Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2023

Tử hình Lê Văn Mạnh : Hà Nội để lộ bộ mặt sắt máu

Diễm Thi, JB Nguyễn Hữu Vinh, Lê Nguyễn Duy Hậu

Tử hình Lê Văn Mạnh : Đảng muốn chứng minh quyền lực tuyệt đối ?

Diễm Thi, RFA, 26/09/2023

Tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan đã 19 năm, và bị thi hành án tử hình vào cái ngày mà gia đình ông vẫn còn ở Hà Nội để tiếp tục kêu oan cho ông - ngày 22/9/2023.

levanmanh1

Bà Nguyễn Thị Việt - mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh cùng ông Nguyễn Trường Chinh- bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, cùng kêu oan cho con - Ảnh : Facebook Nguyễn Trường Chinh

Cái chết của Lê Văn Mạnh khiến dư luận xã hội nóng lên khi nhiều người cho rằng, mục đích của Đảng cộng sản trong việc tử hình ông Lê Văn Mạnh là muốn chứng minh cho công chúng thấy quyền lực tối thượng của mình : phớt lờ mọi yêu cầu, kêu gọi hoãn thi hành án từ người dân trong nước cho đến các tổ chức quốc tế.

Đảng không chấp nhận thua dân !

Nhà báo Song Chi ở Anh Quốc nói với RFA suy nghĩ của bà sáng 26/9/2023 về cái chết của tử tù Lê Văn Mạnh :

"Ví dụ với một người có lương tri bình thường, người ta sẽ suy nghĩ rằng, khi có một vụ án kêu oan thì họ hoặc phải đình chỉ để điều tra, xét xử lại từ đầu, hoặc phải thả người kêu oan ra theo nguyên tắc "thà thả nhầm còn hơn giết oan" của các nước có nền luật pháp công bằng và văn minh.

Còn theo suy nghĩ của những quan chức trong một chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thì họ không nghĩ như vậy.

Với họ, lùi dân một bước có nghĩa là thua dân. Họ không chấp nhận thua dân. Kêu oan thì họ sẽ dập cho đến khi nào không còn ai lên tiếng thì thôi. Đó là thủ đoạn, thủ pháp của một chế độ độc tài. Họ bẻ gãy ý chí của dân để không còn ai lên tiếng nữa".

Bà nói thêm, Việt Nam vừa ký kết nâng cấp quan hệ với Mỹ xong là bắt thêm ngay một nhà hoạt động môi trường tài năng Ngô Thị Tố Nhiên, hành quyết liền sau đó một tử tù ròng rã kêu oan hàng chục năm Lê Văn Mạnh, quyết tâm phá hủy cho bằng được hơn 600 hecta rừng tự nhiên ở Bình Thuận và, bất chấp mọi lời phản đối để chỉ nhắm vào một mục đích là khẳng định quyền cai trị tối thượng của Đảng cộng sản Việt Nam. Cái quyền mà theo vị nhà báo này là tiêu diệt mọi phản biện, mọi niềm hy vọng dù là nhỏ nhất về sự thay đổi của chế độ theo con đường tiến bộ hơn, dân chủ hơn. Nhà báo Song Chi kết luận :

"Tất cả mọi sự ký kết, mọi hiệp định, hiệp ước bắt tay với các nước cho dù là Trung Cộng hay Mỹ, mở cửa kết nối với thế giới… cũng chỉ là để bảo vệ sự tồn tại, sự độc tôn lãnh đạo của Đảng cộng sản. Khi nào họ thay đổi chính sách của họ : thay đổi cách đối xử với người dân : chừng nào họ hòa giải với chính dân tộc : hòa giải với quá khứ thì lúc đó người Việt Nam mới có thể tin là họ thực tâm muốn thay đổi.

Và tất cả sẽ hoàn toàn không có nghĩa lý gì khi Đảng cộng sản còn hành xử tàn ác, phi nhân tính đối với chính người dân của mình, khi đảng cộng sản còn viết lại lịch sử, đổi trắng thành đen, đen thành trắng, khi đảng cộng sản còn quyết tâm thua đủ với nhân dân từng chút một".

Sẽ tiếp nối vô số cái chết oan ức khác ?

Hai ngày trước khi ông Lê Văn Mạnh bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc, 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên Liên minh Châu Âu cùng các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương Quốc Anh đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội "giết người" và "hiếp dâm trẻ em".

