Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/09/2023

Sau ‘chiến lược toàn diện’, Mỹ - Việt sẽ ‘xoay trục’ cùng khu vực ?

Trần Đông A

Sau khi "Đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) Việt – Mỹ sẽ được tuyên bố bởi Tổng thống Joe Biden và Ban lãnh đạo Ba Đình vào ngày 11/9, tương lai liệu Việt Nam sẽ có những bước hội nhập sâu rộng hơn với Mỹ và các nước trong khu vực ?

biden2

Với việc Việt Nam gần như trong cùng một thời điểm, sẽ lần lượt nâng cấp CSP với Mỹ và Nhật Bản, biết đâu một JAVIUS (Nhật – Việt – Mỹ) sẽ chào đời sau JAMOUS (Nhật – Mông – Mỹ).

Các bước đi đều giống nhau

Việt Nam sẽ còn được nhắc tới dài dài bởi truyền thông trong và ngoài nước, nhờ chuyến thăm vào ngày 10 và 11/09/2023 của Tổng thống Joe Biden. Mỹ và Việt Nam nâng quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) đã trở thành bí mật công khai cả tháng nay. Bước ngoặt này nhìn bề ngoài có vẻ bất ngờ, nhưng thực chất đó là quyết định được đôi bên tính toán kỹ lưỡng. Đối với chủ nhà, CSP là "toa thuốc" nặng đô cho con bệnh và cả chủ lẫn khách sẽ phải lưu tâm đến những "phản ứng phụ" của thuốc. Kỳ vọng ở đây là "con bệnh" sẽ nhanh chóng phục hồi tình trạng sức khỏe trước "thời tiết chính trị" khắc nghiệt trong vùng. Dư luận vẫn hoài khi về khả năng "lại sức nhanh" của Việt Nam sau CSP. Tuy nhiên, nếu so bước đi này của Hà Nội cùng với những động thái tương tự mới đây từ Mông Cổ và Ấn Độ, từ Philippines và Australia thì có thể thấy, các nước đều hành động không khác gì nhau (1). Đặc biệt, Việt Nam, Mông Cổ và Ấn Độ đều có chung một hoàn cảnh, dù giữa họ vẫn có nhiều khác biệt. Đặc điểm chung ấy là tất cả đều có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, trước đây cả ba đều chọn đồng minh là Liên Xô. Nhưng từ khi đế chế Xô Viết sụp đổ, nhiều lúc họ tỏ ra chơi vơi.

Ngày 2/8/2023, Mông Cổ đã kỷ niệm 5 năm việc nâng cấp "Quan hệ đối tác chiến lược" (SP) với Hoa Kỳ. "SP Mỹ – Mông" tập trung vào hợp tác kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và tăng cường hợp tác an ninh. Hai bên ghi nhận sự tiến bộ trong quan hệ Mỹ – Mông kể từ tuyên bố về quan hệ "Đối tác chiến lược" giữa hai nước vào năm 2019. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy và tăng cường quan hệ song phương. Mối quan hệ giữa hai nước đang ở thời điểm bền chặt nhất và đã phát triển trên cơ sở các nguyên tắc chung, tôn trọng quản trị tốt, chủ quyền, pháp quyền và nhân quyền, cũng như chính sách "Láng giềng thứ ba của Mông Cổ" (2). Cùng thời điểm ấy, Nhật Bản cũng triển khai một kế hoạch hợp tác an ninh với Mông Cổ. Trả lời câu hỏi của RFA về việc kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Mông Cổ của Nhật Bản có liên quan đến quan hệ Mỹ – Mông hay không, Tiến sĩ Nagao Satoru từ Hudson Institute khẳng định, Nhật Bản và Hoa Kỳ có chung lợi ích trong nhiều mặt, trong đó có việc viện trợ cho Mông Cổ, do đó các bước đi này đều có liên quan với nhau (3). Phải chăng một liên minh tay ba Nhật – Mông Cổ – Mỹ (JAMOUS) sẽ sớm chào đời ? Tương tự như Mông Cổ, Việt Nam cũng là láng giềng của Trung Quốc, sắp sửa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và cũng được Nhật Bản đưa vào nhóm sáu nước nhận Viện trợ An ninh Chính thức năm 2024. Kế hoạch cung cấp viện trợ này vào khoảng 5 tỷ yen (34,1 triệu USD) cho 6 quốc gia "có cùng chí hướng". Khoản viện trợ này tăng gấp đôi số tiền dành cho 4 quốc gia trong năm tài chính hiện tại, nhằm tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc, tờ Asahi dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 28/8 (4).

