"Vào năm giảm tô, ông nội bị bắt giam. Ông bị treo lên, đầu dọng xuống đất. Sao lại dọng đầu ông xuống đất, sau này tôi hỏi mẹ. Mẹ bảo, để cho ông có nuốt vàng vào trong bụng thì nhả ra. Họ dọng đầu ông như thế từ sáng đế trưa, từ trưa đến tối. Cho đến lúc không tra khảo gì nữa thì tống vào tù".
Hai tựa sách của Phan Thúy Hà, vừa được Hội Nhà Văn xuất bản ở Hà Nội, ghi lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót thời Cải cách ruộng đất kinh hoàng, đẫm máu ở miền Bắc, từ 1953 tới 1956.
Đó là một cảnh đấu tố trong cuốn "Gia đình" của Phan Thúy Hà (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) ra mắt năm 2020. Tác giả đi gặp, ghi lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót thời Cải cách ruộng đất kinh hoàng, đẫm máu ở miền Bắc, từ 1953 tới 1956.
"Đoạn đời niên thiếu", là cuốn thứ hai, cùng một đề tài, vừa được Hội Nhà Văn xuất bản ở Hà Nội (2023).
Người đọc, dù đã biết, đã đọc những chuyện tàn khốc, man rợ về những cuộc đấu tố, sẽ sững sờ trước những sự kiện, những kỷ niệm sống, vượt xa sức tưởng tượng của những nhà văn giầu tưởng tương nhất.
Hơn cả cái tàn ác, cái làm cho người đọc kinh hoàng là sự hủy hoại tình người, mà Tô Thùy Yên gọi là cái "thương tổn nặng nề cho nhân phẩm".
Gấp sách lại, người đọc tự hỏi : Tại sao con người có thể độc ác, tàn tệ với nhau đền như vậy ? Nhất là đây không phải là nghĩa vụ "uống máu quân thù". Đối tượng không phải là giặc Pháp, cũng chưa có "Mỹ Ngụy".
Đối tượng là những người láng giềng, cha mẹ, anh em, chiến hữu đã cùng nhau vào sinh ra tử, những người cùng đổ máu để xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa, hôm trước là chiến sĩ gương mẫu, hôm sau bị quy là địa chủ bóc lột, vì có vài sào ruộng, một con trâu, một đàn gà. Hay chỉ vì một chút hận thù, ganh ghét cá nhân.
Người đọc, dù đã biết, đã đọc những chuyện tàn khốc, man rợ về những cuộc đấu tố, sẽ sững sờ trước những sự kiện, những kỷ niệm sống, vượt xa sức tưởng tượng của những nhà văn giầu tưởng tương nhất.
39 gia đình tan nát
"Mẹ tôi nói : cha đấy con. Cha con là người vừa bị bịt mắt giải khăn đen kia. Cha giật giải khăn đen ra : Tôi không có tội gì cả. Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm (…). Buổi chiều trước ngày cha bị bắn, mẹ đưa cơm cho cha. Cha ăn cơm xong, người ta trả cái giỏ đựng nồi cơm cho mẹ. Mẹ thấy ở dưới đáy nồi mẩu giấy nhắn của cha : Ai ngờ vô tội mà chết oan. Âu cũng là số kiếp. Gắng mà nuôi con. Sau này Đảng có hỏi thì trình bày tới nơi tới chốn" (Gia đình, tr.171).
Đây không phải là một cuốn sách hư cấu.
Dưới hai cái tựa hiền lành, gần như lạnh lùng, tác giả ghi lại lời kể của các nhân chứng, không một lời bình luận. Những dự kiện trần truồng, không gói ghém, càng khiến cái man rợ man rợ hơn.
Sự thực, cũng chẳng cần bình luận. Sự kiện, tự nó nó nói. Khi cái man rợ lên tới tột độ, lời bình luận trở thành thừa thãi.
Gia đình (274 trang) là chuyện của 19 người, Đoạn đời niên thiếu (250 trang) là chuyện của 20 người, tổng cộng 49 nhân chứng, 39 gia đình tan nát.
