Ukraine phản công thất bại và nhận định của Nga
Vassily Kashin, Minh Anh, RFI, 15/11/2023
Ngày 01/11/2023, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny trả lời phỏng vấn tuần báo kinh tế Anh The Economist thừa nhận cuộc phản công đã thất bại. Cùng ngày, Vassily Kashin, một trong số các chiến lược gia lớn của Nga, có bài phân tích về thực trạng cuộc chiến tại Ukraine, cũng như là khả năng tiến triển cuộc xung đột. Theo tác giả, thất bại của Ukraine hiện nay là do những tính toán sai lầm về chiến lược của Kiev và đồng minh phương Tây.
Cảnh tan hoang sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại làng Kiseliovka, gần Kherson, miền nam Ukraine, ngày 10/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Trang mạng Conflit của Pháp trước hết cho biết, Vassily Kashin, là tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị, Viện Viễn Đông Nga. Bài nhận định này được đăng trên báo Nga Profil, một tờ báo chuyên viết về các chủ đề kinh tế và đối ngoại. Cũng theo trang Conflit, việc dịch và giới thiệu bài viết còn nhằm cho thấy rõ những nhận định của Nga về diễn biến cuộc xung đột này. RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài viết này.
-----------------------
Thất bại của cuộc phản công và những hậu quả
Trước hết, tác giả Vassily Kashin nhắc lại, mục đích cuộc phản công của Ukraine là giáng cho Nga một đòn thất bại chiến lược nặng nề qua việc cắt hành lang trên đất liền nối với bán đảo Crimea. Thế nhưng, từ đầu cuộc phản công đến nay, Ukraine chưa bao giờ chọc thủng được hàng phòng ngự do quân Nga thiết lập.
Trong cuộc phản công tại Kharkov tháng 9/2022 và Kherson giai đoạn tháng 8-11/2022, thắng lợi thu được rất hạn chế. Ukraine đã thiệt hại nặng nề trước một đội quân Nga đã bị kiệt sức, quân số cực kỳ ít, phải chiến đấu trên một chiến tuyến dài. Chỉ đến khi các trạm vượt sông Dniepr có nguy cơ bị phá hủy, quân Nga mới rút về phía tả ngạn.
Quan sát những gì đã diễn ra, dường như thiếu thận trọng nếu kỳ vọng Ukraine sẽ có được những thành công trong những điều kiện mới hiện nay. Vào mùa hè 2023, quân số Nga ở thế áp đảo. Tuyến phòng thủ đã được trang bị và gia cố hoàn hảo. Việc huy động ngành công nghiệp quốc gia bắt đầu mang lại kết quả rõ ràng.
Vì vậy, mục tiêu thật sự của cuộc phản công không phải là để chiến thắng quân đội Nga hiện đang kiểm soát lối vào biển Azov, mà là buộc Moskva phải đàm phán trong những điều kiện có lợi cho phương Tây. Nhưng để làm được điều này, phương Tây trước tiên phải cho thấy là Ukraine vẫn giữ được thế chủ động chiến lược, tiếp đến là giáng những đòn thiệt hại nặng nề cho quân đội Nga, điều này sẽ gây mất ổn định tình hình trong nước, và cuối cùng có những tiến bộ cho phép Ukraine tuyên bố chiến thắng.
Khủng hoảng chiến lược Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine theo đuổi những mục tiêu chính trị nhiều hơn là chiến lược và tiêu chí chính của sự thành công dường như là diễn biến tâm lý xã hội Nga và việc đánh giá tình hình của giới lãnh đạo Nga. Đây là kế hoạch đặc trưng chủ yếu của Kiev trong suốt cuộc xung đột. Phần lớn những nỗ lực này của Ukraine, và có thể hầu hết những tổn thất của nước này, đều có liên quan đến những chiến dịch được thiết kế nhằm tạo ra một hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Điều này được thể hiện rõ qua các kiểu hành động như việc bảo vệ ngoan cường những thành phố được cho là "pháo đài" trong những điều kiện rõ ràng là bất lợi, những cuộc đột nhập đầy rủi ro của các đơn vị phá hoại được huấn luyện đặc biệt vào vùng lãnh thổ cũ của Nga hay như tấn công vào những mục tiêu mang tính biểu tượng tại các thành phố của Nga (điện Kremlin, các tòa nhà chọc trời tại Moskva)…
Có thể chiến lược này là kết quả của một sự thiếu suy nghĩ muốn đưa vào xã hội Nga những tư duy kiểu phương Tây về thái độ của công chúng đối với chiến tranh, được hình thành tại Mỹ và châu Âu qua các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, như cuộc chiến tranh Việt Nam và Iraq.
