Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/10/2023

Gian với Đảng, láo với dân

Đàm Văn Loan

Vừa thấy tôi cầm xấp chứng minh nhân dân và thẻ căn cước của những người trong gia đình ra để làm giấy tờ, ông công an phường già nhất phòng nhăn mặt :

gian1

Công an đứng tại một lễ ân xá ở nhà tù Thanh Xuân, ngoại thành Hà Nội năm 2010 - Reuters

- Cái gì ? Giờ mà còn xài cái này hả ? Chưa đổi hả ? Không có làm được nha.

Ông ta nhìn quanh phòng, hỏi :

- Khu vực nào đây ?

Ý là hỏi tôi ở khu vực nào, công an khu vực ở đó sẽ chịu trách nhiệm về việc tôi chưa đổi sang căn cước gắn chip.

Anh công an khu vực nhìn tôi, thái độ cực kỳ khó chịu :

- Tôi nói anh bao nhiêu lần rồi, tại sao anh không đi làm thẻ căn cước gắn chip ? Tại anh mà sếp tôi la tôi đó anh thấy chưa ? Tôi buồn anh lắm.

- Xin lỗi anh, đúng là anh nhắc nhiều lần nhưng tôi không đi làm được. Phần vì bận quá, phần thì Nhà nước nói thẻ căn cước mã vạch vẫn còn xài được mà anh ? Hiện tại vẫn cho dùng cả bốn loại chứng minh với căn cước mà (chứng minh nhân dân chín số, chứng minh nhân dân 12 số còn trong thời hạn 15 năm từ ngày cấp, thẻ căn cước mã vạch và thẻ căn cước gắn chip) !

- Làm gì có bốn loại ! Chỉ được dùng một loại là thẻ căn cước gắn chip thôi.

- Báo nói, Chính phủ có văn bản mà anh.

- Không có. Tôi là công an tôi chẳng biết có văn bản nào như vậy hết.

"Một sự nhịn, chín sự hèn"

Vừa nói, anh vừa hướng dẫn một phụ nữ tải app để sử dụng mã định danh cá nhân vừa tiếp tục cằn nhằn tôi :

- Anh thấy chưa, người ta mở đến mức hai rồi mà anh còn chưa đi đổi.

Tôi cầm điện thoại, định vào mạng tải các nghị định của Chính phủ và Luật Căn cước công dân cho anh công an xem ngay tại chỗ. Quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân rất rõ ràng : Chứng minh nhân dân còn trong thời hạn thì được sử dụng đến hết thời hạn 15 năm, sau đó đổi sang căn cước gắn chip. Căn cước mã vạch được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035. Nghĩa là cả gia đình tôi đều có quyền tiếp tục sử dụng các giấy tờ tùy thân trên mà không cần đi đổi sang thẻ căn cước gắn chip gì cả.

Nhưng tôi dừng lại.

Bây giờ tôi giở luật ra đấu lý thì cả sếp của anh công an kia lẫn anh ta chắc chắn đều cứng họng. Nhưng cả gia đình tôi đang sinh sống ở khu vực mà họ quản lý, còn rất nhiều công việc và giấy tờ phải liên quan đến công an phường. Nếu tôi khiến họ bẽ mặt bây giờ, chưa chắc họ đã nhận sai nhưng rất nhiều khả năng họ sẽ làm khó gia đình chúng tôi trong quá trình sinh sống tại địa phương.

Nhịn ! Ngạn ngữ Việt Nam có câu một sự nhịn, chín sự lành.

Hay tôi nên cải biên câu ngạn ngữ Việt cho đúng hơn trong thời buổi này ?

"Một sự nhịn, chín sự hèn".

Nhưng, biết làm sao ? Ngạn ngữ Trung Quốc có câu áp dụng thật chính xác trong trường hợp này : Đứng dưới mái hiên nhà người ta không thể không cúi đầu.

Ở Việt Nam, công an bị người ta ghét không khác gì… ghét Trung Quốc.

Nghĩa là cứ trông thấy là ghét, nghe nhắc đã thấy ghét, ghét toàn bộ bất cần biết là ai-ghét tập thể, ghét cay ghét đắng vì rất nhiều lý do và sự ghét này không thể thương lượng.

Đến nỗi ngay dân quốc doanh với nhau mà người ta cũng nghĩ ra một câu để phân biệt vị trí bộ đội với công an.

Cùng là cánh tay phải của chế độ, nhưng bộ đội thì được thương và kính hơn hẳn, nên dân gọi là anh, là chú (chú theo cách gọi của trẻ em). Vì người dân thấy cứ chỗ nào khó khăn, lụt lội, dông bão, dịch bệnh thì bộ đội lại được điều đến giúp.

Trong khi đó, công an, hay nói cụ thể là cảnh sát giao thông thì "đứng đường kiếm bánh mì", bán đường, bán trạm, dọa dẫm dân, ăn đút lót để bảo kê, không thiếu đường nào. Thì là "thằng" chứ còn gì nữa.