Tuyên bố chung viết : "Chúng tôi cực lực phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình vào mọi lúc, mọi hoàn cảnh, loại hình phạt tàn án, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời ủng hộ Việt Nam tạm dừng mọi hình thức hành quyết".

Nhìn nhận về việc thi hành án tử với Lê Văn Mạnh của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nói với RFA quan điểm của ông :

"Theo quan điểm của tôi, Đảng cộng sản Việt Nam trước sau vẫn "dẫm đạp" lên những ý kiến của người dân, của các chuyên gia luật và ngay cả những công ước quốc tế về quyền con người mà họ đã ký kết bằng mọi cách để họ chứng tỏ quyền lực của họ. Họ muốn chứng minh họ là chủ của đất nước, chứ không phải nhân dân là chủ đất nước.

Chính vì vậy họ tìm mọi cách họ làm bằng được những gì mà quốc tế hoặc người dân lên án, đó là việc tử hình Lê Văn Mạnh vừa qua. Tất nhiên khi Đảng cộng sản Việt Nam làm những việc như thế, họ đã tính toán rất kỹ. Chắc chắn đây là cái lộ trình để không phải chỉ những người tử tù sắp tới, những người đã có án tử hình, sẽ bị tử hình như họ muốn, mà họ sẽ tiếp tục có những bản án khác theo đường lối độc tài và tàn ác với người dân như vậy trong thời gian tới".

Cách đây hơn một tháng (ngày 4/8/2023), gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng đã nhận được Thông báo từ Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng, yêu cầu trong ba ngày gia đình phải làm thủ tục nhận xác, tro cốt của ông Chưởng. Thông báo này được gia đình đưa lên mạng xã hội và đã tạo ra một làn sóng kêu gọi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải ra lệnh hoãn thi hành án vì bản án còn đang kêu oan.

Tròn một tháng 14 ngày sau tức ngày 18/9/2023, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nhận được Thông báo có chữ ký của bà Nguyễn Thị Nga, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh. Thông báo có ghi "Căn cứ Công văn số 184/Tòa án nhân dânTC-V1 ngày 08/10/2015 và Công văn số 189/Tòa án nhân dânTC-V1 ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân Tối cao".

Theo phân tích của Nhà hoạt động cho nhân quyền Nguyễn Anh Tuấn, vụ xử tử Lê Văn Mạnh không phải là một hành động bột phát từ giới chức tòa án cấp thấp ở Thanh Hóa mà là một quyết định có cân nhắc tính toán của chóp bu chính trị trong Đảng. Bởi Vụ 1 (V1) không thể ra công văn 184 và 189 nếu không có sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng cộng sản Việt Nam.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên Facebook cá nhân của ông, mà RFA đã được cho phép trích lại như sau :

"Vụ xử tử tiếp theo được lên kế hoạch kỹ càng hơn, chọn đúng thời điểm dư luận xao lãng với phiên tòa Phương Hằng. Nhiều người hoạt động bị giám sát chặt chẽ, nhất là những ai về quê Mạnh để hỗ trợ gia đình.

Và họ đã thành công, Mạnh bị xử tử gọn ghẽ, nhanh chóng.

Cái chết của Mạnh, bởi vậy, chỉ là sự tiếp nối vô số cái chết oan ức khác, khi thì trên những cánh đồng tha ma của cải cách ruộng đất, lúc thì nơi rừng sâu núi thẳm của những trại lao cải, thời chiến cũng như thời bình, chỉ để Đảng cộng sản Việt Nam - trong tư cách một chế độ - thỏa mãn sự hơn thua với dân có tính cách bệnh lý của mình.

Hôm nay, khi máu của một người Việt chết oan đổ xuống, cũng là lúc ly rượu mừng, ít nhất là trong tâm tưởng, của những kẻ quyền uy trong Đảng nâng lên..".

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thay vì nhìn thấy điểm hợp lý trong đòi hỏi của công luận về vụ Nguyễn Văn Chưởng để từ đó nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình, ám ảnh "luôn đúng" của một thứ quyền lực độc tôn lại khiến họ (đảng cộng sản Việt Nam - PV) mù quáng cho rằng hoãn thi hành án như thế là thua dư luận. Thế là họ "bày keo khác" với Lê Văn Mạnh !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 26/09/2023

***************************

Vì sao phải giết bằng được Lê Văn Mạnh ?

