Kênh đào Funan ở Campuchia : chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài Đồng bằng sông Cửu Long ?
Ngày 8/8/2023, Campuchia đã gửi thông báo tới Ủy hội sông Mekong về dự án kênh đào từ sông Bassac tới khu vực cảng biển ở tỉnh Kampot-Kep bên bờ Vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia đặt tên kênh đào này là "Funan Techo Canal" ("Kênh đào công nghệ Phù Nam"). Hôm 22/9/2023, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam cho biết Thủ tướng Chính phủ nước này đã yêu cầu Việt Nam phải nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Việt Nam.
Sơ đồ dự án kênh đào Funan. Ảnh chụp từ Google Map, RFA vẽ minh họa sơ lược, dựa theo thông số kĩ thuật của dự án. Google Map/ RFA
Theo tờ Phnomphenh Post, đây là dự án hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc. Từ trước tới nay, tuyến đường thủy từ biển đi vào Thủ đô Phnompenh của Campuchia phải qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tuyến đường này giúp Campuchia không phụ thuộc vào tuyến đường thủy đi qua lãnh thổ Việt Nam nữa.
Tổng chi phí xây dựng tuyến kênh đào này khoảng 1,7 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong vòng 4 năm, dài khoảng 180 km, với chiều rộng ở vùng thượng lưu là 100 mét và chiều rộng ở hạ lưu là 80 mét, chia thành hai làn đường. Kênh đào này sẽ nối Prek Takeo trên sông Mekong ở Campuchia với biển ở tỉnh Kep, đi qua 4 tỉnh là Kandal, Takeo, Kampot và Kep, với khoảng 1,6 triệu cư dân sống dọc theo tuyến đường thủy. Theo Khmer Times, hiện hình thức đầu tư của dự án này chưa được quyết định.
Trước những diễn biến mới này, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center về những tác động môi trường và xã hội của dự án này tới Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Dự án kênh đào Funan sau khi hoàn thành - Ảnh minh họa
RFA : Thưa ông, những điều mà công chúng cần biết về dự án kênh đào Funan của Campuchia là gì ?
Brian Eyler : Chính phủ Campuchia đã thảo luận cởi mở và thông báo rộng rãi cho các cơ quan liên quan đến toàn bộ hệ thống sông Mekong về dự án này nhưng thông tin chi tiết vẫn còn khan hiếm.
Nếu các bản thiết kế trước đây được đăng trên tờ Khmer Times là chính xác thì con kênh này sẽ nối dòng chính sông Mekong với đại dương ở Kep chứ không chỉ sông Bassac. Dự án kênh đào này sẽ bắt đầu tại Prek Takeo, cách Phnom Penh khoảng 30 km về phía hạ lưu trên sông Mekong. Sau đó nó giao với sông Bassac cách Phnom Penh khoảng 60 km về phía hạ lưu. Từ đó nó băng qua vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo và cuối cùng gặp biển ở tỉnh Kep.
Kênh đào sẽ đóng một vai trò quan trọng có tính chiến lược đối với Campuchia. Vì nó sẽ cho phép vận tải và hàng hóa di chuyển từ đại dương đến Phnom Penh và các điểm ở giữa, đồng thời giúp Campuchia tránh tuyến đường thủy đi qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hiện tại, tất cả các tuyến vận chuyển đường biển lớn đến và đi từ Campuchia đều phải đi qua Việt Nam khoảng 200 km. Tàu bè hiện được tự do đi lại mà không bị đánh thuế, nhưng kênh đào mới mang lại cho Campuchia quyền tự do tiến hành thương mại xuyên đại dương từ các khu công nghiệp nội địa mà không bị cản trở.
Dự án sẽ được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc và có thể là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các dự án BRI của Trung Quốc ở Campuchia, chẳng hạn như thủy điện Lower Sesan 2 (Hạ Sesan 2) không có danh tiếng tốt và bị tai tiếng là thiếu minh bạch, thiếu sự tham gia của các bên liên quan ở địa phương, yếu kém trong việc lập kế hoạch tái định cư và có hồ sơ xấu về tác động môi trường.
RFA : Theo ông, dự án kênh đào Funan một khi hoàn thành có thể tác động như thế nào tới môi trường tự nhiên ở Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam ?
Brian Eyler : Dự án này có thể sẽ mang lại những tác động đáng kể về môi trường và xã hội cho Campuchia và Việt Nam, thậm chí có thể có tác động đến nghề cá ở Lào.
Tính toán đơn giản cho thấy nó sẽ cần ít nhất 77 triệu mét khối nước và để lấp đầy kênh. Nước sẽ được chuyển từ dòng chính sông Mekong và sông Bassac. Điều quan trọng là sông Bassac là một phần của hệ thống sông Mekong. Sông Bassac là nhánh phân lưu lớn nhất của sông Mekong, tách ra khỏi dòng chính sông Mekong tại Phnom Penh. Lấy thêm nước ra khỏi sông Bassac và dòng chính sông Mekong có thể sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong tại Phnom Penh với một lượng không xác định.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đảo ngược dòng chảy Tonle Sap nổi tiếng. Đó là lực đẩy nước hàng năm từ dòng chính sông Mekong chảy ngược vào hồ Tonle Sap. Dòng chảy ngược này giúp cho Hồ Tonle Sap mở rộng gấp năm lần so với mức nước dâng thông thường vào mùa khô.
