Khởi tố bắt giam người mẫu Ngọc Trinh : bất thường bí ẩn !
RFA, Gió Bấc, 25/10/2023
Thường ngày, Ngọc Trinh vốn nổi tiếng với nghề nghiệp phô trương hình thể, lối sống và cách nói bổ bả gây scandal sốc hàng. Ngọc Trinh là mỏ đề tài câu view của báo chí, truyền thông giải trí. Khi bị khởi tố bắt giam vì cái tội lãng nhách, Ngọc Trinh lại càng nổi tiếng khi được các cơ quan truyền thông chính chủ đầy quyền lực của đảng từ báo Nhân Dân, báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Cổng Thông Tin Chính Phủ, website Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh… đăng tin bình luận nghiêm chỉnh không thua chuyện Nguyễn Phú Trọng tiếp kiến Tập Cận Bình. Có nhiều bất thường bí ẩn trong vụ án này !
Công an Thành phố Hồ Chí Minh via Tuổi Trẻ
Xứ sở thiên đường vốn tự hào về nền dân chủ cao gấp ngàn lần dân chủ tư sản, tự hào về việc đề cao nữ quyền nên mỗi năm có đến 2 ngày lễ 8-3 Quốc Tế Phụ Nữ, 20-10 Phụ Nữ Việt Nam. Ấy vậy mà ngay trước ngày Phụ Nữ Việt Nam, "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh, gương mặt hiếm hoi của Việt Nam được bước lên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes năm 2019 bị bắt vì tội danh "gây rối trật tự công cộng".
Báo Đảng đưa tin trang trọng !
Hành vi được cho là "gây rối" đã xảy ra hơn 10 ngày trước, đâu có gì gấp gáp phải khởi tố bắt giam ngay trước ngày lễ Phụ Nữ Việt Nam ? Xứ sở này vốn rất nề nếp lễ nghi đầy tính nhân văn. Các ngày Phụ Nữ, Báo Chí, Luật Sư… được coi là ngày giỗ chạp, cử kiêng việc xấu, để qua ngày mới tính. Ngay với tham nhũng, cụ Tổng còn nhân văn nới cho ăn tết. Với Ngọc Trinh sao nở xuống tay vào ngày tiên thường ? Có ẩn ý gì chăng ?
Hơn thế nữa, tội danh cáo buộc cho hành vi của Ngọc Trinh gây rất nhiều tranh cãi về pháp lý.
Điều lạ lùng hơn là chuyện báo chí thương mại, mạng xã hội xưa nay chuyên săn đón khai thác từng centimét da, tóc, quần áo lót của Ngọc Trinh để câu view, nay đưa tin hot là chuyện bình thường. Các báo ngành công an từ tỉnh tới Bộ Công an là chuyện bình thường.
Nhưng lần này cơ quan ngôn luận chính trị đầy quyền lực, nổi tiếng khệnh khạng của đảng, nhà nước tham gia đưa tin bình luận việc khởi tố Ngọc Trinh ở các vị trí trang trọng không thua họat động lễ tân hoặc sinh hoạt chính trị của nhà nước, lãnh đạo đảng, nguyên thủ quốc gia. Báo Nhân Dân điện tử đưa tin kèm ba tấm ảnh. Cổng Thông tin Chính phủ đăng bài dài hơn 1.000 chữ và nhiều hình…
Cần nên biết rằng, ngay các bộ, ngành, các tỉnh có sự kiện quan trọng muốn được đăng tin lên các báo này cũng phải lễ nghi trà nước, phong bao, xe cộ đón đưa hậu hỉnh. Đây là loại báo chí ấn hành nghĩa là vừa hành hạ vừa ấn vào tay phải mua phải đọc, không cần phải câu view, bán chác.
Trong nền báo chí được đảng quan tâm chỉ đạo đặc biệt thì việc tham gia đồng loạt của các ông báo lớn này cho thấy, việc bắt bớ Ngọc Trinh không phải do các chú công an, kiểm sát thành Hồ lạm quyền ẩu tả mà có chủ trương từ lãnh đạo cấp trên.
Ngọc Trinh khoe thân là người ta ghen ghét. Nói năng bổ bả làm người ta chói tai. Ngọc Trinh giàu làm người ta đố kỵ. Nhưng em bán cái của em lấy tiền, sạch gấp vạn lần so với các tham quan. Em ngốch nghếch chẳng hề chính chị chính em. Vì sao bị bắt tức tưởi vì cái tội vô duyên ?
Người mẫu Ngọc Trinh biểu diễn với xe mô tô. RFA edited
Không đáng tội, không đúng tội !
Ngọc Trinh đã làm gì nên tội mà phải bị bắt ? Thông tin chính thức từ Bộ Công an cho biết : Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2 nhưng vào ngày 06/10/2023, Trinh đã cùng với Trần Xuân Đông tổ chức lái xe mô tô biển kiểm soát 59A3-115.88 (nhãn hiệu BMW, dung tích xi lanh 999 cm3) biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…, cho quay video, biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Trước đó, Trần Xuân Đông cũng đã cùng với Trần Thị Ngọc Trinh tổ chức tụ tập, điều khiển xe mô tô hiệu "Ninja" lưu thông trên đoạn đường Trần Bạch Đằng, Khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) thực hiện các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm như đứng 02 chân một bên xe, thả 02 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy…, cho quay video, biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Sau đó các video này đã lan truyền trên không gian mạng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đăng tải, phát tán nội dung các video clip của các tài khoản nêu trên có ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh, trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ (1).
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng đã bức xúc nhận xét trên fb : Hành động của Ngọc Trinh rõ là rất đáng phê phán, nhưng ở góc độ pháp lý, khởi tố và nhốt cô ta vào tù thì có lẽ chưa ổn lắm.
Hành vi nằm, thả tay lái xe ở khu vực đường nội bộ, vắng người, mục đích chỉ để quay clip câu view... "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" ở mức độ nào để cấu thành tội phạm quy định tại Điều 318 BLHS 2015 ? Có lẽ là vấn đề pháp lý không hề đơn giản, bởi tình tiết định tội này chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn.
Chưa nói, tội phạm ít nghiêm trọng như dạng này, không nên áp dụng biện pháp tạm giam làm tốn thêm cơm của nhà nước.
Nếu muốn thực sự dẹp loạn, những người sản xuất clip để câu view trên mạng, thì những cô cậu nhân danh "giang hồ mạng" đáng bị nhốt hơn nhiều" (2).
Cựu luật sư Lê Công Định bình luật rất học thuật là, theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, khái niệm "công cộng" được hiểu là những địa điểm trên thực địa, không phải trên không gian mạng. Nếu muốn mở rộng khái niệm này sang không gian mạng, thì Quốc hội phải sửa đổi Bộ luật Hình sự để minh định như vậy. Không thể tự ý mang khái niệm của Luật An ninh mạng sang áp dụng cho hình luật.
Nếu muốn áp dụng điều luật quy định về tội danh "Gây rối trật tự công cộng" trong trường hợp này, thì Bộ luật Hình sự phải minh định "công cộng" bao gồm cả không gian mạng.