Mỗi trang là một thảm kịch.
"Mỗi câu chuyện trong hai cuốn sách có cái tựa mang tên người kể chuyện : Lê Xuân Đài, Đặng Thị Dung, Đặng Văn Chương, v.v.
Đoạn trích trên đầu bài là lời kể của nhân chứng Võ Tá Tạo" (Gia đình, trang 49-53).
Ngoài ông nội, bị treo ngược đầu, sau đó chết vì bệnh, "Bác Võ Tá Cảnh, con trai cả của ông bà, chết trong trại giam. Có người nói bác tự vẫn (…). Anh chết, em phải thế mạng. Cha tôi, Võ Tá Tân, phải đền tội thay Võ Tá Cảnh. Cha về làng để nhận án tử hình thay thế bác Cảnh (…). Trên quả đồi trọc, những bó đuốc giơ lên. "Cho mi nói một lời cuối cùng với bà con nông dân". Cha nói : Con thưa bà con nông dân, con là một thằng phản dân, phản đảng, phản nước, con xin ông bà nông dân tha tội bắn cho con… Ba phát súng. Ở nhà chúng tôi nghe rõ. Cha tôi gục xuống".
Trước khi xử tử, người ta quy tội.
"Có người bị hành hạ vì tội đã học tiếng Pháp, chắc chắn là để làm mật thám cho Tây. Có người bị kết án vì lý do ngớ ngẩn : Thằng Bản (địa chủ bị gọi là thằng, xưng con, bất chấp tuổi tác) chặt cây ngụy trang chỉ điểm cho giặc. Bởi vì có lần bà ta đi ngang ngõ thấy cha tôi bắc thang trèo cây, tỉa bớt cành lá" (Gia đình, tr.27)
Tội trạng như vậy, đủ để bị trói, bị quỳ trên sỏi đá, cho dân làng nhục mạ. "Buổi chiều, tôi gấp một chiếc giẻ may vào phần đầu gối chiếc quần cho cha quỳ đỡ đau buốt. Đứa nào may thêm vải này cho mày ? Dạ thưa, con tự may. Lớp giẻ độn sau chiếc quần bị tháo ra. Đêm đó cha bị quỳ lâu hơn, đá nhọn dồn lên đầu gối sắc hơn hôm qua" (Gia đình, tr.28).
Cái đói, cái dã man hơn cả thú vật giữa người với người, cái nhục mạ, hành hạ thân xác, tinh thần những nạn nhân vô tội, và cái chết bi thảm, rùng rợn, của những người bị đạp ra khỏi xã hội hiện diện trên mỗi trang giấy.
Một xã hội chỉ có nhu cầu ăn cho no, sẵn sàng đạp lên xác người khác để có bát gạo. Trò giải trí duy nhất là đi coi, hay tham dự đấu tố, cái vui duy nhất là nhục mạ, giết người trước đó là anh em, láng giềng hay ruột thịt.
Cái tàn ác man rợ
Con đi bộ đội, một bà mẹ hiến đất, hiến của cho cách mạng :
"Chum, vại, đàn trâu bò mẹ bán hết để mua công trái quốc gia, đóng thuế nông nghiệp (…). Mẹ được tặng bằng "Gia đình vẻ vang". Con nhà người ta bị bắt đi tù, bị mang ra bắn, con mình được bằng khen. Mẹ bảo tôi tìm cho mẹ một cái ống tre khô, cuộn tròn tấm bằng khen, cất vào ống tre, để lên đầu giường. Một đêm, mẹ đang ngủ, dân quân gọi ra hội quán. Hôm sau tôi mang cho mẹ mấy củ khoai, thấy hai chân mẹ bị cùm, mẹ khóc. Hơn tháng sau, dân quân giải mẹ về, gọi tôi ra quỳ cùng với mẹ. Họ ra lệnh gì mẹ tôi cũng dạ" (Đoạn đời niên thiếu, tr.35-36).