Việc lượng nước Hồ Tonle Sap được mở rộng chính là trái tim tạo ra nhịp đập của sông Mekong. Đó là quá trình then chốt làm cho sông Mekong trở thành ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, chiếm 20% sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của thế giới.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều yếu tố khác từ việc xây đập ở thượng nguồn, khai thác cát, lượng mưa mùa mưa ít dữ dội hơn và các yếu tố khác đang làm giảm khả năng mở rộng lượng nước theo mùa của Hồ Tonle Sap.
Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài, và do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ ảnh hưởng của nó.
RFA : Với những thay đổi to lớn về môi trường tự nhiên như vậy, dự án Kênh đào Funan của Campuchia có thể gây ra những biến động xã hội-kinh tế nào ở Campuchia và Việt Nam ?
Brian Eyler : Hồ Tonle Sap là nơi gieo phối của các loài cá di cư, những loài cũng tìm thấy môi trường sống ở Lào và Việt Nam, vì vậy dự án kênh đào mới chắc chắn sẽ làm giảm lượng đánh bắt cá xuyên biên giới.
Ngoài ra, việc loại bỏ 77 triệu mét khối hệ thống sông Mekong ở thượng nguồn Việt Nam cũng sẽ làm giảm mực nước dòng chính sông Mekong và sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó sẽ làm giảm mực nước ở một mức độ nào đó. Cần phải có các nghiên cứu để xác định và công bố về mực nước có nguy cơ bị giảm này.
Mực nước của nhiều con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm hàng năm do bị hạn chế nguồn nước từ các đập ở thượng nguồn và thiếu mưa. Hơn nữa, trầm tích do các con đập giữ lại và cũng bị loại bỏ khỏi sông Mekong thông qua hoạt động khai thác cát đang khiến lòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long bị hạ thấp. Những con sông này cần có lũ trong mùa mưa để thúc đẩy sản xuất lúa gạo và quá trình chuyển đổi nông nghiệp từ trồng lúa sang các lĩnh vực khác, một chương trình đầy tham vọng mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Việc bổ sung thêm một kênh mới ở Campuchia lấy nước từ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm giảm khả năng và cơ hội của Việt Nam trong việc xây dựng một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững trước biến đổi khí hậu để có thể tồn tại lâu dài trong tương lai thay vì vùng đồng bằng này sẽ bị chìm xuống biển do mực nước biển dâng.
Dự án này có thể làm giảm nghề cá ở Campuchia, Việt Nam và Lào. Nó có tác động đáng kể đến nguồn cung thực phẩm của người Campuchia. Khoảng 60-70% lượng protein tiêu thụ của Campuchia đến từ việc đánh bắt cá nội địa. Hiện tại Campuchia chưa có kế hoạch nào để thay thế lượng protein đó. Đây là lý do tại sao Campuchia đã tạm dừng các đập trên dòng chính sông Mekong và đang tiến hành xây dựng các đập trên dòng nhánh sông Mekong một cách rất thận trọng. Các quan chức ở đó biết rằng nhu cầu hiện hữu của quốc gia là phải bảo tồn nghề cá sông Mekong. Dự án này mâu thuẫn với nhiều nỗ lực tốt đẹp và hiện tại của Campuchia nhằm bảo vệ nghề cá của chính mình.
Ngoài ra, con kênh sẽ chia đôi và cắt đứt một vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo, nơi sản xuất một số loại gạo ngon nhất thế giới. Nếu không giảm nhẹ quy mô dự án, nước sẽ không thể chảy tự do qua vùng ngập nước này. Khi đó, phần vùng ngập phía nam của dòng kênh sẽ khô trong khi phần phía trên sẽ ẩm ướt hơn nhiều so với bình thường.
Chính vì dự án này sẽ có những tác động xuyên biên giới mà Chính phủ Campuchia phải thông báo dự án kênh đào Funan tới Ủy ban sông Mê Kông. Hiệp định Mekong năm 1995 mà Campuchia là thành viên sáng lập yêu cầu tất cả các chính phủ thuộc Tiểu vùng Sông Mekong phải thông báo cho Ủy ban Sông Mekong về việc sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực. Với những thông số kỹ thuật của dự án mà tôi đọc được, dự án này đủ tiêu chuẩn vì cửa xả của kênh nằm ngoài lưu vực sông Mekong, ở tỉnh Kep, và hơn nữa do nó có tiềm năng tác động xuyên biên giới đáng kể.
Có rất nhiều điều chưa biết về tác động môi trường và xã hội của dự án này. Điều quan trọng là Campuchia phải tiếp cận dự án này một cách chậm rãi và thận trọng. Từ quan điểm logistics (vận tải), đây là một bước đi quan trọng ở tầm chiến lược đối với Campuchia, nhưng xem xét từ hầu hết các góc độ khác, dự án có thể mang lại nhiều phí tổn dài hạn hơn là lợi ích.
Việt Nam nên khôn ngoan thu hút Chính phủ Campuchia tham gia vào các giải pháp thay thế và nỗ lực giảm nhẹ cho dự án này. Điều đó có thể được thực hiện song phương hoặc thông qua Ủy ban sông Mekong.
RFA : RFA xin cảm ơn Tiến sĩ Brian Eyler đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 03/10/2023