Nhân chuyến thăm Hà Nội hai ngày 10-11/09/2023 của tổng thống Joe Biden, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thông báo nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo quan sát của nhà địa chính trị Didier Chaudet, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cho phép Việt Nam có một thế đứng vững mạnh hơn trong đối thoại với Trung Quốc. Sự kiện khẳng định "tầm quan trọng" của Việt Nam trong nước cờ địa chính trị của Washington đối với Bắc Kinh.
Tổng thống Joe Biden nghe thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đổi mới sáng tạo và Đầu tư, Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. AP - Evan Vucci
Liệu rằng cấp độ quan hệ mới này giữa Mỹ và Việt Nam có sẽ "hiện thân" cho một cuộc "Chiến Tranh Lạnh Mới" giữa Mỹ và Trung Quốc như khẳng định từ một số truyền thông Mỹ, Châu Âu và Pháp hay không ? Ông Didier Chaudet lưu ý, mô hình quan hệ đối tác này, Việt Nam cũng đã thiết lập với nhiều nước khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc. Sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, Hà Nội cho biết muốn có quan hệ đối tác tương tự với nhiều nước khác như Indonesia, Singapore và Úc.
Hoa Kỳ có một tầm nhìn như thế nào trong mối quan hệ với Việt Nam ? Phải chăng mối quan hệ đối tác này cũng sẽ là một hình mẫu để cho Mỹ nhân rộng trong khu vực Đông Nam Á ? Mời quý vị theo dõi phần phân tích từ nhà nghiên cứu Địa chính trị các vùng Nam – Trung Á trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI Tiếng Việt.
**********
RFI : Ngày 10/9, Việt Nam và Mỹ đúc kết thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thuật ngữ này phải được hiểu như thế nào nhìn từ phía Việt Nam và từ Hoa Kỳ ?
Didier Chaudet : Ở đây, chúng ta đang đối mặt với điều người ta gọi là một nền ngoại giao đa chiều cổ điển. Việt Nam không muốn bị xếp vào phe thân Mỹ, họ muốn có thể đối thoại với tất cả các bên ở cấp cao. Trên thực tế, đây là một tầm nhìn khá thực tế về quan hệ quốc tế mà tôi cảm nhận được từ phía nền ngoại giao Việt Nam. Họ hiểu rằng dù đó là Trung Quốc hay Hoa Kỳ, đây sẽ không bao giờ là bạn bè. Đôi khi họ có thể là những đối thủ cạnh tranh, và đôi lúc đó có thể là những đồng minh để bảo vệ một số lợi ích của mình.
Mối quan hệ đối tác này với Mỹ là một thông điệp gởi đến Trung Quốc sau những căng thẳng về một số chủ đề rất rõ ràng, đặc biệt là Biển Đông, nơi thường xuyên có những xung khắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, hình thức đối tác này, còn là một cách để gởi đi một thông điệp đến Trung Quốc, để nói với họ rằng "với chúng tôi, sẽ phải thương lượng, bằng không chúng tôi sẽ chuyển hướng nhiều hơn sang Hoa Kỳ".
Còn có vấn đề về nguồn nước, những đập thủy điện trên dòng Mêkông đang làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước của Việt Nam. Đây cũng là một chủ đề quan trọng mà Việt Nam muốn sử dụng mọi vũ khí ngoại giao để có thể gây áp lực, để có thể đàm phán.
Tôi muốn nói rằng có một điểm thứ ba, nhưng có lẽ chỉ là thứ yếu : Đó là việc phát triển một căn cứ quân sự ở Cam Bốt, có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng trong tương lai, và điều đó có nguy cơ làm thay đổi thế cán cân quyền lực ở Đông Nam Á.
Nhưng theo tôi, vấn đề Biển Đông và tiếp cận nguồn nước Mêkông là chủ đề quan trọng nhất. Thế nên, mối quan hệ đối tác này sẽ giúp Việt Nam có được một thế mạnh hơn trong đối thoại với Trung Quốc trong tương lai.
RFI : Nhưng lợi ích của sự hợp tác này không chỉ mang tính địa chính trị... ?
Didier Chaudet : Chúng ta có xu hướng chỉ đọc sự việc theo khía cạnh địa chính trị mà quên rằng bên cạnh đó, còn có kinh tế nữa. Một mối quan hệ đối tác tốt hơn cũng có nghĩa là Việt Nam có khả năng được xem là hấp dẫn hơn, được xem như là một giải pháp thay thế tiềm năng cho một số công ty lớn của Mỹ đã lập cơ sở ở Trung Quốc và giờ thì có thể bị cám dỗ bởi khả năng thay thế của Việt Nam.