"Ngoài sân như hội trường. Tiếng quát tháo, tiếng giành nhau đồ đạc. Cờ quạt dựng lên từ ngõ vào. Mẹ và bà nội bị bắt đi đâu không ai biết (…). Em tôi đói. Tôi cũng đói. Em lả dần và chết bên cạnh tôi. Người đấm đá vào lưng, vào gáy mẹ. Người ta lấy báng súng tọng lên lưng mẹ" (Gia đình, tr.39).
Cái cướp giựt
Đó là một xã hội cướp bóc, từ trên xuống dưới, công khai.
Nhà nước cướp : "Lúa chưa kịp phơi khô. Phải nộp hết. Gọi là thuế nông nghiệp" (Đoạn đời niên thiếu, tr.18). Thuế nông nghiệp, thuế khả năng và hàng chục thứ thuế khác. Nhiều người bị kết án tử hình sau khi đã cống hiến tất cả, nhưng vẫn chưa đủ.
"Cha bị bắt đi quản huấn. Ở nhà, thỉnh thoảng mẹ tôi bị bắt đến nhà một cố nông để khai báo còn cất bao nhiêu vàng bạc, lúa gạo. Còn gì mà khai báo. Vàng bạc đã cúng hiến cho kháng chiến trong "tuần lễ vàng", lúa gạo đã cúng hiến cho chiến dịch ba tháng "góp gạo nuôi quân", mùa lúa cuối cùng đã nộp hết cho thuế nông nghiệp" (Gia đình, tr.55).
Mặc dầu vậy, "mẹ tôi bị trói cổ tay bằng sợi dây xỏ mũi trâu bò, treo lên cành cây bưởi ở mé sân, chân không chạm đất. Đàn con ngồi trước mặt mẹ, chứng kiến mẹ bị treo lơ lửng" (Gia đình, Tr. 56)
Bị nhà nước cướp sách, dân đói, cướp lẫn nhau.
Mang nhau ra sỉ vả, tra tấn, hành hạ hay chém giết chỉ để cướp một cái chiếu sạch, một cái nồi đồng.
"Mẹ dậy nhóm bếp, bẻ nửa nải chuối cho vào niêu luộc. Ánh lửa hất ra đường, cốt cán Hoe Năng đi tuần phát hiện, vào kiểm tra đang nấu gì. Chuối ở đâu ra (…). Tịch thu, của ni không phải của mi. Hoe Vinh bê niêu chuối trên bếp lẫn nửa nải chuối chưa luộc, mang đi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.34).
Cái cảnh cướp giựt, từ một miếng cơm, không biết nên cười hay nên khóc :
"Cả nhà ăn bữa cơm đầu tiên. Đang ăn, dân quân đứng ngoài nhìn vào. Mẹ nhanh trí làm đông tác như đang húp cháo. Nghĩ là ăn cháo, dân quân bỏ đi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.50)
"Trước khi đi ngủ, tôi xếp mười chiếc nón vào hai cái thúng. Sáng dậy gánh đi chợ hạ. Ra đầu ngõ bị dân quân tịch thu". Đây là âm mưu của địa chủ phân tán tài sản. Từng là chiến sĩ thi đua, được cả trường tôn trọng, nay gặp những chuyện vô lý như thế, tôi uất ức, khó chịu. Nhiều đêm không ngủ được, tôi nghĩ đến chuyện tự tử" (Đoạn đời niên thiếu, tr.70).
Một người cha đi tù, chuyển lời về nhà :
"Các con cứ để cho họ lấy hết. Một cái vung cũng không được giấu. Các con cố giữ lại thứ gì, tội cha to thêm thứ đó. Các con giữ thêm một đồ vật, cha bị kết tù thêm một năm" (Gia đình, tr.34).
Cái đói
Cái đói là một ám ảnh lớn. Trang sách nào cũng có chuyện ăn vỏ khoai, ăn lá cây, dành giựt nhau một nắm cơm, một bát cháo.
