Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2023

Ai là đại diện chính thức của nước Việt Nam ?

Trường Sơn - Thu Hằng

Vì sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư chủ trì lễ đón tổng thống Mỹ ?

Trường Sơn, RFA, 11/09/2023

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam vào ngày 10 tháng 9. Đây là chuyến thăm mang tầm vóc rất lớn đối với cả hai quốc gia, bởi nhân dịp này hai nước đã chính thức nâng tầm mối quan hệ ngoại giao lên mức Chiến lược Toàn diện, cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam 

daidien1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tại lễ đón ở Hà Nội ngày 10/9/2023. AFP

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý đó là mặc dù chuyến thăm trên được thông báo ở cấp nhà nước, nhưng người chủ trì việc tiếp đón tổng thống Mỹ lại không phải là Chủ tịch nước – người trên danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam. Thay vào đó, người đứng ngang hàng với ông Joe Biden trên bục duyệt đội danh dự trước phủ chủ tịch chính lại là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Từ trước tới nay thì việc đón tiếp người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ mỗi khi tới thăm Việt Nam vẫn được thực hiện bởi Chủ tịch nước, để đảm bảo nguyên tắc của hiến pháp về vai trò của Chủ tịch nước, vốn là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. 

Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, vốn là một đảng chính trị do vậy trên danh nghĩa thì ông Trọng không có tư cách nguyên thủ quốc gia. Thế nên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng người đứng đầu đảng chứ không phải Chủ tịch nước, đứng ra chủ trì sự kiện cấp nhà nước này ? 

daidien2

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (phải) tại tiệc trưa ngày 11/9/2023. AFP

Dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nền chính trị Việt Nam

Trên thực tế thì đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, mới là bên chủ trì chuyến thăm của tống thống Hoa Kỳ tới Việt Nam. 

Hồi tháng 3 năm nay, chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm cấp cao với tổng thống Joe Biden, qua đây người đứng đầu Đảng cộng sản đã mời tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam. 

Sau đó, hồi tháng 7 vừa rồi, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, người đứng đầu bộ phận phụ trách lĩnh vực đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam, đã tới Hoa Kỳ. Đây là chuyến đi được cho là để chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống Biden tới Việt Nam. Và cũng chính ông này là người đã xuất hiện sân bay Nội Bài hôm 10 tháng 9 để nghênh đón tổng thống Mỹ. 

Việc các quan chức của Đảng tham gia trực tiếp và đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Việt Nam, theo giới chuyên gia, là dấu hiệu cho thấy sự kiểm soát "tuyệt đối" của Đảng đối với nền chính trị Việt Nam. 

Trao đổi với đài Á Châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, học giả khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho biết nhận định của ông : 

"Thực tế mà nói thì từ năm 2016, và đặc biệt là từ năm 2021 trở lại đây thì rõ ràng vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị là quá mạnh. Chúng ta nhìn vào thực tế trong bộ chính trị thì thấy việc phân quyền theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể không còn rõ ràng như trước nữa. Mà trên thực tế là vai trò lãnh đạo và vai trò hạt nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá rất là cao. Và gần như là có vai trò tuyệt đối trong hệ thống". 

Theo truyền thống, Đảng cộng sản Việt Nam theo đuổi mô hình lãnh đạo tập thể, biểu tượng là việc quyền lực được chia đều cho bốn quan chức cao nhất, hay còn gọi là tứ trụ gồm Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch nước. 

Tuy nhiên trong thập niên gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nổi lên là vị lãnh đạo nắm nhiều quyền lực nhất trong nhóm tứ trụ, bằng chứng rõ ràng nhất là việc ông đã nắm giữ vị trí đứng đầu đảng đến nhiệm kỳ thứ 3 mặc dù đã quá tuổi quy định. 

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và là người quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng sự kiện này còn đặt câu hỏi liệu đây có phải nỗ lực xây dựng di sản của vị Tổng bí thư, ông nói : 

"Diễn giải điều này một cách xa hơn thì có thể hỏi rằng liệu đây có phải là nỗ lực để lại di sản của ông Nguyễn Phú Trọng ? Thông qua sự kiện này ông ấy có thể tuyên bố rằng tôi không những đã tiêu diệt tham nhũng, mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi vì dù sao thì công chúng ở Việt Nam vẫn ủng hộ việc xích lại với Hoa Kỳ". 