Nhìn chung, vấn đề là tìm kiếm qua mối quan hệ này với Mỹ, khả năng phát triển năng lực kinh tế và công nghệ của Việt Nam. Chúng ta nên hiểu rằng thông thường kiểu khả năng kinh tế và công nghệ này cũng mang lại một trọng lượng nặng hơn ở cấp độ ngoại giao, thậm chí ở cấp độ an ninh.
Đặc biệt, còn có ý tưởng phát triển thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, điều này tất nhiên sẽ còn làm cho Việt Nam trở nên quan trọng hơn trong khu vực. Về phía Việt Nam, họ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ phát triển năng lực giám sát trên biển. Về điểm này, chúng ta lại trở về với vấn đề Biển Đông.
RFI : Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn đến Việt Nam thay vì đến dự thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, Indonesia. Ông giải thích như thế nào về quyết định này của tổng thống Mỹ ? Liệu đây có là một sai lầm của Joe Biden ?
Didier Chaudet : Việc ông Joe Biden không đến ASEAN mà chọn G20 được tổ chức ở Ấn Độ, rồi sang Việt Nam, là biểu tượng của điều gì đó trong nền ngoại giao Mỹ. Điều này muốn nói rõ rằng ưu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ này là phát triển các mối quan hệ với các quốc gia có thể có vấn đề với Trung Quốc và có thể hỗ trợ Mỹ chống lại Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, đây là điều chúng tôi nhận thấy từ phía Washington.
Vì vậy, tôi nghĩ là Joe Biden có lẽ đã mắc một sai lầm ở đây, vì trên thực tế, ông ấy đã theo đuổi một chính sách khá thú vị đối với ASEAN : Trong vòng hai năm, đã ba lần ông ấy gởi phó tổng thống Mỹ đến các nước Đông Nam Á, một con số khá tốt. Năm 2022, Joe Biden đã bổ nhiệm một đại sứ ASEAN đầu tiên. Cũng trong năm 2022, ông ấy lần đầu tiên khai mạc thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Ông ấy đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với ASEAN nói chung và cũng đừng nên quên rằng Indonesia dường như đã thay đổi ngày diễn ra cuộc họp ASEAN năm nay để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ông Biden cũng như nhiều lãnh đạo chính phủ khác phải đi dự G20 cũng có thể đến dự thượng đỉnh ASEAN. Do vậy, những biểu tượng này cũng quan trọng. Về điều này, Joe Biden rõ ràng đã phạm một sai lầm, nhưng ông đã cho thấy rõ tầm quan trọng vốn có của Việt Nam trong tư duy địa chính trị của Mỹ lúc này.
Ở đây, có một sự liên tục của điều mà chúng ta đã nhìn thấy dưới thời chính quyền Donald Trump : Việt Nam thực sự được coi là quan trọng từ quan điểm địa chính trị. Và kể từ đầu chính quyền Biden, chúng ta nhận thấy một sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Đó là vào năm 2021, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã được cử đi thăm ba nước trong tháng 7/2021.
Ông ấy đã được cử đến Philippines, một đồng minh truyền thống của Mỹ. Ở Singapore, một đối tác an ninh lâu đời. Đó là điều chúng ta dự đoán. Rồi sau đó là ông đến Việt Nam. Mỹ đã không chọn đến Thái Lan, một đồng minh an ninh truyền thống khác. Họ cũng không chọn Indonesia, một quốc gia quan trọng, có dân số đông nhất và diện tích lớn nhất ở Đông Nam Á.
Họ chọn Việt Nam, điều đó thật sự cho thấy là trong tư duy của Mỹ hiện nay, từ ít nhất hai đời chính quyền, họ hiểu rằng trong cuộc cạnh tranh đang diễn ra với Trung Quốc, có được Việt Nam trong phe mình là điều quan trọng. Tất nhiên, như tôi có giải thích trong câu trả lời đầu tiên, phía Việt Nam, họ không nhất thiết muốn bị xếp vào một phe nào, nhưng chúng ta hiểu được mối quan tâm mà họ khơi dậy ở Washington.
