Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2023

Bắc Kinh tính toán gì khi gây hấn với Philippines ?

Trường Sơn - Phạm Văn Nam - Joel Guinto -

Biển Đông : Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Philippines và thông điệp cho khu vực

Trường Sơn, RFA, 2/10/2023

Tình trạng căng thẳng trên khu vực Biển Đông vừa lên tới nấc thang mới sau khi các tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc va chạm với tàu tiếp tế của Hải quân Philippines.

biendong1

Chiến hạm của Hoa Kỳ và bốn nước đồng minh diễn tập tại Biển Đông ngày 23/10/2023 - Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản (JDMSF)

Sự việc này xảy ra hôm 22 tháng 10 khi Hải quân Philippines thực hiện chuyến tàu tiếp tế thường lệ tới Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi quân đội nước này đang đồn trú trong xác của một chiếc tàu mắc cạn, để thể hiện điều mà Philippines cho là chủ quyền của họ đối với bãi cạn này.

Nhằm đáp lại, phía Trung Quốc đã cử tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển để ngăn chặn. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có Bãi Cỏ Mây ; do vậy, đã liên tiếp ngăn cản các nỗ lực tiếp tế của Philippines. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Trung Quốc chủ động để tàu của lực lượng chấp pháp của họ đâm vào tàu của phía Philippines. Vụ đụng độ tuy không gây ra thiệt hại, nhưng rõ ràng hành động trên đã khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn rất nhiều. 

Philippines tất nhiên phải phản ứng dữ dội. Trong tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Lực lượng Đặc trách Quốc gia về vùng biển Tây Philippines (cách gọi của Philippines về vùng Biển Đông), đã cáo buộc hành vi của Trung Quốc là có tính "khiêu khích, vô trách nhiệm, và vô pháp". 

Quốc gia Đông Nam Á sau đó cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Manila để trao công hàm phản đối. 

Ở chiều ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Hai đã ra một tuyên bố, trong đó cảnh báo Philippines chớ sử dụng từ ngữ "sai lệch và khiêu khích" để nói về sự kiện này. Nước này cũng yêu cầu Philippines ngừng ngay "các hành động nguy hiểm" và chớ "gây thêm căng thẳng", và không quên tuyên bố rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. 

Bãi Cỏ Mây là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines. Hồi đầu tháng 8, tàu hải giám của Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tàu của Philippines dấy lên sự phản đối của Manila. Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, một tàu hải cảnh của Trung Quốc rọi tia laser quân sự trực tiếp vào tàu của Philippines, khiến cho các thuỷ thủ trên bong chỉ huy tàu của Philippines bị mù tạm thời. 

Trên thực tế, phía Trung Quốc đang gia tăng mức độ hung hăng trong cách mà họ đối phó với Philippines ở khu vực Biển Đông. Lý do đằng sau rất có thể liên quan đến sự thay đổi thái độ của Philippines trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. 

biendong2

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận đa phương ngày 23/10/2023 ở Biển Đông vào khi căng thẳng Philippines- Trung Quốc tăng cao. JDMSF

Trao đổi với đài RFA, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của Chatham House, đồng thời cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về tranh chấp Biển Đông, và lịch sử Trung Quốc, cho biết quan điểm của ông về việc Trung Quốc gia tăng sự hung hăng đối với Philippines : 

"Tôi cho rằng việc này có liên quan đến hai điều, thứ nhất là sự thay đổi chính phủ ở Philippines, kéo theo sự xích lại giữa nước này với Hoa Kỳ, và sự sẵn sàng của Philippines trong việc hợp tác với Mỹ. Tiếp theo, phía Philippines đã bắt đầu sử dụng chiến thuật ngoại giao công khai một cách hiệu quả hơn, bằng cách tung ra các hình ảnh và video về hành xử của Trung Quốc". 

So với thời tổng thống Duterte khi mà Philippines chọn tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, và do đó dẫn đến việc tiết chế lên án và hạn chế công khai các thông tin liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây. Thì dưới thời tổng thống Bongbong Macros hiện tại, Manila đã trở nên tích cực hơn rất nhiều. 

