Người Hà Nội mất nước, bán nhà đi nơi khác
Cảnh Chân, VNTB, 31/10/2023
Nếu cứ để đảng độc tài lãnh đạo, thì ngày hôm nay thủ đô "mất nước", ngày mai Việt Nam cũng không còn.
Vì nước khan hiếm, người dân Hà Nội phải xếp hàng và dùng tất cả những vật dụng có thể để trữ nước cho sinh hoạt.
Những ngày qua báo chí lề đảng liên tục đưa tin "Hà Nội mất nước, người dân thủ đô phải bán nhà đi nơi khác". Những từ "mất nước", "khát nước" là thường được lực lượng tuyên giáo, dư luận viên cộng sản dùng để hạ nhục người dân Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Thế nhưng bây giờ, chính họ cũng phải thừa nhận, và chịu đựng theo đúng nghĩa đen của nó.
Dân thủ đô khát nước
Báo Công Thương có bài viết mang tựa đề "Hà Nội : Mất nước, hàng nghìn người dân chật vật đi xin nước". Báo Lao Động giật tít "Sống cảnh mất nước, người dân Khu đô thị Thanh Hà chán nản muốn bán nhà, về quê" ; nhưng ngay sau đó đã sửa thành "mất nước sạch". Báo điện tử VOV đăng bài "Vụ khu đô thị Thanh Hà bị mất nước : Sẽ cấp nước sạch luân phiên"....
Cụ thể, thời gian qua tình trạng mất nước diễn ra khắp nơi ở mà cộng sản chọn là thủ đô. Hàng loạt khu dân cư ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức bị mất nước khiến hàng chục ngàn người dân bị xáo trộn cuộc sống.
Có nơi phải xếp hàng để mua nước sạch với giá cao, có nơi phải tái sử dụng nước dơ, có nơi thì hạn chế tắm giặt. Có nơi cả khu dân cư bị nổi mẩn ngưa, cay mắt, viêm mũi, viêm phụ khoa do sử dụng nước dơ trong thời gian dài.
Tình hình "khát nước" nghiêm trọng tới mức nhiều người đã treo bảng biểu tình "đòi nước". Một số người bất mãn tới mức tuyên bố sẵn sàng bán nhà giá rẻ, bỏ thủ đô để đi nơi khác sống. Nhưng bán nhà ở nơi mất nước thì khó tìm ra người mua, nên đành ở lại chịu đựng.
Điển hình là ở khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Báo điện tử VTC News mô tả nơi đây có 26 tòa nhà với hơn 26 nghìn dân người dân sinh sống, nhu cầu sử dụng nước sạch trung bình khoảng 3.500m³/ngày đêm. Tình trạng mất nước diễn ra hơn 10 ngày qua ở đây khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều cửa hàng kinh doanh phải dừng hoạt động, nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình cầm cự qua ngày, một số gia đình đã lên kế hoạch bán nhà hay về quê tạm thời để tránh tình trạng "khát nước".
Quả thật, câu chuyện "Hà Nội mất nước, người dân phải bán nhà đi nơi khác" càng tô đậm thêm câu nói "cột điện có chân cũng muốn chạy khỏi Việt Nam". Trớ trêu thay, đây là một thực trạng mà người dân thủ đô đang đối mặt. Vì sao lại như vậy ?
Lũ lụt nhưng vẫn mất nước, nguyên nhân : bán nước lỗ vốn
Thời điểm này Hà Nội các con sông cung cấp nước cho Hà Nội đang rất dồi dào, thậm chí thượng nguồn còn xảy ra lũ lụt. Cho nên tình trạng mất nước chủ yếu là do con người, cơ chế chứ không đổ lỗi cho trời được. Các dự án nước sạch chậm tiến độ, cơ chế quan liêu dẫn tới hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp mà không có phương án dự phòng.
