Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2023

Nghẹt thở bởi thòng lọng của Tập Cận Bình

Minh An

Giới tỉ phú Trung Quốc tháo chạy

Với sự trấn áp thô bạo bằng hình thức "đánh tư sản" theo "phiên bản Tập Cận Bình", giới tỉ phú Trung Quốc đang tẩu tán tài sản và bản thân họ cũng chạy ra nước ngoài – theo ghi nhận của The Guardian ngày 30/10/2023.

thonglong1

Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, bị bắt bởi những tội danh chưa xác định (ảnh : VCG/VCG via Getty Images)

Số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang giảm. Khảo sát mới nhất của Forbes cho biết, trong 2.640 tỷ phú ước tính trên thế giới, hiện có ít nhất 562 ở Trung Quốc, giảm so với con số 607 năm 2022. Các cuộc đàn áp giới tài chính cùng với bầu không khí chính trị hỗn loạn trong nội bộ chính trị Trung Quốc khiến giới giàu có Trung Quốc ngày càng tìm cách trốn chạy ra nước ngoài.

Trong thực tế, giới giàu sụ nứt đố đổ vách Trung Quốc chưa bao giờ an tâm và tin tưởng hệ thống chính trị quốc gia và họ luôn tìm mọi cách tẩu tán tài sản và tiền bạc ra nước ngoài. Về mặt chính thức, người Trung Quốc chỉ được phép chuyển 50.000 USD ra khỏi nước họ mỗi năm nhưng có nhiều kênh không chính thức giúp họ chuyển hàng triệu đôla ra ngoại quốc.

Tháng Tám 2023, cảnh sát Thượng Hải đã bắt năm người tại một công ty tư vấn nhập cư, trong đó có chủ công ty, bị tình nghi luồn lách thực hiện các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp vượt quá 100 triệu nhân dân tệ. Một bài báo của truyền thông nhà nước mới đây cũng viết rằng "giao dịch ngoại hối bất hợp pháp đã phá vỡ nghiêm trọng trật tự thị trường tài chính quốc gia". Theo ước tính của Ngân hàng Natixis, trước đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm có khoảng 150 tỷ USD chảy ra khỏi Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho biết, lãi suất cao của Mỹ và nhân dân tệ suy yếu cũng là động lực mạnh để giới giàu có Trung Quốc chuyển tiền ra khỏi đất nước.

Nửa đầu năm 2023, báo cáo chính thức cho biết, cán cân thanh toán Trung Quốc thiếu hụt 19,5 tỷ USD. Dữ liệu này được các nhà kinh tế sử dụng làm chỉ báo về tình trạng tháo vốn, trong khi giá trị thực của số tiền không chính thức được rút khỏi nền kinh tế có thể cao hơn. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Natixis, cho biết tâm lý bất an về các chính sách kinh tế trong tương lai cùng với cơ hội kinh doanh không ổn định là vài yếu tố khiến người giàu chuyển tiền ra hải ngoại.

Năm 2021, Tập Cận Bình đề cập cái gọi là "sự thịnh vượng chung". Với ngôn ngữ của Đảng cộng sản Trung Quốc, khái niệm "chung" phải được hiểu là giới tư bản phải "chia sẻ" tài sản của họ. Đó là thời điểm mà Alibaba, công ty công nghệ do Jack Ma thành lập, phải cắn răng "quyên góp" 100 tỷ nhân dân tệ cho "sự thịnh vượng chung".

Với Tập Cận Bình, giới tư bản tinh hoa là những kẻ không đáng tin, đặc biệt khi hơn 600 tỷ USD chảy ra khỏi nền kinh tế vào năm 2015, sau khi nhân dân tệ bị mất giá. Bắt đầu từ đó, Bắc Kinh tìm cách siết cổ "đám nhà giàu". Không chỉ vấn đề tiền của bị tuồn ra nước ngoài, "bọn nhà giàu" còn có thể khuynh đảo, tạo ra quyền lực và khống chế hệ thống chính trị. Đây là nguyên nhân chính khiến Tập Cận Bình phải "triệt" tư sản mại bản. Một trong những gương mặt đầu tiên được chọn để "thí điểm" là tỷ phú Jack Ma.

Giờ đây, khẩu hiệu "thịnh vượng chung" mờ nhạt dần khi kinh tế quốc gia nhuốm màu bi đát. Bắc Kinh đang quảng bá Trung Quốc như một nơi mở rộng cửa kinh doanh sau giai đoạn siết chặt bởi Covid. Tuy nhiên, áp lực lên giới tư bản trong thực tế vẫn không giảm. Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan, 许家印) người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande ("Trung Quốc Hằng Đại tập đoàn") và từng là người giàu nhất Châu Á, đã bị bắt bởi những tội danh chưa xác định.