Những suy luận giả định rằng tài khoản FB của đương sự có triệu người theo dõi, nên sẽ xảy ra nguy hiểm cho xã hội nếu thanh thiếu niên bắt chước lái xe như vậy, vẫn chỉ là những giả định trên lý thuyết, chưa có hậu quả thực tế nào như vậy vào thời điểm bắt tạm giam đương sự.
Cần lưu ý, hình luật văn minh không bao giờ trừng phạt những hành vi mang hậu quả giả định (3).
Về cáo buộc Ngọc Trinh phạm tội do hành vi đưa clip có nội dung sai trái lên mạng xã hội, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho rằng mạng internet là của các công ty quản lý, không phải của nhà nước "Việt Nam". Luật về "an ninh mạng" của Việt Nam quá khắt khe, đặc biệt các điều liên quan đến vấn đề "an ninh và trật tự công cộng".
Chỉ có những "moderators" (người điều hành) của các mạng xã hội này có "thẩm quyền" trừng phạt những "người chơi" đã phạm luật chơi do "nhà mạng" đặt ra. Nhớ có lần Tổng thống Trump bị cả Facebook và Twitter cấm chỉ, không cho chơi nữa. Bởi vì ông Trump "phạm luật" do nhà mạng đặt ra. Luật đó gọi là "tiêu chuẩn cộng đồng". Nội dung đại khái, nếu so sánh, tiêu chuẩn này phản ảnh luật lệ ở ngoài đời.
Theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn một bài viết nếu thấy có nội dung không lành mạnh, chỉ cần moderators xóa bỏ là đủ. Không cần tới luật ANM. Một người nhiều lần vi phạm, người này có thể bị thẻ đỏ (như ông Trump) (4).
Với người hiểu biết pháp luật thì hành vi chạy xe phân khối lớn chưa có giấy phép, quay clip đưa lên mạng của Ngọc Trinh là không phạm luật hình sự, luật không quy định. Chuyện lái xe không phép đã bị phạt hành chính, chuyện đưa clip lên mạng lẻ ra do nhà mạng xử lý mà mức nặng nhất chỉ là ngặn không cho đăng bài.
Ngay trong ngày Ngọc Trinh bị bắt luật sư Phùng Thanh Sơn đã có stt nhắn nhủ với ai đó rằng "Nên nhớ bhs có "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật"(Điều 377 Bộ luật hình sự). Tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng chỉ bị tạm giam trong một số trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự".
Tội là người nổi tiếng ?
Chính vì sự bất bình thường, vô lý trong việc bắt giam Ngọc Trinh, dư luận đặt ra nhiều giả thiết. Có người cho rằng đây là thủ thuật đánh lạc hướng dư luận mà nhà nước vẫn thường làm. Bắt Ngọc Trinh là để giải cứu sự săm soi phim Đất Rừng Phương Nam xác Việt hồn Tàu đang ngày càng lộ thêm nhiều chuyện nhập nhằng là phim nhà nước hay tư nhân, mượn danh nghĩa phim nhà nước đầu tư để vận động ủng hộ khi quay phim, phát hành có mùi Việt Á.
Nhưng đó chỉ là suy đoán. Xem xét những luồng thông tin chính thống từ truyền thông nhà nước sẽ thấy "tội danh" thật sự mà đảng nhà nước cần xử Ngọc Trinh là tội khác.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam), cần tách bạch rõ Ngọc Trinh không bị xử lý hình sự về hành vi "biểu diễn" môtô, mà bị bắt tạm giam về tội Gây rối trật tự công cộng đối với hành vi đăng tải các video điều khiển xe phân khối lớn sai phạm lên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Hậu nói, thêm rằng "trong thời đại công nghệ hiện nay có nhiều cách thức có thể tác động đến đời sống xã hội và tâm trí người dân. Một trong số đó là sự lan truyền mạnh mẽ của các bài viết, hình ảnh, video được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội.
Ngọc Trinh là người nổi tiếng thì các trang tin cá nhân của cô thường xuyên có lượt theo dõi rất lớn, bất kỳ câu từ, hành vi nào được đăng tải lên các trang tin này cũng đều nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng người xem. Cụ thể, những video đăng trên các trang tin của Ngọc Trinh đã nhận lại hàng triệu lượt xem.
"Như vậy có thể nhận thấy các đoạn video này đã có ảnh hưởng xấu, có tác động tiêu cực đến tâm lý của người xem và tiềm ẩn nguy cơ khuyến khích người xem thực hiện theo. Từ đó đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Lượng người xem khổng lồ của các video đó chính là cơ sở để xác định tính nguy hiểm của hành vi" (5).
Cổng thông tin chính phủ còn cẩn thận liệt kê cụ thể các tài khoản cá nhân Ngọc Trinh trên nền tảng mạng xã hội gồm :
1) Tài khoản Tiktok "Ngoc Trinh" (ID : @ngoctrinh89 ; hiện có 6.8 triệu người theo dõi ; đã nhận tổng cộng hơn 163.3 triệu lượt thích cho tất cả các video) đã đăng tải năm video có nội dung liên quan đến hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm vào các ngày 24-28/9/2023, 02-06-08/10/2023. Tính đến 10h00 ngày 12/10/2023, các video này đã nhận được 478.000 lượt thích ; 4.881 lượt bình luận ; 9.848 lưu video ; 5.787 lượt chia sẻ ;
2) Tài khoản Facebook "Trần Thị Ngọc Trinh (Cô bé ăn hàng)" (facebook.com/ngoctrinhfashion89 ; hiện có hơn 3.1 triệu người theo dõi) cũng đăng tải các video nêu trên thu hút 5.9 ngàn lượt tương tác, 438 lượt bình luận, 266 lượt gửi ;
3) Tài khoản Fanpage Facebook "NGỌC TRINH" (hiện có 2.7 triệu lượt thích ; 5.9 triệu người theo dõi) đăng tải 01 video thể hiện Ngọc Trinh lái xe mô tô phân khối lớn và bị tai nạn dẫn đến chấn thương ở chân.
Không chỉ liệt kê, trang thông tin quyền lực này còn nhấn mạnh chỉ đạo "Dư luận trên báo chí chính thống và không gian mạng phần lớn phản đối lên án gay gắt hành vi của Ngọc Trinh" (6).
Tiền lệ Tịnh Thất Bồng Lai !
Một thông tin khác còn cho thấy, tác động việc bắt giam Ngọc Trinh còn xuất phát từ ngành Thông Tin Truyền Thông. "Đánh giá việc đăng tải, phát tán nội dung các video clip của các tài khoản nêu trên có ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi đã vi phạm về "Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" nên Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thông tin, tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật" (7).
Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư Ký Tòa Soạn báo Tuổi Trẻ đã nhận định, liên tưởng "Sức ảnh hưởng của Ngọc Trinh thật kinh khủng, với 6,8 triệu fans dù chỉ là 1 người mẫu nội y.
Cô ấy làm tôi nhớ đến Hằng lò vôi với mỗi buổi lai trim có vài triệu người theo dõi.