Chiến thắng chung của Đảng cộng sản

Ở Việt Nam thì Hoa Kỳ bấy lâu nay vẫn được coi là nước lãnh đạo của thế giới phương tây, và chủ nghĩa tư bản. Vốn đối lập với mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

Đảng cộng sản cũng thường xuyên cảnh báo người dân về nguy cơ xảy ra diễn biến hòa bình hoặc cách mạng màu, mà nguyên nhân là sự can thiệp của nước ngoài thông qua điều mà nhà nước gọi là "chiêu bài dân chủ và nhân quyền". Không cần nêu đích danh nhưng ai cũng ngầm hiểu Hoa Kỳ là con ngáo ộp đằng sau mối hoạ mất chế độ ở Việt Nam. 

Với việc tổng thống Hoa Kỳ giờ đây đứng ngang hàng với Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam trong một sự kiện cấp nhà nước, hơn nữa, phía Mỹ lại cam kết tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam. Rõ ràng đây là một chiến thắng vang đội của chế độ hiện hành trong việc khẳng định tính chính danh của minh. 

Nhận định về khía cạnh này, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, cho biết quan điểm của ông : 

"Việc ông Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thì nó có hàm ý là Mỹ tôn trọng hoàn toàn thế chế chính trị của Việt Nam, và muốn hợp tác dựa trên mối quan hệ đấy, dựa trên niềm tin đấy giữa hai thể chế chính trị với nhau. 

Thứ hai là nó cũng cho thấy Mỹ nhìn nhận ra vài trò cốt cát của Đảng cộng sản trong việc đưa ra tất cả các quyết định chính sách, từ chính sách ngoại giao cho tới chính sách kinh tế. 

Tất nhiên đối với Việt Nam thì đây là một chiến thắng rất lớn về mặt chính trị vì nó cho thấy nước Mỹ thừa nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong nhà nước Việt Nam. Và họ không có vấn đề gì khi thừa nhận điều đó. Với Hà Nội thì đây là chiến thắng chính trị rất lớn". 

Trước đây, rào cản lớn nhất đối với Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn được cho là nằm ở vấn đề nhân quyền, khi Mỹ là nước luôn yêu cầu chính quyền Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền trong nước, và không ngại ngần chỉ trích những vụ bắt bớ và đàn áp giới bất đồng chính quyền. 

Tuy nhiên, ở lần thăm Việt Nam của tổng thống Biden, nhân quyền đã không còn là ưu tiên trong thứ tự các vấn đề bang giao giữa hai quốc gia nữa. Trên thực tế, trong bản tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước thì nhân quyền được đề cập áp chót, và một cách chung chung. 

Sự vắng bóng của chủ đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này đã được báo giới nêu ra trong buổi họp báo của tổng thống Biden tại Hà Nội, trước câu hỏi liệu Hoa Kỳ có đang bất chấp vấn đề nhân quyền để theo đuổi mục tiêu chiến lược, ông Biden cho biết đã nêu vấn đề này (nhân quyền) đối với những lãnh đạo Việt Nam mà ông gặp. 

Theo giáo sư Carlyle Thayer thì điều này sẽ giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết phục đội ngũ đảng viên của ông tin tưởng vào đường lối xích lại với Hoa Kỳ mà không phải lo lắng về an ninh chế độ : 

"Ông Trọng có thể nói với bất cứ ai trong hệ thống mà vẫn còn đang lo ngại và có thiên hướng tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để đối phó với áp lực thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa, rằng, từ nay có thể yên tâm. Hai nước đã giải quyết xong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản". 

daidien3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hội đàm cùng Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 11/9/2023. AFP

Không trái với nguyên tắc của Hiến pháp

Tuy đứng ra mời và chủ trì lễ đón tổng thống Hoa Kỳ, và cũng là người tuyên bố việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng theo các chuyên gia thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không làm trái với nguyên tắc của hiến pháp. 

Lý do là vì Hoa Kỳ và Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra tuyên bố chính trị, vốn không có ràng buộc pháp lý. 

Nói thêm về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho hay : 

"Việc tuyên bố này không phải là một hiệp ước, nó chỉ là một tuyên bố, nên tính ràng buộc không cao. Cho nên kể cả việc ông Tổng bí thư, tức là người thực chất là lãnh đạo Việt Nam, bắt tay với tổng thống Mỹ, người thực chất là lãnh đạo của Mỹ, thì việc đó về mặt nguyên tắc không có vấn đề gì cả. Hai bên ngầm hiểu với nhau ai là người nắm quyền lực thực tế của cả hai nước, và họ bắt tay với nhau là vì điều đó".