Sự thay đổi này được cho là do phía Philippines cảm thấy tự tin hơn vì được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Mối quan hệ của hai nước đồng mình đã nhận phải "gáo nước lạnh" dưới thời tổng tống Duterte, nhưng giờ đây đã không những hồi phục mà còn phát triển lên tầm cao mới. Gần đây nhất, Philippines đã cho phép Hoa Kỳ mở thêm hàng loạt căn cứ quân sự ở các khu vực chiến lược. Hai nước cũng tăng cường các hoạt động tập trận quân sự, và Mỹ gần đây thường xuyên lên tiếng bênh vực Philippines hơn. 

Rất nhanh sau khi sự kiện tàu Trung Quốc đâm vào tàu Philippines xảy ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố, trong đó cáo buộc phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, và tái cam kết nghĩa vụ bảo vệ Philippines về mặt quân sự. 

Bằng cách chủ động tố cáo các hành vi của Trung Quốc, theo ông Ray Powell, Giám đốc Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, thì Philippines đang mong muốn đạt được ba mục đích gồm : Tăng cường sự ủng hộ trong nước, tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, và khiến Trung Quốc bị đặt vào thế phải đánh đổi danh tiếng. Ông nói thêm : 

"Càng ngày thì danh tiếng của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế sẽ bị bôi nhọ, và càng nhiều quốc gia sẽ phải tự đặt câu hỏi rằng liệu họ có nên cứng rắn hơn trước sự hung hăng của Trung Quốc hay không. Nhưng để đạt được điều này thì sẽ cần nhiều thời gian, do vậy, Philippines cần phải kiên trì với chiến lược này". 

Trước một Philippines tự tin hơn và nguy cơ Hoa Kỳ can dự vào vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã chọn gia tăng sức ép bằng cách thực hiện các hành vi với mức độ hung hăng tăng dần trong thời gian qua, nhằm mục đích đe doạ Philippines và buộc nước này phải xuống nước. 

Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Quốc - Philippines, theo các học giả thì nó còn tác động đến cả khu vực. Trong bối cảnh có ít nhất bốn quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam, Brunei, Indonesia, và Malaysia cùng đang chịu sức ép từ Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển, thì Trung Quốc sẽ không muốn Philippines trở thành tiền lệ xấu, dẫn đến việc các nước khác bắt chước và chọn cách đối đầu với họ. 

Và điều này sẽ khiến các nước ở khu vực phải đưa ra quyết định liệu có lên tiếng ủng hộ Philippines hay không, theo ông Ray Powell : 

"Tất nhiên, các nước đều muốn duy trì sự ổn định trong mối quan hệ với Trung Quốc vì các lý do hiển nhiên, và đây sẽ là quyết định mà các nước phải tự mình đưa ra, dù đó là Việt Nam, Malaysia, hay Indonesia. Họ sẽ phải tự quyết xem liệu họ muốn làm theo Philippines ở mức độ nào, và có thể công khai các thông tin một cách tích cực hơn, hoặc nếu bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines thì ở mức độ nào, và cả việc nếu chọn im lặng thì im lặng đến khi nào". 

Thế nhưng có vẻ Trung Quốc càng hung hăng, thì càng phản tác dụng. Vì theo ông Bill Hayton, thì xu hướng hiện giờ là đang hình thành các sáng kiến, và hợp tác chung giữa các Đông Nam Á để cùng đối phó với Trung Quốc, thay vì đơn thương độc mã đối chọi. 

"Chúng ta đã bắt đầu thấy sự hợp tác giữa các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông, chúng ta sẽ chờ thêm để xem liệu Indonesia, Malaysia, và Brunei tham gia như thế nào, và liệu nó sẽ dẫn đến việc ASEAN có những quan điểm tự tin hơn về vấn đề Biển Đông. 

Philippines đã quyết định quay trở lại với cách tiếp cận mang tính khu vực thay vì tự mình đương đầu với Trung Quốc, và Việt Nam đã tỏ ra quan tâm đến cách tiếp cận này, và chúng ta sẽ chờ xem liệu các quốc gia khác có tham gia hay không". 

