Tờ Tuổi Trẻ vừa có một bài bàn về "Khí phách Việt Nam" (1) sau khi ông Trần Quyết Chiến – vận động viên billard – bỏ ngang, ngưng thi đấu với Dick Jaspers (vận động viên Hà Lan), rồi bỏ cả hoạt động giao hữu có tính chất quốc tế.
Trong khi cơ thủ Trần Quyết Chiến bỏ ngang chương trình thi đấu để phản đối đường lưỡi bò trên truyền hình Trung Quốc, thì Hà Nội gởi "cán bộ nguồn" sang học bồi dưỡng tại Quảng Châu.
Trận đấu vừa kể nằm trong hoạt động giao hữu giữa bốn cơ thủ được xem là hàng đầu thế giới. Ngoài Trần Quyết Chiến, Dick Jaspers còn có Tayfun Tasdemir (vận động viên Thổ Nhĩ Kỳ) và Cho Myung Woo (Hàn Quốc), do Liên đoàn Billiard thế giới (UMB) phối hợp Liên đoàn Billiards and Snooker Trung Quốc (CBSA) tổ chức tại Thượng Hải trong hai ngày 23 và 24/9/2023 nhằm quảng bá, phát triển nội dung carom ba băng tại Trung Quốc. Tất cả các trận đấu đều được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình(2).
Ông Chiến ngưng đấu với Jaspers, hội ý với huấn luyện viên sau khi phát giác đài truyền hình của phía Trung Quốc vừa tường thuật trận đấu, vừa lồng bản đồ Trung Quốc có "lưỡi bò" vào đó, rồi lập tức rời khỏi Trung Quốc để phản đối...
Khi biết sự kiện này, rất nhiều người Việt đã hoan hô hành động của ông Chiến và huấn luyện viên của ông (ông Nguyễn Việt Hòa) trên mạng xã hội. Nay, tới lượt tờ Tuổi Trẻ nhấn mạnh, lựa chọn của cá nhân ông Chiến ở một sự kiện có tính chất quốc tế là hành động "truyền cảm hứng", thể hiện"thái độ, khí phách và bản lĩnh Việt Nam",cho thấy "tinh thần dân tộc của người Việt Nam nói chung trong việc bảo vệ giá trị quốc gia và tôn trọng chủ quyền của dân tộc mình" .
***
Ngày ông Trần Quyết Chiến rời Trung Quốc là ngày ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư Hà Nội đến Trung Quốc. Ông Dũng dẫn Đoàn Đại biểu của Hà Nội tại Quốc hội và Đoàn Đại biểu cao cấp của Thành ủy Hà Nội (các ủy viên Thường vụ, lãnh đạo các ban Tổ chức, Nội chính, Dân vận, Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Hà Nội) đến Trung Quốc để tham dự "Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồnBan chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030".
Tờ Hà Nội Mới cho biết,"Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồnBan chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030" được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hoa Nam, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ 19/9/2023 đến 26/9/2023 với 20 học viên là "cán bộ chủ chốtcủa các sở, ban, ngành củathành phố và các quận, huyện, thị xã đã được quy hoạch làmthành viên BanChấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ tới(2025-2030)".
Những "cán bộ chủ chốt" và được xem là "nguồn" - được lựa chọn để lãnh đạo Hà Nội trong thời gian tới - này đã được bồi dưỡng về "thực tế lãnh đạo toàn diện và chặt chẽcủa đảng cộng sản tại Trung Quốc, luận giải tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới…". Ở lễ bế giảng, ông Dũng không chỉ "chân thành cám ơn" mà còn yêu cầu cấp dưới "hợp tác tổ chức nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng cán bộ".
Ông Dũng cũng nhắc các học viên mới được "bồi dưỡng" nên tận dụng "những hiểu biết và tình cảm hữu nghị từ hoạt động này để bắc thêm những nhịp cầu hợp tác giữa hai địa phương(Hà Nội – Quảng Đông)và hai nước (Việt Nam – Trung Quốc)[3].
Chẳng riêng Hà Nội cậy Trung Quốc "bồi dưỡng" cán bộ. Tháng 8 vừa rồi, bốn tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng đã lựa chọn - gửi cán bộ lãnh đạo đảng ở những địa phương này sang bồi dưỡng tại Học viện Cán bộ Bách Sắc ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo báo Lạng Sơn thì những cán bộ thuộc 4 tỉnh vừa kể của Việt Nam được dạy về "Cơ chế lãnh đạo và cơ chế vận hành đảng cộng sản Trung Quốc, chia sẻ mô hình kiểu mẫu về sự hợp tác mở cửa với các nước ASEAN…" (4).
Chuyện nhờ Trung Quốc "bồi dưỡng" cán bộ là truyền thống lâu đời của đảng cộng sản Việt Nam và được thực hiện tuần tự trên xuống dưới, chuyện các địa phương gửi cán bộ "nguồn" sang Trung Quốc "bồi dưỡng" chỉ là bước tiếp theo của tiến trình Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gửi "cán bộ cấp chiến lược" sang Trung Quốc "bồi dưỡng". Việc nhờ Trung Quốc "bồi dưỡng" cán bộ giờ đã phát triển tới mức tổ chức "bồi dưỡng" theo phương thức trực tuyến để sớm hiện thực hóa "Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai đảng" (5).
***
Chẳng lẽ có hai Trung Quốc, một để thường dân Việt Nam thể hiện "khí phách", một để "hợp tác đào tạo cán bộ" và chẳng lẽ cũng có hai Việt Nam, một hoan hô, phấn chấn trước những lựa chọn, hành động thể hiện "tinh thần dân tộc của người Việt Nam nói chung trong việc bảo vệ giá trị quốc gia và tôn trọng chủ quyền của dân tộc mình" và một chưa bao giờ ngừng "củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nước, đồng thời tăng cường nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2023
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/khi-phach-viet-nam-20230928123108064.htm