Đây là câu hỏi lớn cần được thảo luận tại nghị trường Quốc hội trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng và ồn ào chống tham nhũng.
Một tấm băng rôn cổ động cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội - Reuters
Ngày 23/10/2023 tại Hà Nội vừa khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội. Kỳ họp giữa kỳ của khóa 15 với nội dung chương trình nghị sự dày đặc và quan trọng với các dự án luật khó như Luật Đất đai, giám sát tối cao… nhưng thu hút sự chú ý cao có lẽ là Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do ông Thủ tướng Chính phủ trình bày, trong đó vấn đề suy giảm tăng trưởng được quan tâm đặc biệt.
Bản báo cáo được cho là đã chuẩn bị công phu với các nhận định được minh họa chi tiết bởi 109 chú thích ở phần cuối báo cáo, xác nhận thực trạng ảm đạm và triển vọng khó khăn về tăng trưởng. Tuy nhiên, theo người quan sát, trong phần đánh giá tình hình một trong những nguyên nhân chưa được chỉ ra là khi chống tham nhũng "không đúng cách" có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, thậm chí làm giảm và, mong muốn được các đại biểu quốc hội thảo luận để thực thi nhiệm vụ giám sát tối cao và đề xuất giải pháp chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Mối quan hệ
Mặc dù mối quan hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế là một trong những chủ đề quan trọng nhất, không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị mà cả các nhà nghiên cứu, nhưng đó là một vấn đề rất phức tạp. Sự tương quan "định lượng" được chứng minh khá thuyết phục rằng nếu mức độ tham nhũng tăng lên thì tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi. Công trình được trích dẫn thường xuyên nhất về chủ đề này có tên là "Tham nhũng và tăng trưởng kinh tế" của Park Hung Mo. Nhà kinh tế này xác định rằng, "mức tăng 1% tham nhũng làm giảm tốc độ tăng trưởng khoảng 0,72% hoặc, mức tăng một đơn vị trong chỉ số tham nhũng CPI (Corruption Perceptions Index) làm giảm tốc độ tăng trưởng 0,545 điểm phần trăm. Kênh quan trọng nhất mà qua đó tham nhũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là sự bất ổn chính trị, chiếm khoảng 53% tổng hiệu ứng. Ngoài ra, tham nhũng cũng làm giảm mức độ vốn nhân lực và tỷ lệ đầu tư tư nhân".
Tham nhũng được định nghĩa là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi" và Chỉ số tham nhũng CPI được Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI (Transparency International) công bố hàng năm từ năm 1995, xếp thứ tự các quốc gia trên thế giới theo "mức độ tham nhũng mà được cảm nhận trong các giới công chức và chính trị gia", CPI với điểm số cao có nghĩa là minh bạch và ít tham nhũng hơn thì được xếp thứ tự cao hơn và, ngược lại. Trong hơn một thập kỷ (2012 -2022) Việt Nam được xếp thứ từ 104 đến 80 trên khoảng 180 quốc gia được thăm dò, có CPI tăng không đều từ 31 (các năm 2012, 2013 và 2014) đến 42 (năm 2022).
Khi "gắn" các giá trị CPI với mức tăng GDP tương ứng theo từng năm trong giai đoạn này cho thấy sự "biến thiên" này khá tương đồng với mức độ "bất ổn thể chế", trong đó nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016) được cho là trầm trọng nhất. Cụ thể, tỷ lệ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2012 khoảng 5,03%, sau đó trồi sụt quanh mức này, trừ ba năm đại dịch Covid-19 (2019-2022) có biến động "bất thường", trong đó GDP có mức tăng cao nhất trong 12 năm qua là 8,02% so với năm 2021. Lưu ý rằng chỉ tiêu gốc năm 2021 chỉ tăng ở mức thấp là 2,58% so với năm 2020.
Mặc dù mối liên hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng, cả về định tính và định lượng, được minh chứng, nhưng các nhà nghiên cứu kinh tế và thể chế vẫn cảnh báo về sự hiện diện của "chiếc bẫy" tâm lý cần phải tránh trong hoạch định và thực thi chính sách.
