Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội có tác dụng đến đâu ?
Trường Sơn, RFA, 27/10/2023
Quốc hội Việt Nam vừa tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các quan chức Nhà nước và Chính phủ. Đây mới chỉ là lần thứ tư hoạt động này được diễn ra, trong lịch sử hoạt động của cơ quan vốn được tuyên truyền là nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh minh họa : TTXVN
Trong đợt này, có tổng cộng 44 chức danh xuất hiện trong lá phiếu tín nhiệm. Đó là những quan chức đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các bộ và ban ngành. Và nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội là đánh giá mức tín nhiệm đối với mỗi người, với ba mức gồm : tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp.
Trên lý thuyết thì đây là những chức danh do Quốc hội bầu, vì vậy, cơ quan này cũng có thẩm quyền đưa ra phán quyết về mức độ tín nhiệm đối với các vị trí trên.
Lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên được Quốc hội Việt Nam thực hiện vào năm 2013, trong mười năm qua, mới chỉ có thêm ba cuộc bỏ phiếu được thực hiện. Điều đó cho thấy đây không phải là hình thái sinh hoạt chính trị được kỳ vọng sẽ diễn ra thường xuyên.
Trên thực tế, để được trao thẩm quyết nhận xét năng lực lãnh đạo của bộ máy Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã trải qua nhiều năm cải cách. Từ một cơ quan được coi là ‘bình phong’, trở thành một cơ quan có nhiều quyền hành hơn trong vấn đề lập pháp và giám sát.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu về nền chính trị Việt Nam, cho biết thêm về vấn đề này :
"Nếu chúng ta nhìn vào vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, thì cũng phải nhìn vào sự tiến triển trong vai trò của Quốc hội Việt Nam trong hệ thống chính trị. Từ năm 1986 trở về trước thì vai trò của Quốc hội không lớn, nhưng kể từ những năm 90 trở về đây, thì Quốc hội đã trở thành một nhánh quyền lực rất mạnh, cùng với bên Chính phủ và bên Đảng".
Đây là hệ quả của trào lưu cải cách chính trị được đưa ra vào năm 1986 dưới cái tên Đổi Mới. Quốc hội Việt Nam không những được trả lại một vài chức năng lập pháp, mà còn được mở cửa cho công chúng theo dõi, thông qua việc phát trực tiếp các phiên họp trên truyền hình, cũng như việc bắt đầu các hoạt động chất vấn đối với các quan chức chính phủ.
Đỉnh cao của việc Quốc hội thực hiện chức năng của một cơ quan giám sát, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, là ở sự kiện đại biểu Dương Trung Quốc công khai kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức hồi năm 2012.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lá phiếu của Quốc hội có quyền lực để bãi nhiệm các chức danh không nhận đủ sự tín nhiệm, thay vào đó, thì theo quy định, những người nhận quá nửa số phiếu là phiếu tín nhiệm thấp, thì được động viên xin từ chức, thay vì lập tức bị cách chức.
Quy định trên, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, thể hiện sự thận trọng của Đảng cộng sản, nhằm tránh dẫn đến đấu đá nội bộ :
"Cách này một phần nào đấy để giảm thiểu các rủi ro, thứ nhất là gây mâu thuẫn trong nội bộ, hai là nguy cơ những phe nhóm trong nội bộ lợi dụng chuyện lấy phiếu tín nhiệm này để tạo ra bè phái. Đây là nguy cơ mà Đảng cộng sản rất lo ngại".
Có lẽ cũng chính vì lo ngại việc trao cho Quốc hội quá nhiều quyền lực sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, và tranh chấp nội bộ, nên Đảng cộng sản mới tạo ra các quy định nhằm hạn chế năng lực giám sát cũng như lập pháp của Quốc hội.
Kể cả trong vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, vốn được coi là hoạt động giám sát ở mức độ cao nhất đối với nhánh hành pháp, thì các hạn chế vẫn tồn tại, đương cử như việc lấy phiếu tín nhiệm phải được diễn ra một cách định kỳ, thay vì bất cứ khi nào có đủ đại biểu tán thành như cách mà quốc hội các nước dân chủ hoạt động, hoặc bản thân việc đánh giá tín nhiệm cũng cho thấy mức độ thận trọng cao.
Thay vì chỉ dùng hai mức là tín nhiệm và bất tín nhiệm như các nước khác, ở Việt Nam chia thành ba mức : tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp. Tức là dù sao thì vẫn được tín nhiệm, chỉ khác ở mức độ.
Bình luận về điều này, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), cho biết quan điểm của ông :
"Cái kiểu lấy phiếu tín nhiệm của Việt Nam nó lạ lắm, chỉ có Việt Nam mới làm như vậy chứ không ở đâu người ta làm thế cả".
Tuy "lạ lùng" là vậy, thế nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng có tác dụng nhất định, ông nói thêm :
"Chắc chắn là nó còn tốt hơn là không có bỏ phiếu tín nhiệm gì cả, như là ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì không có chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Cái việc bỏ phiếu tín nhiệm kỳ lạ như ở Việt Nam nó có tác dụng nhất định nào đấy.
