Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2017

Hết tiền, Nhà nước dự tính moi vàng và đô la trong nhà dân

Cẩm Thúy

Kiến nghị tiếp tục huy động vàng và "đô" trong dân

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khuyến nghị một số giải pháp điều hành nền kinh tế lên Chính phủ...

vang1

Cùng với cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh ; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp.

Kiến nghị trên vừa được các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra tại phiên họp chiều 1/7 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng – Chủ tịch Hội đồng Vương Đình Huệ.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 - 4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm, đúng theo kế hoạch điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá.

Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5,73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,65%. GDP của quý 2 cũng tăng mạnh so với quý 1/2017 (6,13% so với 5,15%).

Vào đầu năm 2017, trước áp lực lạm phát tăng và cán cân xuất nhập khẩu chuyển sang nhập siêu đã dẫn đến sức ép tăng lãi suất và tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở, kết hợp điều hành lãi suất, tỷ giá giúp thị trường tiền tệ ổn định, phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% ; thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm, tín dụng tăng hơn so với các năm trước ở mức 7,98% đã hỗ trợ cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ người nghèo. 

Đặc biệt, tín dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã chậm lại so với năm 2016 và giữa các tháng trong nửa đầu năm 2017. Lãi suất tiếp tục được duy trì tương đối ổn định.

Các thành viên Hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm cũng sẽ tác động tới kinh tế trong nước.

Theo các chuyên gia, lạm phát có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4% nên có thể tính toán tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng. 

Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý Chính phủ về giải ngân vốn FDI không bằng các năm trước là vấn đề cần khắc phục ; xem xét lại cách tính lạm phát bình quân ; tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp và thúc đẩy được đầu tư vào lĩnh vực điện năng.

Ghi nhận các ý kiến của các thành viên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước tổng hợp đầy đủ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.

Phó thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy nhanh lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công ; ban hành văn bản hướng dẫn và củng cố công cụ triển khai nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại ; tiếp tục khai thác các tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Cẩm Thúy

Nguồn : VnEconomy, 02/07/2017

*******************

Huy động vàng, ngoại tệ trong dân : Hiểu đúng thế nào ?

Thủ tướng Chính phủ chính thức chốt lại quan điểm có nhiều tranh luận những năm qua...

vang2

Trong hơn ba năm qua, Việt Nam đã không phải dồn ngoại tệ để nhập vàng về (ở kênh chính ngạch), mà chủ yếu thị trường tự dưỡng bằng nguồn bán ra từ dân cư.

Như VnEconomy đề cập ở một bài viết gần đây, tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân cư, nhưng theo hướng "nung chảy".

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có dẫn giải cụ thể hơn về quan điểm này.

Theo Thủ tướng, huy động ở đây cần được hiểu là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh. 

Điều này hoàn toàn khác với cách hiểu rằng huy động là ngân hàng hoặc Nhà nước đi vay vàng và ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ huy động - cho vay trước đây của các ngân hàng thương mại.

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ : "Chúng ta biết rõ tiền nằm trong dân. Tôi không dám nói là ngân hàng huy động tiền, vàng trong dân, đó là một số người hiểu lầm".

Và với quan điểm nói trên, chỉ khi tin tưởng thì người dân mới đưa nguồn lực đó vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Như vậy, quan điểm trên của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong nền kinh tế, trước mắt chốt lại những đề xuất và tranh luận trong nhiều năm qua.

Quan điểm trên cũng thống nhất với đường hướng mà Chính phủ đã lựa chọn cách đây 6 năm, và Ngân hàng Nhà nước triển khai từ đó đến nay.

Cụ thể, từ ngày 25/11/2012, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bắt đầu ngừng huy động vàng. Vốn vàng từng bước được bóc khỏi hệ thống, cùng với chính sách chấm dứt cho vay vốn bằng vàng.