RFI : Thưa ông, phải chăng ông Biden đang thực hiện một chiến lược mà giới truyền thông gần đây hay gọi là "Friendshoring" ? Vậy chính sách này là gì ? Liệu chúng ta có thể nói rằng Việt Nam sẽ là cơ sở đầu tiên cho chiến lược này của Mỹ ở Đông Nam Á ?
Didier Chaudet : Trong mọi trường hợp, đây là những điều phía Mỹ mong muốn. Như tôi đã nói quý đài, trên thực tế, họ đang theo đuổi một chính sách mà chúng ta đã nhìn thấy dưới thời chính quyền Donald Trump. Vào năm 2017, tại thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ở Đà Nẵng, ông Donal Trump đã phát động ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng của Mỹ, đồng thời ca ngợi nền độc lập của Việt Nam, khả năng kháng cự của nước này trước bất kỳ áp lực từ bên ngoài v.v…
Đây rõ ràng là "một cú khều chân ngầm" với đối tác. Người Mỹ cũng hiểu rằng họ phải thành công trong việc quyến rũ Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với quý đài về Ấn Độ lần trước, chúng ta có nói về Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, đó là một thành tựu của Hoa Kỳ. Đương nhiên, Ấn Độ độc lập trong nhiều chủ đề khác, chẳng hạn như về hồ sơ Ukraine, nhưng ngay khi đó là vấn đề địa chính trị Châu Á, thì trên thực tế, Ấn Độ gần như buộc phải liên kết với Mỹ nếu muốn chống lại Trung Quốc.
Mặc dù Việt Nam có một cách tiếp cận khác, họ có thể liên kết với Mỹ trong một số vấn đề nhất định nhưng Việt Nam sẽ chẳng bao giờ muốn liên kết hoàn toàn. Chúng ta cũng thấy sự khác biệt này ở chính trong nước. Chắc chắn quý vị có một bộ Ngoại Giao cởi mở hơn trong đối thoại với Mỹ, trong khi phía quân sự, họ luôn nhớ về cuộc chiến với Mỹ, về chiến tranh Việt Nam, do vậy, họ ít cởi mở hơn với ý tưởng này.
Thế nên, phía Mỹ họ hiểu rằng họ phải quyến rũ Việt Nam và họ phải mang lại điều gì đó để đáp lại. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với Mỹ, cho vấn đề địa chính trị. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng muốn bổ sung thêm một điểm, đó là vấn đề cung cấp quân sự. Cho đến gần đây, nhà cung cấp vũ khí lớn cho Việt Nam là Nga và ở một mức độ nào đó là Ukraine.
Về phía Mỹ, vấn đề này là quan trọng : Khả năng bán vũ khí trên trường quốc tế. Quả thật, ở Washington, họ quan tâm đến ý tưởng có thể thay thế Nga như là bên cung cấp vũ khí nhất là trong tình hình địa chính trị đặc biệt hiện nay.
RFI : Ông vừa đề cập đến khả năng Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam. Nhưng liệu mối quan hệ "thương mại" này với Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc khó chịu ?
Didier Chaudet : Tôi nghĩ là Bắc Kinh khá hiểu rõ điều này. Theo cảm nhận của tôi về chính sách mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay, đây là một chính sách cực kỳ thực tế, cực kỳ thông minh. Điều Trung Quốc cần hiểu là bất cứ khi nào lợi ích của Việt Nam, lợi ích quốc gia của Việt Nam không được Trung Quốc tính đến, thì Việt Nam sẽ hành động theo một cách nhất định, họ sẽ không bao giờ hành động một cách "quá mức", Việt Nam sẽ không bao giờ đi đến mức đoạn tuyệt bang giao với Trung Quốc.
Có những mối liên hệ đã tồn tại, vẫn hiện hữu và sẽ tiếp tục tồn tại ở đó. Một lần nữa, theo tôi, Việt Nam sẽ không muốn chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng rất muốn có được điều tốt nhất từ hai phía. Thực vậy, miễn là chính sách đang theo đuổi là một chính sách thực tế và trong kiểu lập luận này, ngay cả khi ở một lúc nào đó có việc phải mua vũ khí của Mỹ, tất nhiên điều đó sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, thì họ cũng phải hiểu rằng nếu Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, có thể có một lý do nào đó trong số nhiều lý do khác. Thực tế là có những căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam cần phải được giải quyết, và điều đó sẽ thúc đẩy đàm phán.