Thứ nhất là để cho người dân và bên ngoài thấy là chúng tôi cũng tiến bộ, cũng làm chuyện này. Và nó cũng tạo ra áp lực đối với những người bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp, hoặc nhiều phiếu tín nhiệm vừa, được ít phiếu tín nhiệm cao, thì nó cũng gây áp lực cho họ. Về cái khía cạnh đấy thì tôi nghĩ là nó tăng cường sự cạnh tranh, mà thế thì là tốt".
Về mặt tổng thể, theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và các cải cách khác đối với các sinh hoạt của Quốc hội, là nhằm củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền :
"Đảng cộng sản cũng muốn kênh Quốc hội, đặc biệt thông qua các hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, để tăng tính chính danh của hệ thống, để đảm bảo được ít nhất về mặt diễn ngôn là Quốc hội thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân".
Ở chiều ngược lại, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng người dân Việt Nam không thực sự quan tâm đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Bởi theo vị cựu ứng viên đại biểu quốc hội này, thì người dân hiểu rõ rằng Quốc hội thực chất không có tiếng nói trong việc sắp xếp nhân sự cấp cao ở trong bộ máy nhà nước, mà tất cả nằm trong sự kiểm soát của Đảng cộng sản.
"Có rất nhiều người được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm rất cao nhưng cuối cùng thì hoặc mắt chức, hoặc bị tù, mà cái đấy thì người dân thấy rất rõ trong năm, sáu năm vừa rồi.
Thực sự là các Đại biểu Quốc hội không phải do người dân bầu mà là do Đảng cử ra, rồi dân cũng làm ra vẻ bầu. Rồi tất cả những cán bộ cấp cao mà thường bị lấy phiếu tín nhiệm, cũng là những cán bộ đã được đảng cộng sản Việt Nam chọn lọc một cách rất kỹ lưỡng. Giống hệt như là hàng chục tướng công an, hàng chục tướng quân đội, và bao nhiêu bộ trưởng, bao nhiêu uỷ viên trung ương Đảng, và có cả một ông uỷ viên Bộ Chính trị nữa đã phải vào tù.
Như vậy thấy rằng sự cách biệt giữa cái chuyện Đảng cử và cái chuyện dân bầu, thực sự nó xa vời đến mức nào".
Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra hôm 25/10/2023, không một vị cán bộ nào nhận được số phiếu tín nhiệm thấp lên đến 50%, do vậy, không ai phải tự xin từ chức.
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 27/10/2023
*****************************
Quốc hội Việt Nam công bố mức độ tín nhiệm các lãnh đạo
VOA, 26/10/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính có số phiếu tín nhiệm cao ít hơn nhiều so với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong khi nhiều thành viên trong nội các của ông Chính nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được Quốc hội Việt Nam công bố.
Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc phòng, nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất
Trước đó, hôm 24/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, hơn 470 đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đánh giá mức độ tín nhiệm của họ đối với 44 chức danh mà họ bầu ra, từ các lãnh đạo Quốc hội cho đến các lãnh đạo Nhà nước và quan chức Chính phủ.
Bản chất của cái được gọi là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ này là để xem các lãnh đạo được tín nhiệm nhiều hay ít thế nào, chứ không phải xác định xem họ được tín nhiệm hay là không tín nhiệm. Do đó, có ba mức phiếu để đại biểu Quốc hội cân nhắc cho từng người là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ hay ‘tín nhiệm thấp’.
Riêng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do không được Quốc hội bầu từ đầu nhiệm kỳ mà chỉ mới được bầu lên hồi đầu năm để thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc nên không nằm trong diện được đánh giá tín nhiệm lần này.
Theo kết quả được công bố vào chiều ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nằm trong tốp ba người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, lần lượt là 448, 437 và 426 phiếu.
Xếp sau đó là phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, được 414 phiếu tín nhiệm cao, và phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được 410 phiếu.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ nhận được 373 phiếu tín nhiệm cao, thấp hơn hơn nhiều so với ông Giang, ông Huệ, và thấp hơn cả cấp phó của ông là phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ông Khái nhận được 384 phiếu tín nhiệm cao.
Nếu trong khối lãnh đạo Quốc hội, bao gồm chủ nhiệm các ủy ban, số phiếu tín nhiệm thấp chỉ dao động từ vài phiếu cho đến trên dưới 10 phiếu thì trong khối chính phủ, số phiếu tín nhiệm thấp lên đến hàng chục phiếu.
‘Đội sổ’ về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn với 72 phiếu. Đứng trước ông Sơn về số phiếu tín nhiệm thấp là các vị Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt với 71 phiếu, Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng với 62 phiếu, Bộ trưởng Công Tthương Nguyễn Hồng Diên với 61 phiếu và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan với 54 phiếu.
Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ so với tổng số 472 phiếu cho mỗi vị. Xét tổng thể thì không có ai trong số 44 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm có số phiếu tín nhiệm thấp quá 50% tổng số phiếu.
Đợt lấy phiếu tín nhiệm này được tiến hành khi Quốc hội khóa 15, vốn được bầu ra hồi năm 2021, đã đi được nửa nhiệm kỳ 5 năm.
Ngoài Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang cũng vừa được bầu lên hồi đầu năm nên không nằm trong diện được lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Quốc hội Việt Nam không cho biết rõ kết quả tín nhiệm này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với các vị lãnh đạo, chẳng hạn có khen thưởng gì cho các vị được tín nhiệm cao hay xử phạt thế nào các vị được tín nhiệm thấp.
Nguồn : VOA, 26/10/2023