Vì sao ông Lý Khắc Cường qua đời lại nguy hiểm đối với ông Tập
Stephen McDonell, BBC, 28/10/2023
Việc một nhà lãnh đạo ở Trung Quốc qua đời có thể mở ra những thay đổi lớn, như đã xảy ra sau thời Mao Trạch Đông, hoặc có thể dẫn đến biến động chính trị, giống như khi sự thương tiếc dành cho ông Hồ Diệu Bang biến thành cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường nâng ly chúc mừng trong buổi chiêu đãi tháng 10/2022. Ảnh : Florence Lo/Reuters
Vì lý do này, việc cựu thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời đã kích hoạt nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo duy trì sự ổn định ở Trung Quốc.
Một cuộc trấn áp việc sử dụng VPN đang được tiến hành nhằm giảm khả năng truy cập của công dân Trung Hoa vào các trang mạng không do Đảng cộng sản kiểm soát.
Đảng không muốn để tang một cựu lãnh đạo quyền lực số hai, nổi tiếng, tự do để gây ra sự chỉ trích rộng rãi hơn đối với chính quyền hiện tại, do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.
Không chỉ vì ông Lý qua đời đột ngột do đau tim chỉ vài tháng sau khi từ chức, mà còn vì những gì ông đại diện : một cách thức điều hành Trung Quốc tiềm năng với những ưu tiên khác với những ưu tiên của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Ông Lý là một người theo chủ nghĩa thực dụng sáng suốt và dường như không quan tâm lắm đến hệ tư tưởng. Và đây là một lý do tại sao ông lại là một nhân vật cô đơn như vậy trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị trước đây gồm bảy người, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất đất nước.
Sau đó, cái được gọi là "Chỉ số Lý Khắc Cường" được ra đời thông qua một văn bản nổi tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ và được công bố trên Wikileaks. Với tư cách là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Liêu Ninh lúc bấy giờ, ông Lý được cho là đã nói với đại sứ Mỹ vào năm 2007 rằng số liệu GDP của địa phương là không đáng tin cậy để đánh giá tình hình kinh tế.
Ông Lý cho biết ông đã sử dụng ba chỉ số khác để phân tích tăng trưởng : khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường sắt, mức tiêu thụ điện và giải ngân vốn vay ngân hàng.
Việc chỉ trích số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, ngay cả sau những cánh cửa đóng kín, với Mỹ không thể khiến các đối thủ chính trị của ông hài lòng.
Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường được coi là một trong những nhân vật chính trị thông minh nhất trong thế hệ của mình. Ông được nhận vào Trường Luật Đại học Bắc Kinh danh tiếng ngay sau khi các trường đại học mở cửa trở lại sau Cách mạng Văn hóa thảm khốc của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Trong một Đảng do các kỹ sư thống trị, ông Lý là một nhà kinh tế học, người nổi tiếng với việc "nói đúng sự thật" bằng cách thừa nhận một cách trung thực và công khai các vấn đề kinh tế của Trung Quốc như một cách để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này.
Trong đại dịch, ông đã nói về những thiệt hại mà chính sách zero Covid đặc trưng của ông Tập đã gây ra cho nền kinh tế và người dân thường Trung Quốc.
Đương nhiên, ông không trực tiếp chất vấn nhà lãnh đạo tối cao của đất nước hay bản thân chính sách đó, nhưng cũng không phủ nhận tác động của các biện pháp cải thiện.
Vào tháng 5/2022, trong một cuộc họp trực tuyến được cho là có sự tham gia của hơn 100.000 đại diện chính phủ và doanh nghiệp, lần đầu tiên ông đánh giá cao "việc làm hiệu quả" của các quan chức phải đối mặt với "những thách thức bất ngờ" trong cuộc khủng hoảng nhưng sau đó ông tiếp tục : "Những khó khăn, ở một số khu vực và ở một mức độ nhất định, thậm chí còn lớn hơn cú sốc nặng nề của đại dịch năm 2020."
Ông Lý nói thêm rằng có một con đường rõ ràng phía trước, nói rằng "sự phát triển là cơ sở và chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề ở Trung Quốc". Điều đáng chú ý là ông nói sự phát triển chứ không phải hệ tư tưởng.
"Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực tài chính và vật chất. Chúng ta cần phát triển để hỗ trợ việc làm ổn định, sinh kế của người dân và phòng ngừa rủi ro", cựu Thủ tướng phát biểu.
