Hôm nay (24/10/2023) một "lãnh đạo" của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch bác bỏ thông tin bộ này đang xem xét đưa người mẫu Ngọc Trinh vào "danh sách đen" (1).
Trước đó hai ngày (22/10/2023), Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch loan báo "sẽ đề nghị xem xét có đưa Ngọc Trinh vào ‘danh sách đen’ hay không" (2).
Tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh không cho biết "lãnh đạo" bác bỏ thông tin đưa người mẫu Ngọc Trinh vào "danh sách đen" là ai nhưng chắc chắn nhân vật đó thuộc loại cao cấp hơn ông Nguyễn Danh Hoàng Việt – Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Tại sao lại có tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như thế ?
Câu trả lời nằm ở chỗ "danh sách đen" vẫn còn đang "thụ tinh trong ống nghiệm", chứ chưa "hoài thai" và tất nhiên chưa "chào đời".
Nếu chịu khó đọc kỹ các tin, bài tường thuật về người mẫu Ngọc Trinh và "danh sách đen", hẳn sẽ thấy "Quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội" còn "đang được xây dựng".
Hiện mới chỉ có "Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghệ thuật" để "xem xét những hành vi vi phạm đạo đức, ứng xử, nhất là trong việc quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới công chúng" bằng cách lập "danh sách cảnh báo" để "kiểm soát" việc đương sự xuất hiện trên truyền thông và tham gia các hoạt động xã hội.
Theo các viên chức hữu trách của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch thì "danh sách đen" là "sáng kiến" của họ nhưng vì không thể tùy tiện nên họ đang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để soạn thảo "Quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội".
Soạn xong "quy trình" vừa kể còn phải gửi bản thảo cho Bộ Công an góp ý, Bộ Tư pháp thẩm định xem có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành hay không, kế đó phải chờ các cơ quan hữu trách khác thẩm tra, góp ý thêm một lần nữa rồi mới đệ trình xin phê duyệt và áp dụng.
Cứ như các viên chức hữu trách của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch thì nếu suôn sẻ, phải tới cuối năm nay "danh sách đen" mới hiện hữu. Tại sao Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch lại đem thứ chỉ là ý tưởng, vẫn còn nằm ngoài phạm vi trách nhiệm ra dọa thiên hạ ? Tại sao "lãnh đạo" Bộ Văn hóa thể thao và du lịch không xem xét, xử lý viên Chánh Văn phòng hành xử hết sức tùy tiện này ?
Chỉ có một câu trả lời : Tùy tiện là đặc trưng của hệ thống công quyền Việt Nam. Chính sự tùy tiện ấy khiến công chúng phản ứng gay gắt về việc khởi tố - tống giam người mẫu Ngọc Trinh. Chuyện Ngọc Trinh không có bằng lái nhưng dùng mô tô phân khối lớn để biểu diễn đã được công an xác định là "vi phạm hành chính" (3).
Ngọc Trinh đã nộp 8,5 triệu đồng cho hai lỗi vốn đã được xác định trong Luật An toàn giao thông đường bộ (điều khiển xe nhưng không có giấy phép lái xe, nằm khi điều khiển xe). Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp Việt Nam không xử lý một vi phạm hai lần nhưng Ngọc Trinh đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực thi pháp luật kiểu này chẳng khác gì hệ thống bảo vệ pháp luật tiếp tục chứng minh các quy định pháp luật chỉ là một mớ giấy lộn.
Theo Điều 1 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (ban hành năm 2012, sửa đổi năm 2020 – bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022) thì : "Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần". Còn theo Điều 62 của luật vừa đề cập, quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà Công an Thủ Đức đã ban hành chính là bằng chứng cho thấy, hành vi của Ngọc Trinh không có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về hình sự nên Công an Thủ Đức mới không "chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự" và đến giờ vẫn không hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó (4).
