Bao giờ Việt Nam mới hết trở thành bản sao của Trung Quốc ?
Trà My, Thoibao.de, 05/11/2023
Đài tiếng nói nước Pháp RFI đưa tin, chính quyền Trung Quốc ngày 1/11 thông báo, tất cả các tài khoản mạng xã hội của những nhân vật gây ảnh hưởng, có nhiều người theo dõi, sẽ phải công khai danh tính thật. Theo đó, chính quyền Trung Quốc vừa bắt buộc người dân phải công khai danh tính đối với các tài khoản của những nhân vật gây ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Chính quyền Trung Quốc buộc những nhân vật gây ảnh hưởng trên mạng xã hội phải công khai danh tính. AFP
Cụ thể, "Những người nổi tiếng gây ảnh hưởng sẽ là những đối tượng liên quan đến chiến dịch chấm dứt các tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội. Từ nay trở đi, các "tài khoản lớn" với tên giả sẽ bị các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, bao gồm Wechat, Weibo, Baidu, Douyin, Kuaishou và Bilibili được yêu cầu công khai danh tính thật".
Được biết, chỉ riêng trên mạng Weibo, theo giới quan sát cho biết, quyết định này liên quan đến trên 500.000 người đăng ký, và trên một triệu người theo dõi sẽ bị ảnh hưởng.
Theo RFI, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn những tin đồn trên mạng internet, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt của người dân Trung Quốc, vốn đã bị siết "rất chặt". Kể từ nay, "những người bình thường ở Trung Quốc bây giờ sẽ không dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội nữa".
Theo giới quan sát quốc tế, kể từ đây, những tài khoản chuyên đưa các thông tin về thời sự, hay kể cả tin kinh tế, sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định mới này. Trước đây, những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng đối với công chúng ở Trung Quốc, nhiều người lo ngại việc sử dụng danh tính thật lên mạng xã hội, có thể bị thóa mạ, bởi những người không đồng tình.
Nhưng đến nay, những người nổi tiếng ở Trung Quốc lại cho rằng, những đe dọa trước đây không đáng ngại bằng quyết định mới, quy định các trang mạng xã hội Trung Quốc sẽ bị siết chặt hơn.
Theo giới phân tích và quan sát chính trị ở Việt Nam cũng như quốc tế, người ta lập tức liên tưởng tới những sự kiện bất thường ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Đó là câu chuyện liên quan đến những người của công chúng, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh thành công, có tên tuổi, liên tiếp bị khởi tố hình sự hay gây khó dễ.
Như vụ CEO Nguyễn Phương Hằng nhận bản án 3 năm tù, sau khi livestream thu hút một số lượng người theo dõi đông đảo chưa từng thấy, tới hàng triệu lượt views cho mỗi clip. Nội dung các clips livestream cũng chỉ là những chuyện của "bà tám" rảnh rỗi, chuyên bóc phốt nhau trong giới showbiz.
Hay chuyện người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội "gây rối trật tự công cộng", sau khi đăng tải các video clips quay cảnh biểu diễn xe phân khối lớn trên đường, thu hút hàng triệu người xem.
Rồi mới đây nữa là việc điều tra để xử lý nhà xe Thành Bưởi, một doanh nghiệp vận tải hành khách nổi tiếng ở miền Nam.
Nhà hoạt động xã hội tên tuổi của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện bị chính quyền thúc ép đến mức phải sang tỵ nạn chính trị ở Canada, trong bài viết mới đây với tiêu đề "Bóng ma chuyên chính" trên trang cá nhân, đưa ra nhận xét đáng quan tâm khi cho rằng :
"Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi, báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam. Những vụ án như thế này đang xuất hiện thường xuyên hơn [trong] những năm gần đây, không khỏi khiến cho dư luận thắc mắc, điều gì đang xảy ra với cơ quan thực thi pháp luật vậy ?"
Lâu nay, công luận và giới quan sát có nhận xét chung rằng, Trung Quốc và Việt Nam là 2 trong những quốc gia còn sống sót sau sự phá sản của Chủ nghĩa cộng sản vào những năm 1990 – 1991. Và nhà nước Việt Nam đã tiến hành các chính sách kinh tế, chính trị, giống hệt như Trung Quốc. Thậm chí nói không ngoa, Việt Nam là một bản copy gần như 100% của Trung Quốc trên mọi khía cạnh.
Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định rằng, "Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là chính sách nhất quán trong đường lối đối ngoại". Có nghĩa là, Việt Nam khẳng định là một quốc gia độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, không phụ thuộc vào "nước lạ".
Vậy tại sao tới việc mới nhất trong việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội, Việt Nam cũng rập khuôn y như của Trung Quốc ?
Câu thành ngữ, "Bắc Kinh đổ mưa thì Hà Nội giương ô" có lẽ là câu trả lời.
Trà My – Thoibao.de
Nguồn : Thoibao.de, 05/110/2023
**************************
Trung Quốc bắt công khai danh tính các tài khoản những nhân vật gây ảnh hưởng trên mạng xã hội
RFI, 02/11/2023
Chính quyền Trung Quốc ngày hôm qua, 01/11/2023, thông báo, tất cả tài khoản mạng xã hội của những nhân vật gây ảnh hưởng (influencer), có nhiều người theo dõi, sẽ phải công khai danh tính thật.
Ảnh minh họa mạng xã hội ở Trung Quốc. AP - Ng Han Guan
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết phản ứng của công luận về quyết định này :
"Những người nổi tiếng gây ảnh hưởng sẽ là những đối tượng liên quan đến chiến dịch chấm dứt các tài khoản ẩn danh trên trên mạng xã hội. Từ nay trở đi các "tài khoản lớn" với tên giả sẽ bị các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc bao gồm Wechat, Weibo, Baidu, Douyin, Kuaishou và Bilibili được yêu cầu công khai danh tính thật. Chỉ trên mạng Weibo, quyến định này liên quan đến trên 500.000 người đăng ký và trên 1.000.000 người theo dõi.
Theo các nhà cầm quyền, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn "những tin đồn" trên mạng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận khi "những người bình thường giờ sẽ không dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội nữa".
Theo nhận xét của nhiều người, những tài khoản chuyên đưa các thông tin về thời sự hay kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định mới này hơn là những tài khoản đưa ra lời khuyên về sắc đẹp hay ẩm thực. Nhiều người lo ngại việc đưa danh tính thật lên mạng có thể khiến nhiều nhân vật có ảnh hưởng không chỉ bị thóa mạ mà còn bị những người không đồng tình với họ hành hung.
Những người khác lại cho rằng quyết định này vốn chẳng thay đổi gì nhiều vì thực tế thì các tài khoản ẩn danh cũng không tồn tại trên internet và đặc biệt là trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vì các mạng này vốn dĩ bị kiểm soát rất chặt chẽ".
Nguồn : RFI, 02/11/2023