Một số tờ báo lẫn đài truyền hình mà đảng nắm quyền kiểm soát chỉ ước mơ có lượng độc giả- khán thính giả đông như hai phụ nữ này.
Một cá nhân có quyền lực thông tin lớn hơn cả tờ báo có thể dẫn đến điều gì ?
Hãy thử một viễn cảnh, nếu họ biến thành thủ lãnh tinh thần của công chúng thì như thế nào ?
Tôi chỉ thử dùng cái đầu chính trị để suy ngẫm kỹ hơn về 1 sự kiện xã hội" (8).
Ở xứ "thiên đường" ai được quyền có tiếng nói mạnh hơn đảng ! Không chỉ cô Hằng Lò Vôi như Ngọc Vinh liên hệ, Hằng lại có nhiều quan hệ và phát ngôn phức tạp. Tiền lệ sát với trường hợp của Ngọc Trinh là Tịnh Thất Bồng Lai. Về đời thực họ sống khép kín ở vùng quê hẻo lánh, nuôi dạy trẻ mồ côi, không truyền bá tôn giáo, không chính trị chính em. Nhưng vô tình vì sinh kế, vì tài năng, họ quá nổi tiếng trên mạng, đạt nút vàng YouTube, có triệu like, triệu views. Họ là nguy cơ tiềm năng cho sự độc quyền của đảng.
Tiêu diệt mọi mầm mống, năng lực xã hội dân sự đó là chiến lược bảo vệ chế độ độc tài toàn trị. Luật pháp chỉ là món đồ chơi, là công cụ trị dân. Đừng ngây thơ đòi hỏi yếu tố cấu thành tội đủ chưa, có vi hạm tố tụng không ?
Điều dễ dàng kiểm chứng nhất là hãy chờ xem quyền tiếp cận luật sư, quyền im lặng của Ngọc Trinh có được thực hiện như các thường phạm hình sự hay được chiếu cố đặc biệt như các tội phạm an ninh quốc gia ? Phiên tòa xét xử Ngọc Trinh sẽ công khai cao hay công khai thấp ?
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 25/10/023
Tham khảo :
1. https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/dau-gia-bien-so-xe-oto/khoi-to-b...
2. https://www.facebook.com/luatsunguyenkieuhung/posts/pfbid0djvv3HjvaUcbZ2...
3. https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/pfbid02C3YC12LKrCrCz9HTUmHfN...
4. https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/pfbid035k7y6ujMvwwtd96SYx...
5. https://vnexpress.net/vi-sao-ngoc-trinh-bi-bat-4667147.html?fbclid=IwAR2...
6. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vi-sao-co-quan-cong-an-khoi-to-bat-...
7. https://tienphong.vn/nu-hoang-noi-y-ngoc-trinh-bi-khoi-to-bat-tam-giam-p...
8. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02jZiVavEgbMAtD3B...
**************************
Công lý cho Ngọc Trinh và cho công dân Việt Nam
Chánh Thành, VNTB, 23/10/2023
Hôm nay là Ngọc Trinh, ngày mai là chúng ta, những người vô tội khác.
Việc còng tay và cho báo chí quay phim, chụp hình trong lúc Ngọc Trinh viết lời khai cũng là một hành vi dùng nhục hình tra tấn tinh thần, thậm chí có dấu hiệu bức cung.
Công an tùy tiện còng tay một người không có khả năng phản kháng, quay phim hạ nhục công dân khi chưa có kết luận điều tra, manh động xét nhà một người gây rối trật tự công cộng, bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội, tùy tiện sửa luật để chụp mũ người dân, xử phạt hai lần cho cùng một hành vi…
Vụ án Ngọc Trinh cho thấy nhiều bất cập trong hệ thống cầm quyền Việt Nam hiện nay. Liệu người dân Việt Nam có được đối xử như một con người hay không ?
Còng tay, quay phim hạ nhục công dân
Còng số tám được xem như một công cụ hỗ trợ và có quy định sử dụng tại điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Theo đó, công an chỉ được sử dụng loại còng này trong trường hợp bắt quả tang hoặc bắt khẩn cấp hoặc khi người có hành vi vi phạm chống trả, trốn chạy. Trong khi đó, theo video do báo chí quay lại thì Ngọc Trinh một thân một mình ngồi với ít nhất bốn sĩ quan công an, ngay trong đồn cảnh sát.
Người mẫu tỏ thái độ thành khẩn, trong khi tay bị còng nhưng vẫn phải cầm viết ghi lại tường trình. Các hình ảnh, video từ báo chí cho thấy Ngọc Trinh đang bị thương sau tai nạn té xe, các vết thương chưa liền sẹo. Hoàn toàn không có thái độ chống trả hay có dấu hiệu bỏ trốn, và cũng không thể có hành vi gây nguy hiểm cho lực lượng công an. Cho nên việc còng tay trong trường hợp này là công an đang vi phạm pháp luật. Hơn nữa công an còn gây cản trở cho việc khai báo của Ngọc Trinh khi vừa bị còng tay vừa bị ép phải viết tường trình.
Tại thời điểm bị còng tay này, Ngọc Trinh vẫn chưa bị tòa án định tội, vẫn còn đầy đủ quyền công dân, quyền về hình ảnh cá nhân. Theo trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), nói trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hồi 2017 : "Lan truyền trên mạng hình ảnh của nghi phạm là vi phạm quyền nhân thân, bị pháp luật nghiêm cấm". Việc quay phim, chụp hình và phát tán lên truyền thông hình ảnh của cô này trong lúc làm việc với cơ quan chức năng chính là vi phạm điều 155 bộ Luật Hình sự về tội "làm nhục người khác".
Căn cứ vào nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Hiến định thì khi chưa có bản án kết tội của tòa án thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội. Theo đó, cơ quan công an không được đối xử với người bị buộc tội như tội phạm. Không được gây ra định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án ngay cả khi người đó bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn.
Như vậy, việc còng tay và cho báo chí quay phim, chụp hình trong lúc Ngọc Trinh viết lời khai cũng là một hành vi dùng nhục hình tra tấn tinh thần, thậm chí có dấu hiệu bức cung. Nhất là khi nghi can là người coi trọng hình ảnh cá nhân như người mẫu Ngọc Trinh. Đây rõ ràng là một hình thức làm nhục nhằm gây ra định kiến trong dư luận và có khả năng làm sai lệch thông tin khi giải quyết vụ án.
Điều đáng nói là chuyện ép nghi can ‘viết lời khai trong lúc bị còng tay’ rồi cho báo chí quay phim, chụp ảnh đưa lên các phương tiện truyền thông chỉ xảy ra khi công an bắt dân. Còn khi các quan chức cộng sản bị bắt thì lại không công khai những hình ảnh như vậy. Thậm chí khi ra tòa, các cán bộ cộng sản cũng được phép mang khẩu trang che mặt. Phải chăng cán bộ cộng sản là một tầng lớp có đặc quyền được bảo vệ hình ảnh, còn người dân thì phải bị hạ nhục, sỉ vả ? Thế thì công bằng ở đâu, dân chủ ở đâu ?