Việt Nam và Philippines đang đàm phán về việc ký thỏa thuận hàng hải nhằm giải quyết các bất đồng, và hai bên cũng đồng thời làm việc để soạn thảo bộ quy tắc ứng xử song phương để tránh xảy ra các sự cố trên biển. Trước đó thì Việt Nam và Indonesia cũng đã đạt được thoả thuận về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế hồi tháng 12 năm 2022. 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 26/10/2023

*************************

Bắc Kinh cố chiếm Bãi Cỏ Mây từ Philippines, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng

Phạm Văn Nam, RFA, 26/10/2023

Căng thẳng tiếp tục trên Bãi Cỏ mây

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn diễn biến căng thẳng hơn trước.

biendong5

Tuần duyên Philippines và tàu tiếp tế bị tàu tuần duyên Trung Quốc chặn đường ở khu vực gần Bãi Cỏ Mây vào ngày 22 tháng 8 năm 2023. Philippines hôm 4/10/2023 cho biết họ đã đưa được hàng tiếp tế đến đây thành công.

Va chạm mới đây nhất xảy ra giữa hai bên vào ngày 22/10 khi lực lượng Philippines "tiếp tế" cho binh sĩ đồn trú trên một tàu hải quân của nước này mắc cạn ở phía Nam Biển Đông. Các quan chức Philippines cáo buộc một tàu hải cảnh và một tàu dân quân biển của Trung Quốc đã "di chuyển nguy hiểm" dẫn đến va chạm với một tàu tiếp tế và một tàu tuần duyên của Philippines ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho biết họ đã ngăn chặn tàu vận chuyển "vật liệu xây dựng bất hợp pháp" của Philippines, dẫn đến "va chạm nhẹ" (1 ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 22/10 cáo buộc Philippines khiêu khích "bằng cách liên tục xâm nhập vào Nhân Ái Tiêu (Renai Jiao) và tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch" (2 ). Nhân Ái Tiêu là cách gọi của Trung Quốc với Bãi Cỏ Mây, Philippines thì gọi là Bãi cạn Ayungin - một khu vực ở Biển Đông nơi xảy ra vụ va chạm. Nó là một phần thuộc Quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trước đó cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã "quấy rối và cố ý tấn công" một tàu tiếp tế và một tàu bảo vệ bờ biển Philippines. Ông Gilbert Teodoro cho biết tại Manila hôm 22/10 : "Chúng tôi ở đây để thực sự lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể về hành vi vi phạm nghiêm trọng và bất hợp pháp này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý (370km) của Philippines và việc che giấu sự thật bằng cách Trung Quốc bóp méo câu chuyện để phù hợp với mục đích của họ" (3 ).

Trong khi Trung Quốc coi đây là một "vụ va chạm nhỏ", Thiếu tướng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela hôm 22/10 cho rằng thiệt hại đối với tàu tiếp tế "nhiều hơn là một vết xước" (4) . Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc hôm 22/10 để gửi phản đối ngoại giao, trong khi Đại sứ quán Bắc Kinh tại Manila cho biết họ cũng đã làm điều tương tự.

Tiến trình COC sẽ chết yểu ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza phát biểu trong cuộc họp báo chung 22/10 rằng : "Tất cả những sự cố như thế này sẽ củng cố luận điểm rằng Philippines không phải là kẻ xâm lược, mà chính là bên kia, đó là Trung Quốc" (5) .

Cuộc đối đầu hôm 22/10 diễn ra ngay trước vòng đàm phán mới nhất về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh và Manila nằm trong số các bên tham gia. Các cuộc đàm phán, bắt đầu vào ngày 22/10 tại Bắc Kinh, nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang lớn ở Biển Đông.

Học giả Ding Duo của Trung Quốc đã cảnh báo về tác động đối với quan hệ song phương. Ông nói : "Trong những năm qua, hai bên đã kiểm soát tốt những khác biệt nên có sự thỏa thuận ngầm về cách giải quyết tranh chấp trên biển. Nhưng bây giờ, những thỏa thuận như vậy đã bị phá vỡ" (6 ). Theo ông Ding, cuộc đối đầu có thể làm tổn hại đến niềm tin song phương và ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về COC đang diễn ra và được chờ đợi từ lâu.

Vì sao Trung Quốc gây ra căng thẳng lúc này ?

Sau vụ việc hôm 22/10, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Anh đều đưa ra tuyên bố lên án hành vi của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc "vi phạm luật pháp quốc tế khi cố tình can thiệp vào hoạt động tự do hàng hải của các tàu Philippines" (7 ). 

