Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2023

Bộ phim thay vi tuyên truyền lại bêu xấu người H’mong

Trường Sơn

Bộ phim của VTV tuyên truyền về người H’mong gây kỳ thị người thiểu số

Những người đàn ông H’mong nói giọng Kinh chưa sõi, say rượu, đánh vợ, cố níu kéo phong tục đám ma dài ngày, tốn kém, trong khi những người phụ nữ H’mong với đàn con nheo nhóc trông có vẻ khổ sở và cam chịu là những hình ảnh được Đài Truyền hình Việt Nam đưa lên trong bộ phim truyền hình nhiều tập có tên Cuộc Chiến Không Giới Tuyến đang được chiếu hàng tuần trên hệ thống truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, những gì được truyền hình Nhà nước trình chiếu về một nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ những người H’mong vốn không lạ gì về chính sách tuyên truyền của Đảng và Chính phủ về cái mà họ gọi là các ‘hủ tục’ của người dân tộc.

hmong1

Phụ nữ H'mong chơi với trẻ nhỏ ở chợ phiên ở Lào Cai hôm 5/4/2015 / AFP - Ảnh minh họa

Xúc phạm người H'mong

"Dân tộc chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, chả nhẽ 54 dân tộc Việt Nam này chỉ mỗi người H’mong lạc hậu thôi sao ? Tuy nhiều nơi còn lạc hậu thật nhưng cũng không đến nỗi vậy, nhiều câu nói toàn bịa đặt".

Đây là một trong rất nhiều bình luận xuất hiện trên trang Facebook VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam, sau khi kênh này cho đăng tải một video trích đoạn của bộ phim Cuộc Chiến Không Giới Tuyến.

Hàng trăm người H’mong khác cũng đã để lại rất nhiều bình luận bày tỏ sự giận giữ của họ ở phần bình luận dưới đoạn phim.

hmong2

Những bình luận phê phán bộ phim dưới đoạn phim Cuộc Chiến Không Giới Tuyến của VTV

Trích đoạn trên nói về nỗ lực của các bán bộ bộ đội biên phòng người Kinh trong việc xóa bỏ phong tục ma chay của người H’mong. Còn người H’mong xuất hiện trong trích đoạn này thì được phác hoạ dưới hình ảnh ngây ngô, thiếu hiểu biết, say xỉn và bảo thủ, muốn tổ chức đám tang kéo dài bảy ngày, giết trâu, bò lợn để mời cả bản gây tốn kém, trước khi chôn người quá cố.

Hầu hết các bình luận đến từ người H’mong đều cho rằng bộ phim đã tuyên truyền sai sự thật về đời sống văn hóa của họ. Thậm chí cáo buộc đài Nhà nước xúc phạm đời sống tâm linh, văn hóa của người H’mong.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, mục sư Sùng Sẹo Hoà, một người H’mong xuất thân từ tỉnh Lào Cai hiện đang tị nạn tại Thái Lan, cho biết quan điểm của ông :

"Chắc là chính sách của họ có ý định để bắt người H’mong mang ơn họ, họ nói là chính quyền hay Nhà nước làm tốt để tuyên truyền, để tạo điều kiện, để dạy dỗ cho người H’mong để thay đổi cuộc sống văn minh nọ kia.

Nhưng sự thật là người H’mong đã tự cảm nhận được điều đó, và đã tự thay đổi, tự suy nghĩ, và tự chỉnh sửa rồi".

Người H'mong đã tự thay đổi

Theo mục sư Sùng Seo Hòa thì trong việc thay đổi những tập tục không còn được coi là phù hợp nữa, mà cụ thể ở đây là tục ma chay, thì bản thân người H’mong đã nhận ra vấn đề và chủ động thay đổi nếp sống của họ, chứ không cần phải cậy nhờ đến sự giáo dục của Nhà nước.

Trên thực tế, cộng đồng người H’mong từ lâu đã hình thành xu hướng từ bỏ những tập tục bị cho là lạc hậu, trong đó có tục ma chay - vốn yêu cầu việc để xác chết ở nhà trong bảy ngày trước khi đem chôn. Một trong những người cổ vũ việc cải cách tích cực nhất là ông Dương Văn Mình.

Ông này được biết đến là người sáng lập ra đạo Dương Văn Mình, một tín ngưỡng địa phương của người H’mong ở Cao Bằng, Thái Nguyên, và Tuyên Quang. Đạo này chủ trương bãi bỏ tập tục ma chay cũ để hướng tới việc tổ chức đám tang một cách đơn giản, và phù hợp với điều kiện sống mới hơn.