Một cuộc thi hành án tử hình gây phẫn nộ

Như vậy, bỏ qua tất cả những lý do để tử tù Lê Văn Mạnh sống được trong nhà tù đến 18 năm qua bởi bản án tử này đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sự phản ứng từ công luận, từ các cơ quan tư pháp, từ các luật sư cũng như những người am hiểu luật pháp đã chỉ rõ rằng : Đây là một bản án thiếu nhiều cơ sở để khẳng định tử tù này có tội và đáng tội chết.

Và khi chưa đủ cơ sở để kết luận chắc chắn rằng một người đã phạm tội thật sự, thì việc tước đi mạng sống của họ, dù với bất cứ lý do nào, thì đều là sự man rợ và độc ác.

Bởi, tính mạng con người không phải chuyện chơi.

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã bỏ ngoài tai những tiếng nói từ các tổ chức quốc tế, từ các quốc gia trên thế giới. Các phái đoàn ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu cùng 3 nước Canada, Na Uy và Anh đã kêu gọi Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình khi thúc giục chính quyền ngừng thi hành án Lê Văn Mạnh, vì cho rằng hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe tội phạm hơn hình phạt tù và không thể sửa chữa được nếu có sai sót mà một khi được thi hành.

Người ta thấy rõ ràng ở đây, với hàng chục quốc gia đã không quản chuyện dị chủng, khác máu, tanh lòng, để gửi đơn thư nhiều lần yêu cầu Việt Nam cẩn thận xem xét một cái án ảnh hưởng đến tính mạng công dân Việt Nam, dù các tổ chức ấy, các quốc gia ấy chẳng biết Lê Văn Mạnh là ai, chẳng có lợi ích gì từ việc Lê Văn Mạnh này sống hay chết.

Nhưng, tất cả vô dụng.

Đáp lại những tiếng kêu gọi đó - những tấm lòng bốn phương kia vì xót xa trước một mạng người oan khuất hoặc có thể là bị oan khuất mà yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam dừng bàn tay hiếu sát đối với công dân của mình lại – nhà cầm quyền Việt Nam đã không thèm trả lời, không thèm cất tiếng, mà trả lời bằng văn bản "Trích lục khai tử" xác nhận họ đã hành hình Lê Văn Mạnh vào sáng ngày 22/9/2023, chỉ một ngày sau khi các quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như dư luận nhân dân đồng loạt lên tiếng.

levanmanh2

Bản Trích lục khai tử Lê Văn Mạnh ngày 22/09/2023

Đó là câu trả lời đơn giản nhất đối với tất cả những tiếng nói của lương tri con người : Tao cứ làm vậy vì tao thích làm vậy, tao cứ giết vì tao thích giết. Làm gì được nhau.

Cả thế giới giật mình, cả đất nước sững sờ.

Phải chăng, đây là minh chứng cho câu nói của người cộng sản xưa nay : Trong chế độ XHCN, con người là vốn quý.

Phải chăng, đây là đặc trưng của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà đang ra sức tô vẽ, rêu rao bấy lâu nay ?

Quyết giết ! Vì sao ? Vai trò của Chủ tịch nước ở đâu ?

Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam quyết tước đoạt mạng sống của tử tù Lê Văn Mạnh ?

Có thể có rất nhiều giả thiết, rất nhiều kịch bản mà một con người phải trả giá bằng mạng sống của mình. Em trai tử tù Lê Văn Mạnh đã khẳng định rằng : Chỉ vì thành tích phá án, chỉ vì cán bộ đảng muốn nâng lương, lên chức mà tính mạng một con người bị giết để làm hòn đá kê đường cho các cán bộ công an liên quan.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là một giả thiết.

levanmanh3

Bởi với suy nghĩ thông thường của con người có trái tim và khối óc, thì giả thiết đó khó có cơ sở trong một xã hội bình thường, nơi mà ở đó, tính mạng con người là quan trọng, việc thượng tôn luật pháp là một nguyên tắc xã hội. Bởi chẳng mấy ai, nếu là con người, lại coi rẻ mạng sống của người khác đến mức chỉ dùng làm bàn đạp cho mình leo lên với chút bổng lộc, thành tích.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng : Ở trong một xã hội không bình thường như xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà những vụ án rùng rợn hơn đang diễn ra hàng ngày, người dân liên tục đua nhau vào đồn công an để tự tử, để treo cổ… thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Nhiều ý kiến khác nhau vẫn cố gắng tìm một lời giải cho thái độ của nhà cầm quyền trong việc quyết thực hiện bằng được việc tước đoạt mạng sống của Lê Văn Mạnh với những thắc mắc không lời giải đáp.