Collin Koh, học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói với VOA rằng Mỹ cần thực hiện lời hứa hỗ trợ Philippines thông qua các hành động cụ thể vì Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thử thách khả năng can dự của Washington. Ông nói : "Nếu người Mỹ dường như không làm nhiều hơn những gì họ đang làm hiện nay, thì điều đó có thể là tín hiệu không chính xác cho người Trung Quốc rằng họ đang thành công trong việc vượt giới hạn. Trung Quốc có thể sẽ đẩy nó đi xa hơn nữa. Lúc đó, Mỹ phải lo lắng về độ tin cậy của mình" (8) .

Hiện nay, Mỹ đang phải căng mình ra để hỗ trợ cho cả Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời cũng phải hỗ trợ đồng minh Israel trong cuộc chiến chống Hamas ở Trung Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc muốn thử khả năng của Mỹ ở Biển Đông ra sao, đồng thời cũng làm giảm độ tập trung của Mỹ vào các mặt trận khác. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Bắc Kinh và các đồng minh như Nga hay Iran.

Justin Baquisal, một nhà phân tích địa chính trị ở Manila nói với VOA rằng Bắc Kinh cuối cùng đang thử thách quyết tâm của Washington. Ông nói : "Trung Quốc đang cố tình làm điều này để xem liệu Mỹ có sẵn sàng mở mặt trận thứ ba trong cuộc xung đột của mình hay không", đồng thời cho biết thêm rằng những nỗ lực này đang khiến hoạt động hậu cần của Washington bị căng trải (9) .

biendong6

Hình chụp hôm 22/8/2023 từ tàu tuần duyên của Philippines cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang theo một tàu dân sự (ở giữa) do hải quân Philippines thuê để cung cấp hậu cần cho hải quân Philippines ở Bãi Cỏ Mây, Biển Đông. AFP

Chiến thuật của Philippines có hiệu quả ?

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông đã diễn ra cả chục năm nay, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Philippines đang thay đổi chiến thuật. Philippines đang dùng truyền thông để tố cáo hành vi của Trung Quốc đối với thế giới. Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford (Mỹ) nói với BBC rằng : "Tôi nghĩ năm 2023 đã chứng kiến sự thay đổi lớn. Đó là chiến dịch minh bạch hóa sự quyết đoán" (10) . Nhận xét về các hành động cung cấp các hình ảnh và clip công khai và kịp thời cho báo chí quốc tế của Manila trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, Raymond Powell cho biết : "Việc này giống như ‘rọi sáng’ các hoạt động vùng xám của Trung Quốc" (11 ).

Có lẽ, Trung Quốc cũng khá ngạc nhiên trước phản ứng quyết liệt của Philippines, BBC trích lời chuyên gia Oriana Skylar Mastro thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (Mỹ) cho rằng có vẻ như chiến lược này đang tỏ ra hiệu quả : "Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung Quốc có phần tạm lắng" (12) .

Diễn biến sắp tới ?

Căng thẳng trên Biển Đông lần này không chỉ liên quan giữa Philippines và Trung Quốc. Nhiều quốc gia khu vực Biển Đông cũng là nạn nhân trước sự côn đồ của Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số đó.

Các chuyên gia nhận định việc Philippines tiếp tế cho tàu Sierra Madre không chỉ là lương thực, thực phẩm và nước uống. Mục tiêu lớn hơn của Philippines là tìm cách là gia cố con tàu rỉ sét tại đây. Đại tá Powell cho rằng : "Thật khó để biết Philippines có thể kéo dài tuổi thọ của con tàu như thế nào. Tôi nghĩ giờ là thời điểm khủng hoảng. Ngày tàn của tàu Sierra Madre đã cận kề. Con tàu này sẽ sớm vỡ vụn" (13) .

Nếu con tàu này không còn, thì sự hiện diện của Philippines thông qua các binh sĩ ở đây, sẽ có nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, Manila đã nỗ lực tăng cường việc gia cố con tàu để duy trì sự hiện diện tại Bãi Cỏ Mây. Còn Bắc Kinh cũng nhận ra điều đó và cố tìm cách ngăn cản Manila. Theo tính toán của Trung Quốc thì nếu họ ngăn cản được việc tiếp tế cho con tàu tại Bãi Cỏ Mây, sớm muộn gì con tàu này cũng sẽ không còn, và đây sẽ là cơ hội cho Bắc Kinh chiếm đoạt khu vực này.

