Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/11/2023

Công an Thanh Hóa biến một cuộc biểu tình thành hành vi gây rối

Hoài Nguyễn - Thới Bình, Cát Tường

Chính quyền Nghi Sơn đang khủng bố tinh thần dân chúng

Hùng – Sơn, VNTB, 02/11/2023

Ông Mai Sỹ Lân, phó chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, khẳng định những thông tin trên mạng xã hội, tổ chức phản động lan truyền về việc chính quyền địa phương cưỡng chế và đàn áp người dân phản đối xây dựng ở cảng Long Sơn là bịa đặt.

nghison1

Chính quyền Nghi Sơn dường như đang muốn chính trị hóa vụ việc đơn giản là người dân phản ứng khi bị triệt đường sinh kế bằng nghề biển truyền thống

Chính quyền Nghi Sơn dường như đang muốn đẩy vấn đề lên ở mức của một nghi án màu sắc chính trị trong vụ việc đơn giản là người dân phản ứng khi bị triệt đường sinh kế bằng nghề biển truyền thống (*).

Để tránh bị chụp mũ "tổ chức phản động", nhóm thực hiện bài viết này căn cứ vào luật pháp hiện hành để phản hồi ý kiến cực đoan trên của ông Mai Sỹ Lân.

Khủng bố tinh thần dân chúng

Trước hết, luật Hiến pháp bảo hộ người dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa về các quyền tự do biểu đạt chính kiến, quyền biểu tình. Thế nhưng ngay từ khởi đầu, chính quyền đã cố tình hình sự hóa những hành vi thuộc quyền dân sự Hiến định đó thành án hình sự cùng hàng loạt đe dọa qua báo chí, cho thấy chính quyền thị xã Nghi Sơn đang có dấu hiệu khủng bố tinh thần người dân, bịt miệng dân chủ ; và lẽ đương nhiên qua đó cho thấy là vi Hiến.

Pháp luật hình sự quy định, một hành vi sẽ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các biểu hiện sau đây : Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực. Tuy không tự đưa ra các thông tin không đúng sự thực nhưng có hành vi loan truyền thông tin sai do người khác tạo ra, mặc dù biết rõ đó là những thông tin sai sự thực.

Cụ thể, nhóm người dân ở xã Hải Hà đã phải cùng nhau tuần hành trên một số tuyến đường ở Nghi Sơn, dẫn đến cản trở giao thông, là nhằm thu hút sự chú ý của công luận về nguyện vọng được mưu sinh bằng nghề biển của cha ông để lại. Họ không nhằm mục đích gây rối, vì nguyện vọng mưu sinh là họ đang bày tỏ ‘đệ đơn’ với chính quyền, nên lẽ thường tình, trong tình cảnh đó họ không hề có tâm lý của việc chống đối chính quyền.

Chỉ vài tiếng đồng hồ ngay sau cuộc tuần hành đó, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã khởi tố vụ án hình sự, và qua hệ thống báo chí nhà nước, chính quyền đã đưa ra tất cả thông tin nhằm phục vụ mục đích của yêu cầu ở một án hình sự. Người dân không có bất kỳ kênh truyền thông nào mang tính độc lập để lên tiếng biện giải.

Chính trị hóa thay vì… "Dân vận khéo"

Vẫn chưa dừng lại. Khi mạng xã hội vào cuộc với những góc nhìn phân tích trong áp lực của Luật an ninh mạng, của đe dọa điều luật hình sự 331, thì phía chính quyền lại tiếp tục theo hướng "chính trị hóa", khi cho rằng các ý kiến trái chiều với chính quyền đều đến từ "tổ chức phản động" ; tức chính quyền – cụ thể ở đây là ông Mai Sỹ Lân đang chiêu trò "tâm lý chiến" được quy định tại điều luật hình sự 117.1.c.

Nếu người viết cũng được quyền suy diễn tương tự của chiêu trò "tâm lý chiến" như ông Mai Sỹ Lân chẳng hạn, thì với những gì đang diễn ra ở thị xã Nghi Sơn trong vụ người dân phản đối dự án cảng container Long Sơn, cho thấy công tác dân vận của Đảng đang bị vô hiệu hóa bởi những đảng viên lãnh đạo ở địa phương này.

Xin được trao đổi bằng ngôn từ quen thuộc của những đảng viên với các đồng chí ở Nghi Sơn.