Chú bộ đội, thằng công an.

Vừa ghét, vừa khinh.

Mượn oai hùm

Khi bắt đầu vào ngành, chắc hẳn nhiều em sinh viên công an hay công an mới ra trường vẫn ôm ấp nhiều lý tưởng làm người hiệp sĩ bảo vệ nhân dân lắm.

Nhưng chỉ cần vập vào thực tế, họ vỡ mộng.

Rất nhiều cấp trên của họ, lên đến cấp tướng tức thành tích và xương máu đã đủ sắt son rồi, mà hóa ra đều là bọn ăn đứng ăn ngồi, ăn từ thượng du đến hạ nguồn, ăn cả "cả giày cả tất, cả đất xung quanh". Chỉ trong vòng năm tháng của năm 2018, cả chục tướng công an trong đó có Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng/cục trưởng các Tổng cục cảnh sát, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục C50)… bị bắt giam, phạt tù… do tổ chức đánh bạc, bảo kê đường dây đánh bạc, bán đất quốc phòng, hưởng lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng.

Năm 2019, một trung tướng, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và một đại tá Cục trưởng Cục C50, tiếp tục bị bắt vì bảo kê buôn lậu. Một thiếu tướng Cục trưởng Cục Chính trị-hậu cần Tổng cục % Bộ Công an chung lưng với doanh nghiệp lừa đảo buôn bán bất động sản.

Năm nay, 2023, đầu năm thì thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, giữa năm thì cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội bị bắt vì tội chạy án. Cựu trưởng phòng điều tra Cục an ninh điều tra nhục hơn, bị bắt vì tội lừa đảo tiền chạy án…

Người trên ở chẳng chính ngôi

Để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào

(Ca dao Việt Nam)

Cấp trên như thế chẳng trách các cấp tít tò te phía dưới cũng chẳng từ thủ đoạn nào để hạch sách, hoạnh họe, vòi tiền, dọa dẫm người dân.

Kể ra nói thế cũng khá oan uổng (nói chung) các ngành khác trong lực lượng công an như an ninh, hình sự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn… Nhưng an ninh và hình sự thường hoạt động giấu mặt, thậm chí khi họ chết hay hy sinh vì nhiệm vụ cũng chỉ có rất ít người liên quan là được biết tường tận, ngoài ra không ai hay, cứ thế âm thầm cả đời. Cứu hộ cứu nạn thì tính chất hoạt động giống bộ đội, cứ có tai nạn là họ xuất hiện.

Nhưng người dân lại (phải) gặp thường xuyên nhất là cảnh sát giao thông và công an phụ trách hành chính, giấy tờ. Hầu như tất cả các lý do khiến dân Việt Nam ghét và khinh công an đều bắt nguồn từ hai lực lượng này.

gian2

Công an giao thông chặn xét một người đi xe máy ở TPHCM hôm 15/12/2007 vì không đội mũ bảo hiểm (minh họa). Reuters

Một nguyên nhân khiến những nhân viên công an tự cho phép mình hách dịch, nhũng nhiễu người dân là tổ chức công việc, phân công lĩnh vực rối rắm thiếu khoa học, nếu không muốn nói do cố tình ôm vào của ngành công an.

Ví dụ phong phú và đậm nét nhất là cái hộ khẩu.

Vào thế kỷ trước và cho mãi đến gần đây, chiếc hộ khẩu đã giúp đổi đời nhiều thế hệ công an. Không có hộ khẩu thì không được đứng tên nhà đất, không được vào làm các cơ quan Nhà nước, con cái không được đi học trường công… Có những ngành nghề bắt buộc hoặc hầu hết phải làm ở các cơ quan Nhà nước, như những nghề kiểm sát viên, tòa án, giáo viên, giảng viên, y bác sĩ… Anh chị ở tỉnh, lên thành phố học và muốn ở lại làm việc tại thành phố ? Cho dù anh chị rất giỏi và các cơ quan đó rất thiếu người, nhưng muốn vào đó làm việc, vẫn không có cách nào khác ngoài chạy hộ khẩu. Càng là thành phố lớn thì giá hộ khẩu càng chát. Một cái hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội vào những năm đó có thể lên tới cả cây vàng hoặc hơn. Quyền trong tay anh công an cả. Chịu chi đậm thì anh tự làm tất cả các giấy tờ hợp pháp, ký cá đóng dấu cẩn thận, thời gian địa điểm rõ ràng, nhanh đến nỗi sáng đưa tiền cho anh chiều đã có luôn hộ khẩu.

Đúng ra, những giao dịch của người dân với chính quyền thuần túy về cung cấp giấy tờ tùy thân hay các thủ tục hành chính khác như hộ khẩu, căn cước, tạm trú thường trú, khai sinh khai tử… về bản chất, chỉ là dịch vụ do Nhà nước cung cấp. Nó không phải là các biện pháp cấp thiết không thể thiếu và có tính cưỡng bách để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự, hay an toàn cho người dân. Vì vậy, tuy Nhà nước luôn nhấn mạnh tính bắt buộc nhưng luôn luôn có những người từ chối sử dụng những dịch vụ nói trên vì họ không muốn, không cần hoặc không thích. Thiệt hại-nếu có, họ tự chịu và khi đó Nhà nước được quyền từ chối cung cấp những lợi ích đi kèm các giấy tờ này (nếu có).