Cũng vào tháng 5/2022, khi chính sách zero Covid vẫn được áp dụng, ông Lý xuất hiện mà không đeo khẩu trang tại một trường đại học ở tỉnh Vân Nam. Và cả sinh viên lẫn quan chức xung quanh ông đều không đeo khẩu trang. Điều này đã thúc đẩy cuộc thảo luận lan truyền trên mạng xã hội, với các bài đăng ca ngợi thủ tướng. Chẳng bao lâu sau, hashtag #PremierAtYunnanUniversity (Thủ tướng tại Đại học Vân Nam) đã bị kiểm duyệt.
Trong năm Covid đầu tiên, với tư cách là người phụ trách kỹ thuật của nền kinh tế, ông Lý Khắc Cường quyết định thúc đẩy mô hình quầy hàng trên phố để tạo ra nhiều việc làm hơn và và được nhìn thấy đã đến thăm những người bán hàng rong ở tỉnh Sơn Đông. Hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn và ông nói rằng loại hình thương mại này có thể tiếp thêm sức sống và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Gần như ngay lập tức, những người bán hàng rong đã quay trở lại đường phố Bắc Kinh sau nhiều năm bị cấm. Nhưng họ sẽ không bao giờ được phép ở lại, nếu không theo tầm nhìn của ông Tập về việc thủ đô của Trung Quốc sẽ có bộ mặt như thế nào.
Chỉ vài ngày sau cái gọi là nỗ lực khôi phục lại các quầy hàng trên đường phố của ông Lý, động thái này đã bị phá hoại trên tờ báo của Thành ủy Bắc Kinh, Nhật báo Bắc Kinh. Tờ này đăng một bài bình luận nói rằng các quầy hàng trên đường phố là "mất vệ sinh và thiếu văn minh". Các kênh truyền thông nhà nước khác sau đó cũng tham gia với những thông điệp tương tự.
Việc chính quyền thành phố có thể nhanh chóng - một cách công khai và hiệu quả - lật ngược chính sách do Thủ tướng đề xuất, cho thấy quyền lực của ông đã trở nên hạn chế đến mức nào.
Dưới chính quyền trước đây của ông Hồ Cẩm Đào, với sự lãnh đạo tập thể, điều này đã không thể thực hiện được. Các phe phái khác nhau trong Đảng phải được cân bằng.
Nhưng dưới thời ông Tập, đó là đường lối của ông Tập Cận Bình hoặc là đường lối sai lầm.
Trước khi từ chức vào tháng 3/2023, ông Lý Khắc Cường là nhân vật cấp cao cuối cùng của chính phủ có liên quan đến thời ông Hồ Cẩm Đào và cách làm việc của giai đoạn này.
Sự hiện diện của ông đại diện cho một thời điểm khác, một cách tiếp cận ít nhiệt tình hơn về mặt chính trị, tập trung nhiều vào hoạt động kinh tế hơn là khẩu hiệu của đảng.
Là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông Lý Khắc Cường có thể rất duyên dáng khi gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài. Ông cũng vẫy tay và mỉm cười với các phóng viên khi họ quay phim các cuộc họp chính thức của mình.
Việc ông qua đời chỉ vài tháng sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng cấp cao bị cách chức một cách không rõ nguyên nhân chỉ càng làm tăng thêm tính nhạy cảm tiềm tàng của vấn đề.
Các buổi lễ tưởng niệm chính thức sắp tới sẽ được tiến hành hết sức cẩn thận, đề phòng gây ra một chút tiếc thương với cựu Thủ tướng, có thể mâu thuẫn với đường lối hiện tại của chính phủ.
Những người theo dõi các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc sẽ thấy những nỗi buồn và cú sốc tràn lan trên mạng, khi những người bình thường tưởng nhớ đến ông Lý.
Ông gia nhập Đảng cộng sản cùng thời với ông Tập và có thời điểm, ông đã chạy đua để trở thành Tổng Bí thư thay vì ông Tập.
Nhiều suy đoán đã được đưa ra về tình hình hiện tại của Trung Quốc nếu ông Lý là người nắm quyền lãnh đạo tối cao.
Stephen McDonell
Nguồn : BBC, 28/10/2023
*****************************
Lý Khắc Cường chầu Mao trong lúc Tập thanh trừng, nghĩ về trận so găng Tổng – Thủ !
