo thống kê của USAID, từ năm 2019 đến nay, Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam 202,95 triệu đô la cho các dự án về môi trường.

doitac8

Hoa Kỳ cũng cam kết tài trợ cho Việt Nam trong các dự án về y tế, đặc biệt trong công tác phòng, chống HIV/AID, lao phổi, và Covid-19.

Mỹ cam kết tài trợ cho Việt Nam 230,6 triệu đô la trong lĩnh vực y tế từ năm 2018 đến nay, theo số liệu của USAID.

Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng, chống Covid-19, Hoa Kỳ đã tặng Việt Nam hơn 40 triệu liều vắc-xin và tài trợ 27,28 triệu đô la dùng cho việc trang bị phòng thí nghiệm, hỗ trợ các chuyên gia trong công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế…

doitac9

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) ở Hà Nội, nơi vừa nhận 270.000 liều vắc xin Pfizer sáng ngày 26/8/2021. Photo : AP

Hoa Kỳ hiện cũng là quốc gia đóng góp nhiều nhất qua quỹ COVAX về vắc-xin ngừa Covid-19 của WHO nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình bao gồm Việt Nam.

6. Hậu quả chiến tranh

"Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí rằng việc tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh làm sâu sắc sự tin cậy lẫn nhau, cho phép hai nước phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai". - tuyên bố chung hai nước vào năm 2013 mở đầu trong phần hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.

Trong cột trụ này, hai nước cam kết hợp tác trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh ; rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và giúp đỡ những nạn nhân của bom mìn ; làm sạch các điểm nóng nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Kể từ năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã hợp tác cùng nhau để khắc phục các hậu quả chiến tranh với các chương trình xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật và tháo dỡ bom mìn chưa nổ.

doitac10

Theo số liệu của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,31% tổng diện tích cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2000 đến 2022, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 202,95 triệu đô la trong công tác dò phá bom mìn.

Từ năm 1988 đến nay, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng phối hợp tìm kiếm hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Theo thông tin  từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2023, đã có tổng cộng 733 bộ hài cốt người Mỹ tại Việt Nam đã được xác định. Hiện vẫn còn 1.240 trường hợp người Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam trong chiến tranh.

doitac11

Một xe ngựa chở quan tài chứa hài cốt của bốn người lính Mỹ đã mất tích trong Chiến tranh Việt Nam đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Virginia, Hoa kỳ ngày 17/6/2015. Photo : AP

Vào tháng 7/2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) đã ký bản ghi nhớ ý định để Mỹ hỗ trợ phân tích DNA nhằm xác định danh tính hài cốt của hơn 200.000 quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Theo bản ghi nhớ, USAID sẽ phối hợp với VNOSMP để tài trợ một dự án mới kéo dài từ ba đến năm năm với ngân sách 2,4 triệu đô la. Đây là một phần trong nỗ lực của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Liên quan đến việc giải quyết hậu quả chất độc da cam, theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ , từ năm 2007 đến năm 2021, Quốc hội Mỹ đã duyệt gần 390 triệu đô la giúp Việt Nam trong lĩnh vực làm sạch môi trường và chăm sóc sức khoẻ cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.

doitac12

Trong tuyên bố chung năm 2013, lãnh đạo hai nước đề cập đến hai điểm nóng nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam là sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hoà. Tại thời điểm đó, công tác làm sạch chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng mới được khởi động. Đến tháng 11/2018, việc làm sạch chất độc da cam ở Đà Nẵng hoàn tất với tổng chi phí là 116 triệu đô la.

Vào tháng 5/2018, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, điểm nóng dioxit lớn thứ hai ở Việt Nam. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa được khởi công vào tháng 4/2019 và dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp 163,25 triệu đô la trong tổng số 300 triệu đô la dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này.

7. Quốc phòng và an ninh

Hợp tác về quốc phòng và an ninh được lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục hợp tác và thực hiện các đối thoại về chính sách quốc phòng và đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng.

Vào ngày 30/3 vừa qua, tại Washington DC, hai nước đã tổ chức đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 12. Tại đối thoại lần này, phía Việt Nam khẳng định luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong khi phía Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải Đại học Queensland, Úc, trụ cột quốc phòng và an ninh cùng với trụ cột kinh tế thương mại là hai trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ hai nước, đặc biệt vào khi hai nước đang cân nhắc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược.

Nguyễn Hồng Hải : Nếu được sắp xếp thứ tự ưu tiên, các trụ cột tiếp theo trong quan hệ chiến lược việt mỹ thì kinh tế thương mại là trụ cột tiếp theo, rồi vấn đề an ninh quốc phòng. Đây là hai vấn đề tôi nghĩ là hai trụ cột quan trọng trong quan hệ việt mỹ đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới ngày càng có những biến động phức tạp, rõ ràng là vn đang chịu một áp lực rất lớn về an ninh chủ quyền ở mọi khía cạnh. Chính vì thế mà an ninh quốc phòng rất quan trọng với Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ : "quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục được mở rộng và hai nước có tầm nhìn chung về tương lai của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".

Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đến cảng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Vào tháng 9/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đến thăm Đà Nẵng năm ngày.

doitac13

Tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, Việt Nam, trong chuyến thăm cảng theo lịch trình, ngày 5/3/2018. Photo : Defense.gov

Vào tháng 7 năm ngoái, tàu sân USS Ronald Reagan dự kiến đến Việt Nam nhưng chuyến thăm đã đột ngột bị hủy bỏ vào khi có những căng thẳng ở Biển Đông.

Từ ngày 25 đến 30/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã ghé thăm Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay thứ ba của Mỹ đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc xuất khẩu vĩnh viễn các thiết bị quốc phòng trị giá 32,3 triệu USD với Việt Nam thông qua chương trình Giao dịch Thương mại Trực tiếp (DCS).

Cũng trong các năm này, ba hạng mục trong chương trình DCS được xuất khẩu nhiều nhất là : hệ thống điều khiển hỏa lực, laser, hình ảnh và thiết bị dẫn đường (USML hạng mục XII) ; thiết bị điện tử quân sự (hạng mục XI) ; súng và các thiết bị liên quan (hạng mục I). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động trị giá hơn 162 triệu USD trong Giao dịch Quân sự Nước ngoài với Việt Nam.

Trong các tài khóa 2017 đến 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh song phương trị giá khoảng 60 triệu USD do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF), và hơn 20 triệu USD qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) thuộc chương trình FMF khu vực của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng từ chương trình FMF, Việt Nam tiếp nhận thêm 81,5 triệu USD trong tài khóa 2018 để hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chương trình FMF chủ yếu hỗ trợ an ninh biển cho Việt Nam và xây dựng năng lực biển của Việt Nam.

doitac14

Để hỗ trợ xây dựng năng lực biển cho Việt Nam, Mỹ đã chuyển giao ba tàu tuần tra loại biên cho Việt Nam. Hồi tháng 12 năm 2021, Chính phủ Mỹ thông báo đồng ý bán cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện T - 6 Texan. Dự kiến 5 - 6 chiếc sẽ được bàn giao vào năm 2024 và số còn lại bàn giao vào năm 2027.

Từ năm 2018 đến 2019, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam 18 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark.

Hãng tin Reuters trích thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng 4/2019 nhân lễ bàn giao sáu xuồng tuần tra cho Việt Nam cho biết : "Việc chuyển giao các xuồng tuần tra này thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu rộng của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Mặc dù vậy, cho đến lúc này, Việt Nam vẫn chưa mua các vũ khí được cho là có tính răn đe và chiến lược từ Mỹ dù Hoa Kỳ đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016. Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói.

Giáo sư Carl Thayer : Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí. Khi mua vũ khí bạn phải nhìn vào chi phí và sự phù hợp. Vũ khí của Mỹ dường như là có giá cao hơn. Đã có những nhà bán vũ khí Mỹ tìm đến Việt Nam. Quốc hội việt Nam đang xem xét dự luật cho phép các tập đoàn tư nhân ký hợp đồng với các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài. Khi bạn hỏi về một loạt các vũ khí, công nghệ và hệ thống bao gồm các hạng mục lớn như máy bay và tàu chiến thì tôi nghĩ là chỉ có loại thấp hơn. Việt Nam lo ngại, và đây là vấn đề lòng tin, rằng bất cứ hợp đồng nào được ký cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề quan ngại về nhân quyền và sự can thiệp từ quốc hội Mỹ.

doitac15

Lễ bàn giao sáu xuồng Metal Shark của Hoa Kỳ cho Cảnh sát biển Việt Nam ngày 22/5/2017. Photo : Ảnh do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cung cấp

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cân nhắc vấn đề tích hợp hệ thống khi phần lớn vũ khí mà Việt Nam mua từ trước tới nay là từ Liên Xô cũ và Nga. Hiện Nga là nước cung cấp đến 80% nhu cầu vũ khí cho Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, cái Việt Nam cần nhiều hơn từ Mỹ chính là công nghệ quốc phòng.

Nguyễn Hồng Hải : Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam cần nhiều hơn là công nghệ vũ khí, hơn là vũ khí. Việt Nam đang muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng tức là Việt Nam muốn có công nghệ sản xuất vũ khí để tự chủ được về vũ khí, hơn là phụ thuộc vào Nga hay Mỹ hay bất cứ nước nào. Trong thời gian qua, trong quan hệ quốc phòng Việt nam và Mỹ, điều mà Việt Nam mong muốn nhiều hơn đó chính là có được những công nghệ quốc phòng từ phía Mỹ.