Tội mới : gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng
Theo thông tin ban đầu, công an đã khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và bắt tạm giam Ngọc Trinh để điều tra tội "gây rối trật tự công cộng" quy định tại điều 318 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, nhà chức trách đã chỉnh lại lý do bắt Ngọc Trinh là "gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng". Đây là một tội danh hoàn toàn mới và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội tại điều 31 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cơ quan tố tụng đã đưa ra một khái niệm mới chưa từng có trong luật khi cho rằng "không gian mạng là nơi công cộng". Hành vi tùy tiện chỉnh luật này rõ ràng là để hợp thức hóa việc bắt giam, nhưng cũng sẽ tạo ra một án lệ rất bất lợi cho người dân sau này. Cùng với đó, công an và tuyên giáo đã cho báo chí đưa ra nhiều bài viết có lập luận "suy đoán buộc tội" để chụp mũ Ngọc Trinh.
Các bài báo này phỏng vấn nhiều "luật sư thân đảng" để định hướng dư luận rằng Ngọc Trinh bị bắt giam là đúng. Theo hướng này, các luật sư, công an và tuyên giáo đã kết hợp điều 318 bộ Luật Hình sự (tội gây rối trật tự công cộng) ; với điều 8, điều 16 Luật An ninh mạng (cấm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội).
Đồng thời cơ quan tố tụng cũng cho rằng Ngọc Trinh đã vi phạm Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và truyền thông, nên cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Sở Thông tin truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thông tin, tài liệu đến cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy từ một vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chỉ đáng phạt hành chính, thì nhà chức trách đã huy động cả bộ máy công quyền để bắt giam cho bằng được Ngọc Trinh. Từ công an địa phương, cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, an ninh mạng, tới sở thông tin truyền thông, tuyên giáo, luật sư, báo chí…
Có thể nói là cả hệ thống chính trị tiếp tay với nhau để đánh tráo khái niệm từ Quy tắc ứng xử sang Luật An ninh mạng để sử dụng vào Luật Hình sự. Qua đó tìm mọi cách để hợp thức hóa việc buộc tội và bắt giam Ngọc Trinh. Điều này cho thấy vụ án này không đơn thuần là chỉ để xử lý các hành vi Ngọc Trinh gây ra, mà còn nhiều động cơ phức tạp bên trong nội bộ Đảng cộng sản.
Bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội để buộc tội người dân
Việc "pha chế" các điều luật với nhau để luận tội người dân không phải là chuyện mới vì điều này đã được các cơ quan công quyền Việt Nam nhiều lần áp dụng trước đây. Điển hình là vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam. Bà này bị buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Nhà chức trách đã kết hợp Luật An ninh mạng 2018, cùng với Nghị định 15/2020 vào để phạt tù bà Hằng theo điều 331 về việc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Việc pha trộn và áp dụng luật pháp tùy tiện này (để tìm mọi cách buộc tội cho bằng được người dân) càng làm rõ câu nói lan truyền trong dân gian rằng "Việt Nam có một rừng luật nhưng công an thì thích dùng luật rừng".
Trở lại vụ án Ngọc Trinh, nhà chức trách nhận định các tài khoản mạng xã hội của người mẫu này có hàng triệu người theo dõi, sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng, vì thanh thiếu niên có thể bắt chước lái xe theo, dẫn tới tai nạn… Phản biện lại cáo buộc này, trên trang facebook cá nhân, luật sư Lê Công Định cho rằng giả định này là ngược với nguyên tắc "vô luật, bất hình", tức là luật không quy định cụ thể, thì không có hình phạt. Theo quan điểm của ông, những giả định này chỉ là trên lý thuyết, chưa có hậu quả thực tế nào như vậy vào thời điểm bắt tạm giam đương sự.
Cũng theo luật sư này, giả thuyết của cơ quan tố tụng cũng vi phạm nguyên tắc "suy đoán vô tội". Tức là khi luật không quy định rõ ràng, nếu phải suy đoán, thì phải theo hướng vô tội, thay vì theo hướng buộc tội. Các điều luật hiện nay cũng không có một con số định lượng cụ thể nào để làm cơ sở chế tài hình sự ; khiến cho việc bắt bớ và đàn áp diễn ra theo cảm nhận chủ quan của cơ quan chức năng.
Làm sao để xác định một hành vi gây "ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội", hoặc như thế nào là "gây hậu quả nghiêm trọng" ? Trong vụ án Ngọc Trinh thì căn cứ nào để xác định cái gọi là "ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ" ? Các yếu tố xác định xử lý hình sự không có định lượng cụ thể mà chỉ ở cảm nhận định tính của cơ quan tố tụng thì không thể tránh khỏi oan sai.
Hiện nay có hàng ngàn người Việt Nam đạt được số lượng hơn một triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok, Instagram… Các clip triệu view xuất hiện mỗi ngày. Việc một ai đó quay video, tạo viral rồi gây tranh cãi diễn ra thường xuyên. Nếu lập luận theo các giả thuyết suy đoán buộc tội của nhà chức trách, chỉ cần công an "cảm thấy" clip nào phản cảm là bắt giam, có lẽ nhà tù Việt Nam không thể chứa hết các TikTokers, Youtubers… Thậm chí bất cứ người dân nào cũng có thể bị bắt giam dựa vào "cảm giác" của các cán bộ công quyền.
Động cơ nào khiến cả hệ thống chính trị phải tìm mọi cách bắt giam Ngọc Trinh ?
Ngày 10/10, Ngọc Trinh đã phải đóng phạt tổng cộng 17.250.000 đồng do các lỗi vi phạm trong 2 lần lái mô tô tại khu đô thị Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) và cầu Ba Son, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng chỉ 9 ngày sau, ngày 19/10/2023, người mẫu này lại bị công an bắt giữ với tội danh "Gây rối trật tự công cộng" cũng với các hành vi nêu trên.
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Ngọc Trinh đã bị xử lý hai lần cho một hành vi. Từ một lỗi đã phạt hành chính thì sau đó lại phạt tù. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc pháp lý rằng chỉ xử lý một lần đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật.
Việc xét nhà trong vụ án gây rối trật tự công cộng này cũng có nhiều vấn đề bất hợp lý. Tại khoản 1, điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp công an được quyền khám xét chỗ ở là "khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liêu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án".
Tuy nhiên, theo thông tin báo chí, ngày 9/10, phòng Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp công an Thành phố Thủ Đức đã "đến nhà riêng của nữ người mẫu này lập biên bản các lỗi vi phạm và tạm giữ 2 mô tô", dưới sự chứng kiến của công an địa phương. Có thể thấy, phương tiện vi phạm là 2 xe mô tô đã bị công an thu giữ, thời điểm đó Ngọc Trinh cũng nộp phạt do không có giấy phép lái xe và không có giấy đăng ký xe. Vậy công an xét nhà Ngọc Trinh để tìm cái gì ?