Việc này tưởng như là đã đi đúng với chính sách tuyên truyền của Nhà nước. Thế nhưng chính quyền trung ương và chính quyền các tỉnh có tín đồ đạo Dương Văn Mình đã ra sức ngăn cấm đạo này. Bản thân ông Dương Văn Mình đã từng bị bắt đi tù, những người H’mong tin theo ông này bị đe doạ, sách nhiễu, và ép bỏ đạo. Những cơ sở tâm linh của họ bị đập bỏ.

Báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cáo buộc : "Dương Văn Mình đã núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền, tập hợp quần chúng : lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, khuếch trương tên tuổi, âm mưu ly khai, tự trị, thành lập "Nhà nước của người Mông" do Dương Văn Mình làm "thủ lĩnh"".

Trao đổi với đài RFA từ nước Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Chủ tịch tổ chức VETO !, chuyên theo dõi tình hình đàn áp đối với đạo Dương Văn Mình, cho biết quan điểm của ông về nghịch lý trên :

"Tôi biết rằng chính ông Dương Văn Mình khi còn sống cũng không hiểu được rằng tại sao ông bỏ ma theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bị Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cho là sai và xuyên tạc là ông chủ trương bỏ bàn thờ tổ tiên.

Tôi biết người H’mong xem trọng tình gia đình, dòng tộc, kể cả người theo đạo Dương Văn Mình. Tín đồ theo đạo Dương Văn Mình chỉ bỏ các bàn thờ ma vì họ sợ ma làm hại họ. Ma mà họ hiểu ở đây gồm các loại ma xấu chứ không phải là vong hồn của ông bà, cha mẹ mà họ thương yêu.

Bây giờ có một số cán bộ chính quyền nói rằng ông Dương Văn Mình chẳng đem lại cái gì mới mà chỉ nhái lại cái mà Nhà nước chủ trương. Vậy thì (họ) đã công nhận ông Dương Văn Mình làm đúng theo chủ trương của Nhà nước nhưng tại sao vẫn phải đàn áp tín đồ ? Tôi không hiểu sự mâu thuẫn này !"

Tuyên truyền chia rẽ các sắc tộc

Chịu chung số phận với đạo Dương Văn Mình còn có những tín đồ của đạo Tin Lành. Người H’mong khi theo đạo Tin Lành thường sẽ từ bỏ những tập tục mà chính Nhà nước gọi là "hủ tục", thế nhưng bản thân tôn giáo này cũng chịu sự áp bức rất lớn từ phía chính quyền. Trong đó có việc bỏ tù các chức sắc, trục xuất tín đồ khỏi địa phương, hay các hình thức bách hại khác.

Báo cáo tôn giáo 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết : "Trong năm 2022, điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam xấu đi. Giới chức chính quyền gia tăng việc kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các nhóm không đăng ký, các nhóm độc lập bao gồm những người H’mong và người Thượng theo Tin lành".

"Có sự gia tăng đáng kể về số vụ giới chức chính quyền địa phương bắt ép các tín đồ Thiên chúa giáo người H’mong phải công khai bỏ đạo, bao gồm cả những người theo các nhóm đạo được Nhà nước nhìn nhận. Những người từ chối bỏ đạo phải đối mặt với việc bị đe dọa, sách nhiễu, bị phạt nặng, tịch thu tài sản, không được cấp giấy khai sinh" – báo cáo viết.

Hệ luỵ của đường lối tuyên truyền của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số nói chung và người H’mong nói riêng, theo một người dân tộc Tày được đài Á Châu Tự do phỏng vấn, là gây ra tình trạng người Kinh tự cho mình là thượng đẳng so với các sắc dân khác. Người này phát biểu dưới điều kiện ẩn danh :

"Tôi thấy rằng cái chính sách tuyên truyền một chiều và cho rằng người Kinh thượng đẳng hơn các dân tộc khác là rất sai lầm. Vì nó gây ra cho những người dân tộc thiểu số, trong đó có tôi, cảm nhận sâu sắc được rằng người Kinh người ta nhìn nhận chúng tôi rất là khác biệt, bởi vì họ thấy rằng người dân tộc thường gắn liền với sự kém hiểu biết, ngu dốt, lạc hậu, hoặc là thấp kém hơn họ".

Người H’mong ở Việt Nam là một phần của tộc người H’mong tại Châu Á có lịch sử khoảng 4.000 năm. Ở Việt Nam, người H’mong chủ yếu sống tại các tỉnh phía Bắc. Theo một thống kê dân số của Chính phủ Việt nam vào năm 2019, hiện có khoảng hơn 1,3 triệu người H'mong sinh sống ở trong nước.

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 26/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn
Read 236 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)