"Quốc hội đã có nghị quyết cho phép được sai 1,5%, nghĩa là trong 600.000 vụ án thì có 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan (không phải do giả mạo hồ sơ, cố ý làm sai)..."
Ông Mạnh không phải là trường hợp duy nhất và chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng. Ngay vào lúc này vẫn còn hai tử tù mà hiếm có ai tin rằng họ có tội : Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Hình minh hoạ.
Bất kể công chúng cả trong lẫn ngoài Việt Nam phản ứng thế nào, những cá nhân và cơ quan hữu trách ở Việt Nam vẫn không thèm lên tiếng về việc thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh.
Ông Mạnh, 41 tuổi, ngụ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã bị tiêm thuốc độc vào sáng 22/9/2023 theo bản án chung thẩm mà Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội tuyên vào tháng 11/2008. Tóm tắt niên biểu mà tạp chí Luật Khoa đã lập thì...
Tháng 3/2005, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có một bé gái 14 tuổi bị giết. Công an cho biết, trước khi bị giết, nạn nhân đã bị cưỡng hiếp. Tháng 4/2005, Công an Thanh Hóa bắt ông Mạnh theo lệnh truy nã của Công an Đồng Nai vì "cướp tài sản".
Ba ngày sau khi bị bắt, ông Mạnh "viết thư" gửi cho cha, kể rằng chính ông đã giết bé gái. Do có một phạm nhân bị giam chung "tố cáo", Công an Thanh Hóa đã tịch thu "thư" này và dùng "thư" đó để buộc ông Mạnh là thủ phạm vụ "hiếp dâm" và "giết người".
Tháng 7/2005, ông Mạnh bị đưa ra xét xử sơ thẩm với ba tội là "cướp", "hiếp dâm" và "giết người". Tòa án tỉnh Thanh Hóa phạt ông Mạnh "tử hình". Tuy nhiên bản án bị Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội hủy kèm lệnh phải điều tra lại.
Tháng 3/2006, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa ông Mạnh ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai. Tòa vẫn xác định phải "tử hình" ông Mạnh. Khi xét xử phúc thẩm lần thứ hai, Tòa Tối cao đồng ý với Tòa Thanh Hóa.
Thế nhưng Viện Kiểm sát Tối cao không đồng ý. Tháng 4/2007, nơi này đề nghị Tòa Tối cao giám đốc thẩm, hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai vì có nhiều sai sót, mẫu thuẫn khi điều tra và kết luận ông Manh "hiếp dâm", "giết người".
Tháng 6/2007, Tòa Tối cao tiến hành giám đốc thẩm vụ án Lê Văn Mạnh và tuyên bố hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai. Hồ sơ vụ án được giao cho Viện Kiểm sát điều tra lại.
Tháng 8/2008, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa ông Mạnh ra xét xử sơ thẩm lần thứ ba và vẫn xác định ông Mạnh đã "hiếp dâm", "giết người" nên phạt "tử hình". Khi xét xử phúc thẩm lần thứ ba, Tòa Tối cao đồng ý (1).
Tính đến thời điểm đó, vụ án Lê Văn Mạnh "hiếp dâm", "giết người" được đưa ra xét xử... bảy lần. Trừ Tòa Thanh Hóa khăng khăng cho rằng ông Mạnh phạm tội và cần "tử hình", Tòa án Tối cao dùng dằng, không mạnh dạn xác định ông Mạnh thật sự có tội. Đó là lý do phiên xử phúc thẩm lần một đã hủy bản án sơ thẩm thứ nhất và lúc xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, cũng Tòa Tối cao tuyên hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai.
Không chỉ có Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao cũng dùng dằng với việc xác định ông Mạnh phạm tội, bởi vậy mới kháng nghị, đề nghị Tòa Tối cao xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai.
Sự dùng dằng ấy phát xuất từ việc dường như ông Mạnh ngoại phạm (vào thời điểm nạn nhân bị giết, ông đang giúp em gái dọn nhà). "Thư nhận tội" - bằng chứng được dùng để cáo buộc ông Mạnh "hiếp dâm", "giết người" – không chỉ phi logic (chỉ ba ngày sau khi bị tạm giam để điều tra ông Mạnh đã có thể viết thư gửi gia đình) mà còn là dấu hiệu của tra tấn, ép cung (ngoài tố cáo của ông Mạnh còn một số nhân chứng khác cho biết, công an đã dùng phạm nhân tra tấn nghi can, ép nghi can viết thư nhận tội).
Chưa kể, công an chỉ khăng khăng khẳng định quần áo rách thu được tại hiện trường là vật chứng và không làm gì thêm, cho dù nhiều người khẳng định, ông Mạnh đã tham gia lặn – tìm xác nạn nhân và cởi bỏ, vứt lại quần áo bị rách...