"Bán 10 viên (kẹo vừng), lời 4 viên. Các cháu đói quá, ăn vụng mất của o, đang lời thành lỗ. Chị dâu làm bánh tẻ, bánh ít đem ra chợ. Người ta xúm lại bóc bánh ăn rồi đi, không trả tiền…" (Đoạn đời niên thiếu, tr.18).
"Làm việc cả ngày, được nghỉ trưa một tiếng để ăn cháo. Chị nấu ăn hôm đó dùng thùng thuốc trừ sâu đựng cháo. Thùng chưa vệ sinh sạch. Mấy người ăn bị ngộ độc. Họ nghi tôi, con địa chủ, bỏ thuốc độc vào nồi cháo. Không ai ăn cùng mâm, không nói chuyện với tôi" (Đoạn đời niên thiếu, tr.20).
Đôi khi người đọc mỉm cười : "Mẹ bị tố, cả nhà đói, người anh đi bộ đội gởi về tặng em một… trái mìn, để đánh cá. Mìn nổ trên mặt nước, chỉ chết vài con cá mương" (Đoạn đời niên thiếu, tr.36).
Cái sợ
Cai trị bằng cái sợ là một chính sách, một lý thuyết chính trị của Lenin, được Stalin, Mao, Pol Pot và những đệ tử Việt Nam trung thành áp dụng triệt để.
Sợ từ khi còn ngồi ghế nhà trường : "Lúc nào cũng mang nỗi sợ. Sợ mà không biết sợ gì" (Gia đình, tr.42).
"Văn đệ tứ, phải chọn giữa 3 đề, đề 2 : bình luận một câu của Trường Chinh, đề 3 : phương pháp tả người của Nguyễn Du. Cả lớp làm đề 3. Dại chi làm đề kia, viết hớ hênh một câu mất lập trường là nguy" (Đoạn đời niên thiếu, tr.21).
Cái sợ bám vào nạn nhân suốt đời, như một người cao tuổi, trong Gia đình, tới nay vẫn không dám thắc mắc một chuyện gì :
"Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai, tôi vẫn là một ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một chuyện gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình, cầm bút lên tôi lại run".
Cái chết
Hậu quả của sự tàn bạo là cái chết.
Chết vì bị treo cổ, treo đầu nón chân, bị đánh đập, tra tấn, vì đói, vì tự tử.
"Chị ngồi tựa lưng vào gốc cây dối, dải yếm trễ xuống, thằng con như con nhái bén vẫn đang nhay vú mẹ. Lúc đó chị đã chết rồi mà tôi không biết" (Đoạn đời niên thiếu, tr.41).
"Bà nội chết vì rét hay vì đói. Từ hôm bị trúng viên gạch thằng Kỷ, bà nẳm một chỗ. Ba năm sau bốc mộ bà, thấy hai chiếc xương sườn bị gẫy" (Gia đình).
Huấn luyện viên căm thù
Người ta tự hỏi : tại sao những người nông dân, vốn hiền lành, đã trở thành ác quỷ ?
Con người có thể trở thành thánh, hay thú vật, tùy môi trường sống, tùy giáo dục. Lịch sử đã chứng minh điều đó, với xã hội Đức dưới thời Hitler, Nga dưới Stalin, Tàu dưới Mao, Cao Miên dưới Pol Pot. Việt Nam không phải là một ngoại lệ, nếu điều đó có thể an ủi người Việt.
Tất cả trò đấu tố đều học của Tàu, cố vấn Tàu sang dạy cách xử án, quy định tỷ số địa chủ phải mang ra làm thịt.
Đó là một xã hội xây dựng trên sự căm thù, được dạy dỗ, tập luyện từ nhỏ, từ ghế nhà trường :
"Thầy giáo nói hôm nay nghỉ học để tối đi đấu tố địa chủ… Xen vào những buổi đi học bình thường là những buổi nghỉ học để tối đi dự đấu tố. Học sinh đến trường tập trung. Mỗi em một bó đuốc, vừa đi vừa hô. Tôi cũng hô to không thua gì các bạn" (Đoạn đời niên thiếu, tr.64).