Về bản chất, nó không khác mấy những dịch vụ ngân hàng, giáo dục, hay vào quán bar đêm.

Nhưng thay vì công nhận/sử dụng nhiều loại giấy tờ tùy thân để giúp cho cuộc sống của người dân thuận tiện hơn thì công an Việt Nam từ xưa đến nay đã dùng nó như biện pháp quản lý dân cư chính yếu, gồm quản lý địa bàn, quản lý việc di trú, đi lại và cả quản lý nhân thân. Trong đó yếu tố chính trị, cụ thể là nắm được càng nhiều càng tốt thông tin nhân thân của người dân để phân loại và quản lý họ về ý thức chính trị có lẽ là mục tiêu quan trọng chủ chốt nhất. Vì lẽ đó, dễ hiểu vì sao mảng dịch vụ hành chính này cứ nhất thiết phải là công an nắm giữ, công an thực hiện mà không chịu giao nó cho các ủy ban hành chính cấp xã-phường, nơi gần dân nhất.

Gian với Đảng, láo với dân

Nguyên nhân thứ hai là sự tha hóa khi có quyền lực.

Bệnh đồng hóa quyền lực của ngành nghề mình đang phục vụ với bản thân khá phổ biến trong những người ở các cơ quan Nhà nước. Nhưng trong ngành công an, nó thuộc loại nghiêm trọng. Khi mặc vào bộ sắc phục, không ít nhân viên công an mặc nhiên phong cho cá nhân mình chính là đại diện cho lực lượng vũ trang, đại diện cho quyền lực tối cao của Nhà nước, mọi yêu cầu của mình đều là mệnh lệnh buộc người khác phải răm rắp tuân theo. Cộng vào đó, lực lượng công an còn bị nhồi sọ tư tưởng "Còn Đảng còn mình" và "truyền thống" chung về sự cửa quyền, áp chế, bóp nghẹt tiếng nói phản biện trong xã hội. Nên khi người dân không đồng tình hoặc nghi ngờ cách thực hiện nhiệm vụ của cá nhân nhân viên công an –xin nhấn mạnh là trong giới hạn của pháp luật thì nhân viên ấy dễ dàng quy kết ngay đó là hành vi chống đối thách thức quyền lực Nhà nước. Đã chống đối thì phải trấn áp !

Thói quen sừng sộ, to tiếng lấn át người dân như tôi kể trên chỉ là biểu hiện rất nhỏ và phổ biến đến nỗi gần như trở thành thói quen của nhiều công an viên. Ở những không gian có ít sự kiểm soát hơn, đó có thể là hành vi đánh đập, đạp ngã, "giơ chân hơi cao" "gạt tay trúng má" với người dân, thậm chí là những cái chết rất "tình cờ" ở đồn công an.

Lực lượng vũ trang Việt Nam định nghĩa về mình là lực lượng "Trung với Đảng, hiếu với dân". Nội hàm "Trung với Đảng" (chứ không phải trung với tổ quốc, đất nước) đã có nhiều điều đáng bàn. Thế nhưng ngay cả khi hoàn toàn chấp nhận định nghĩa này thì với rất nhiều công an - từ lính đến tướng, nó đã bị biến thành "Gian với Đảng, láo với dân".

***

Không nói đến việc lợi dụng bộ sắc phục công an để ra oai và làm tiền người dân, doanh nghiệp-nó là hành vi khốn nạn. Cứ cho rằng cũng có những người công an về bản chất cũng tử tế lắm, chỉ là trong quá trình hành nghề thì bị ảo giác, hoa mắt về bộ sắc phục đang khoác trên người thôi.

Các công ty bảo vệ tuyển người hay ưu tiên tuyển công an về hưu, bộ đội xuất ngũ. Khi mặc vào bộ đồng phục bảo vệ, đứng mở cửa cho khách ra vào trụ sở các doanh nghiệp, cơ quan, cúi chào kính cẩn mà người ta không buồn cho một cái liếc mắt mà chỉ xem người bảo vệ như một phần của cái cửa, không biết các cựu công an viên nghĩ thế nào ?

Đàm Văn Loan

Nguồn : RFA, 16/10/2023

Tham khảo :

https://bvhttdl.gov.vn/thoi-diem-ma-cmnd-cccd-ma-vach-chinh-thuc-bi-khai-tu-20221022142457102.htm

https://plo.vn/nhung-tuong-cong-an-nao-bi-bat-phat-tu-trong-thoi-gian-qua-post492131.html

https://baochinhphu.vn/bo-cong-an-thong-tin-viec-tam-giu-ong-do-huu-ca-1022302191354224.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đàm Văn Loan
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)