Hồi năm 2021, trong một bài phát biểu, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ca ngợi 'trường phái ngoại giao độc đáo, là ngoại giao cây tre Việt Nam', theo các báo nước này.
Ông nói : "Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được".
Trước khi đi vào cụ thể thì tôi thấy chúng ta cần nhắc khái niệm này không phải của người Việt Nam nêu ra đầu tiên, mà của Thái Lan.
Thuật ngữ "Ngoại giao cây tre" đã bắt đầu được dùng để gọi đường lối "ngoại giao linh hoạt" của Ngoại trưởng Thái Lan, ông Thanat Khoman, một người được nhớ tới như người cha sáng lập Cộng đồng ASEAN, trong khi vai trò khởi xướng cái gọi là "ngoại giao linh hoạt" thời Chiến tranh Việt Nam đã tương đối bị lãng quên.
Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon Johnson đảo ngược chính sách về Nam Việt Nam vào tháng 3/1968, ngừng ném bom ở Đông Dương, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Bắc Việt, và cũng tuyên bố sẽ không tái tranh cử tổng thống, ông Thanat Khoman nhận ra rằng chính sách ngoại giao "phụ thuộc chiến lược" vào Mỹ trước đây của Thái Lan không còn có thể đứng vững được nữa. Trong năm đó, ông đưa ra ý tưởng "ngoại giao linh hoạt" để điều hướng Thái Lan một cách uyển chuyển trong cơ cấu quyền lực quốc tế đang thay đổi.
Sau Chiến tranh Lạnh, gần như tất cả các nước láng giềng của Việt Nam đều ít nhiều uyển chuyển đường lối ngoại giao của mình để cố gắng cân bằng các lợi ích địa chính trị mâu thuẫn nhau. Các nước lớn trong EU cũng không muốn kẹt vào thế chọn bên rõ ràng thành bạn và thù.
Ngoại giao mềm mại chính là cách những quốc gia có những khác biệt đáng kể về chính trị vẫn tin tưởng có thể hưởng lợi từ đối thoại, trao đổi và hợp tác an ninh chung. Nhiều ký kết quan hệ đối tác xuyên châu lục cho thấy tiềm năng của hình thức ngoại giao mới này nhằm duy trì hòa bình, trong đó sự trao đổi, hợp tác giữa các quốc gia, giao động và biến chuyển không ngừng.
Còn tại Việt Nam, ta hãy xem vì sao hình ảnh cây tre được đề cao ?
Người Việt Nam hiểu rằng cây tre thẳng và cao mà không bị gẫy là do thân có thớ dẻo, vừa cương vừa nhu để đón gió, thuận theo gió vừa đủ rồi vươn lên trở lại hình dáng cũ, giúp tre ngay dưới những trận cuồng phong cũng không dễ gãy ngang thân.
Nhưng nhìn kỹ thì tre không phải là loại cây lý tưởng cho mọi địa hình. Cây cũng gãy hoặc bật gốc trong bão và nếu không đủ đất và diện tích bám rễ thì khi bị trốc gốc sẽ đổ cả cụm.
Đã lấy hình ảnh cây tre cho đường lối ngoại giao thì cần hiểu rằng "Ngoại giao cây tre" có yếu điểm và cần phải chú trọng : uyển chuyển, linh hoạt thì nền chính trị Việt Nam phải làm khác với cách "đu dây".
Bản lĩnh quốc gia không thể đến từ những tuyên bố mà phải từ thực lực. Thực lực có thể đánh giá dựa trên năm thuộc tính của quốc gia : nhà lãnh đạo, sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng về chính trị, có chỗ đứng vững trong các liên minh quốc tế và có quân đội mạnh mẽ.
Câu chuyện hiện nay và sắp tới
Vẫn về ngoại giao Việt Nam, chính quyền tỏ ra rất hứng khởi vì vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ với những hứa hẹn tăng hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, hoặc rất hãnh diện có những thành quả trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA... để tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập vào những thị trường lớn.
Nhưng tuy quan trọng, những hợp tác, hiệp định, chỉ là những cánh cửa được mở ra, con đường thực hành để đạt kết qủa mong ước liệu có nằm trong tầm tay với ?
Tôi xin nêu một nguy cơ điển hình về kinh tế : trường hợp xuất khẩu thủy sản sang EU bị cảnh báo "thẻ vàng".
Phía mua, Ủy ban Châu Âu (EC), đặt ra các đòi hỏi nhập khẩu và các giấy chứng nhận bắt buộc phải xuất trình để nhập khẩu sản phẩm vào EU, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với các sản phẩm thủy sản.
Trách nhiệm của EC là đảm bảo rằng các sản phẩm từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định (Illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) không được tiếp cận thị trường chung EU vì đánh bắt IUU làm cạn kiệt nguồn cá, phá hủy môi trường biển, bóp méo cạnh tranh khiến những ngư dân lương thiện gặp bất lợi, làm suy yếu cộng đồng ven biển, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Theo quy định IUU từ năm 2010, EC sẽ cảnh báo "thẻ vàng" cho một nước khi có bằng chứng cho thấy nước này không hợp tác đầy đủ trong việc giải quyết các vấn đề trên.