"Tấm biển "Địa chủ" dựng trước sân. Tôi hất đi thì hôm sau thằng bạn học cùng trương đến dựng lên. Trước đây nó cùng đội thiếu niên, tôi liên đội trưởng, nó liên đội phó" (Đoạn đời niên thiếu, tr.49).
Được dạy dỗ như vậy, bọn trẻ thơ ngây trở thành ác quỷ. Có lẽ cái giết sự ngây thơ, trong trắng của tuổi thơ, nó còn ghê rợn hơn cả chuyện giết người.
"Bị đuổi dạy, thầy giáo Banh nấu nước chè xanh đi bán ở các làng khác, khi về đến đầu làng bị nhóm trẻ con xúm vào đập vỡ hết bát, ném xuống sông, thầy ngồi khóc trên cầu" (Đoạn đời niên thiếu, tr.87).
"Ê, con địa chủ, con địa chủ. Mấy đứa lao vào tôi. Bọn con gái không đánh được thì giật tóc gõ, đầu, cấu véo. Tan học là tôi chạy. Cả đám rượt đuổi. Đuổi theo về đến nhà. Đánh chết thằng con địa chủ này" (Gia đình, tr.41).
Nhục mạ
Giết người chưa đủ, đánh tan nát gia đình nạn nhân chưa đủ, chia nhau từng cái chổi cùn chưa đủ, còn phải nhục mạ người sống, người chết.
"Vườn của bác đã là vườn của nộng dân. Không được chôn địa chủ trong vườn nông dân" (Gia đình, tr.23).
Có lẽ cái nhục mạ nạn nhân, cái thú man rợ khi tước đoạt luôn nhân phẩm con người chỉ có dưới chế độ cộng sản, đặc biệt là cộng sản Tàu và đàn em.
Dưới những chế độ độc tài khác, thường thường chỉ có cái ác.
Sửa sai
Năm 1957, Đảng nhận lỗi, sửa sai. Nhưng lỗi là lỗi của những phần tử quá khích. Đảng không thể có lỗi. Tại trường học, những ông hiệu trưởng, giáo viên trước đây được khen ngợi đã thành công trong việc giúp học sinh đấu tố nhau, bị kết tội do địch gài vào để phá hoại.
Nhà nước xin lỗi, thế là xong, yên chuyện, ai về nhà nấy, như không có chuyện gì xẩy ra. Như có người vô tình chạm vào tôi ngoài đường, xin lỗi. Dạ, không có chi.
Dù sao, chuyện Đảng công khai xin lỗi cũng cho phép gia đình nạn nhân được khóc công khai những người đã bỏ mạng. Và cho phép rất nhiều tác phẩm về cải cách ruông đất ra đời mà tác giả không đi tù hay mất mạng.
Mặc dù vậy, cái sợ hình như vẫn đâu đó.
Đại tá nhà văn Phan Kế Toại, đề tựa cho cuốn Gia đình, đề cao việc làm của tác giả, coi trọng việc đi tìm sự thực, không quên thoòng một câu, cho chắc ăn : "Mọi người cần chung tay cố gắng trân trọng sự đổi mới, gìn giữ thành quả dân chủ để đất nước không bao giờ trở lại thời kỳ ấu trĩ như thế nữa".
"Thành quả dân chủ" ! Câu kết luận politically correct không khỏi khiến người đọc mỉm cười, khi nghĩ đến thực trạng Việt Nam ngày nay về nhân quyền, về tự do báo chí, tự do tín ngưỡng…
Trong cùng một bài tựa, ông Toại kể : "Trong gia đình tôi (…), nhiều người đã bị quy địa chủ, phú nông hoặc phản động. Người bị tịch thu tài sản, người tự vẫn, người bị bắt giam, bị cùm chân, người bị xử tử". Dùng chữ "ấu trĩ" cho một xã hội lở lói khủng khiếp như vậy, có lẽ hơi nhẹ.
Bao nhiêu người là nạn nhân của "cách mạng" ?