Rõ ràng, với bản án này, nhà cầm quyền Việt Nam không thể đủ cơ sở để kết luận Lê Văn Mạnh một cách chắc chắn là đã phạm tội. Chẳng cần nói nhiều dẫn chứng ở đâu, chỉ riêng chi tiết năm 2015, khi nhà cầm quyền Thanh Hóa muốn đoạt mang Lê Văn Mạnh lần đầu, thì đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận trong nước và quốc tế.

Vì thế Trương Tấn Sang, nhân danh Chủ tịch nước, đã yêu cầu hoãn thi hành án tử này. Nếu có chứng cứ cụ thể và chắc chắn, thì hẳn nhiên chẳng có động tác này từ Chủ tịch nước.

Vậy thì những ngày qua, những tiếng nói từ dân chúng, từ mạng xã hội, từ các tổ chức trong và ngoài nước, từ các quốc gia đã gửi đến Chủ tịch nước thì sao ? Vậy Chủ tịch nước với vai trò của mình đã hành xử như thế nào với những tiếng nói từ khắp nơi ? Chủ tịch nước hiện nay vẫn còn ngồi chồm hỗm trên chiếc ghế ấy, thì không thể nói là không biết đến vụ án và những tiếng kêu này.

Vậy tại sao anh ta lại im ?

levanmanh4

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng

Nhiều người cho rằng : Trước đây, ít nhất thì Trương Tấn Sang còn là một nhà chính trị có thực lực đôi chút, nên tiếng nói còn có trọng lượng và còn nói để nâng cao chút uy tín của mình được. Còn bây giờ, chủ tịch nước thực chất chỉ là một tên lẻo mép, leo lên từ thằng cán bộ đoàn chuyên "ăn theo, nói leo" chứ chẳng có tác dụng gì cho đời sống.

Và anh ta biết khả năng của mình hạn chế, uy tín của mình là con số không, nên anh ta đã chọn im lặng kệ thiên hạ chết, miễn là mình sống và sống khỏe.

Còn việc vì sao dịp này, nhà cầm quyền Việt Nam quyết giết bằng được Lê Văn Mạnh, chỉ vì một điều đơn giản : Việt Nam vừa ký kết nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên hai bậc thành đối tác chiến lược toàn diện. Động tác này quả là một bước liều của đám lãnh đạo Việt Nam, bởi bên cạnh quan thầy vẫn dõi mắt ngày ngày để ý từng đường đi nước bước của đàn em.

Ai cũng biết rằng cách mà nhà cầm quyền Việt Nam đi dây giữa quan thầy Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhiều khi đã đặt Việt Nam vào thế khó xử. Hãy nhìn động tác của Trung Quốc với Việt Nam trong quá trình xúc tiến mối quan hệ với Hoa Kỳ thì rõ.

Trước khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Haris đến Hà Nội, Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội bỗng dưng dở chứng bắt lãnh đạo Hà Nội tiếp mấy tiếng đồng hồ trước khi tiếp Bà Phó Tổng thống Mỹ. Và trong cuộc tiếp ấy, lãnh đạo Việt Nam phải hứa ngược hứa xuôi là không dựa vào bên ngoài để làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung… Đến khi đó, thì mới tha cho Hà Nội tiếp khách đang chờ ngoài cửa.

Người ta thấy, mặc dù khi Tập mới lên chức lần thứ 3 qua cuộc đấu đá nội bộ chưa kịp thở, thì ngoài cửa, Nguyễn Phú Trọng đã tập tễnh cắp ô sang chầu. Thế nhưng quan thầy vẫn chưa yên tâm.

Trước chuyến thăm của Joe Biden, Tổng thống Mỹ mới đây để nâng cấp quan hệ giữa hai nước, thì quan thầy Trung Quốc đã cẩn thận phái cán bộ đối ngoại đến dặn dò và rào đón trước đó. Và đã không tiếc lời mỉa mai việc nâng cấp quan hệ này.

Vậy thì đây cũng là cơ hội để chính quyền Việt Nam một lần nữa chứng mịnh trước quan thầy của mình rằng : Dù đã nâng cấp quan hệ, dù đã hứa hẹn, được nhắc nhở về nhân quyền, về pháp quyền khi chơi với Mỹ. Thế nhưng, những điều đó chẳng ăn thua gì với thái độ của Việt Nam, vẫn sẵn sàng chà đạp lên những nguyên tắc tối thiểu nhất, cơ bản nhất của xã hội loài người : Quyền được sống phải đươc đảm bảo, quyền được xét xử công minh phải được thi hành.