Vậy nhưng, nhà cầm quyền cho rằng lý do chính là do bán nước bị lỗ. Chánh văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng nói rằng 10 năm nay Hà Nội đã không thay đổi giá nước sạch. Trong khi chi phí đầu tư đã tăng nhiều lần trong một thập kỷ vừa qua. Một số công ty thua lỗ nặng, phải xin nhà nước tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, lỗ có lẽ chỉ là một lý do để cộng sản hợp thức hóa việc tăng giá nước, và bán giá luỹ kế giống như các EVN làm với giá điện. Vì sau khi than lỗ, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên ở Hà Nội ngay lập tức tăng từ 5.973 lên 7.500 đồng ; giá nước sau 10 m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến. Từ năm 2024 sẽ tăng lên 8.500 đồng/m3 một hộ gia đình mỗi tháng và cũng tăng luỹ kế sau 10m3.
Nhiều năm qua, người dân thường mỉa mai gọi Việt Nam cộng sản hiện nay là nhà nước Đại Lỗ. Than khoáng sản lộ thiên, chỉ cần xúc lên bán cũng lỗ. Trữ lượng dầu mỏ dồi dào cũng lỗ. Phá rừng chặt gỗ bán cũng lỗ, đào vàng cũng lỗ, bán điện độc quyền cũng lỗ Và bây giờ, đang mùa lũ mà bán nước cũng lỗ, để người dân phải chịu cảnh mất nước ngay tại thủ đô.
Cả một hệ thống chính trị với hơn 5 triệu đảng viên, tự xưng là ưu tú nhất đất nước, mà đụng tới đâu lỗ tới đó thì xứng đáng bị đào thải. Muốn thoát lỗ triệt để thì Việt Nam phải có dân chủ và người dân được quyền bầu chọn ra những nhân tài lèo lái con thuyền quốc gia. Còn nếu cứ để đảng độc tài lãnh đạo, thì ngày hôm nay thủ đô "mất nước", ngày mai Việt Nam cũng không còn.
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 31/10/2023
***********************
Hà Nội thiếu nước nhưng vẫn đang cố gắng ‘kết nối toàn cầu’
Trân Văn, VOA, 31/10/2023
Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng "kết nối toàn cầu" là chuyện khôi hài.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.
Khoảng 30.000 người ở Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn vật vã vì thiếu nước ăn uống, tắm giặt. Cách duy nhất để cùng sinh tồn là chia sẻ với nhau kinh nghiệm giảm ăn, giảm uống, tiết kiệm cả nước thải để tái sử dụng, giữ vệ sinh cho tư gia(1). Thiếu nước, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong Khu đô thị Thanh Hà đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, nhiều người bắt đầu tính đến chuyện "rút lui chiến lược" (2) nhưng ai dám mua lại nhà khi phải "ăn như tư, ở như tù", chưa kể bệnh ngoài da, viêm đường tiêu hóa có dấu hiệu lan rộng do thiếu nước(3) ?
Cho dù cách nay nửa tháng, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nội ra lệnh :Khẩn trương cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà (4) nhưng thảm trạng này không những không được khắc phục mà còn tồi tệ hơn. Tin mới nhất cho biết Hà Nội không chỉ có một Khu đô thị Thanh Hà bị tình trạng thiếu nước sinh hoạt đẩy vào chỗ khốn khổ. Mỗi ngày Hà Nội thiếu khoảng 82.000 mét khối nước sạch. Thiếu nước đã và sẽ đe dọa sinh hoạt của nhiều triệu người là cư dân các huyện : Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa(5).
***
Từ 1975 đến nay, Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa 3, 5, 8, 11, 13 đã ban hành năm nghị quyết nhằm định hướng việc xây dựng và phát triển Hà Nội (Nghị quyết về quy hoạch, cải tạo và xây dựng thủ đô Hà Nộinăm 1976. Nghị quyết về công tác của thủ đô Hà Nộinăm 1983. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010năm 2000. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020năm 2011. Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045năm 2022).