Theo BBC, nhà nghiên cứu Mông Cổ Balazs Szalontai khai thác các tài liệu Đông Âu và Liên Xô, đưa ra con số 7,7 triệu người dân và hàng trăm ngàn gia đình "buộc phải tham gia và chịu hệ lụy" chỉ trong đợt giảm tô. Trong đợt chính thức Cải cách ruông đất, 4 triệu người "chịu tác động". Tác giả Hoàng Minh Chính đưa ra con số nửa triệu người (5% dân số miền Bắc) bị chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giết.
Riêng Cải cách ruộng đất, theo Bernard Fall, 50.000 bị xử tử, ít nhất gấp đôi bị tù cải tạo (BBC 3/2/2022) (2).
Le Livre noir du cmmunisme (Sách đen của chủ nghĩa cộng sản) do sử gia Stéphane Courtois chủ biên, cũng đưa ra con số 50.000 người bị xử tử, từ 50.000 tới 100.000 người bị đưa đi tù cải tạo (3).
Le Livre noir là một cuốn sách dày 662 trang, do các sử gia, ký giả, giáo sư Pháp biên soạn, tố cáo những tội ác của cộng sản quốc tế, với 100 triệu nạn nhân đã bỏ mạng để xây dựng "xã hội chủ nghĩa".
Svetlana Alexievich
Đọc Phan Thúy Hà, người ta nghĩ tới nhà văn Nga Svetlana Alexievich.
Nhà văn Nga Svetlana Alexievich
Sinh năm 1948, cha người Belarus, mẹ người Ukraine, Alexievich, trong gần 40 năm, với cây bút và máy ghi âm, đi gặp và ghi lại lời kể, tâm trạng của người Nga sau tại nạn Chernobyl, sau ngày Nga Xô Viết sụp đổ, trong cuộc tham chiến của Nga ở Afghanistan (1).
Trong Les Cercueils de zinc (Những quan tài bằng kẽm, 1990), bà ghi lại tâm trạng của những bà mẹ, bà vợ, có chồng con chết ở Afghanistan, để thỏa mãn tham vọng của các lãnh tụ. Những xác chết từ mặt trận được chở về trong những chiếc quan tài bằng kẽm (zinc).
Bà viết : "Cái can đảm chiến đấu của người cộng sản chỉ là huyền thoại.
Chẳng có anh hùng gì cả, chỉ có những người lính trẻ bị lường gạt, đưa đi làm mồi cho đại bác, bị khủng bố, phải tiếp tục vì sợ".
Ngày tàn của người đỏ
Cuốn sách nổi tiếng nhất của Alexievich, "La Fin de l’homme rouge. Le temps du désenchantement" (Ngày tàn của người đỏ. Thời gian của vỡ mộng), được nhiều nhà phê bình coi là cuốn sách hay nhất, quan trong nhất trong năm (2013), vạch rõ thực chất của người cộng sản (người đỏ), cái ảo tưởng xây dựng xã hội đại đồng, sự thực chỉ là một cuộc lừa gạt đẫm máu để nắm quyền.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ trong 3 ngày, như đã lên nắm chính quyền trong 3 ngày, để viết La fin de l’homme rouge, Svetlana Alexievich, đã đi khắp nước Nga, nghe tâm sự của những người vỡ mộng về ảo tưởng thế giới đại đồng, lạc lõng trong một thế giới mới, xa lạ.
Bà nói : "Có lẽ cái thành công duy nhất của người cộng sản là đã hủy hoại nhân tính, để tạo những người Nga mới, không còn nhân phẩm".
Alexievich nói, trong một cuộc phỏng vấn, dụng ý của bà là qua những nhân chứng thực để tạo những tác phẩm văn chương.
"Mục đích của tôi không phải làm điên đầu người đọc với những chuyện kinh hoàng, mà là rút tỉa ý nghĩa từ những cái kinh hoàng đó. Để giúp con người tiếp tục còn là con người. Làm thay đổi con người, đó có lẽ là cái duy nhất mà họ đã làm được" (ở Liên bang Xô Viết). (Mon objectif n’est pas d’assommer (les lecteurs) par toutes les horreurs que j’écris, mais d’en extraire du sens. Et de permettre à l’humain de rester humain. Transformer l’homme. C’est peut-être la seule chose qui ait marché).