Và bây giờ là lúc Việt Nam đã đủ điều kiện để thể hiện mình : "Chẳng ngán thằng nào".

Nền tư pháp phản động và man rợ

Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu về các bản án tử hình oan sai đối với họ khi gặp các lãnh đạo Việt Nam.

Trong bức thư thỉnh cầu việc hoãn thi hành án Lê Văn Mạnh có đoạn như sau : "Vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đối với tử tù Lê Văn Mạnh đã được xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp Tòa án với những lời kêu oan liên tục của bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh", "Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ (vào năm 2015), các Luật sư chúng tôi thực sự nhận thấy… các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này".

Trong 7 phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, Lê Văn Mạnh đều kêu oan và khẳng định mình vô tội. Tòa án Tỉnh Thanh Hóa đã kết tội dựa trên lời khai nhận giết người mà Lê Văn Mạnh nói rằng anh ta đã bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội.

Chuyện bức cung, nhục hình, đánh đập nghi can để ép nhận tội là chuyện không có gì lạ ở Việt Nam trong lịch sử truyền thống của nền tư pháp cộng sản. Không phải trước đây mà ngay bây giờ, chỉ trong vòng một tháng qua, từ Nam ra Bắc, từ miền núi đến miền xuôi, hàng loạt người dân vào đến đồn Công an đã bị chết hết sức bất ngờ với lời giải thích rất gượng gạo rằng : Tự tử, tự thương… mà toàn dân, ai cũng biết lý do vì sao.

Do vậy, chuyện một người đã rơi vào tay Công an nhận những tội tày đình mà mình không hề gây ra là chuyện thường tình. Những vụ án như Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… là những tử tù đã ra tòa nhận tội hết sức thành khẩn, thành thật, đã thao tác diễn lại các động tác phạm tội rất thành thục và chuyên nghiệp không hề để lại bất cứ nghi ngờ nào cho những ai ở bên ngoài.

Để rồi khi một sự tình cờ nhất định khẳng định họ vô tội, người ta mới biết được những cuộc tra tấn, hành hung, nhục hình và cưỡng bức các nạn nhân này khủng khiếp ra sao khi rơi vào tay lực lượng "Còn đảng, còn tiền" đã được bạch hóa trước toàn xã hội.

Nhưng những kẻ bức cung, nhục hình, tạo nên oan sai vẫn cứ bình an vô sự.

Việc sử dụng hệ thống luật pháp mơ hồ, hệ thống công quyền thực thi luật pháp bất chấp sự thật, bất chấp lương tâm, nhiều khi mạng sống của một con người không hề có chút giá trị nào so với chức vụ, cấp bậc hoặc quyền lợi mà các nhân viên thi hành công vụ nhận được trong các nhiệm vụ được giao, đã tạo nên một nền tư pháp phản động – nghĩa là nền tư pháp đi ngược lại lợi ích của xã hội, đẩy xã hội ngày càng lún sâu vào tình trạng man rợ và rừng rú.

 Đó là một sự thách thức với lương tâm nhân loại.

Và hẳn nhiên, thế giới này không thể làm gì được một nhà cầm quyền đã nắm chắc cây súng trong tay và sẵn sàng thực thi luật rừng, đồng thời mọi yếu tố như lương tâm, đạo đức, quyền lợi, quyền con người… chỉ là những điều rác rưởi không đáng để tâm. 

Việc này, nhằm mục đích là gì ? Tước đoạt mạng sống của tử tù Lê Văn Mạnh có phải là động tác nhằm để chứng minh rằng phải ra tay để bảo vệ sự nghiêm minh của hệ thống luật pháp, của nền tư pháp hiện nay ?

Xin thưa là không.

Bởi không có hệ thống luật pháp nào được coi là nghiêm minh, khi kết tội vu vơ, khi kết án không đủ chứng cứ, không đủ cơ sở. Và nhất là không có một nền tư pháp nào được coi là bình thường khi sẵn sàng tước đoạt mạng sống của con người mà không quan tâm đến những chứng cứ phạm tội của họ ra sao.