Đánh giá về chuyện xét nhà này, anh ., một người dân ở Sài Gòn, nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo : "Nhiều trường hợp giang hồ đánh nhau cũng không bị xét nhà thì việc gây rối trật tự công cộng mà phải vô nhà xét từng cái hốc, cái kẹt là rất vô lý. Tang vật là hai chiếc xe đã bị giữ, chạy xe không bằng lái, không giấy tờ thì không có lý do gì để xét nhà".
"Có thể công an muốn xét nhà này để tìm kiếm những thứ liên quan tới các vụ án khác. Ngọc Trinh có nhiều mối quan hệ, nên không loại trừ khả năng những phe phái quan chức muốn tìm trong nhà cô này có video, hình ảnh hay tài liệu gì để làm công cụ cho các cán bộ ấy tiện tay thanh trừng đối thủ". Anh . nhận định.
Hôm nay là Ngọc Trinh, ngày mai là chúng ta, những người vô tội khác
Cho dù lý do là nào thì việc xét nhà, làm nhục, hay suy đoán buộc tội để bắt giam công dân cũng đều là vi Hiến và vi phạm pháp luật do chính Đảng cộng sản đặt ra. Còn nhớ khi ra tòa, ủy viên bộ chính trị, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải, Đinh La Thăng từng "xin được đối xử như một con người".
Nhắc tới trường hợp này để biết rằng môi trường tạm giam, tạm giữ ở Việt Nam là vô cùng khắc nghiệt. Phải vi phạm nhân quyền nghiêm trọng thì ông Thăng mới phải xin được đối xử như con người. Đối với cán bộ đảng viên mà như vậy, thì đối với người dân sẽ còn khủng khiếp như thế nào khi bị tạm giam.
Cũng cần nói thêm rằng có một luật ngầm trong ngành tư pháp Việt Nam là "nếu công an lỡ bắt nhầm thì tòa án cũng phải định tội, để không phải bồi thường oan sai". Điều này đã được bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương xác nhận từ năm 2015. "Có những trường hợp lỡ bắt rồi, vẫn phải xử một tội nào đó, tuyên một hình phạt nào đó cho tương xứng", bà Ba nói trước Quốc hội cách đây 8 năm.
Thậm chí tại kỳ họp Quốc hội này, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (khi đó còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) còn nhấn mạnh rằng bắt buộc phải tuyên có tội người bị tạm giam. Ông Bình nói : "Nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ. Nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp".
Tức là các lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam đã thừa nhận rằng một khi người dân đã bị tạm giam thì cho dù vô tội cũng buộc phải nhận tội. Nếu không nhận tội thì công an sẽ thẳng tay dùng các "biện pháp nghiệp vụ" để lấy cung, mớm cung và ai cũng hiểu các hình thức nghiệp vụ đó chẳng có gì khác ngoài tra tấn, hành hạ, dùng nhục hình với người dân. Vụ án Ngọc Trinh càng làm rõ sự manh động của nhà cầm quyền qua rất nhiều sai phạm trong tố tụng như trên.
"Cơ quan chức năng cần phải cẩn trọng trong việc xem xét hành vi vi phạm của công dân, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội để không xảy ra oan sai. Còn nếu không làm được việc này, thì nhà cầm quyền cộng sản phải giải tán để người dân bầu ra một cơ chế mới. Một cơ chế thật sự dân chủ, công bằng, văn minh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân". Anh B.H., một nhà vận động dân chủ trong nước nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
Chánh Thành
Nguồn : VNTB, 23/10/2023
************************
Vì sao cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam người mẫu Ngọc Trinh ?
Chính phủ online, 22/10/2023
Công an thành phố Hồ Chí Minh quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết : Văn phòng Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thủ Đức và các Phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an Thành phố tiến hành xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với hoạt động liên quan hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn, biểu diễn bằng những hành động nguy hiểm lưu thông trên tuyến đường thuộc Thành phố Thủ Đức do Trần Thị Ngọc Trinh (biệt danh thường gọi trên mạng xã hội : Người mẫu nội y) thực hiện, sau đó đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.
Tập trung triển khai các hoạt động điều tra và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh ; kết quả điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành Phố Hồ Chí Minh xác định :
Mặc dù Trần Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1989 ; nơi thường trú : phường Tân Hưng, Quận 7 ; chỗ ở hiện nay : khu dân cư Villa Park, phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức) không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2 nhưng vào ngày 06/10/2023, Trần Thị Ngọc Trinh đã cùng với Trần Xuân Đông (sinh năm 1987 ; nơi thường trú : chung cư B4, phường 3, Quận 4 ; chỗ ở hiện nay : Chung cư The Gold Star, 58A Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, Quận 7) tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 59A3-115.88 (nhãn hiệu BMW, dung tích xi lanh 999 cm3) lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…, cho quay video biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 9/2023, Trần Xuân Đông cũng đã cùng với Trần Thị Ngọc Trinh tổ chức tụ tập, điều khiển xe mô tô hiệu "Ninja" lưu thông trên đoạn đường Trần Bạch Đằng, Khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức) thực hiện các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm như đứng 02 chân một bên xe, thả 02 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy…, cho quay video biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Xét thấy hành vi trên đã gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại địa phương, Ủy ban nhân dân phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức và Ban an toàn giao thông phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức đã có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành Phố Hồ Chí Minh xem xét xử lý Trần Thị Ngọc Trinh theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, các lần biểu diễn xe mô tô nêu trên, Trần Thị Ngọc Trinh đều cho quay phim lại để biên tập và tự đăng lên các clip này lên các tài khoản cá nhân trên nền tảng mạng xã hội gồm :
(1) Tài khoản Titok "Ngoc Trinh" (ID : @ngoctrinh89 ; hiện có 6,8 triệu người theo dõi ; đã nhận tổng cộng hơn 163,3 triệu lượt thích cho tất cả các video) đã đăng tải 05 video có nội dung liên quan đến hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm vào các ngày 24-28/9/2023, 02-06-08/10/2023. Tính đến 10g00 ngày 12/10/2023, các video này đã nhận được 478.000 lượt thích ; 4.881 lượt bình luận ; 9.848 lưu video ; 5.787 lượt chia sẻ.
(2) Tài khoản Facebook "Trần Thị Ngọc Trinh (Cô bé ăn hàng)" (facebook.com/ngoctrinhfashion89 ; hiện có hơn 3,1 triệu người theo dõi) cũng đăng tải các video nêu trên thu hút 5,9 ngàn lượt tương tác, 438 lượt bình luận, 266 lượt gửi.
(3) Tài khoản Fanpage Facebook "NGỌC TRINH" (hiện có 2,7 triệu lượt thích ; 5,9 triệu người theo dõi) đăng tải 01 video thể hiện Ngọc Trinh lái xe mô tô phân khối lớn và bị tai nạn dẫn đến chấn thương ở chân.
Sau đó các video này đã lan truyền trên không gian mạng với hơn 240 bài post trên Facebook, hơn 650 bài viết trên Website ; hơn 3 000 video liên quan trên Youtube.