Alexievich đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015 cho toàn bộ tác phẩm của bà.
Phan Thúy Hà không có tham vọng đó.
Bà chỉ ghi lại lời kể chuyện của những nạn nhân còn sống sót.
Tác giả Đoạn đời niên thiếu viết trong lời tựa : "Sáu năm qua, viết sách, tôi được gặp nhiều tuổi quê Nghệ Tĩnh. Các ông bà đều tuổi trên tám mươi, chín mươi. Họ là con của những người yêu nước, tham gia cách mạng, bị Pháp bắt tù đày vào năm 1930-31, lớn lên trong những năm kháng chiến (…). Với những gì họ trải qua, nếu không ghi lại thì tiếc quá".
Gia đình, Đoạn đời niên thiếu là những cuốn sách nên dịch ra ngoại ngữ, để những người ngoại quốc hay thế hệ người Việt trẻ hiểu rõ thực trạng Việt Nam, hơn là những cuốn sách của những người chưa bao giờ đặt chân tới xứ này, hay chưa hề sống trong hỏa ngục.
Cũng như những tác phẩm của Alexievich nên dịch ra tiếng Việt, để thức tỉnh những người, ở thế kỷ 21, vẫn còn là những ông già ngồi đan rổ, mơ nước Nga, như trong thơ Tố Hữu.
Cũng hy vọng sẽ có nhiều cuốn sách tương tự, ghi lại chuyện thực, của những người di cư 1954, những nạn nhân tết Mậu Thân, của boat people, hay những ngày miền Nam, trước và sau 1975.
Chuyện cần làm
Đã có rất nhiều sách báo về những chuyện này, nhưng vẫn chưa đủ. Cần một tài liệu đồ sộ ghi lại các nhân chứng.
Nhà địa chủ, hình ảnh tại triển lãm Cải cách Ruộng đất tháng 9/2014 ở Hà Nội
Tôi nghĩ tới chuyện này, khi viếng thăm, cách đây mấy chục năm, một thư viện ở Do Thái, nơi tập trung hàng trăm ngàn sách, băng nhạc, ghi âm lời kể của những nạn nhân, hay gia đình nạn nhân Shoah còn sống sót. Người Do Thái coi trọng việc ghi lại ký ức cho thế hệ mai sau.
Ngày nay, nhiều người Việt đã thành công ở hải ngoại, dư tài chánh, có dư khả năng làm việc đó, thay vì làm những chuyện tào lao. Thí dụ tài trợ cho những nhóm trẻ đi phỏng vấn, thu thập dữ kiện tại tất cả những nơi người Việt tỵ nạn cư trú.
Đó là chuyện khẩn cấp. Bởi vì nhiều nhân chứng cao niên đang lần lượt ra đi.
Việc làm của Phan Thúy Hà, hay những việc làm tương tự, sẽ là những chất liệu quý cho những người sau này muốn viết văn, viết sử hay nghiên cứu về Việt Nam cận đại.
Nếu không, thế hệ sau này sẽ không biết gì về quá khứ. Nếu muốn tìm hiểu lịch sử đất nước chỉ có sách vở của những người muốn viết lại lịch sử, hay những người ngoại quốc, nói chuyện Việt Nam dưới lăng kính chính trị hay bác học, không có chất liệu sống.
"Không ghi lại thì tiếc quá".
Paris, tháng 9/2023
Từ Thức
(1) Tên người, tên tác phẩm, địa danh ngoại quốc trong bài này viết theo kiểu Pháp (Từ Thức), nhưng Thông Luận đã chuyển sang tiếng Anh để thống nhất với chủ trương của tòa soạn (đại đa số độc giả của Thông Luận sống ngoài khu vực Pháp thoại).
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59896978
(3) Le Livre noir du communisme, Ed Robert Laffont. Paris 1997