"Dân vận" là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15/10/1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120. Đây là thời điểm có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến (*)

"Dân vận khéo" không thể chỉ là một chiều từ trên xuống mà là hai chiều. Phải lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của dân. "Dân vận khéo" là làm cho dân thấy quyền lợi, nghĩa vụ, thấy lợi ích hài hòa, triển khai những việc làm thiết thực gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. "Dân vận khéo" là chia sẻ được nỗi niềm, bức xúc của dân, động viên sức dân, góp thành lực lượng toàn dân thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh…

Với người dân xã Hải Hà, Nghi Sơn, một khi họ vẫn tiếp tục phản đối, thì đó là vì họ chưa thuyết phục trước lý lẽ của chính quyền, tức "dân vận" ở đây có vấn đề. Nếu chọn hình sự hóa, tức "dân vận" bằng súng đạn, tù đầy, thì dễ đưa đến tức nước vỡ bờ ; khi đó xem chừng chuyện "chống chính quyền nhân dân" đến từ chính quyền Nghi Sơn của giọt nước tràn ly – điều mà cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã khuyến cáo từ năm 2019 : "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi".

Hùng – Sơn

Nguồn : VNTB, 02/11/023

Tham khảo :

(*) https://baothanhhoa.vn/.../bac-bo-thong-tin.../198707.htm

(**) https://dangcongsan.vn/.../gioi-thieu-bai-bao-dan-van...

*************************

Công an Nghi Sơn hình sự hóa một hành vi vi phạm hành chính

Cát Tường, VNTB, 31/10/2023

Công an thị xã Nghi Sơn đã nhanh chóng hình sự hóa, khởi tố, đe dọa, trấn áp những người tham gia biểu tình tại Nghi Sơn sáng 23/10/2023.

nghison1

Người dân vẫn tụ tập đông người ở bến số 3 để phản đối việc xây cảng

Việc người dân biểu tình phản đối dự án Cảng container Long Sơn ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lẽ ra chỉ phải đối mặt với xử phạt hành chính về chuyện… "biểu tình chưa có giấy phép".

Đàng này, công an thị xã Nghi Sơn đã nhanh chóng hình sự hóa, khởi tố và… xét nhà với hàng loạt đe dọa, trấn áp luôn cả những đứa trẻ vị thành niên đã tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố Nghi Sơn hôm sáng 23-10/2023.

Phạt hành chính thay vì đe dọa xử tù

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký ; tức khi ấy sẽ là "biểu tình có giấy phép".

Nếu biểu tình mà… thiếu "giấy phép" thì căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng như sau :

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này ;

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng ;

+ Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng ;

+ Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương ; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác ;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương ;

Theo đó, các hành vi biểu tình gây rối trật tự công cộng có thể chịu mức phạt đến 8.000.000 đồng.

Trách nhiệm hình sự khi nào ?

Biểu tình trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 như sau :

Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm :

a) Có tổ chức ;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách ;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng ;

d) Xúi giục người khác gây rối ;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng ;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu người có hành vi biểu tình mà có hành vi đập phá hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017) như sau :

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm :

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm ;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm :

a) Có tổ chức ;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng ;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia ;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác ;

đ) Để che giấu tội phạm khác ;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại ;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu người biểu tình có mục đích chống chính quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội phá rối an ninh tại Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015 và Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 114 Bộ luật Hình sự 2015 như sau :

Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, tùy vào từng trường hợp biểu tình cụ thể sẽ có hình thức xử phạt khác nhau phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Thay lời kết

Tình tiết vụ người dân tụ tập phản đối dự án xây dựng Cảng container Long Sơn ở tỉnh Thanh Hóa, tính đến hiện tại cho thấy xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, thì chưa có dấu hiệu về hình sự.

Việc nhà chức trách Thanh Hóa đã cố tình hình sự hóa mang tính trấn áp, cho thấy dường chừng muốn đe dọa nói chung về bất kỳ tiếng nói phản kháng nào của dân chúng về chính sách mà địa phương này đã đưa ra cả trong tương lai.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 31/10/2023

***************************

Công an Thanh Hóa bắt giữ hàng chục người dân phản đối Dự án Cảng Container Long Sơn

RFA, 31/10/2023

Tiếng kêu than khóc của hàng chục người phụ nữ hòa cùng tiếng kêu cứu của nam giới vang lên ở khu vực thi công số 3 của Dự án Cảng Container Long Sơn hôm thứ ba 31/10/2023.

nghison2

Bãi biển Hải Hà trước khi người dân bị trấn áp sáng ngày 31/10/2023 - Báo Thanh Niên

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa ngay từ sáng sớm đã điều động hàng trăm cảnh sát cơ động trấn áp bắt giữ nhiều người dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn để chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng.

Sự việc xảy ra sau nhiều ngày các cư dân địa phương biểu tình và cử người canh gác bãi biển nhằm không cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn thi công trước khi chính quyền địa phương có giải pháp thoả đáng trong việc đền bù, tái định cư cũng như đảm bảo bờ bãi cho tàu thuyền của họ ra vào.

