Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và cấp huyện với kỳ vọng góp phần thúc đẩy độc lập xét xử.
Cơ quan này đề xuất đổi mới mô hình tổ chức hệ thống tòa án, trong đó đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm – ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội ; tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm – ví dụ Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm.
Đề xuất trên của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Đây là giải pháp căn bản củng cố và bảo đảm cho nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được tôn trọng.
Có chuyện thật như đùa là ở một số địa phương, lắm khi vui miệng người ta gọi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh là "sở trưởng", coi Tòa án cũng như một sở trong hệ thống cơ quan hành chính. Trong bối cảnh dính mắc như thế, thực hiện nguyên tắc Hiến định "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm" thật nan giải.
Một thẩm phán ở tỉnh Gia Lai kể: Tháng 7-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo một ông Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân một tỉnh ở Tây Nguyên vì đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, trong một vụ án dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện bồi thường về tài sản của nguyên đơn, buộc bị đơn là một ngân hàng bồi thường 115 tỷ đồng.
Hai tháng sau phiên tòa, ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ký văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm ; Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh và lãnh đạo Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm báo cáo quan điểm giải quyết vụ án ; yêu cầu Thẩm phán viết văn bản giải trình. Tòa án và Thẩm phán phải thực hiện theo yêu cầu của ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, không dám từ chối.
Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Nguyên đơn khiếu nại đến Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương mới dẫn đến kết quả kỷ luật ông Phó Chủ tịch Hội đồng nân dân tỉnh nêu trên.
"Có nhiều chủ thể, nhiều mối quan hệ có thể tác động đến tính độc lập của Thẩm phán, của Tòa án, đều cần được nghiên cứu tìm ra giải pháp đồng bộ để ngăn chặn. Vụ kỷ luật trên đây là trường hợp can thiệp trái pháp luật của lãnh đạo địa phương vào hoạt động xét xử của tòa án khá điển hình và đã được xử lý công khai, minh bạch, nhưng thực tế chắc chắn còn không ít sự can thiệp khác kín đáo hơn, khó phát hiện hơn vẫn diễn ra ở nhiều tòa án địa phương" – vị thẩm phán của tòa Gia Lai nhận xét.
Theo ý kiến của vị thẩm phán trên, thì dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra giải pháp khắc phục triệt để mối dính mắc triền miên đó, bằng mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Khi Tòa án không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước tại địa phương thì chắc chắn không có vị lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nào có thể can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án như ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nọ.
Tuy nhiên ở đây có ít nhất một thắc mắc mà phương án thay đổi trên cho đưa ra được câu trả lời, đó là việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp và xử lý vụ án, vụ việc cơ bản vẫn giữ nguyên sẽ không giải quyết được triệt để nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của tòa án.
Đặc biệt, sự thay đổi này sẽ dẫn đến phải sửa đổi các văn bản pháp luật lớn về tố tụng như bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính… ; và có thể xảy ra vướng mắc về sự tương thích với mô hình, tên gọi, hoạt động của cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp đang vẫn thực hiện nhiệm vụ theo địa giới hành chính.