Hiện Việt Nam đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh - một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

8. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Vào tháng 10/2014, chỉ khoảng một năm sau khi lãnh đạo hai nước cựu thù bắt tay đồng ý nâng quan hệ hai nước lên đối tác toàn diện, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (người còn được biết đến là blogger Điếu Cày), được chuyển thẳng từ nhà tù nơi ông đang thi hành bản án tù 12 năm với cáo buộc "Tuyên truyền chống chính phủ" sang Mỹ. Việc trả tự do cho blogger Điếu Cày nhưng bắt ông phải sang Mỹ là một trong các thỏa thuận về các tù nhân lương tâm giữa Mỹ và Việt Nam trong các năm qua.

Chỉ trong giai đoạn từ năm 2013 đến cuối tháng 6/2023, Mỹ đã tiếp nhận tổng cộng bảy tù nhân lương tâm Việt Nam bị chuyển trực tiếp từ nhà tù sang Mỹ.

US-VIETNAM-RIGHTS-DISSIDENT

Nhận định về vấn đề nhân quyền Việt Nam vào thời điểm Mỹ - Việt Nam nâng cấp quan hệ vào năm 2013, nhà báo Nguyễn Văn Hải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo tự do Việt Nam – nói :

Nguyễn Văn Hải : Thời điểm tôi ra tù là thời điểm rất là tốt trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài việc là hai bên trao đổi với nhau về vấn đề nhân quyền thì năm đó có nhiều người được ra tù. Tình hình nhân quyền của Việt Nam vào thời điểm đó khá là sáng sủa. Trong thời điểm đó Việt Nam đang vận động để được Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí và được tham gia vào Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Khoảng thời gian Việt Nam trả tự do cho nhà báo Nguyễn Văn Hải, một số các nhà hoạt động khác ở Việt Nam cũng được trả tự do như Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định. Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 5/2015, vào tháng 9 cùng năm, Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần và đẩy bà sang Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, tình hình nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ như nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Nguyễn Văn Hải : Việc Mỹ rút khỏi TPP cùng với một làn sóng thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam. Vào thời điểm sau khi TPP mất đi thì những năm gần đây tình hình nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ, sự đàn áp gia tăng rất nhiều. Nhiều người thất vọng về tình hình nhân quyền trong mấy năm gần đây. Giới đấu tranh chịu một sự đàn áp rất khốc liệt.

Các số liệu thống kê được các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho thấy, Hà Nội đang giam giữ ít nhất 150 tù chính trị. Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định không có tù chính trị và chỉ có những người vi phạm pháp luật bị bắt giam.

Theo số liệu thống kê do RFA tổng hợp, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 32 người hoạt động trong các lĩnh vực quyền đất đai, môi trường, nhân quyền, nhà báo và luật sư. Theo Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, Hà Nội đã rất "toan tính" về vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt - Mỹ.

VIETNAM-POLICE-PROTEST-LAND

Phiên sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra hôm 9/9/2020. Photo : AFP

Giáo sư Carl Thayer : Việt Nam rất giỏi trong việc tính toán chơi trò chơi này. Họ chỉ làm đủ để thoả mãn phía Mỹ và cho thấy là dường như có tiến bộ. Việt Nam không muốn cho thấy là họ lùi bước hay chịu nhượng bộ trước các sức ép. Vì điều này sẽ dỡ bỏ những ngăn chặn mà họ muốn có trong nước được thể hiện qua việc bắt giữ các nhà hoạt động.

Nói về sức ép về nhân quyền từ phía Mỹ lên Việt Nam khi hai nước cân nhắc nâng quan hệ đối tác thành chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải thuộc Đại học Queensland, Úc nhận định.

Nguyễn Hồng Hải : Vấn đề nhân quyền luôn được đặt ra trong quan hệ giữa mỹ và các nước vì nhân quyền là trụ cột trong quan hệ đối ngoại của mỹ rồi. Chính vì thế, đối với các nước như Việt Nam khi quan hệ với Mỹ thì không nên ảo tưởng là mỹ sẽ từ bỏ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, tôi phải nói là đối với vấn đề nhân quyền, bản thân các chính quyền Mỹ sẽ có các ưu tiên khác nhau tùy theo lợi ích chiến lược của Mỹ.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải thì cho rằng Mỹ nên gây sức ép mạnh mẽ hơn lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thay vì tìm cách lôi kéo Việt Nam trong các vấn đề địa chính trị vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Nguyễn Văn Hải : Tôi nghĩ Mỹ cần phải cương quyết hơn trong một số vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong khi tình hình địa chính trị quốc tế như vậy thì Mỹ vẫn đặt mục tiêu lớn hơn là lôi kéo, vận động để có liên minh địa chính trị lớn hơn, bàn cờ lớn hơn cho nên vấn đề nhân quyền đôi khi nó được đặt xuống thấp hơn mục tiêu chung của chính quyền Mỹ.