Thiên hạ còn thắc mắc, nếu đúng là Ngọc Trinh "gây rối trật tự công cộng", có cần phải tạm giam cô hay không khi Luật Tố tụng hình sự đã xác định không nhất thiết phải tạm giam nếu hành vi phạm tội của bị can không thuộc nhóm "rất nghiêm trọng" hay "đặc biệt nghiêm trọng" và có nơi cư trú rõ ràng. Không phải tự nhiên mà công chúng đem trường hợp anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp – một người lái xe, người còn lại đã chổng ngược còn dang hay tay, hai chân giữa trời (5), hay trường hợp một nhóm Cảnh sát giao thông biểu diễn kỹ năng bằng cách đứng nghiêm trên mô tô phân khối lớn rồi vung tay chào (6) để đối chiếu, chứng minh cả nhận thức lẫn việc thực thi – bảo vệ luật pháp có sự bất nhất.
Cứ quan sát phản ứng của công chúng ắt sẽ thấy việc khởi tố và tống giam Ngọc Trinh chỉ nhằm gây "rúng động". Dẫu cho hệ thống bảo vệ, thực thi pháp luật giải thích đó là nhằm bảo vệ sự "nghiêm minh" nhưng số đông vẫn nhìn theo hướng ngược lại. Điều đó chẳng khác gì chuyện dư luận từng rúng động rồi thắc mắc và đến giờ vẫn chưa thể tìm được câu trả lời thỏa đáng về việc, tại sao lại để những người như bà Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni... tung hoành trên mạng xã hội trong cả năm rồi mới khởi tố, tống giam, phạt tù cùng vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" ?
Cũng vì vậy, cần phải ngẫm nghĩ, nếu những Nguyễn Phương Hằng, Trần Thị Ngọc Trinh... không phải là những nhân vật mà việc khởi tố, tống giam họ có khả năng tác động đến nhận thức và hành vi của công chúng trong việc sử dụng mạng xã hội, họ có bị xử lý hình sự hay không ?
Đâu phải tự nhiên mà từ cuối năm 2021, Trung Quốc đột nhiên xuống tay trừng trị hàng loạt nghệ sĩ trẻ, nổi tiếng như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn, Trương Triết Hạn, Triệu Vy... và đến đầu năm ngoái "cấm toàn diện nghệ sĩ bê bối tái xuất". Cũng đâu phải tự nhiên mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố : "Thời của các ngôi sao nhiều người theo dõi, hâm mộ đã kết thúc" và tuyên bố xóa bỏ các show tìm kiếm, đào tạo thần tượng, các cuộc bình chọn nghệ sĩ (7)... Kể như thế để thấy, "danh sách đen" không phải là "sáng kiến" của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, đó là bản copy chính sách của Trung Quốc giống như copy chủ trương và nỗ lực chống "diễn biến hòa bình", lên án "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa".
Chỉ có một mục tiêu qua việc khởi tố, tống giam những cá nhân được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, cũng như lập "danh sách đen" cùng với "danh sách trằng" hay "phạt chủ tài khoản mạng xã hội vì... bảo mật kém" (8), đó là tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi người phải ráng... ngoan, đừng vin vào luật mà mơ tưởng hão huyền !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 24/10/2023
Tham khảo
(1) https://plo.vn/nghe-si-vi-pham-gi-thi-bi-dua-vao-danh-sach-den-post757949.html
(2) https://vtc.vn/xem-xet-dua-ngoc-trinh-vao-danh-sach-den-ar828862.html
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-142766.aspx
(5) https://vnexpress.net/cong-an-lam-viec-voi-quoc-co-quoc-nghiep-vu-chong-dau-di-xe-may-4667670.html
(7) https://vnexpress.net/trung-quoc-trung-phat-nghe-si-be-boi-4440098.html
(8) https://vnexpress.net/chu-tai-khoan-facebook-co-the-bi-phat-neu-bao-mat-kem-4662749.html