Nếu Bắc Kinh chiếm đoạt được Bãi Cỏ Mây, thì có thể đây sẽ là con cờ domino dẫn tới hàng loạt thay đổi trên khu vực biển này, và nước giành lợi thế sẽ là Trung Quốc.

Các quốc gia Biển Đông như Việt Nam cần phải giúp Philippines giữ nguyên hiện trạng trên Biển Đông, vì nếu Trung Quốc thành công ở Bãi Cỏ Mây, họ sẽ tiếp tục làm như vậy với các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ ở Trường Sa.

Phạm Văn Nam

Nguồn : RFA, 26/10/2023

Tham khảo :

1. https://x.com/globaltimesnews/status/1716372040696168822?s=20

2. https://news.abs-cbn.com/video/news/10/23/23/china-tells-philippines-stop-creating-tension-in-south-china-sea

3. https://pcij.org/article/10881/philippines-confronts-unlikely-adversary-south-china-sea-row-filipinos-echo-pro-beijing-narratives

4. https://x.com/jaytaryela/status/1716060726597648739?s=20

5. https://www.reuters.com/article/southchinasea-philippines-china-idAFKBN31N03H

6. https://www.channelnewsasia.com/asia/china-philippines-south-china-sea-collisions-conflict-3867836

7. https://www.state.gov/u-s-support-for-our-philippine-allies-in-the-face-of-repeated-prc-harassment-in-the-south-china-sea/

8. https://www.voanews.com/a/analysts-china-tests-us-commitment-to-indo-pacific-in-south-china-sea-/7322809.html

9. https://www.voanews.com/a/analysts-china-tests-us-commitment-to-indo-pacific-in-south-china-sea-/7322809.html

10. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205

11. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205

12. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205

13. https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-67191205

**************************

Biển Đông : Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc tấn công

Joel Guinto, BBC, 26/10/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

biendong3

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông dẫn đến va chạm tàu ​​thuyn

Bình luận này được đưa ra vài ngày sau hai vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Ông Biden nhắc lại cam kết phòng thủ "sắt thép" của mình với Philippines.

Manila đã phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này, cắt dây phao nổi và mời giới truyền thông quay lại cái mà họ gọi là những động thái nguy hiểm của Bắc Kinh trên biển.

Tuyên bố của ông Biden về Biển Đông hôm thứ Tư là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông kể từ khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila nóng lên trong những tháng gần đây.

Ông nói : "Tôi muốn nói rõ - tôi muốn nói thật rõ ràng : Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ với Philippines là sắt thép. Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ với Philippines là sắt thép".

Được ký vào năm 1951, Hiệp ước phòng thủ chung ràng buộc Mỹ và Philippines, thuộc địa cũ của nước này, bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang.

"Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ khởi động Hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi với Philippines", ông nói thêm trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, khi ông chào đón Thủ tướng Úc Anthony Albanese.

Hôm Chủ nhật, Philippines cho biết "hành động nguy hiểm" của Trung Quốc đã dẫn đến vụ va chạm giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines trong khu vực nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Trong một vụ việc khác, Manila cho biết một tàu dân quân Trung Quốc đã "đụng trúng" một tàu cảnh sát biển Philippines.

Các tàu của Philippines đang trên đường tới một tàu chiến hải quân đang đổ nát mà Manila đã neo đậu ở Bãi Cỏ Mây để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Gilberto Teodoro Jr, cho biết các tàu Trung Quốc "cố ý đụng trúng" các tàu Philippines và cáo buộc Trung Quốc "bóp méo câu chuyện để phù hợp cho mục đích riêng của mình".

Ông Biden lặp lại những tuyên bố này, nói rằng các tàu Trung Quốc đã "hành động nguy hiểm và bất hợp pháp" khi xảy ra va chạm.

biendong4

Ông Biden nhắc lại cam kết phòng thủ "sắt thép" với Philippines

Philippines là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ vì nước này giáp ranh với hai điểm nóng tiềm tàng ở Thái Bình Dương là Biển Đông và Đài Loan.

Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào tháng 6/2022 và khôi phục liên minh giữa Philippines với Mỹ, chính quyền Philippines đã trở nên hung hăng hơn trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính sách đối ngoại của ông Marcos là sự đảo ngược quan điểm thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, người bị chỉ trích vì chưa làm đủ để đối chọi lại hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Duterte từ chối viện dẫn chiến thắng pháp lý của Manila trước Trung Quốc tại tòa án quốc tế, kết luận của tòa cho rằng những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ.

Joel Guinto

Nguồn : BBC, 26/10/2023

***************************

Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì những va chạm ở Biển Đông

RFA, 24/10/2023

Các nhà phân tích cho rằng Manila đang áp dụng chính sách minh bạch quyết đoán khi đương đầu với những hành động của Bắc Kinh trong khu vực.

biendong7

Tàu mang cờ Philippines bị chặn bởi một tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc trong một vụ việc ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông vào ngày 22/10/2023

Cảnh sát Biển Trung Quốc/ Reuters

Manila trong ngày thứ Hai (23/10) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines để phản đối về hai vụ việc xảy ra ở Biển Đông hôm Chủ Nhật. Đây là hai vụ việc, mà theo giới phân tích, đã cho thấy rõ sự "đạo đức giả" của Trung Quốc cũng như sự tăng cường "chiến dịch minh bạch quyết đoán" của Philippines trong các vùng biển tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Philippines thông báo nước này đã ra một công hàm ngoại giao mới phản đối hành động của Trung Quốc, công hàm thứ 55 của nước này trong năm nay.

Các nhà chức trách Philippines cho biết một trong những tàu hợp đồng làm nhiệm vụ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) của nước này - nơi Manila duy trì một tàu hải quân làm tiền đồn quân sự - đã bị một tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc chặn lại, dẫn đến va chạm.

Cũng trong chuyến tiếp tế này, phía mạn trái của một tàu Cảnh sát Biển Philippines đã "bị đâm bởi bởi tàu dân quân biển Trung Quốc mang số hiệu CMMV 00003 khi tàu này đang nằm cách Bãi Ayungin (tên địa phương của Bãi Cỏ Mây) khoảng 6,4 hải lý về phía đông bắc" – Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Philipplines phụ trách khu vực Biển Tây Philippines (Biển Đông) cho biết.

Được biết không có ai bị thương trên các tàu của cả hai phía.

Cảnh sát Biển Trung Quốc ngay hôm Chủ nhật đã nhanh chóng ra tuyên bố, đổ lỗi cho tàu Philippines vì đã "xâm nhập trái phép".

Báo chí nhà nước Trung Quốc trích tuyên bố cho hay hai tàu vận tải và hai tàu Cảnh sát Biển của Philippines đã ‘xâm nhập trái phép" vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây hay còn được gọi là Bãi đá Ren’ai trong tiếng Trung.

Tuyên bố này cũng nói rằng bất chấp những cảnh báo liên tục từ phía các nhà chức trách Trung Quốc, tàu tiếp tế của Philippines "đã cố tình vượt qua mũi tàu Cảnh sát Biển số 5203 của Trung Quốc một cách không chuyên nghiệp và nguy hiểm vào lúc 6 :14 sáng, dẫn đến một va chạm nhỏ".

Khoảng hai tiếng sau, tàu Cảnh sát Biển Philippines số hiệu 4409 "cố tình gây rắc rối" bằng cách đi lùi lại và va chạm với một tàu cá của Trung Quốc đang ở khu vực biển lân cận, tuyên bố nói tiếp.

Đại sứ quán Trung Quốc "đã đưa ra ý kiến phản đối chính thức với phía Philippines, bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và sự phản đối kiên quyết đối với việc xâm nhập trái phép này" – Tờ Thời báo Hoàn Cầu viết trên mạng xã hội X, tên mới của mạng Twitter.

Cả hai phía đều công bố các video clips để chứng minh cho những lập luận của mình.

Năm 1999, Hải quân Philippines đã cố tình đưa tàu BRP Sierra Madre thuộc thế hệ tàu thời Thế chiến thứ II ra Bãi Cỏ Mây để làm tiền đồn quân sự và chủ quyền của mình và vì vậy, lực lượng quân đội đóng trên tàu này cần được tiếp tế thường xuyên. Phía Trung Quốc thì cho rằng tàu Sierra Madre đã được "neo đậu một cách bất hợp pháp".