Tại thời điểm đó, quan điểm mà Thủ tướng nêu như trên cũng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lý giải : "nung chảy" vàng thành VND để đưa vào sản xuất kinh doanh, chính sách làm sao để người dân bán vàng ra, thay vì dồn ngoại tệ của nền kinh tế để nhập vàng về rồi "chôn" trong dân cư.

Cũng tại thời điểm đó, nhà điều hành ước tính, bước đầu, trong vòng 6 tháng, có tới khoảng 60 tấn vàng đã được người dân bán lại cho hệ thống ngân hàng thương mại (với nhu cầu chính để tất toán trạng thái), là kết quả bước đầu thực hiện quan điểm và lựa chọn "nung chảy" nói trên.

Từ đó cho đến nay, sau đợt đấu thầu tạo cung hỗ trợ nhu cầu thị trường từ Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013, Việt Nam đã không còn phải dồn ngoại tệ (liên quan là biến động tỷ giá) để nhập khẩu vàng về ở kênh chính ngạch, như áp lực luôn thể hiện từ năm 2011 trở về trước. 

Và suốt từ đó đến nay, vàng trong nước được "nung chảy" để tự cân đối, đáp ứng nhu cầu thay vì phải nhập khẩu.

Tương tự, với ngoại tệ, chủ trương và chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng có những bước đi hạn chế bớt sự hấp dẫn, cũng như tình trạng găm giữ trong dân cư. Dù chưa cắt bỏ hoàn toàn, nhưng hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã bị siết chặt. Cùng đó, huy động ngoại tệ bị hạn chế qua cơ chế áp trần lãi suất USD ở 0%/năm.

Ứng với những chủ trương và chính sách trên, giá trị VND, ngoại trừ biến động mạnh 2015, luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ từ 1-2% mỗi năm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chênh lệch lãi suất có lợi cho việc nắm giữ VND…

Theo đó, như "nung chảy" ở vàng, hoạt động dịch chuyển vốn trong dân cư từ ngoại tệ sang VND cũng thể hiện rõ.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh, ước giảm khoảng 7% so với cuối 2015. Tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng vốn huy động toàn hệ thống theo đó cũng giảm đáng kể trong năm 2016, xuống còn khoảng 10,5%, từ mức 12,9% năm 2015.

Ngược lại, huy động VND của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng rất cao năm qua, ước đạt tới 23% và gia tăng tỷ trọng lên 89,5% tổng vốn huy động, từ mức 87,1% cuối năm 2015.

Song song với diễn biến "nung chảy" đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục khoảng 41 tỷ USD.

Và ngay từ đầu năm 2017, hoạt động mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được ghi nhận.

Minh Đức

Nguồn : VnEconomy, 13/01/2017

**********************

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ

Một lần nữa, giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực vàng và ngoại tệ được đặt ra…

vang3

Vấn đề huy động nguồn lực vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh từng được đặt ra nhiều lần những năm gần đây, với những quan điểm khác nhau.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Như đặt ra trong năm 2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng ; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án chống đô la hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Và một lần nữa, trong nghị quyết trên, Chính phủ định hướng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.

Từ cuối 2011 đầu 2012, huy động nguồn lực vàng trong dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh từng được đặt ra với nhiều quan điểm khác nhau. Vấn đề này nhiều lần được đề cập những năm gần đây, cũng như có nhiều tranh luận trong năm 2016.

Tuy nhiên, sau khi từng bước loại bỏ hoạt động huy động và cho vay vàng ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đặt vấn đề trên ra một cách chính thức và tổng thể.

Trong khi đó, với ngoại tệ, trong gần hai năm qua và cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã và đang áp trần lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm. Dù với trần lãi suất này, ước tính lượng lớn ngoại tệ là USD vẫn nằm trong cơ cấu tiền gửi ở hệ thống ngân hàng với tỷ trọng trên dưới 10%.

Nhật Nam

Nguồn : VnEconomy, 06/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cẩm Thúy, VnEconomy
Read 1120 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)