Dư luận trên báo chí chính thống và không gian mạng phần lớn phản đối lên án gay gắt hành vi của Ngọc Trinh.
Cảnh sát điều tra đọc Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Xuân Đông về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"
Vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Xét thấy việc đăng tải, phát tán nội dung các video clip của các tài khoản nêu trên có ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi đã vi phạm về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời ; nên Sở Thông tin truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thông tin, tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố làm rõ nguồn gốc xe mô tô mang biển kiểm soát 59A3-115.88 thì Trần Xuân Đông đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 122678 là giả.
Qua đấu tranh, Trần Xuân Đông thừa nhận mặc dù biết giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô là giả nhưng vì thấy xe mô tô mang biển kiểm soát số 59A3-115.88, nhãn hiệu BMW có giá rẻ nên vẫn cố ý mua về sử dụng.
Tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng
Quá trình điều tra, xác minh đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố nhận thấy : Trần Thị Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng với Trần Xuân Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm như nằm, quỳ gối trên yên xe, thả hai tay để xe tự chạy… lưu thông biểu diễn trên tuyến đường đã được sử dụng công cộng thuộc địa bàn phường Thủ Thiêm và phường Tăng Nhơn Phú B; gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Đồng thời, cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Ngoài ra, Trần Xuân Đông còn có hành vi mua xe mô tô phân khối lớn có giấy tờ giả để sử dụng.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được ; ngày 19/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 20231041/QĐ-CQCSDT (PC01-Đ3) về việc khởi tố vụ án hình sự "Gây rối trật tự công cộng", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" ; ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh về tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự ; ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Xuân Đông về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 314, 318 Bộ luật hình sự. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định để khẩn trương làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của Trần Thị Ngọc Trinh, Trần Xuân Đông và các đối tượng còn lại có liên quan để xử lý triệt để, nghiêm minh trước pháp luật./.
Nguồn : Chính phủ online, 22/10/2023
************************
Vụ công an bắt người mẫu Ngọc Trinh tiếp tục gây tranh cãi
VOA, 23/10/2023
Những người am hiểu luật liên tục bày tỏ lo ngại trong mấy ngày nay về sự diễn dịch luật và bắt bớ công dân của nhà chức trách Việt Nam, sau khi công an ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh hôm 19/10.
Một tấm hình trong bộ hình Ngọc Trinh trên website anninhthudo.vn trong quá khứ.
Như VOA đã đưa tin, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam nữ người mẫu đình đám với cáo buộc là bà "gây rối trật tự công cộng" và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với hành động lái mô tô một cách nguy hiểm hôm 6/10 trên một đoạn đường thuộc Khu Công nghệ cao ở thành phố Thủ Đức, một địa phương trong lòng Thành phố Hồ Chí Minh.
Các báo Việt Nam, trong đó có Công An Nhân Dân và Dân Trí, cho hay rằng vào ngày 10/10, công an đã phạt bà Ngọc Trinh 17 triệu đồng về các lỗi vi phạm nêu trên.
Tuy nhiên, sau đó, bà vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam vì công an cho rằng việc bà ghi hình lại hành động lái xe nguy hiểm và đăng các đoạn video đó lên các tài khoản mạng xã hội của bà - có hàng triệu người theo dõi - đã "gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng", vẫn theo các báo.
Bà Ngọc Trinh, 34 tuổi, là người mẫu bắt đầu nổi danh từ năm 2011, sau khi đăng quang trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Quốc tế. Bà thu hút sự chú ý với nhiều hình ảnh được báo chí và dư luận đánh giá là "nóng bỏng", "gợi cảm", "thân hình nuột nà" và được cộng đồng mạng phong là "nữ hoàng nội y".
Liên tục trong những ngày kể từ khi bà bị bắt, theo quan sát của VOA, nhiều người am hiểu luật bày tỏ quan điểm trên không gian mạng rằng nhà chức trách xử phạt hành chính bà Ngọc Trinh là đúng, nhưng sau đó lại khởi tố hình sự là khiên cưỡng. Không ít người lo ngại về điều sâu xa hơn, đó là sự tùy tiện diễn dịch luật pháp và bắt bớ công dân.
Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, hiện sống ở Đức, phân tích với VOA :
"Hành vi của cô Ngọc Trinh diễn ra trong một khu công nghệ cao rất vắng người, không phải là nơi công cộng theo đúng định nghĩa trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, đó là nhà ga, bến tàu, trường học, bệnh viện, quảng trường, công viên, sân vận động, chợ, v.v…".
Vẫn luật sư Đài, từng bị nhà chức trách Việt Nam bỏ tù nhiều năm vì ông đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nói tiếp về sự bất hợp lý khi công an bắt giam bà Ngọc Trinh :
"Công an dùng Luật An ninh Mạng để dẫn chiếu sang Bộ luật Hình sự theo Điều 318 thì điều đó hoàn toàn là khiên cưỡng, không chính xác trong việc áp dụng luật để bắt giữ cô Ngọc Trinh".
Trên trang Facebook có hơn 110.000 người theo dõi, luật sư Lê Ngọc Luân thuộc hãng luật Gold Key ở Thành phố Hồ Chí Minh, viết rằng ông "rất trăn trở" về việc công an có cần thiết phải bắt tạm giam bà Ngọc Trinh hay không.
"Nếu đã xử phạt hành chính nhưng sau đó ra quyết định khởi tố hình sự tôi cho rằng không chuẩn… Việc Trinh lái xe phân khối lớn, thả tay… để quay clip đưa lên các mạng xã hội và quan điểm cơ quan tố tụng cho rằng đó là hành vi của tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ thực sự thấy khiên cưỡng", ông Luân đưa ra suy nghĩ.
Từ kinh nghiệm của một luật sư lâu năm, ông Luân nêu ra quan sát rằng quyền hành trong việc áp dụng biện pháp tạm giam của cơ quan điều tra thuộc công an Việt Nam "hiện quá lớn", và ông cho rằng rất nhiều trường hợp "không cần thiết phải bắt giam" mà thay vào đó là các biện pháp khác vẫn đủ chế tài răn đe, phòng ngừa chung và đảm bảo được tính nhân đạo.
Nói với VOA từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài cảnh báo về hệ lụy từ vụ bắt giữ bà Ngọc Trinh :
"Vụ việc này không dừng lại vì bất kỳ người dân Việt Nam nào khi họ có hành động biểu diễn hay có các video clip chưa đến mức vi phạm pháp luật và sau đó đưa lên mạng xã hội, được nhiều người like, nhiều người thích, nhiều người comment, sẽ dẫn đến công an coi đó là hành động gây rối trật tự công cộng, thì điều đó là không thể chấp nhận được".
Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Anh Tuấn, phải sống tị nạn ở Canada do sức ép của chính quyền Việt Nam, có bài viết dài phân tích về vụ của bà Ngọc Trinh, đăng trên Luật khoa Tạp chí.
Ông Tuấn, cũng là một Facebooker có nhiều ảnh hưởng với hơn 83.000 người theo dõi, nhận định việc bắt bà Ngọc Trinh, và trước đó là vụ bắt nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, có lý do là Đảng cộng sản Việt Nam lo ngại về tầm ảnh hưởng của những người đó.