Trong thực tế đời sống xã hội, người ta thường nhắc nhau rằng : "Thà bỏ sót, còn hơn giết lầm" nhằm để tránh việc gây tội ác, nhất là với những tội ác không thể sửa chữa như án tử hình.

Thế nhưng, trong chế độ cộng sản, phương thức hành động "thà giết lầm, hơn bỏ sót" đã thi hành từ thời chiến tranh bằng những cuộc khủng bố, đến nay vẫn là phương châm hành động của hệ thống tư pháp hiện tại.

Đó là nền tư pháp khát máu và phản động đi ngược lại lợi ích của dân tộc của đất nước.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 26/09/2023

*************************

Lại nói về tử hình

Lê Nguyễn Duy Hậu, VNTB, 25/09/2023

Chừng nào mà xã hội vẫn còn cho rằng việc duy trì án tử hình là đúng, và chỉ có thi hành án tử hình với người vô tội mới là sai… thì chừng đó xã hội vẫn sẽ còn thấy những oan khuất xuất hiện như gần đây.

levanmanh5

Có một giai thoại thường được các giáo sư luật ở Mỹ kể cho sinh viên năm nhất nghe. Chuyện kể là có một sinh viên luật mới ra trường được nhận làm thư ký cho thẩm phán huyền thoại của Mỹ là Oliver Wendell Holmes. Khỏi nói cũng biết anh chàng này rất hào hứng. Nhưng không ngờ sự hào hứng đó bị dội ngay gáo nước lạnh khi anh chứng kiến Holmes tuyên xử một vụ án mà anh tin rằng kết quả thật sự không công bằng. Khi phiên tòa kết thúc, anh chàng chạy theo Holmes để chất vấn ông ta. Chuyện kể rằng Holmes ngạc nhiên nhìn anh chàng như trên trời rơi xuống, rồi nói như mắng vào mặt anh : "Cậu làm sai nghề rồi. Nghề của chúng ta là nghề luật, chứ không phải là truy tìm công lý".

Câu chuyện này kể ra không phải là để lên án luật sư hay thẩm phán, hay hệ thống tư pháp nói chung, mà vốn là để dạy cho sinh viên luật một bài học cơ bản : pháp luật không phải vạn năng. Vì sao pháp luật không phải vạn năng ? Vì pháp luật là do con người tạo ra. Mà con người thì không hoàn hảo. Logic hình thức là ở đây. Mình nhớ từng đọc đâu đó trong một phán quyết của Anh, có ghi rằng : "Pháp luật vốn dĩ chỉ là nỗ lực của con người để đạt được công lý". Công lý, theo ý trên, có thể đạt được bởi nhiều cách khác nhau, và không nhất thiết là độc quyền của pháp luật.

Nói tiếp về lý luận này. Một trong những điều mà ít người để ý đó là dù cố gắng cách mấy, con người sẽ mãi mãi không làm được một đạo luật "rõ ràng", "không kẽ hở" được. "Kẽ hở" của pháp luật đôi khi xuất hiện chỉ đơn giản vì người làm luật không thể lường được sự sáng tạo của xã hội trong việc tạo ra những thứ mới. Những quốc gia cố gắng viết luật xuống thành văn và giới hạn cái gọi là luật trong các văn bản pháp luật đều có những cái lý của họ. Nhưng cùng lúc đó, họ khiến cho khả năng uyển chuyển, thích ứng với thực tế cuộc sống của luật bị ảnh hưởng. Và khi một vụ việc nào đó rõ ràng có bất công, nhưng luật không thể theo kịp để xử lý, thì người chịu vạ đầu tiên là đương sự, nhưng người mang tiếng nhiều hơn lại là các thẩm phán. Nhất là khi vụ án đó tước đi tính mạng của đương sự, là một vụ án tử hình. Điều này sẽ tệ hơn khi họ cố gắng xây dựng một truyền thuyết rằng pháp luật công bằng, hoàn hảo, và là chuẩn mực của đạo đức.