9. Văn hóa, du lịch và thể thao

Trụ cột cuối cùng trong quan hệ Mỹ - Việt Nam trong suốt 10 năm qua là quan hệ văn hóa, du lịch và thể thao.

Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước vào năm 2013 khẳng định : "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tăng cường giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận những thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ và sự đóng góp quan trọng của họ đối với quan hệ song phương".

Lãnh đạo hai nước khuyến khích giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sự kiện văn hóa, thể thao…

Trong khuôn khổ giao lưu nhân dân, vào tháng 5/2016 nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, hai nước đã ký văn bản cho phép Peace Corps (Tổ chức Hòa bình) tới Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

doitac17

"Đây là bước tiến tiếp theo để xây dựng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ ký kết.

Chương trình Hòa Bình là cơ quan độc lập thuộc ngành hành pháp của Chính phủ Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm vận hành chương trình tình nguyện nhằm hỗ trợ chính phủ các nước sở tại trong công tác thực thi các ưu tiên phát triển.

Chương trình được Tổng thống John F. Kennedy sáng lập vào năm 1961 và đến nay đã có hơn 240.000 tình nguyện viên là công dân Hoa Kỳ, phục vụ tại trên 142 quốc gia. Việt Nam là quốc gia thứ 143, theo lời mời và đối tác với Chương trình Hòa Bình.

Vào tháng 10 năm ngoái, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết mười tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa Bình (Mỹ) đã tới Việt Nam với nhiệm vụ tham gia giảng dạy tiếng Anh tại các trường trung học phổ thông.

Trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019, Mỹ là một trong năm thị trường gửi khách du lịch đông nhất tới Việt Nam.

Việt Nam và Mỹ đã thiết lập đường bay thẳng từ tháng 11/2021, kết nối các thành phố lớn, trọng điểm của du lịch hai nước là Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, vào năm 2000, lượng khách du lịch Mỹ tới Việt Nam là khoảng 95 ngàn người. Con số này vào năm 2013 đã tăng lên hơn 431 ngàn người. Vào năm 2019, tức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số du khách Mỹ tới Việt Nam đã tăng lên hơn 746 ngàn người.

Khả năng nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược

Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về khả năng nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn là đối tác chiến lược. Điều này đã được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đề cập trong chuyến thăm của bà tới Hà Nội vào tháng 8/2021.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 năm nay, hai bên cũng đề cập đến việc thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước, theo thông tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải thuộc Đại học Queensland, Úc, quan hệ hai nước về thực chất đã là đối tác chiến lược.

Nguyễn Hồng Hải : Nhìn vào mối quan hệ việt mỹ trong vòng gần 30 năm qua từ năm 1995 trở lại đây thì tôi thấy…. vì cả hai nước đã nâng cấp lên thành đối tác toàn diện rồi. Đối tác toàn diện có nghĩa là sự hợp tác mang tính toàn diện hơn mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng vân vân. Tôi nghĩ rằng các khía cạnh đều phát triển tốt và cả hai bên đều thấy điều đó.

Việc Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược được cho là cũng chịu những ảnh hưởng nhất định từ nhân tố Trung Quốc, nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, đây không phải là yếu tố then chốt trong quyết định của Hà Nội muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Nguyễn Hồng Hải : Quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc Việt Nam chứ không phải do phía Trung Quốc quyết định. Đó là điều khi đánh giá quan hệ Trung Quốc – Việt Nam chúng ta phải thấy được, tức là có xem xét đến yếu tố Trung Quốc nhưng đó là vì lợi ích của Việt Nam chứ không phải là để Trung Quốc quyết định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ là yếu tố quan trọng trong việc hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên một mức mới, bao gồm việc Mỹ nhìn nhận độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào việc nội bộ của Việt Nam, trong đó có vấn đề về nhân quyền.

Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong năm nay được đánh giá là quan trọng trong việc đặt tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ hai nước. Mặc dù vậy, vẫn còn những băn khoăn về việc hai nhà lãnh đạo hai nước sẽ có các chuyến thăm lẫn nhau vào khi vẫn còn dịch bệnh Covid-19, vấn đề sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (79 tuổi) khi ông đã từng phải hủy bỏ chuyến thăm Mỹ vào năm 2019 vì vấn đề sức khỏe.

Nguồn : RFA, 20/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Nguyễn Hồng Hải, Carl Thayer
Read 227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)