***
Tháng 10/2015 – bảy năm sau khi Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội công bố phán quyết phúc thẩm lần thứ ba, đồng thời cũng là chung thẩm, xác định ông Mạnh cần bị "tử hình" - Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng họ sẽ thi hành bản án này và cha mẹ ông Mạnh có thể làm đơn xin nhận thi thể ông Mạnh, nhiều luật sư – trong đó có những người từng bào chữa cho ông Mạnh - đã đề nghị Chủ tịch Nhà nước hoãn thi hành bản án.
Một số tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế cũng gửi thư, đề nghị ông Trương Tấn Sang – khi ấy là Chủ tịch Nhà nước – ra lệnh hoãn thi hành bản án tử hình ông Mạnh.
Chánh án Tòa án Thanh Hóa cho biết đã hoãn thi hành bản án. Chánh án Tòa án Tối cao ra lệnh rút toàn bộ hồ sơ vụ án liên quan đến ông Mạnh về để xem xét lại toàn bộ vụ án. Thậm chí có tin là một nhóm công tác liên ngành tư pháp đã được thành lập để "rà soát vụ án". Tất cả những diễn biến này kéo dài suốc từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016 và chỉ như thế mà thôi, không có thêm bất kỳ thông tin nào khác. Lê Văn Mạnh tiếp tục bị biệt giam, cả ông lẫn thân nhân không rõ số phận của ông sẽ được định đoạt thế nào.
Thêm sáu năm nữa, tháng 9/2022, Chánh án Tòa án Tối cao loan báo Tổ Công tác liên ngành tư pháp đang xác minh đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh và cũng chỉ có thế mà thôi, không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào dám xác định ông Mạnh có tội.
Một năm sau – trung tuần tháng này (18/9/2023) – Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng họ sẽ thi hành bản án tử hình. Thêm một lần nữa, thân nhân của ông Mạnh, công chúng, chính phủ nhiều quốc gia như Phái đoàn ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế... kêu gọi dừng thi hành án tử hình và điều tra lại tố cáo tra tấn, bức cung ông Lê Văn Mạnh.
Lần này không có bất kỳ hồi đáp nào từ phía các cá nhân và cơ quan hữu trách của Việt Nam. Phản hồi duy nhất là thông báo từ Tòa án tỉnh Thanh Hóa là án tử hình đã đuợc thi hành, ông Mạnh đã được đưa từ Hòa Bình về táng tại Thanh Hóa !
***
Ông Mạnh không phải là trường hợp duy nhất và chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng. Ngay vào lúc này vẫn còn hai tử tù mà hiếm có ai tin rằng họ có tội : Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
Không cá nhân và cơ quan hữu trách nào tại Việt Nam dám khẳng định việc điều tra, truy tố, kết án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng là hoàn toàn đúng đắn song cũng không có bất kỳ cá nhân và cơ quan hữu trách nào cho rằng cần phải hủy các quyết định tử hình Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng vì những vi phạm pháp luật trong tiến trình điều tra cả hai vụ án khiến việc đánh giá, nhận định, đưa ra phán quyết về họ không bảo đảm sự khách quan, chính xác.
Nguyễn Văn Chưởng đã bị giam cầm 16 năm còn Hồ Duy Hải thì 15 năm. Gia đình của cả hai đều đã từng được thông báo về việc họ sẽ bị hành quyết nhưng do phản ứng của nhiều người, nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam nên giờ chót, kế hoạch hành quyết bị hoãn, song cả hai vẫn tiếp tục sống mòn, chưa rõ đến lúc nào sẽ được trả tự do, được xin lỗi, được bồi thường như những Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... hay bị hành quyết như Lê Văn Mạnh.
***
Nếu chấp nhận sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, đừng mơ công lý. Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Lê Văn Mạnh về việc sẽ hành quyết ông cùng lúc với việc Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét Dự luật sửa Luật Tòa án nhân dân. Ngoài việc đổi cách gọi tòa án các cấp, Tòa án Tối cao – nơi soạn và trình dự luật này – muốn rằng: Thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm đối với những phán quyết, quyết định sai nếu đó là "lỗi chủ quan".
Theo giải trình của Chánh án Tòa án Tối cao thì cần có quy định như thế về việc truy cứu trách nhiệm của thẩm phán bởiQuốc hội đã có nghị quyết cho phép được sai 1,5%, nghĩa là trong 600.000 vụ án thì có 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan (không phải dogiảmạo hồ sơ, cố ý làm sai). Ông Bình nhắc nhở những viên chức cao nhất trong cơ quan lập pháp rằng :Cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc (2). Khi hệ thống tòa án làm việc cho Đảng thì rõ ràng rất cần phải răn đe Đảng như thế.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/09/2023
Chú thích
(1) https://www.luatkhoa.com/2023/09/dien-bien-vu-an-le-van-manh/