Phá rừng được hợp thức hóa bằng sổ đỏ của đất thổ cư, đó là câu chuyện vừa xảy ra ở triền núi Nhỏ, thuộc phường 2, thành phố Vũng Tàu.
Nếu sau này muốn nhìn thấy núi thì con cháu phải đắp hòn non bộ, vì núi đã bị cha ông chúng san phẳng cả rồi ! - Ảnh minh họa Mogi
Số là ngày nọ, người xứ biển chợt nhận ra một khoảng xanh rộng trên núi Nhỏ bỗng nhiên mất đi. Vậy là tin tức lan truyền đến tai chính quyền thành phố Vũng Tàu. Nhà chức trách cử đoàn đến kiểm tra và phát hiện "ai đó" đã chặt cây, dọn cỏ để tạo mặt bằng. Những khung thép có liên quan đến xây dựng cũng được đưa đến đây…
Hạt kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ cho biết chu vi đất rừng bị chặt phá khoảng 7.000 m2, trong đó có cây cù đèn, cây cò ke, cây lồng mức với diện tích vài trăm mét vuông.
Diễn biến sau đó mới là vấn đề cho chuyện "ăn của rừng" : phía hạ cây rừng, phát dọn cỏ đã đưa ra hai "sổ đỏ" đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 3.200 m2, trong đó mỗi sổ có 150 m2 đất thổ cư. Diện tích còn lại chưa trình giấy tờ.
Toàn bộ diện tích đất của hai "sổ đỏ" nói trên lại nằm trong ranh đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt từ năm 2002 tại quyết định số 6271. "Không hiểu sao từ 1999 lại có chuyện hai sổ đỏ này được cấp", một vị lãnh đạo có chức trách cho biết đầy… ‘hồn nhiên’.
Cũng chẳng gì lạ. Người viết vừa có chuyến đi dọc một số cánh rừng ở Ea Súp, Krông Bông (Đắk Lắk), Đắk Glong, Tuy Đức (Đắk Nông) và tiếp tục chứng kiến những cánh rừng bị triệt hạ. Bên cạnh các cây gỗ cổ thụ đang bị đốt nham nhở là những vườn cà phê, sầu riêng mới trồng đã đâm chồi non...
Một đồng nghiệp nghề báo kể rằng hàng trăm héc ta rừng bị các "đầu nậu" chặt hạ, bao chiếm rồi cho những người dân từ Bình Định, Phú Yên lên thuê để trồng dưa hấu với giá 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ (ba tháng). Cũng quanh khu vực này, một đầu nậu khác bao chiếm hàng chục héc ta rồi cho những người đến từ Bình Phước lên thuê để trồng sắn, bắp. Những cánh rừng được giao cho xã Ia Lốp quản lý đã bị phá gần như hoàn toàn, máy móc ngang nhiên cày xới, trồng cây không hề bị ngăn chặn.
Ai mới "rưng rưng nước mắt" ?
Năm nào cũng vậy, ‘chapeau’ (tức câu nằm ngay dưới tít, tiếng Anh "headline" hay "head") sau đây luôn được báo chí ‘cover’ và ngữ cảnh luôn đúng đến mức ‘năm sau luôn tệ hơn năm trước’ – mẫu : Những ngày qua, mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại hết sức nặng nề. Chưa năm nào, dải đất miền Trung không phải "oằn mình" để chống chọi với bão lũ, thậm chí lũ chồng lũ. Đã đến lúc, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, nay đã gần tuổi 90, cả đời gắn bó với những cánh rừng Việt Nam, thẳng thừng nói : "Tôi có thể khẳng định lũ lụt nặng nề và gây tác hại khủng khiếp có nguyên nhân từ con người : rừng bị tàn phá.
Những người quản lý có đủ tri thức quản lý không ? Người lãnh đạo thì phải giỏi, nhưng chúng ta cứ lấy tiêu chuẩn khác để bầu lãnh đạo thì rất khó. Người Việt được cho là thông minh nhưng tại sao mãi chỉ ở mức trung bình thấp ?
Người lãnh đạo vững vàng hoặc biết dùng người có chuyên môn, đồng thời hành pháp nghiêm minh thì khắc phục được nhược điểm này. Tại sao có bảo vệ hoặc kiểm lâm chặt phá rừng ? Đó là lỗi ở hành pháp. Nhưng kiểm lâm hay lâm tặc vẫn chưa là thủ phạm đứng đầu phá rừng phòng hộ.
Rừng bị phá nhiều nhất là ở thời kỳ Nhà nước thực hiện chính sách đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, khai hoang phá rừng. Nay thì những lãnh đạo đưa ra chủ trương này đều đã qua đời…".
Vẫn theo giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, nguyên nhân khách quan có thể kể tới là biến đổi khí hậu. Cách đây 20 năm, thế giới đã cảnh báo về những hiểm họa do biến đổi khí hậu, trong đó họ nhắc tới 6 nước bị ảnh hưởng lớn nhất, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam có 7 vùng sinh thái, thì miền Trung đất hẹp, với bờ biển dài và độ dốc cực lớn khiến đất dễ trượt, sông dễ bị đổi dòng là vùng đứng đầu về ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng bão lũ và sạt lở đất. Vì vậy phải quan tâm, đầu tư cao hơn, dân phải tự hiểu biết về hoàn cảnh sống của mình để có sự ứng phó tốt.
Biến đổi khí hậu gây thêm hạn hán, mưa trái mùa với lượng mưa lớn, cùng với địa hình cực dốc, dòng chảy dốc ở miền Trung thì rất nguy hiểm. Những cái này không có cách nào chống lại, chỉ bằng giải pháp giảm thiểu như đắp đập đắp hồ, khôi phục rừng mà xưa dân đói khổ đã phá đi để làm nương rẫy" – giáo sư Nguyễn Ngọc Lung đề xuất.
…Tuy nhiên, đơn cử như chuyện mấy trăm vị đại biểu Quốc hội ở Ba Đình đã thông qua việc để tỉnh Bình Thuận phá rừng nguyên sinh làm hồ chứa nước Ka Pét, cho thấy quan chức luôn quen thói "ăn của rừng", và dân thì "rưng rưng nước mắt" lãnh đủ( ! ?).
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 31/10/2023