"Cả bà Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh không chỉ thành công về tiền bạc mà còn có sức ảnh hưởng với công chúng nữa, nhờ sự trỗi dạy của Internet và mạng xã hội. Nếu như trước đây đảng có thể quyết định ai xuất hiện trước công chúng thông qua độc quyền báo chí và truyền hình, thì giờ đây với Internet và mạng xã hội, đảng không còn quyền lực độc tôn đó nữa", ông Tuấn viết.
Theo ông, "trong một xã hội mà các lãnh đạo chính trị thường bị công chúng phớt lờ vì sự đơn điệu buồn chán của họ, những người có sức ảnh hưởng với công chúng, mỗi lần livestream có cả triệu người theo dõi, có thể đã bị diễn giải thành mối đe dọa trước mắt hoặc tiềm ẩn đối với chế độ qua nhãn quan cảnh giác cách mạng của công an".
Với hành động mạnh tay là bắt bớ, "bộ máy an ninh vẫn muốn nhắc nhở công chúng rằng ai mới là người quyền lực nhất của đất nước", ông Tuấn bình luận.
Ông cũng phát đi lời cảnh báo với công chúng ở Việt Nam rằng dù lý do bắt giữ bà Ngọc Trinh có là gì đi chăng nữa, rốt cuộc họ vẫn phải đối mặt với "một thực tế phũ phàng : lấy gì đảm bảo cho tự do và tài sản của họ nếu họ bị bắt giữ vì một lý do mù mờ ở Việt Nam ?"
VOA cố gắng liên lạc với đại diện của Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ Công an để đề nghị họ đưa ra bình luận, nhưng không nhận được phản hồi.
Nguồn : VOA, 23/10/2023
***************************
Vụ bắt Ngọc Trinh : Luật sư nói gì về tội ‘Gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng’ ?
Diễm Thi, RFA, 20/10/2023
Cư dân mạng và người dân khá bất ngờ khi Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam, khởi tố "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh về tội "gây rối trật tự công cộng".
Ngoài cáo buộc Trần Thị Ngọc Trinh (tên đầy đủ của nữ người mẫu Ngọc Trinh) gây rối trật tự công cộng vì điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm… Công an còn cho rằng cô này đã tổ chức quay phim biên tập và đăng lại các clip biểu diễn xe phân khối lớn lên các tài khoản mạng xã hội, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Ngọc Trinh trở thành tâm điểm hay thí điểm ?
Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, việc đăng tải video lên mạng xã hội của cô Ngọc Trinh lại bị quy vào tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ là điều hết sức vô lý. Và chính việc này mới gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và an toàn xã hội.
Luật sư Đặng Đình Mạnh phân tích với RFA sáng 20/10/2023 :
"Thông tin chính thức cho rằng cô Ngọc Trinh bị cáo buộc vì hành vi đăng video biểu diễn xe phân khối lớn lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người theo dõi, "gây ảnh hưởng xấu" đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như thế thì hiện trường vụ án, địa điểm được xem là nơi cô Ngọc Trinh phạm tội không phải là trên đường phố, nơi cô ấy điều khiển xe mô tô phân khối lớn, thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, mà là trên không gian mạng xã hội. Điều này chắc chắn gây bất ngờ cho tất cả những ai từng am hiểu pháp luật.
Từ điều luật 318 Bộ luật Hình sự quy định tội danh "Gây rối trật tự công cộng" cho thấy hiện trường vụ án bắt buộc phải là nơi công cộng.
Với từ ngữ "Địa điểm" được sử dụng trong nhiều văn bản luật pháp có liên quan, cho thấy "Nơi công cộng" được xác định bằng một nơi chốn cụ thể trên mặt đất chứ không phải trên không gian mạng xã hội như cách hiểu của các cơ quan tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trong trường hợp khởi tố Ngọc Trinh".
Luật sư Mạnh phân tích thêm rằng, với sự bùng nổ truyền thông hiện nay, cùng với chiếc điện thoại di động có nối mạng trong tay, mỗi cá nhân đều có thể là một nhà truyền thông độc lập, thì rõ ràng, việc nới rộng, bành trướng khái niệm "Nơi công cộng" bao gồm cả không gian mạng đã thể hiện tham vọng lẫn ý đồ không hề đơn giản của cơ quan an ninh. Ông nói tiếp :
"Họ sẽ vươn đôi tay trừng phạt dài hơn, sâu rộng hơn để trấn áp mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói đang thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, Ngọc Trinh rõ ràng là nhân vật lý tưởng cho vai trò nạn nhân đầu tiên để mở màn cho sự bành trướng của cơ quan an ninh mà thôi".
Qua vụ Ngọc Trinh, dư luận cho rằng, cách hành xử của công an, chính quyền - đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 - mới là hành vi gây rối trật tự công cộng, khi ngang nhiên vào nhà dân lôi dân ra ngoài xét nghiệm. Khi người dân phản ứng thì lập tức bị quy vào tội ‘chống người thi hành công vụ’ hoặc ‘gây rối trật tự công cộng’. Hoặc những trường hợp người dân biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất, phản đối Luật an ninh mạng… thì bị bắt, bị kết án tù với tội ‘gây rối trật tự công cộng’ mặc dù những cáo buộc như thế từng bị quốc tế lên án.
Truyền thông Nhà nước trong ngày 20 tháng 10 có nhiều bài viết xung quanh việc khởi tố bắt tạm giam Ngọc Trinh ngay sau khi Công an Thành phố Hồ Chí Minh đọc lệnh bắt giữ. Tờ Thanh Niên cho rằng việc khởi tố, bắt tạm giam Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông (người dạy Ngọc Trinh lái xe mô tô) được cho là động thái mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tờ này cũng dẫn ý kiến của cư dân mạng phản ứng việc bắt nữ người mẫu, khi cho rằng có nhiều vụ việc đua xe, lạng lách, đánh võng cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Vì vậy, trong trường hợp của Ngọc Trinh có thể chỉ cần xử phạt hành chính.
Người mẫu Việt Ngọc Trinh tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 vào ngày 19/5/2019. AFP
Biến tướng của Điều 331 ?
Liên quan việc bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh của Công an Thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng", Luật sư Nguyễn Văn Miếng hôm 20/10 cũng cho rằng, đây là điều hết sức vô lý. Ông nói với RFA :
"Đối với một người của quần chúng như cô Ngọc Trinh thì có rất nhiều người quan tâm. Và hành vi của cô Trinh dẫn đến bị khởi tố lại xảy ra trên không gian mạng. Trong khi đó, tiêu chí cụ thể của tội ‘gây rối trật tự công cộng’ là phải ở địa điểm có đông người. Nó gây ảnh hưởng đến người khác như gây kẹt xe hoặc ảnh hưởng đến hoạt đông của các cơ quan, của nhà nước. Nó phải gây tác hại với cơ quan cụ thể nào đó.