Sau khi thực hiện 4/5 nghị quyết vừa kể, Hà Nội càng ngày càng khó sống hơn vì không gian sống ô nhiễm trầm trọng hơn(6), tắc nghẽn trong giao thông trở thành điều đương nhiên(7), cư dân Hà Nội chật vật xoay sở với đủ loại vấn nạn trong giáo dục(8), y tế(9), sinh hoạt (thừa nước bẩn[10], thiếu nước sạch), Việc thực hiện 4/5 nghị quyết vừa kể dường như chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp làm giàu nhờ đất, tước đoạt sinh kế đẩy nhiều gia đình đến chỗ bần cùng vì bị thu hồi đất, mất tự do thậm chí mất mạng do phản đổi việc thực hiện các quy hoạch nhưng cuối cùng lại trở thành nền tảng kiến lập vô số đô thị bỏ hoang(11).
Nghị quyết thứ năm – nghị quyết mới nhất liên quan đến xây dựng và phát triển Hà Nội (Nghị quyết số 15-NQ/TW về "phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045") – được ban hành hồi tháng 5 năm ngoái, xác định đến 2045, Hà Nội phải trở thành "thành phố kết nối toàn cầu" (12). Sau Nghị quyết số 15-NQ/TW, hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội đang dồn tâm lực, trí lực, sức lực vào việc lập "Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021/2030, tầm nhìn đến năm 2050" đểđịnh hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên.
Tuy "quy hoạch" vừa đề cập đang trong giai đoạn soạn thảo nhưng cách nay chừng mươi ngày đã được các viên chức hữu trách tự quảng cáo các ý tưởng "mang tính đột phá, tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, sẽ là cơ hội để thành phố xác lập các quan điểm thống nhất trong phát triển thủ đô và tổ chức không gian trong tương lai" và nhờ vậy sẽ trở thành "thành phố kết nối toàn cầu" (13) ! Với những chuyện như đã biết và với thực trang như đang thấy, bao nhiêu người dám tin không gian sống Hà Nội sẽ trong lành, không còn kẹt xe, hạ tầng giáo dục và y tế đạt yêu cầu "văn hiến, văn minh hiện đại", có thể giã biệt giai đoạn cứ mưa là ngập và có đủ nước để ăn uống, tắm giặt ?
Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng "kết nối toàn cầu" là chuyện khôi hài. Tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều đang cư trú tại Hà Nội. Dẫu sống trong tháp ngà nhưng chẳng lẽ hơn một chục cư dân Hà Nội này không biết gì về việc hàng triệu người cùng ngụ ở nơi mình sống vật vã vì thiếu nước ? Sau năm thập niên xây dựng CNXH mà còn phải ban hành một nghị quyết để cư dân thủ đô có thể "kết nối với nước" tất nhiên chẳng sang chút nào nhưng đừng quên, dân chúng cần hiệu quả thiết thực về những vấn đề thiết thân đối với họ như là NƯỚC !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/10/2023
Chú thích
(4) https://vnexpress.net/bi-thu-ha-noi-yeu-cau-dam-bao-nuoc-sach-cho-khu-do-thi-thanh-ha-4666128.html
(5) https://vnexpress.net/chenh-lech-cung-cau-nuoc-sach-o-ha-noi-4669638.html
(6) https://vtv.vn/xa-hoi/vi-sao-khong-khi-o-ha-noi-o-nhiem-nghiem-trong/20230225175455798.htm
(8) https://tienphong.vn/ha-noi-thieu-truong-lop-qua-tai-duoc-bao-truoc-post1549582.tpo
(10) https://tuoitre.vn/lam-gi-de-ket-thuc-diep-khuc-cu-mua-la-ngap-sau-tai-ha-noi/20230929160501168.htm
(11) https://vietnamnet.vn/du-an-do-thi-bo-hoang-nhieu-khong-the-dem-noi-o-ha-noi-2121421.html
(13) https://nhandan.vn/ha-noi-voi-tam-nhin-cua-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-post776739.html