Bao Phàm (Bao Fan, 包凡), một chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng từng được coi là ông vua trong thế giới giao dịch công nghệ, bị bắt vào Tháng Hai 2023. Bao Phàm biến mất khỏi "giang hồ" từ đó đến nay. Tuyệt đối không ai biết tông tích đương sự. Nhiều giám đốc điều hành cũng bị cấm xuất cảnh.

thonglong2

Nhậm Chí Cường bị án 18 năm tù (ảnh : Getty Images)

Môi trường làm ăn hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với thập niên 1990 và đầu những năm 2000, khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Đó là thời điểm Bắc Kinh đưa ra loạt cải cách thị trường hấp dẫn, cho phép doanh nhân tích lũy khối tài sản khổng lồ. Nhà nước khuyến khích "nhà nhà làm giàu, người người làm giàu". Báo chí vinh danh giới doanh nhân, "đúc tượng vàng" cho họ như thể họ là những người cứu rỗi dân tộc. Họ trở thành đại diện cho một thế hệ "chiến sĩ" mới, trên mặt trận xung kích kinh tế đưa quốc gia tiến đến sự thịnh vượng mà đảng luôn khát khao. Tuy nhiên, khi Tập Cận Bình lên ngai vàng, sự kiểm soát chính trị, thay vì tự do kinh tế, trở thành ưu tiên hàng đầu.

Theo dữ liệu từ công ty bất động sản OrangeTee, hơn 10% căn hộ cao cấp được bán ở Singapore trong ba tháng đầu năm 2023 thuộc về người mua Trung Quốc đại lục, tăng khoảng 5% so với Quý I-2022. Công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners cho biết thêm, khoảng 13.500 cá nhân có thu nhập cao dự kiến rời Trung Quốc trong năm nay, tăng từ 10.800 so với năm ngoái.

David Lesperance, nhà tư vấn độc lập chuyên hỗ trợ thành phần giàu có Trung Quốc muốn "tái định cư", cho biết ông nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các doanh nhân muốn chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên ra khỏi Trung Quốc, không chỉ gia đình họ. Trung Quốc trong "kỷ nguyên Tập Cận Bình" không còn là vùng đất của cơ hội. Năm 2017, mỗi tuần Trung Quốc sản sinh hai tỷ phú mới. Bây giờ, những người muốn giàu thì đã giàu. Họ quý mạng sống hơn. Và ra nước ngoài là một chọn lựa.

thonglong3

Tỷ phú Quách Quảng Xương (ảnh : CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Có quá nhiều "tiền lệ" khiến họ phải ra đi. Chỉ riêng năm 2015, ít nhất năm giám đốc điều hành tên tuổi lừng lẫy đã "biến mất" một cách mờ ám, trong đó có Quách Quảng Xương (Guo Guanchang, 郭广昌), Chủ tịch Fosun International, tập đoàn nổi tiếng ở phương Tây bởi sở hữu câu lạc bộ bóng đá Ngoại hạng Anh Wolverhampton Wanderers. Quách Quảng Xương đột ngột biến mất và vài tháng sau xuất hiện, nói rằng mình sẵn sàng hợp tác điều tra với nhà chức trách.

Hai năm sau, doanh nhân người Canada gốc Hoa Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua, 肖建) – từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc – bị đưa khỏi một khách sạn sang trọng ở Hong Kong và sau đó bị bỏ tù vì tội tham nhũng. Tháng 3/2020, trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang, 任志) biến mất sau khi dám gọi "Tập hoàng đế" là "tên hề" trong cách xử lý đại dịch. Cuối năm đó, sau phiên tòa một ngày, "Tòa án nhân dân" kết án Nhậm 18 năm tù vì tội tham nhũng.

Tháng 3/2023, Quốc hội Trung Quốc công bố thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương, một ‘siêu cơ quan quản lý’ có nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ khu vực tài chính. Cơ quan mới sẽ do chính Tập Cận Bình làm chủ tịch. Đây là chỉ dấu rõ nhất rằng Tập đang kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối, và "đảng của Tập" mới thật sự là nơi kiểm soát và điều hành kinh tế quốc gia chứ không phải bất kỳ bộ ngành nào khác.

Minh An

Nguồn : SaigonnhoNews, 31/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh An
Read 234 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)