Hình ảnh video người dân cung cấp cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị cùi cui và khiên chắn. Ít nhất một người đàn ông bị thương ở đầu và quần áo có nhiều vết máu.

Một người dân Hải Hà không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 31/10 :

"Vào khoảng 4 giờ sáng, hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động xuống hiện trường và đẩy người dân chúng tôi ra khỏi bãi biển.

Khi chúng tôi không chịu đi thì cảnh sát cơ động dùng dùi cui đánh đập chúng tôi. Nhiều người bị thương ở đầu và chân tay. Họ còn bắt nhiều người và đưa đi khỏi hiện trường".

Một người dân khác có mặt ở hiện trường khi việc trấn áp xảy ra, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh :

"Có hơn 10 người bị đánh sứt đầu hoặc xây xước chân tay còn số người bị bắt là 16. Họ bị đưa đi lên Công an thị xã Nghi Sơn.

Bà con định kéo nhau đi đòi người thì bị công an chặn đường ngay từ đầu làng.

Hiện người dân đã bị đẩy lui khỏi bãi biển và công nhân của Công ty Long Sơn thi công san lấp mặt bằng. Chúng tôi đã thua chính quyền trong việc giữ bãi làm kế sinh nhai".

Một người dân khác cho biết cơ quan chức năng đã sử dụng máy phá sóng để hạn chế người dân phát tán hình ảnh về vụ trấn áp. Công an cũng ngăn cấm người dân dùng điện thoại để quay phim.

Để kiểm chứng thông tin người dân cung cấp, chúng tôi có gọi điện cho Công an thị xã Nghi Sơn và Công an tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, hai người trực máy của hai cơ quan này từ chối trả lời về vụ việc và yêu cầu phóng viên tới cơ quan cùng với giấy giới thiệu để được cung cấp thông tin.

Báo Thanh Hóa online của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa ngày 31/10 đưa tin lực lượng công an tỉnh này phối hợp với chính quyền thị xã Nghi Sơn và xã Hải Hà đã "triển khai phương án đảm bảo thi công bến số 3, Cảng container Long Sơn để nhà thầu thi công thực hiện dự án đúng tiến độ".

Bản tin cũng cho biết trong sáng cùng ngày do "một bộ phận người dân xã Hải Hà tiếp tục có các hành vi gây cản trở thi công" nên lực lượng chức năng đã "tạm giữ một số đối tượng để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật".

Bản tin không nói rõ có bao nhiêu người bị bắt giữ và cũng không tường thuật về việc nhiều người dân bị thương vì cảnh sát cơ động đánh.

Trước đó, vào ngày 23/10, Công an thị xã Nghi Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" sau khi có khoảng 300 người dân xã Hải Hà, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã biểu tình trên tỉnh lộ 513 để phản đối dự án. Công an địa phương cho rằng cuộc biểu tình này gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực.

Nhiều người dân vẫn tập trung ở bãi biển Hải Hà cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn cản chủ đầu tư- Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn thi công dự án có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng cho dù công an địa phương triệu tập một số người lên đồn công an để buộc họ phải viết cam kết không tham gia tụ tập ở khu vực thi công.

Trong ngày 29/10, Công an Nghi Sơn đã tổ chức khám xét khẩn cấp nhà của một ngư dân tham gia biểu tình- chị Cao Thị Lĩnh, nói là thu giữ tài liệu kích động người dân chống đối dự án. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết tài liệu mà phía công an thu giữ được chỉ là sổ tay ghi chép người dân đóng góp tiền ăn trong thời gian tham gia giữ bãi biển.

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, được thiết kế xây dựng trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

Bến số 3 của dự án được cho là sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.

Dự án cũng được cho là góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh. Tuy vậy, một số người dân khẳng định họ không hề được hỏi ý kiến về dự án mặc dù là đối tượng chịu tác động.

Hải Hà là xã có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu. Có hơn 400 hộ dân làm ngư nghiệp với gần 450 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Xã này nằm giữa các dự án công nghiệp như nhà máy xi-măng, nhà máy nhiệt điện, cảng than, và nhà máy thép.

Nguồn : RFA, 31/10/2023

***************************

Biểu tình và cố tình gây rối : cần luật hóa

Hoài Nguyễn - Thới Bình, VNTB, 31/10/2023

Một số cá nhân liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng tại Nghi Sơn bị triệu tập, làm việc với công an.

bieutinh1

Người dân tụ tập đông người sáng 23/10 trên tỉnh lộ 513, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh : Thị ủy Nghi Sơn cung cấp

Người dân ích lợi gì khi đi kiếm chuyện gây rối với chính quyền ?

Nguồn tin từ nhà chức trách cho biết Công an thị xã Nghi Sơn "tiếp tục triệu tập và làm việc với một số cá nhân để làm rõ các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn".