Ý Nhi, Thoibao.de, 28/10/2023
Sáng ngày 27/10, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua đời, hưởng thọ 68 tuổi. Nguyên nhân cái chết được thông báo là do một cơn đau tim.
Ông Lý khắc Cường. Nguồn : Tân Hoa Xã/ Chen Jianli.
Ông Lý Khắc Cường nắm chức Thủ tướng 2 nhiệm kỳ, từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2023. Vậy là, ông Lý chết đột ngột chỉ sau 7 tháng từ bỏ quyền lực.
Thường những cái chết đột ngột do tự nhiên, thì hoặc là đau tim hoặc là đột quỵ. Ở Việt Nam, khi ông Nguyễn Phú Trọng đi kinh lý ở Kiên Giang vào năm 2019, ông cũng đã bất ngờ ngã bệnh, phía nhà nước cho biết là ông bị đột quỵ.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền cộng sản cũng không thể nào thuyết phục được người dân rằng, ông Trọng bị đột quỵ trong trạng thái bệnh lý tự nhiên. Bởi môi trường chính trị Việt Nam đã khiến cho người dân có lý do để nghi ngờ.
Hơn nữa, ông Trọng ngã bệnh tại Kiên Giang – vùng đất được xem là lãnh địa của ông Nguyễn Tấn Dũng – người trước đó đã bị chính Nguyễn Phú Trọng loại khỏi chính trường bằng cái gọi là "giới hạn tuổi", nhưng lại chừa cho bản thân ông một "suất đặc biệt".
Ông Lý Khắc Cường cũng đột ngột ngã bệnh, nhưng lại không may như ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam. Ông Lý qua đời ở độ tuổi chưa phải là quá cao. Ông Lý Khắc Cường còn nhỏ hơn ông Tập Cận Bình 2 tuổi.
Ở kỳ Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022, ông Tập Cận Bình đã phá bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ, để ngồi lại ghế Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc. Ở Đại hội này, ông Tập cũng đã loại ông Lý Khắc Cường ra khỏi vũ đài chính trị, và thay bằng một ông Lý khác – Lý Cường, kết thúc 10 năm Chủ tịch và Thủ tướng "đồng sàng dị mộng".
Năm ngoái, một clip bị lộ cho thấy, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bị ông Tập Cận Bình cho vệ sĩ hộ tống đưa ra ngoài, trong lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10/2022.
Khi bị xốc nách đưa đi, ông Hồ Cẩm Đào đã sờ vào vai ông Lý Khắc Cường, như muốn cầu cứu. Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường không thể làm gì được, ngoài việc ngoái đầu lại nhìn vị tiền bối này và gật đầu với ông.
Ông Lý Khắc Cường chết đột ngột ngay tại thời điểm ông Tập Cận Bình ra tay thanh trừng mạnh mẽ trên chính trường. Hồi tháng 7, ông Tập đã loại Ngoại trưởng Tần Cương ra khỏi vị trí quyền lực, và đưa Vương Nghị trở lại chiếc ghế cũ. Và mới đây, ông Tập cũng cho cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của ông Lý Thượng Phúc.
Tất cả những điều này khiến cho rất khó để thuyết phục dư luận thế giới tin rằng, ông Lý Khắc Cường thật sự chết do đau tim.
Được biết, năm 1983, Lý Khắc Cường làm việc trong Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc, dưới trướng Hồ Cẩm Đào. Khi sắp mãn nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào muốn đưa người được ông bảo trợ lên làm người kế nhiệm.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại, do "phe Thượng Hải" xung quanh Giang Trạch Dân – người tiền nhiệm đầy quyền lực của ông Hồ – người đã xây dựng Tập Cận Bình làm người kế nhiệm. Lý Khắc Cường bị bỏ lại phía sau và chỉ chiếm được vị trí số 2.
Khi còn làm Thủ tướng, ông Lý từng cảnh báo trước Quốc hội về cuộc chiến thương mại với Mỹ, ông nói rằng : "Hiện tại và trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trước đây". Lời nói này như "gáo nước lạnh" tạt vào mặt Tập Cận Bình.
Lý Khắc Cường đã không gặp may khi thế lực của người bảo trợ Hồ Cẩm Đào suy yếu. Tập Cận Bình đã tước quyền hành của Chính phủ, bằng cách để các nhóm công tác và ủy ban của Đảng tiếp quản công việc của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của ông Tập. Cuộc chuyển giao quyền lực của nhân vật số 2 trong Đảng cộng sản Trung Quốc không được êm thấm.