Trước đây nhà nước hay áp tội ‘gây rối trật tự công cộng’ cho những người biểu tình. Nhưng bản thân những người biểu tình họ hành động có mục đích và ý nghĩa khác, chứ không phải mục đích của họ là làm ảnh hưởng đến giao thông hay trật tự xã hội.
Với trường hợp cô Ngọc Trinh, chỉ đăng video trên mạng mà bị kết tội ‘gây rối trật tự công cộng’ thì đây là một việc làm hàm hồ và không thể hình dung được của nhà nước Việt Nam. Về mặt luật pháp, nó mâu thuẫn ngay tại nội hàm của chính điều luật này chứ chưa nói đến chi tiết.
Theo tôi, cách làm này của Nhà nước chỉ nhằm mục đích bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, một biến tấu của Điều 331 (Bộ luật Hình sự về Lợi dụng các quyền tự do dân chủ). Trước đây, bất cứ ai viết gì đụng chạm đến nhà nước thì bị quy vi phạm Điều 117 (Bộ luật Hình sự về tuyên truyền chống Chính phủ). Khi quốc tế lên án quá thì họ chuyển qua Điều 331. Bây giờ, họ bắt đầu chuyển hướng qua tội ‘gây rối trật tự công cộng’ trên không gian mạng. Vụ cô Ngọc Trinh là vụ đầu tiên.
Nếu vụ này truy tố thành công và đưa ra xét xử nó sẽ dẫn đến hệ lụy là bất cứ ai đưa một clip nào đó lên mạng chẳng nhắm đến ai, cũng chẳng đụng chạm đến ai vẫn có thể bị chụp cái mũ "gây rối trật tự công cộng’. Nó cho thấy sự chuyển hướng của công an với mục đích bóp nghẹt tiếng nói người dân trên các trang mạng xã hội".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng lo ngại sẽ có thêm điều luật nhằm hạn chế tối đa quyền biểu đạt của người dân trên không gian mạng bên cạnh Điều 117 và Điều 331.
Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 quy định : "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Điều này được sửa đổi, bổ sung từ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bộ luật hình sự 2015 bổ sung thêm một tội mới là "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Quy định về tội này được tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Điều 331. Trong thư chung đề ngày 21/11/2021, các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc nêu quan ngại của họ về "những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự" và cho rằng điều này dường như "không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế". Họ nhắc đến các điều "phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước" (Điều 117) và "lợi dụng quyền tự do dân chủ" (Điều 331) được dùng để chống lại những cá nhân "chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin".
Các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam xóa bỏ hai điều này vì chúng đi ngược với quyền tự do ngôn luận và lập hội được quy định theo Điều 9 và 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Trong thư phản hồi, Việt Nam khẳng định những việc các cơ quan chức năng làm đều tuân thủ luật pháp Việt Nam và tuân thủ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo Bộ công an, việc kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Điều 331 là đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 20/1/2023
************************
Bộ Văn hóa sẽ xem xét việc đưa Ngọc Trinh vào "danh sách đen"
RFA, 23/10/2023
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ xem xét cụ thể trường hợp của Ngọc Trinh có thuộc thẩm quyền của Bộ hay không để đưa nữ người mẫu này vào ''danh sách đen''.
Hình ảnh Ngọc Trinh biểu diễn với mô tô - Ảnh cắt từ clip/VNN
Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt-Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cho truyền thông hay tin trên trong ngày 23/10, bốn ngày sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Ngọc Trinh với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Theo ông Việt, danh sách đen (blacklist) gồm những người sai phạm, cơ quan quản lý Nhà nước không khuyến khích các nhà quảng cáo hợp tác, ủng hộ. Ngoài ra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiến hành chặn tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Trước đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Thủ Đức tiến hành xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với hoạt động liên quan hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn, biểu diễn bằng những hành động nguy hiểm lưu thông trên tuyến đường thuộc địa bàn Thành phố Thủ Đức do người mẫu Ngọc Trinh thực hiện.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định, mặc dù Ngọc Trinh không có giấy phép lái mô tô hạng A2, nhưng vào ngày 6/10, đã cùng với Trần Xuân Đông (người dạy lái mô tô) tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, qùy gối trên yên xe…, cho quay video. Các video này sau đó biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội gây bất bình dư luận.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hành vi trên của Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông đã gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. UBND Thành phố Thủ Đức đã có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý Ngọc Trinh và những người liên quan.
Nguồn : RFA, 23/10/2023
*************************
Mạng xã hội Việt Nam so sánh đoạn video hai nghệ sĩ xiếc chồng đầu trên xe máy trên phố và vụ Ngọc Trinh
RFA, 21/10/2023
Mạng xã hội tại Việt Nam ngày 21/10 "dạy sóng" với những hình ảnh và đoạn video hai nghệ sĩ xiếc nổi tiếng ở Việt Nam là Quốc Cơ và Quốc Nghiệp biểu diễn màn chồng đầu đi xe máy trên phố. Nhiều người bình luận và so sánh các hành động của hai nghệ sĩ này với các màn biểu diễn bỏ tay và đứng trên xe máy phân khối lớn của người mẫu Ngọc Trinh, người vừa bị công an khởi tố và bắt giam với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng".
Màn trình diễn chồng đầu trên xe máy trên phố của hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp gây tranh cãi trên mạng xã hội ở Việt Nam - Ảnh chụp từ video clip
Theo tìm hiểu của báo Nhà nước, đoạn video của hai nghệ sĩ xiếc được thực hiện tại một khu chung cư ở phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức. Hai nghệ sĩ xiếc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định và thực hiện màn chồng đầu giữ thăng bằng ngay trên xe.
Hầu hết các trang báo Nhà nước đều giấu tên hãng xe máy điện thực hiện video clip quảng cáo này mà chỉ viết tắt là D.B., tuy nhiên một số video trên mạng xã hội YouTube xác định đây là màn quảng cáo của hãng xe điện Dat Bike. Hãng xe điện xác định với báo Tuổi Trẻ là đã thuê người mẫu quảng cáo xe mới và việc quay hình đã diễn ra nhiều tháng trước.
Nghệ sĩ Quốc Cơ xác nhận với Tuổi Trẻ đoạn video và hình ảnh là do hai anh em nghệ sĩ thực hiện để quảng cáo cho một hãng xe cách đây khoảng hai tháng, trong điều kiện chỉ biểu diễn để lấy hình ảnh, có bảo vệ xung quanh. Không ảnh hưởng đến công cộng chung.
Tuy nhiên, nhiều người bình luận trên mạng xã hội cho rằng việc người mẫu Ngọc Trinh (tên đầy đủ là Trần Thị Ngọc Trinh) đội mũ bảo hiểm và lái xe máy phân khối lớn trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu cũng không khác mấy so với màn trình diễn của hai nghệ sĩ xiếc nhưng cô lại bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 19/10 vừa qua.
Báo Dân Trí dẫn lời một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết "Công an Thành phố Thủ Đức đang xác minh vụ việc và đưa ra hướng xử lý".
Nguồn : RFA, 21/10/2023