Làm nghề được hơn một thập niên nay, mình thấu hiểu điều đó là sai lầm và thú thật là có cái nhìn thông cảm hơn với các thẩm phán trong các vụ án oan. Đành rằng có những vụ án mà nó oan chủ yếu là do thẩm phán không đủ bản lĩnh để đối chọi với sức ép, hay đơn giản là cái uy, từ cơ quan điều tra (công an) và công tố (viện kiểm sát), nhưng có những vụ án oan vì nó đã đến một giới hạn mà công cụ pháp lý trong tay các thẩm phán không còn đủ để thay đổi nữa. Nhưng tất nhiên, là một phần của hệ thống thì họ phải chịu vạ vậy. Chỉ là khi mình nghe chánh án Nguyễn Hòa Bình nói một cách hơi huỵch toẹt rằng Quốc hội chấp nhận chỉ tiêu cho Tòa án được sai không quá 1.5% các bản án được đưa ra xét xử, mình thấy ông Bình hoặc là can đảm nói sự thật, hoặc hơi dại dột. Thực tế là ngay cả chuyện giao chỉ tiêu như vậy cũng là một nỗ lực để hạn chế điều không thể hạn chế, và con số 1,5% vốn cũng hơi ngẫu nhiên.

Mình là một người phản đối toàn diện án tử hình, và mình không giấu diếm điều đó. Không có nghĩa là mình ủng hộ hay bao che cho cái ác (không ai trên đời này quỷ dữ đến như vậy), mà đơn giản là mình nghĩ bản thân sẽ trở nên ác nếu ủng hộ án tử hình. Thực tế thì việc tòa án xử sai người sai tội không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam. Một báo cáo của Trung Tâm Thông Tin Án Tử Hình Hoa Kỳ (Death Penalty Information Center) cho thấy từ 1973 đến nay, có đến 192 tử tù sau đó đã được chứng minh là oan sai. Con số khủng khiếp hơn đó là cho đến năm 2020, có lẽ đã có đến 20 tử tù bị hành quyết oan. Thống kê thực tế là bao nhiêu thì không ai biết cả. Có rất nhiều nguyên nhân cho án oan, nhưng mình tin rằng lý do duy nhất bởi vì đó là bản năng của con người, là sự thật không thể thay thế được. Một khi pháp luật không thể hoàn hảo, thì án oan sẽ luôn luôn tồn tại. Các nỗ lực cải tổ tư pháp rốt cuộc cũng chỉ là cải tổ, không thể thay thế được. Nếu bạn nhìn pháp luật theo cách đó, bạn có thấy dễ sợ không khi biết rằng xã hội hoàn toàn có thể đẩy một người vô tội đến chỗ chết bất kỳ lúc nào.

Tất cả những lập luận ủng hộ án tử hình thường xuất phát từ một mục đích tốt đẹp, đó là cho xã hội tốt hơn, cho người nhà nạn nhân bớt đau buồn, cho kẻ xấu chịu hình phạt thích đáng. Mình hiểu tất cả. Nhưng không phải lúc nào điều chúng ta muốn cũng là điều chúng ta làm được, hoặc nên làm. Cái xấu xí của án tử hình đó là việc nó sử dụng uyển ngữ Hán Việt. Án tử hình đơn giản là giết chết một người nào đó, nhân danh một cộng đồng. Chính vì sự nhân danh cộng đồng mà không ai cảm thấy mình có trách nhiệm trực tiếp với cái chết đó cả. Nhưng thử làm một thử nghiệm tâm lý nhỏ : liệu có bao nhiêu người ủng hộ án tử hình, sẵn sàng tự mình thi hành án tử hình ? Câu trả lời mà chính bạn đưa ra chắc sẽ phần nào làm bạn suy nghĩ lại. Chúng ta lên án kẻ giết người vì hắn tước đi mạng sống của một người vô tội, và hắn xứng đáng bị tử hình. Nhưng chúng ta có tự lên án bản thân mỗi lần một bản án tử hình oan bị tuyên không ?

Những vụ án oan hiện nay xảy ra là vấn đề gần như tất yếu của hệ thống tư pháp. Hệ thống tư pháp chắc chắn sẽ có thiếu sót, sẽ có sai lầm, và việc tranh luận để giảm sai lầm đó tuy tốt thì cũng chỉ là đắp vá tạm bợ. Trí tưởng tượng của con người không thắng được thực tế xã hội. Vấn đề là chúng ta phải có đường lui, phải có hướng sửa sai. Và đó là thái độ của chúng ta với án tử hình. Chừng nào mà xã hội vẫn còn cho rằng việc duy trì án tử hình là đúng, và chỉ có thi hành án tử hình với người vô tội mới là sai… thì chừng đó xã hội vẫn sẽ còn thấy những oan khuất xuất hiện như gần đây.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Nguồn : VNTB, 25/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, JB Nguyễn Hữu Vinh, Lê Nguyễn Duy Hậu
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)