Hình ảnh ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là 2 chân trụ, lại đá nhau trong Đảng cộng sản Trung Quốc suốt 10 năm. Nó không khác mấy chân Tổng và chân Thủ của Việt Nam. Trận đấu Tập – Lý đã hạ màn, tuy nhiên trận đấu Trọng – Chính ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Đợi xem, cái kết sẽ như thế nào ? !
Ý Nhi
Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2023
*****************************
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời ở tuổi 68, mới sau 7 tháng nghỉ hưu
Reuters, VOA, 27/10/2023
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời vì đau tim hôm thứ Sáu 27/10, ở thời điểm mới được 7 tháng tính từ khi nghỉ hưu sau một thập kỷ nắm quyền và trở nên mờ nhạt trong vai trò thúc đẩy cải cách. Ông thọ 68 tuổi.
Ông Lý Khắc Cường khi còn là thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 3/2017.
Từng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ lãnh đạo Đảng cộng sản, ông Lý đã bị Chủ tịch Tập Cận Bình gạt sang một bên trong những năm gần đây. Ông Tập đã siết chặt quyền lực và lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang hướng nhà nước kiểm soát nhiều hơn.
Ông Lý là nhà kinh tế học ưu tú và ủng hộ một nền kinh tế thị trường cởi mở hơn, cổ súy các cải cách ở đầu cung, với cách tiếp cận được đặt tên là "thuyết kinh tế họ Lý" nhưng công cuộc này chưa bao giờ được thực hiện đến nơi đến chốn.
Rốt cuộc, ông Lý đã phải tuân theo ưu tiên của ông Tập là nhà nước nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, và nền tảng sức mạnh trước đây của ông Lý suy yếu dần về tầm ảnh hưởng khi ông Tập đưa tay chân của mình vào các vị trí quyền lực.
"Đồng chí Lý Khắc Cường, trong khi đang nghỉ ngơi ở Thượng Hải trong những ngày gần đây, đã bị lên cơn đau tim đột ngột vào ngày 26/10 và sau khi các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng không thành công, đồng chí đã qua đời tại Thượng Hải vào lúc 0h10 sáng ngày 27/10", đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.
Ông Lý từng là thủ tướng và đứng đầu nội các Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình trong một thập kỷ cho đến khi rời khỏi mọi chức vụ chính trị vào tháng 3/2023.
Hồi tháng 8/2022, khi đến đặt vòng hoa tại tượng Đặng Tiểu Bình - nhà lãnh đạo đã tiến hành cải cách làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế Trung Quốc - ông Lý tuyên bố : "Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại. Sẽ không có chuyện sông Dương Tử và Hoàng Hà lại chảy ngược".
Các đoạn video về lời tuyên bố này đã lan truyền chóng mặt nhưng sau đó bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người coi đó là lời chỉ trích kín đáo nhằm vào các chính sách của ông Tập.
Ông Lý đã châm ngòi cuộc tranh luận về nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập vào năm 2020, khi nói rằng ở quốc gia ngày càng giàu lên này, có tới 600 triệu người chỉ kiếm được chưa tới 140 đô la mỗi tháng.
Một số trí thức Trung Quốc và những người thuộc tầng lớp cao có tư tưởng tự do bày tỏ bàng hoàng và thất vọng trong một nhóm không công khai trên nền tảng WeChat khi biết tin là nhân vật nổi tiếng về cải cách kinh tế tự do của Trung Quốc mới qua đời. Một số người cho rằng điều này báo hiệu cả một kỷ nguyên đã kết thúc.
Wen-Ti Sung, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói : "Có lẽ người ta sẽ nhớ đến ông Lý là người ủng hộ cho thị trường tự do hơn và những người nghèo. Nhưng trên hết, ông ấy sẽ được nhớ đến về những tiềm năng không trở thành hiện thực".
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận xét : "Tất cả những kiểu người như thế này không còn tồn tại trong chính trường Trung Quốc nữa".
Ông Lý sinh ra ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, một vùng nông nghiệp nghèo khó.
Khi học luật tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, ông Lý kết bạn với những người ủng hộ dân chủ nhiệt thành, một số người trong số họ về sau trở thành những người công khai thách thức sự kiểm soát của đảng.