Ở đây "bẫy" tâm lý là trạng thái cảm nhận chống tham nhũng có thể gây ra suy giảm tăng trưởng. Trước hết, đã từng rộ lên ý kiến rằng hình thức tham nhũng vặt, cái gọi là "văn hóa phong bì" - một thoả thuận ngầm khi cả bên đưa và nhận hối lộ chấp nhận được, coi như một loại dầu nhờn làm cho bộ máy hành chính hoạt động trơn tru hơn, nhờ đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Người ta còn rỉ tai nhau về độ tin cậy của việc thực thi thoả thuận kiểu này rằng quan chức miền Nam "nhận" là làm trong khi quan chức miền Bắc có thể không. Thứ hai, cũng chính sự tăng trưởng kinh tế đang gây ra tham nhũng. Người ta lý sự rằng khi kinh tế rất nghèo không có hoặc không có nhiều thứ để hối lộ. Nhưng, khi nền kinh tế đó phát triển, cơ hội tham nhũng lại tăng lên, xuất hiện cảm tưởng rằng ở một mức độ nào đó mối liên hệ "tích cực" giữa tăng trưởng kinh tế và tham nhũng và, rằng mức độ tăng trưởng nào đó làm cho một số tham nhũng trở nên dễ dàng hơn.
Gần đây, các nhà kinh tế thể chế chỉ ra trong mô hình kinh tế chuyển đổi sang thị trường dưới sự toàn trị của đảng cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam bẫy tâm lý mang tính đặc thù của chế độ này thể hiện qua hình thức nghịch lý tăng trưởng cao và vấn nạn tham nhũng tràn lan. Kéo dài nhiều năm, kiểu tham nhũng này không chỉ là nguy cơ mà đang là thực tế đe dọa sự tồn vong chế độ. Nó khiến giới lãnh đạo "lo lắng" nhưng gặp thách thức trong chống tham nhũng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà tính chính danh của chế độ Đảng cộng sản "đặt cược" vào.
"Không đúng cách"
Chống tham nhũng "không đúng cách" đang cản trở tăng trưởng kinh tế. Như đã nêu, tham nhũng được định nghĩa khái quát là "sự lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi" và, nguyên nhân gốc hiển nhiên là sự tha hóa quyền lực công. Trong nền kinh tế thị trường việc tập trung quyền lực tuyệt đối để chống lại sự tha hóa quyền lực, chống tham nhũng là "không đúng cách". Hậu quả nhãn tiền là guồng máy quan chức hoạt động trì trệ và chủ nghĩa cơ hội "lên ngôi", giới doanh nhân "thế thủ" lo sợ bị hình sự hóa và hạn chế đầu tư, và tất nhiên, động lực tăng trưởng bị huỷ hoại.
Cách chống tham nhũng này có cội nguồn từ chế độ tập quyền phong kiến, để duy trì chế độ chống tham nhũng thường kết hợp với thanh trừng nội bộ, loại bỏ mầm mống đối trọng chính trị, thậm chí đặt lên hàng đầu việc trừng phạt những quan chức không phục tùng, bất tuân lãnh tụ và không tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản với phán quyết "tự diễn biến, tự chuyển hoá" mơ hồ. "Không đúng cách" khi chống tham nhũng coi là "nội bộ đảng" khi không dựa vào nhân dân, mà dựa vào bộ máy cồng kềnh như ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực các cấp, chồng chéo từ trung ương đến cơ sở.
Hơn thế, nguy cơ tha hóa quyền lực ngày càng lớn nằm ở ngay hệ thống này. Mới đây, ngày 31/10/2023 Bộ Chính trị ban hành Quy định 131 "về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán". Về thực chất, quy định này thể hiện Đảng có thêm quyền lực tuyệt đối và, tình thế "vừa đá bóng vừa thổi còi" khó tránh "thiên vị".
"Không đúng cách" khi chống tham nhũng tỏ ra Không bền vững vì ngày càng phụ thuộc vào vấn đề "minh vương", nghĩa là người đứng đầu Đảng. "Không đúng cách" khi những nỗ lực chống tham nhũng "không mang lại kết quả như mong muốn". Và, nguy cơ bất ổn luôn rình rập ở "thượng đình" thách thức công tác cán bộ...
Tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Đường lối Đổi mới do Đảng CS đề xướng đã "đặt cược" tính chính danh vào sự tăng trưởng. Trước đây, thành tích tăng trưởng cao kéo dài khiến cho giới lãnh đạo "tự mãn" về cái gọi là "tính ưu việt" của chế độ cho đến khi tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, mang tính hệ thống đang đe dọa sự tồn vong của nó. Nay, liệu Đảng có mạo hiểm "đặt cược" lần nữa vào chính sách chống tham nhũng hiện hành để tăng trưởng nhanh ?