Vào tháng 9/2017, chuyện này đã xảy ra cho Việt Nam. EC đã cấp "thẻ vàng" và đưa ra 9 khuyến nghị mà Việt Nam phải thực hiện để tuân thủ các tiêu chuẩn của EU.
Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho rằng Việt Nam chưa nỗ lực đầy đủ để chống lại hoạt động đánh bắt IUU. EU xếp Việt Nam vào danh sách "quốc gia không hợp tác" vì không có hệ thống trừng phạt hiệu quả để ngăn chặn các hoạt động IUU và có quá ít biện pháp chống lại hoạt động đánh bắt trái phép của tàu Việt Nam trong vùng biển của các nước láng giềng.
Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống quản lý kém trong việc kiểm soát các sản phẩm cập cảng được xử lý trong nước và xuất khẩu sang EU (cũng như nhiều nước khác).
Cảnh báo "thẻ vàng" tuy không liên quan đến lệnh trừng phạt thương mại nhưng chỉ từ 2017 tới 2021 việc này đã làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU. Thị trường EU từ vị trí số 2 trong xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.
Ngay sau khi nhận, Việt Nam nhanh chóng tuyên bố một loạt các biện pháp gỡ "thẻ vàng" được triển khai ở 28 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cho tới nay, sau gần 7 năm và 3 lần thanh tra, Việt Nam vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng".
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trích dẫn từ hội nghị trực tuyến ngày 29/08 của Ban Chỉ đạo quốc gia với 28 tỉnh, thành phố ven biển về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, đoàn thanh tra của EC sẽ đến kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10 tới đây (2023).
Việc bị cảnh báo "thẻ vàng" không chỉ làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nếu sau lần kiểm tra sắp tới Việt Nam bị phạt "thẻ đỏ", thì sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng 500 triệu đô la Mỹ/năm. Bên cạnh đó, "thẻ đỏ" cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như công việc của nhiều ngư dân (2).
Ngoài ra, hiện một số thị trường (ngoài EU) như Mỹ, Nhật Bản… cũng đã có những quy định tương tự như IUU. Vì thế, nếu Việt Nam bị lãnh "thẻ đỏ" của EU thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, để gỡ được "thẻ vàng", lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương trong việc quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.
Ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá - nhận xét, việc ban hành các quy định luật pháp thôi là chưa đủ.
Vấn đề quan trọng chính là việc thực thi trên thực tế còn một số tồn tại, như việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương ; cường lực khai thác hải sản còn cao, cần cân đối giữa nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác ; và nhất là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài.
Chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng thừa nhận rằng trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ tại 28 tỉnh, thành phố, việc gỡ thẻ vàng mới thành hiện thực vì vừa qua Bộ đã chỉ ra có tới 19 địa phương lơ là trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Để mong chặn "thẻ đỏ", hôm nay, ngày 20/09/2023 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sang EU để trình bày quan điểm của Việt Nam trong cách xử lý vấn đề chống khai thác IUU. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông, "cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thủy sản đã tích cực vào cuộc".
Sau bảy năm bị "thẻ vàng" cảnh báo, cũng vẫn chỉ là những lời tuyên bố có cánh, những giải pháp loanh quanh. Nào là "sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp", nào là "đạt sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác phòng, chống khai thác IUU".
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không thích ứng được với những điều kiện EU đòi hỏi vì bị hạn chế về vốn, máy móc và trình độ cán bộ.
Nguyên liệu mua vào doanh nghiệp lại phải có thiết bị kiểm tra mà ngay chính Trung tâm Kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản Nafiqacen (National Fisheries Inspection and Quality Assurance Center) cũng chưa thể tư vấn được vì chưa biết hết về các loại máy.
Việc các doanh nghiệp phải tự đầu tư để có phòng thí nghiệm kiểm tra dư lượng hóa chất, vẫn là một bài toán nan giải.
Trong khi đó, ngày lại ngày, ngư dân Việt phải đối phó trên vùng biển nhà với hiểm nguy bị tàu"lạ" hay cả tàu cảnh sát biển Trung Quốc truy đuổi, tấn công. Mặt khác, nếu không đi khai thác đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài thì đi đâu ? Đây là bài toán khó cho Việt Nam.
Kết luận lại, ta thấy chỉ riêng lĩnh vực xuất thủy hải sản chính phủ Việt Nam đã không tạo nổi thay đổi nhiều năm qua, vậy các ngành công nghệ sao hơn sẽ ra sao kể cả khi có hỗ trợ về cam kết của Hoa Kỳ, các nước Nhật, Hàn, EU ?
Cây tre Việt Nam có trụ được trong gió bão hay không xét cho cùng là nhờ cái gốc vững hay không, và đây là vấn đề nội trị, là năng lực làm việc của bộ máy do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thục Quyên (Munich, Đức)