Ông Lý nói được tiếng Anh đầy tự tin và đã hòa vào giới trí thức và chính trị đầy nhiệt huyết trong thập kỷ cải cách dưới thời ông Đặng. Thời kỳ đó kết thúc bằng cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 bị quân đội đàn áp thẳng tay.
Sau khi tốt nghiệp, ông Lý gia nhập Đoàn Thanh niên của Đảng cộng sản, khi đó được coi là nấc thang cho những ngươi cải cách để leo lên các chức vụ cao hơn.
Ông thăng tiến trong Đoàn Thanh niên khi học lấy bằng thạc sĩ luật và sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế.
Về kinh nghiệm chính trị, ông Lý từng là lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Ông cũng từng giữ chức bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh.
Người đàn anh bảo trợ cho ông Lý là ông Hồ Cẩm Đào, một cựu chủ tịch nước thuộc một phe chính trị gồm những người xuất phát từ Đoàn Thanh niên và gắn bó với nhau một cách lỏng lẻo. Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông ấy đã ra tay phá phe này.
Ông Lý mất đi để lại phu nhân là bà Trình Hồng, một giáo sư môn tiếng Anh, và con gái của hai ông bà.
Nguồn : VOA, 27/10/2023
********************************
Lý Khắc Cường : Cựu Thủ tướng Trung Quốc qua đời vì đau tim ở tuổi 68
BBC, 27/10/2023
Truyền thông Trung Quốc đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời ở tuổi 68.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Ông Lý Khắc Cường là người có quyền lực thứ hai trong Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền cho đến khi nghỉ hưu vào năm ngoái.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông đang "nghỉ ngơi" ở Thượng Hải thì bị lên cơn đau tim bất ngờ hôm thứ Năm.
Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết ông qua đời vào đêm thứ Sáu bất chấp "những nỗ lực hết mình" để cứu sống ông.
Ông Lý đã thăng tiến trong Đảng cộng sản Trung Quốc mặc dù không có bất kỳ cơ sở quyền lực nào, và có thời điểm thậm chí còn được đề cử vào vị trí chủ tịch nước.
Là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, ban đầu ông được giao quyền điều hành nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết vào cuối sự nghiệp, ông ngày càng bị gạt ra lề khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập hợp quyền lực xung quanh mình.
Trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, ông trở thành quan chức hàng đầu đương nhiệm duy nhất không thuộc nhóm trung thành với Chủ tịch Tập.
Ông Lý được cho là có quan điểm thân cận với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, người đã bị đưa ra khỏi phòng tại Đại hội Đảng năm ngoái theo lệnh của ông Tập.
Khi được dẫn đi, ông Hồ vỗ nhẹ vào vai ông Lý Khắc Cường với một cử chỉ thân thiện và thủ tướng đã gật đầu đáp lại.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của ông Lý. Một người viết rằng việc này giống như mất đi "một trụ cột trong nhà".
Ông Lý - nhà lãnh đạo ưu tú tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh – vốn nổi tiếng là người thực dụng trong các chính sách kinh tế, tập trung vào việc giảm khoảng cách giàu nghèo và cung cấp nhà ở giá phải chăng.
Ông được nhớ đến với thành tích kinh tế mạnh mẽ nhưng thời gian cuối nhiệm kỳ của ông lại bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng không Covid ở Trung Quốc.
Trong thời điểm tồi tệ nhất, ông cho biết nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn và kêu gọi các quan chức lưu ý không để các lệnh hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ông thậm chí còn xuất hiện trước công chúng, không đeo khẩu trang, trước khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách không Covid.
Tuy nhiên, khi các quan chức phải lựa chọn giữa mệnh lệnh bảo vệ nền kinh tế của ông Lý và mệnh lệnh duy trì chính sách không Covid cực đoan của ông Tập, thì đó không phải là một lựa chọn khó khăn.
Bert Hofman, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với chương trình Newsday của BBC : "Ông ấy là một người cởi mở rất nhiệt tình, người thực sự nỗ lực đưa Trung Quốc tiến lên và tạo điều kiện đối thoại cởi mở với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội".
Thời gian ở Đoàn Thanh niên
Ông Lý xuất thân từ một gia đình khiêm tốn và là con trai của một quan chức địa phương. Ông sinh vào tháng 1/1955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
Khi còn là một thiếu niên, ông đã chứng kiến sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa (1966-76) và làm việc trong vài năm với tư cách là thanh niên thành thị được gửi về các vùng nông thôn - tại một xã nông nghiệp ở huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy.
Sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục vào năm 1977, ông đăng ký vào Đại học Bắc Kinh để học luật và hoàn thành bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1988.
Là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông đã giúp dịch một số tác phẩm pháp lý quan trọng từ tiếng Anh sang tiếng Trung Quốc, trong đó có The Due Process of Law về nguyên tắc xét xử công bằng của Lord Denning.
Ông học lấy bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải thưởng Kinh tế Tôn Dã Phương, giải thưởng cao nhất trong giới kinh tế.
Những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của ông là hoạt động trong phong trào thanh niên của Đảng cộng sản, Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc (CCYL). Ông được bầu làm thư ký ủy ban CCYL tại Đại học Bắc Kinh năm 1982.
Tại CCYL, ông làm việc dưới quyền Hồ Cẩm Đào - người sau này trở thành chủ tịch nước Trung Quốc - sau khi được bầu vào Ban bí thư Ủy ban Trung ương CCYL năm 1983. Mười năm sau, ông Lý trở thành bí thư đầu tiên của CCYL.
Bí thư tỉnh ủy
Vào tháng 7/1998, ông Lý trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất ở Trung Quốc khi ông nắm quyền lãnh đạo tỉnh miền trung Hà Nam.
Trong nhiệm kỳ tỉnh trưởng và bí thư tỉnh ủy của ông Lý từ năm 2002 đến năm 2004, Hà Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Nhưng ông Lý cũng phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả sự lây lan của virus HIV thông qua truyền máu bị nhiễm bệnh, khi ông bị cáo buộc không tiết lộ đầy đủ quy mô của vụ bê bối.
Ông được thuyên chuyển đến tỉnh miền đông bắc Liêu Ninh vào tháng 12/2004 với tư cách là bí thư đảng ủy, nơi ông giám sát việc khôi phục cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển để thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.
Những thành công của ông ở Liêu Ninh đã giúp ông có được một vị trí trong ban lãnh đạo trung ương của đảng, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, vào tháng 10/2007. Tháng 3/2008, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng.
Vào thời điểm đó, nhiều người suy đoán rằng do có mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc bấy giờ trong phe Đoàn Thanh niên, ông Lý sẽ được chuẩn bị để kế nhiệm ông Hồ.
Nhưng ông đã thua ông Tập, một ngôi sao đang lên trong phe "thái tử đảng" gồm những nhà lãnh đạo xuất thân từ gia đình các nhà cách mạng cấp cao hoặc các quan chức cấp cao.
‘Likonomics' - Kinh tế học Lý Khắc Cường
Ông Lý được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 3/2013 trong bối cảnh có nhiều sự phô trương.
Chính sách kinh tế cải cách cơ cấu và giảm nợ của ông, được gọi là "Likonomics" (Kinh tế học Lý Khắc Cường), nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng dựa trên nợ và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhưng khả năng lãnh đạo kinh tế của ông đã suy yếu sau tháng 11/2013, khi ông Tập tự bổ nhiệm mình làm người đứng đầu Nhóm lãnh đạo cải cách sâu sắc toàn diện, một trong nhiều nhóm do ông Tập thành lập để củng cố quyền lực của ông trong đảng.
Đến năm 2016, các bài báo trên cơ quan ngôn luận của đảng là Nhân dân Nhật báo đã bỏ "Likonomics", nhằm ủng hộ tư tưởng kinh tế của ông Tập, trong đó nhấn mạnh cải cách kinh tế vi mô và ủng hộ những thay đổi về cung ứng.
Vào tháng 3/2018, ông Lý tái đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai, nhưng nhiệm vụ quản lý kinh tế được giao cho Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm Lưu Hạc, một nhà kinh tế học tốt nghiệp Harvard.
Ông Lý rõ ràng đã vắng mặt tại một hội nghị chuyên đề do Chủ tịch Tập triệu tập vào tháng 8/2020 để chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và các lãnh đạo cấp cao của đảng.
Ông Lý đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của đảng trong cùng kỳ Đại hội đó. Ông đã nghỉ hưu với tư cách thủ tướng trong năm nay.
Không có nhiều thông tin về cuộc sống cá nhân của ông Lý.
Ông kết hôn với bà Trịnh Hồng, một giáo sư chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ gặp nhau khi cùng học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng và có một con gái.