Đồng tình với ý kiến trên, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký bất cứ hiệp định nào, mà mới chỉ đưa ra tuyên bố không ràng buộc, nên việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng ra tiếp đón tổng thống Mỹ là không có vấn đề gì. 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 11/09/2023

*************************

Một mình tiếp tổng thống Mỹ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam

Thu Hằng, RFI, 11/09/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Việt Nam theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Chính ông Trọng là người chủ trì lễ đón chính thức nguyên thủ Mỹ, thay vì theo nghi thức ngoại giao, phải là chủ tịch nước Việt Nam, sau đó, ông dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đàm phán với nguyên thủ Hoa Kỳ, rồi họp báo chung với tổng thống Mỹ và ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện".

daidien4

Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chỉ xuất hiện với vai trò chủ trì tiệc chiêu đãi nguyên thủ Mỹ tối 10/09/2023. 

Tổng thống Mỹ công du Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng 

Báo chí Việt Nam cũng như các nhà lãnh đạo ngoại giao của hai nước đều nhấn mạnh đến vai trò của tổng bí thư đảng. Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, được VnExpress trích dẫn ngày 10/09, nhấn mạnh đến tính chất "rất đặc biệt" của chuyến công du "do đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam". Nói một cách khác, Việt Nam muốn khẳng định rằng Hoa Kỳ chấp nhận vai trò Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. 

Ngoài mối quan hệ được cải thiện trong "giai đoạn kiến tạo" kéo dài 10 năm kể từ khi hai nước ký thỏa thuận đối tác toàn diện, Hoa Kỳ và Việt Nam còn có chung mối lo ngại từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, coi Bắc Kinh là "đối thủ có hệ thống", trong khi Hà Nội, cùng với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, luôn phải dè chừng với mối đe dọa mất chủ quyền từ Trung Quốc. 

Có lẽ từ những nguy cơ và đe dọa tức thời này, chính quyền của tổng thống thuộc đảng Dân Chủ tỏ ra "uyển chuyển" hơn về "chế độ độc đảng" ở Việt Nam, trong khi vẫn luôn chỉ trích trường hợp Trung Quốc. Có thể thấy điều này qua phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, "chuyến thăm (của ông Biden) thể hiện Mỹ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam". 

Còn đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhắc đến mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo và "sự trân trọng mà chúng tôi (Mỹ) muốn thể hiện với tổng bí thư". Trên mạng X (tiền thân là Twitter) ngày 10/09, tổng thống Biden đăng ảnh ông và ông Trọng kèm chú thích : "Thật tuyệt vời khi được trò chuyện với ngài tổng bí thư". Những phát biểu này cũng ngầm khẳng định Hoa Kỳ không can thiệp chuyện nội bộ của Việt Nam liên quan đến vai trò của nhà lãnh đạo trên thực tế. 

Tổng bí thư Đảng thông báo nâng cấp quan hệ chiến lược với Mỹ 

Thông báo quan trọng nhất liên quan đến nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố với tổng thống Mỹ sau cuộc hội đàm ở Văn phòng Trung ương Đảng. Giới chuyên gia cho rằng sau nhiều năm do dự, cuối cùng Việt Nam cũng "mạo hiểm" đưa ra quyết định này nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng phải nhấn mạnh rằng quyết định này là do Đảng cộng sản Việt Nam, do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "bật đènh xanh" để biến cựu thù cách đây 50 năm thành một trong năm đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. 

Điểm thứ hai là "yếu tố Trung Quốc" trong quyết định mang tính bước ngoặt của Đảng cộng sản Việt Nam. Dù luôn giữ mối liên hệ về ý thức hệ với nước láng giềng khổng lồ nhưng Hà Nội cũng coi Trung Quốc là một "mối nguy hiểm" đối với an ninh của Việt Nam. Hãng tin Mỹ AP nhận định Trung Quốc không được nhắc đến trong suốt chuyến công du nhưng "thật khó để giải thích sự gắn kết này nếu không có ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh". 

Cuối cùng, Việt Nam cũng không "hùa" theo Trung Quốc coi Hoa Kỳ là "nhân tố gây bất ổn" trong khu vực mà ngược lại, theo nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trong bài phát biểu trước cuộc hội đàm song phương ngày 10/09, Mỹ là một đối tác để "trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế liên quan" "nhằm duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới". 

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 11/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn - Thu Hằng
Read 339 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)