Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2023

Soi gì và sửa như thế nào ?

Định Tường

Theo kết quả được Quốc hội công bố người nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

soi1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất

Cụ thể, ông Nguyễn Kim Sơn nhận được 241 phiếu tín nhiệm cao, 166 phiếu tín nhiệm và 72 phiếu tín nhiệm thấp. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt là người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp đứng thứ 2. Cụ thể, ông Đạt nhận được 187 phiếu tín nhiệm cao, 222 phiếu tín nhiệm và 71 phiếu tín nhiệm thấp.

Người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thứ 3 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 219 phiếu tín nhiệm cao, 200 phiếu tín nhiệm và 62 phiếu tín nhiệm thấp. Kế tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với 61 phiếu tín nhiệm thấp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với 54 phiếu tín nhiệm thấp...

Trước khi công bố kết quả, phía tổ chức lấy phiếu tín nhiệm khẳng định rằng mấu chốt của "lá phiếu tín nhiệm" cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tăng trách nhiệm cho người lãnh đạo chứ không phải làm vừa lòng người bỏ phiếu.

Kết quả lấy phiếu được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết để nhân dân biết, theo dõi, giám sát. Qua đó, làm cơ sở để người được lấy phiếu chịu áp lực cho phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác của mình.

Thế nhưng cụ thể những yêu cầu ra sao cho cái gọi là "soi – sửa", vì Quốc hội không công bố lý do nào mà chính khách quan chức đó bị "tín nhiệm thấp", do vậy – đơn cử như với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ông phải "soi – sửa" những gì để "cải thiện" 72 lá phiếu tín nhiệm thấp ? Ở đây, một khi bản thân ông Sơn không thể nhận diện được cụ thể cần "soi – sửa" ra sao, và thực tế cũng chưa được ngưỡng quy định của việc từ chức, nên xem chừng ông cũng không mấy bận tâm về "sự hài lòng" của những đồng liêu trên chốn quan trường.

Một khi chưa rõ ràng như nêu trên, thì chuyện yêu cầu cơ chế giám sát rõ ràng, thường xuyên, minh bạch song hành đó để có thể chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế…, tất cả vẫn chỉ là những huyễn hoặc cho giấc mơ dân chủ trong nội bộ đảng cầm quyền.

Trên cương vị cử tri quan tâm đến thời sự chính trị, người viết bài này vẫn cảm giác những lá phiếu tín nhiệm hiện vẫn được dùng bằng cảm quan, bởi không có mấy ai nhớ rõ từng tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng chức danh, công việc quản lý ; và chính lẽ đó nên xem chừng chẳng những chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, mà còn cổ súy cho căn bệnh hình thức trong Quốc hội.

Sở dĩ có thể nói như nhận xét trên vì theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là ở thời điểm giữa chứ không phải ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Điều này được giải thích việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa vào kết quả công việc, mà vào đầu nhiệm kỳ thì cán bộ chưa có thời gian để thể hiện năng lực của mình. Còn ở cuối nhiệm kỳ thì kết quả của lá phiếu tín nhiệm có ít tác dụng vì cán bộ lãnh đạo không có cơ hội để "sửa sai" hay phát huy những mặt tích cực đã đạt được.

Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ dành cho những người đang làm việc và đạt được kết quả công việc cụ thể, chỉ như vậy mới có thông tin đầy đủ cho việc bỏ phiếu có hiệu quả.

Khi được "góp ý" ở giữa nhiệm kỳ, cán bộ dễ dàng "tự soi" hơn để thấy rõ những mặt tích cực cũng như mặt hạn chế ở chặng đầu, sau đó "tự sửa", phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ ở chặng tiếp theo. Thế nhưng với lá phiếu "bầu kín" thì làm sao cán bộ biết mình được "góp ý" gì để mà "tự soi" và "tự sửa" ?

Định Tường

Nguồn : VNTB, 26/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Định Tường
Read 174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)