Ngày 8/9/2023, Philippines và Australia cũng đã ký thỏa thuận nâng quan hệ giữa hai nước lên mức "Đối tác chiến lược" (SP). "SP Úc – Phi" được hoàn tất sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Manila. Chuyến thăm của Thủ tướng Albanese, đánh dấu cuộc đàm phán song phương đầu tiên với Thủ tướng Australia tại Manila sau 20 năm, nối tiếp một loạt chuyến đi của các thành viên cấp cao trong chính phủ của ông tới quốc đảo này kể từ khi Marcos nhậm chức vào năm 2022. Căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan và tình hình trên Biển Đông đã thúc đẩy Canberra và Washington tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh lâu đời Manila. Bước vào đàm phán, Marcos cảm ơn Albanese vì "sự ủng hộ mạnh mẽ" của ông dành cho Philippines khi nước này tìm cách chống lại các yêu sách hàng hải "không có giá trị" (ám chỉ Trung Quốc một cách kín đáo). Marcos nói với Albanese : "Có những những đối tác như các bạn, đặc biệt là về chủ đề đó, là điều rất hài lòng và khuyến khích chúng tôi tiếp tục đi theo con đường đó" (5). Tuyệt vời là diễn ngôn phiếm chỉ. Không đề cập cụ thể, kẻ nào đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Không nói ra những ai cũng hiểu, cùng hiểu nhưng không tuyên bố công khai !

"Hòa nhi bất đồng" trong đa phương hóa

Vẫn từ Viện nghiên cứu Hudson Tiến sĩ Nagao đã chỉ ra, trong bối cảnh những biến động khó lường hiện nay, cả ba nước này đã tiến hành các bước vận động ngoại giao rất thận trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn. Cả Việt Nam, Mông Cổ lẫn Ấn Độ đều hợp tác cùng lúc với Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của Mỹ bằng nhiều phương thức khác nhau. "Hòa nhi bất đồng". Ba nước đề cao hợp tác nhưng vẫn giữ những khác biệt về tư duy và văn hóa chính trị. Cả ba nước này đều mong muốn tuy có quan ngại nhất định về hợp tác quân sự với Mỹ, vì một sự hợp tác như thế có thể khiến Trung Quốc phản ứng. Đương nhiên, mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác chậm mà chắc này chính là hội nhập mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn với các nước lâu nay đứng về phía Mỹ. Trong tình hình hiện nay, nếu có một quốc gia nào có thể giành chiến thắng khi bị Trung Quốc xâm lược thì đó chính là Mỹ và các đồng minh. Vị chuyên gia về an ninh quốc tế từ Hudson Institute nhận xét rằng, vì Mỹ có thể thắng nên Mỹ và các đồng minh có thể răn đe Trung Quốc, do đó, cả Mông Cổ, Việt Nam lẫn Ấn Độ muốn răn đe Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh từ xa, họ sẽ phải tăng cường hợp tác với Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, sau khi Nga Xô sụp đổ, ba nước nói trên cũng đối mặt với một số vấn đề nan giải. Tiến sĩ Nagao phân thích hai nghịch lý cơ bản mà họ phải giải quyết. Vấn đề nan giải thứ nhất là vừa không gây xung đột với Trung Quốc, vừa phải né tránh sự cản trở của Trung Quốc không muốn họ tăng cường hợp tác với các đối tác mới. Khi họ hợp tác với các đối tác mới, những sự hợp tác này có thể đẩy Trung Quốc đi quá xa, làm tăng khả năng Trung Quốc gây hấn với ba nước này. Khi Ấn Độ ký kết hợp tác thương mại chính thức với Đài Loan năm 2019 thì sau đó Trung Quốc đã phát động một cuộc xung đột biên giới nhỏ với Ấn Độ. Vấn đề nan giải thứ hai liên quan đến Mỹ. Bởi vì mối quan hệ của cả Việt Nam, Ấn Độ và Mông Cổ với Mỹ trước đây không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt" nên họ ngần ngại trở thành đồng minh chính thức của Mỹ. Nhưng nếu họ không phải là đồng minh chính thức của Mỹ thì không có đảm bảo pháp lý nào để Mỹ có thể giúp họ tự vệ (6).

Đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Hà Nội và Washington đã phải nỗ lực gấp đôi so với "các nước đồng chí hướng" khác. Bởi vì, người dân Việt Nam còn phải "gánh chịu" thêm một nghịch lý thứ ba nữa mà cả Ấn Độ, Mông Cổ lẫn Philippines không hề phải trải qua. Mà "cái tròng thứ ba" này trong bang giao Trung – Việt mới thật là nan giải. Đó chính là "Mối tình hữu nghị Việt – Hoa / Vừa là đồng chí vừa là anh em". Trong một gia đình, nếu bạn lấy anh em ra làm "đối tác", thậm chí ở đây nhiều khi còn là "đối tượng", thì mối bang giao ấy sẽ bền vững đến mức nào, bạn có thể hình dung được không ? So với "lời nguyền địa lý" – một uyển ngữ để nhắc nhở "bóng đè" hàng ngàn năm Bắc thuộc – lời thề trung thành với ý thức hệ độc tài, toàn trị sẽ còn đeo bám bang giao Trung – Việt dài dài. Sự tiết lộ quý hiếm của Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh khi trao đổi với VOA : Theo thông tin từ hậu trường, để đi đến quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đã tranh luận rất nhiều. "Bộ Chính trị có sự đồng thuận rất là chắc chắn về nâng cấp quan hệ với Mỹ, nhưng vấn đề tranh cãi là nâng lên đến mức nào ? Trong các cuộc họp, Bộ Chính trị đã nâng lên đặt xuống hai phương án là "Đối tác chiến lược" và "Đối tác chiến lược toàn diện", ông Vinh nói và cho biết thêm, tin này rò rỉ ra trước khi ông Biden xác nhận Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ. Cho nên điều Cụ Biden nhắc đi nhắc lại là "khả tín" (7).

Sự gia tăng theo cấp số nhân về tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ song phương Mỹ – Việt được nhấn mạnh bởi sự hợp tác ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực như thương mại, an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, y tế và giáo dục cũng như tăng cường hội nhập khu vực, kết nối và khả năng phục hồi ở đồng bằng sông Mê Kông và sông Hồng. Việt Nam ngày càng được Washington coi là một thành viên quan trọng của ASEAN, với danh xưng "đối tác có cùng chí hướng" trong chiến lược "Ấn Độ Dương tự do và rộng mở" (FOIP) và trong "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Thái Dương vì sự thịnh vượng" (IPEF). Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ được thể hiện qua con số các chuyến thăm mà các thành viên cấp cao trong chính quyền Mỹ thực hiện bất chấp đại dịch, trong đó có chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken vào tháng 4/2023 và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tháng 7 năm 2023. Tới đây, "đỉnh của đỉnh" là chuyến thăm cấp Nhà nước Tổng thống Joseph Biden nhưng lại theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Các thỏa thuận công khai và bí mật (nếu có) ngày 11/9 tới sẽ làm rạng danh Chúa qua linh hứng giản dị từ Kinh Cựu ước "Một sợi dây bện ba tao thật khó đứt. Ở một mình dễ bị người khác áp đảo. Nhưng hai ba người chụm lại có thể chống cự thắng lợi !".

Sau Tuyên bố Trại David lịch sử, đã định hình một JACOUS (bộ ba Nhật – Hàn – Mỹ) (8). Với việc Việt Nam gần như trong cùng một thời điểm, sẽ lần lượt nâng cấp CSP với Mỹ và Nhật Bản, biết đâu một JAVIUS (Nhật – Việt – Mỹ) sẽ chào đời sau JAMOUS (Nhật – Mông – Mỹ). Mong lắm thay !

Trần Đông A

Nguồn : VOA, 09/09/2023

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-australia-sign-strategic-partnership-deal-09082023083618.html

(2) https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/08/02/joint-statement-on-the-strategic-third-neighbor-partnership-between-the-united-states-of-america-and-mongolia/

(3) https://www.hudson.org/foreign-policy/japan-india-partnership-satoru-nagao

(4) https://www.voatiengviet.com/a/7245801.html

(5) https://www.philstar.com/headlines/2023/09/08/2294780/philippines-australia-sign-strategic-partnership-deal

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-india-mongolia-turning-policy-to-deal-with-china-09062023162954.html

(7) https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-ha-noi-rat-can-nang-cap-quan-he-voi-my-/7258114.html

(8) https://www.reuters.com/world/us-south-korea-japan-agree-crisis-consultations-camp-david-summit-2023-08-18/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Đông A
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)