Nhưng ở phía Nga, họ cũng sẽ đấu tranh để không đánh mất thị trường này. Hiện tại, Nga cần tất cả các thị trường mà họ còn có thể tiếp cận được và sẽ không bỏ rơi thị trường Việt Nam như vậy, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đưa ra một mức giá tốt trong những năm sắp tới. Đây cũng là điểm cần phải tính tới.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh vấn đề địa chính trị, cũng có thể có những câu hỏi thuần túy về kinh tế. Nếu như Nga biết đưa ra một thỏa thuận tốt, Việt Nam sẽ tiếp tục chuộng vũ khí của Nga hơn là vũ khí Mỹ. Nhưng xin nói rõ là khi nói về vũ khí Mỹ, tất nhiên, điều đó không nhất thiết là đứng về phía Mỹ.
Trước hết, sự việc sẽ mang tính thương mại và đó là lý do vì sao phía Trung Quốc, theo tôi, không hẳn có cảm giác của một bước ngoặt. Dĩ nhiên, Trung Quốc đã cảm thấy khó chịu vì mối quan hệ đối tác này, nhưng tôi cũng hình dung rằng đằng sau cánh cửa khép kín đó, các nhà ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề sông Mêkông và Biển Đông.
RFI : Khi quyết định nâng cấp quan hệ với Việt Nam, phải chăng Hoa Kỳ cũng muốn đưa ra một thông điệp cho nhiều nước khác trong vùng, rằng họ có thể thông qua những thỏa thuận thực dụng mà không có những đòi hỏi đặc biệt về nhân quyền trong mục đích chống ảnh hưởng Trung Quốc ?
Didier Chaudet : Trên thực tế, chúng ta phải rõ ràng về điều này. Vượt ra ngoài các diễn ngôn chính thức từ nền ngoại giao Mỹ, các phát biểu từ một số nhà báo hay trí thức phương Tây, vốn tin rằng Hoa Kỳ thực hiện ngoại giao nhân quyền, chúng ta thấy rõ là tại nhiều vùng khác, ở Trung Đông, Nam Á, chính sách bảo vệ nhân quyền là một "biến số", phụ thuộc hoàn toàn vào những lợi ích địa chính trị của Mỹ, và điều này đã được thấu hiểu ở Châu Á trong suốt nhiệm kỳ Donald Trump.
Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ thời kỳ đó, đã lấy Việt Nam như là một tấm gương cho Bắc Triều Tiên khi ông ấy muốn thúc đẩy Bình Nhưỡng mở cửa, đối thoại với Mỹ, và tách xa một chút Trung Quốc. Ông ấy dùng Việt Nam làm ví dụ cho việc người ta vẫn có thể mở cửa, nói chuyện với Mỹ, làm ăn với Mỹ nhưng vẫn duy trì một chế độ cộng sản.
Vì vậy, từ quan điểm này, người Mỹ luôn rất rõ ràng, kiểu suy luận thay đổi chế độ, bảo vệ nhân quyền không khiến Mỹ phải quan tâm tại những nước mà họ có những ảnh hưởng cực kỳ lớn. Tất nhiên, khi có điều gì đó khủng khiếp xảy ra như vụ thảm sát Andijan ở Uzbekistan hay như một số vụ việc ở Ả Rập Xê Út chẳng hạn, đúng là có phản ứng, có một áp lực truyền thông đến mức ngoại giao Mỹ buộc phải phản ứng.
Chừng nào chưa có điều gì khủng khiếp xảy ra, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi chính sách bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình như họ nghĩ ở Washington. Vấn đề nhân quyền, chuyện nội bộ của một nước thực sự không quan trọng đối với Mỹ.
Theo tôi, phía Việt Nam cũng như nhiều nơi khác ở Châu Á, họ biết rất rõ là vấn đề chế độ không có gì đáng bàn khi xét đến vấn đề ngoại giao, nhất là trong ván cờ này giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất kể đó là Trung Quốc, Việt Nam hay là Mỹ, chúng ta đang đối mặt với những chính sách ngoại giao rất thực tiễn vượt lên trên cả những phát ngôn chính thức, và những chính sách ngoại giao này là nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ.
Vì vậy, điều đó đôi khi có thể dẫn đến những căng thẳng giữa các nước khác nhau, nhưng ngoài những phát biểu chính thức, chúng ta rõ ràng không nằm trong một cuộc đấu tranh vì các giá trị.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Didier Chaudet.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 05/10/2023