Trong những tháng gần đây, các tàu Cảnh sát biển và các tàu dân quân biển Trung Quốc đã liên tục bám theo và chặn các tàu Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu Sierra Madre, trong đó phía Trung Quốc đã từng bắn vòi rồng vào một trong những tàu tiếp tế diễn ra hồi tháng 8 năm nay.

biendong8

Đoạn video được quay và công bố vào ngày 22/10/2023 này cho thấy một vụ va chạm giữa tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (bên trái) và tàu tiếp tế (bên phải) của Philippines trong chuyến tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây. Ảnh : Lực lượng Vũ trang Philipipines

"Chiến dịch Minh bạch" của Manila

Mỹ nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Philippines – đồng minh hiệp ước của mình.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay : "Hoa Kỳ sát cánh cùng các đồng minh Philippines của chúng tôi khi phải đương đầu với các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của lực lượng Cảnh sát Biển và dân quân biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Philippines tới khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông hôm 22/10". 

Phía Mỹ "tái khẳng định rằng Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ Chung Mỹ - Philippines năm 1951 áp dụng đối với cả các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, các tàu và máy bay công cộng – bao gồm cả các phương tiện thuộc lực lượng Bảo vệ Bờ biển - ở bất cứ đâu trong khu vực Biển Đông".

Tuyên bố cáo buộc các tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và cho rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc là không có cơ sở vì Bãi Cỏ Mây là ‘một thực thể nằm sâu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines và trên thêm lục địa của Philippines".

Theo nghiên cứu viên cao cấp Thomas Shugart - người hiện đang phụ tá cho Chương trình Quốc phòng của Trung tâm An ninh Hoa kỳ Mới - các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm được việc "lên án sự đạo đức giả của PLAN". PLAN là tên viết tắt mà ông này dùng để chỉ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

"Trung Quốc tuyên bố có quyền quy định và kiểm soát các hoạt động hải quân trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình – điều mà họ không làm và rồi tự do hoạt động như họ muốn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của các quốc gia khác" – ông Shugart nói.

Một nhà phân tích khác, ông Ray Powel từ Trung Tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, lưu ý rằng Manila "đã bắt đầu một chiến thuật minh bạch quyết đoán" trong việc thông tin về vụ việc xảy ra trong các khu vực biển tranh chấp.

"Nó đã trở thành bình thường ... Việc một nước lớn có thể ngáng chặn tiền đồn của một nước nhỏ mà không phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nào" – ông Powell nói. "Điều mới mẻ là Philippines giờ đây đang cho thế giới thấy điều gì đã và đang xảy ra ngay trước mũi của chúng ta trong nhiều năm và thế giới sẽ phải quyết định cần phải làm gì về điều này".

Gần như ngay lập tức sau hai vụ việc này, Lực lượng Vũ trang Philippines đã công bố trên các xã hội những bức ảnh và video clip do họ ghi lại cũng như cảnh quay bằng máy bay không người lái (drone) đi kèm với các tuyên bố chính thức.

Một trong những bức ảnh này cho thấy rõ 3 tàu của Philippines đang bị bao vây bởi 8 tàu của Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc.

Chiến thuật này sẽ giúp "tăng cường sự kiên cường của quốc gia, tạo dựng sự ủng hộ của quốc tế và khiến Trung Quốc phải trả giá về danh tiếng" – nhà phân tích này nói.

"Nếu các nước khác cũng làm như vậy thì sẽ khiến Trung Quốc phải tính toán lại rằng : Cái giá mà họ đang phải trả cho những chiến thuật vùng xám của mình có tương xứng với những lợi ích mà họ hy vọng nhận được từ những chiến thuật này" – ông Powel nói.

Hiện có sáu bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong đó yêu sách của Trung Quốc cho đến nay là rộng lớn nhất. Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận một phán quyết quốc tế năm 2016 rằng tuyên bố chủ quyền của họ là không có cơ sở pháp lý.

Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km (124 dặm) và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000 km.

Nguồn : RFA, 24/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn, Phạm Văn Nam, Joel Guinto, RFA tiếng Việt
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)