Phía công an cho rằng "gây rối trật tự công cộng", trong khi người dân cho rằng đây là "quyền biểu tình Hiến định".

Cả hai đều có cái lý riêng dẫn đến nhiều tranh luận về pháp lý khi mà đến tận hôm nay, Hà Nội vẫn chưa luật hóa quyền biểu tình được nêu ở Điều 25 của luật Hiến pháp 2013.

Nhà chức trách lập luận cho hành vi gây rối trật tự công cộng : việc hàng trăm người dân tụ tập, mang theo băng-rôn, biểu ngữ, hò hét phản đối việc xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn, đã đi bộ ra tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên dọc tuyến tỉnh lộ 513, kéo dài khoảng 1km, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 45 phút cùng ngày.

Từ nhận định trên cho thấy ở đây cái gọi là "động cơ gây án" chính là người dân cảm thấy mối nguy ngày càng gần hơn của việc mất quyền lao động cho sinh kế - một quyền cũng được Hiến định tại "Điều 34. Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội", và "Điều 35.1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc".

Chắn chắn ở đây ngay từ lúc chuẩn bị cho việc biểu tình, không một người dân nào có tâm lý, hay tâm trạng là "chống chính quyền", mà chỉ bày tỏ yêu cầu về những lo lắng của người bản xứ khi mối đe dọa ngày càng gần của mất quyền mưu sinh bằng nghề truyền thống của cha ông.

Không luật hóa mới là nguyên nhân đưa đến "gây rối"

Cựu phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cựu Bí thư Thị ủy Sầm Sơn từng phát biểu vầy ở nghị trường vào chiều 26-5/2014 – trích : "Biểu tình là quyền con người phổ quát của nhân loại, đã được Hiến pháp nước ta quy định từ năm 1946 đến nay. Biểu tình là một trong các nhu cầu của cuộc sống.

Chúng ta thường thấy các vụ tụ tập đông người, đó là những nông dân đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của họ về đất đai, công nhân tụ tập đông người khi quyền lợi của họ bị xâm hại, có phải đó là những cuộc biểu tình không ? Và cho đến các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc vừa qua thì càng thấy rõ là cần Luật biểu tình".

Theo đại biểu Nam, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình đều có nguy cơ bị lợi dụng và thực tế đã bị lợi dụng trong nhiều vụ việc để chống đối Nhà nước, chống lại chế độ, gây nhiều hậu quả xấu, đặc biệt là những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra vừa qua như ở Bình Dương, Hà Tĩnh.

"Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng Luật biểu tình để phục vụ nhân dân và cũng là yêu cầu hết sức bức thiết để quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế" - ông Nam nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Nam, "Thủ tướng Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng Luật biểu tình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tôi nghĩ đây là một dự án luật có nhu cầu rất cấp thiết, ban hành được thì sẽ rất nhiều mặt có lợi, khả năng để xây dựng luật hoàn toàn có thể thực hiện được. Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được Nhân dân Luật biểu tình mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện".

Thế nhưng đến nay đã một nửa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đi qua, song vẫn không thấy Đảng ‘bật tín hiệu’ cho Quốc hội trả nợ Nhân dân về Luật biểu tình.

Hiện có bao nhiêu phiên bản Lê Nam ở nghị trường ?

Có lẽ cần "chi tiết" hơn về nguyên do bức xúc cho chuyện cần có Luật biểu tình của ông Lê Nam.

Lê Nam xuất thân là một kiểm sát viên. Lần nọ Lê Nam được cử làm Trưởng đoàn kiểm tra 14 về một vụ khuất tất ở một công ty thương mại của tỉnh Thanh Hóa. Oái oăm là lãnh đạo Viện kiểm sát nhất mực chống lưng cho công ty thương mại này và… Lê Nam cùng những đồng nghiệp trẻ trong đoàn phải ‘chạy cầu cứu’ tận Hà Nội. Báo chí vào cuộc…

Sau vụ này, Lê Nam chuyển công tác về Tổ thư ký của UBND tỉnh Thanh Hóa. Rồi nghe tin Lê Nam ở vị thế Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Rồi cũng bẵng đi một thời gian, lại nghe và mừng cho Lê Nam chững chạc tiếp ở cương vị Bí thư Thị ủy Sầm Sơn.

Mọi chuyện liên quan về biểu tình bắt đầu từ đây. Ấy là cái hồi giải phóng mặt bằng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nổ súng chết người. Rồi tiểu thương chợ Bỉm Sơn bãi thị…

"...Hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao.

Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ ràng buộc về trách nhiệm, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân" – trích phát biểu của đại biểu Lê Nam tại phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, ngày 28-3/2016.

Hoài Nguyễn – Thới Bình

Nguồn : VNTB, 31/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Thới Bình, Cát Tường, RFA
Read 115 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)