Tác giả Vassily Kashin ví von Ukraine đang đóng vai một ông thầy dạy võ tồi trong một bộ phim võ thuật Hồng Kông cũ xưa, khi dùng tay điểm huyệt, mong làm tê liệt khả năng gây hại của một đối thủ được cho là có thể lực và thân hình vạm vỡ. Nhưng vị sư phụ này lại không rành về giải phẫu học nên luôn điểm sai huyệt, đánh vào những nơi có rất ít đầu dây thần kinh.
Còn đối với NATO, tác giả lưu ý, xã hội Nga chỉ đồng ý thừa nhận thất bại và rút khỏi cuộc xung đột sau nhiều thất bại cay đắng trên chiến trường (bị bao vây và bị đánh bại bởi các đạo quân lớn). Bất kỳ một thất bại nhỏ hơn nào cũng chỉ sẽ khuyến khích Nga sử dụng ngày càng nhiều các nguồn lực của mình để giành lấy chiến thắng. Và trên phương diện này, rõ ràng Nga chiếm ưu thế vượt trội so với Ukraine (kể cả gộp toàn bộ các phần hỗ trợ của phương Tây).
Tầm nhìn của phương Tây cho hồi kết của xung đột
Thất bại của "cuộc phản công" cho thấy rằng chiến lược nhằm chấm dứt xung đột trong những điều kiện có thể chấp nhận được cho phương Tây đã rơi vào bế tắc. Vậy đó là những điều kiện gì ?
Mỹ và các nước đồng minh chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc trở lại với đường biên giới năm 1991 hoặc trước ngày 23/02/2022. Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng không nằm trong số các ưu tiên của Mỹ và các nước đồng minh. Tương tự, mong muốn sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ mới cũng không phải là động lực chính để Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Theo Vassily Kashin, nguyên nhân của cuộc xung đột là sự bất đồng về vị trí của Ukraine trong hệ thống an ninh khu vực. Nga đã tìm cách trừ khử Ukraine như là một nguồn đe dọa tiềm tàng khi buộc nước này phải giữ vị thế trung lập và chấp nhận các hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang của mình.
Đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng là phải giữ Ukraine như là một đầu cầu quân sự tiềm năng. Do đó, đối với Washington, kết quả của cuộc xung đột có thể chấp nhận được là Ukraine mất một phần lãnh thổ đáng kể, nhưng vẫn là một tiền đồn của Mỹ - với việc sau đó tái vũ trang, triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ… Nói một cách khác, đối với Mỹ, Ukraine mất bao nhiêu đất không quan trọng, miễn là nước này vẫn có khả năng tồn tại về mặt kinh tế, nghĩa là Ukraine kiểm soát các trung tâm kinh tế và chính trị chính của mình.
Bằng cách chấm dứt cuộc xung đột trong những điều kiện như vậy trong tương lai gần, Hoa Kỳ có thể tạm thời giảm chi tiêu hậu thuẫn quân sự cho Kiev, và như vậy, chúng có tác dụng "đóng băng" xung đột. Điều đó có thể giúp Hoa Kỳ tập trung vào những cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, và nhất là tập trung nỗ lực để kềm hãm Trung Quốc.
Trong tương lai, với việc Ukraine được hội nhập vào hệ thống các định chế phương Tây và lãnh đạo bởi một chế độ dân tộc chủ nghĩa bài Nga, Washington rất có thể lại sử dụng nước này vào bất kỳ lúc nào như là một công cụ quân sự để ngăn chặn hay đánh bại Nga về mặt chiến lược.
Còn Nga tìm kiếm điều gì ?
Đối với Moskva, một kết quả như vậy đồng nghĩa với khả năng cao xảy ra một cuộc chiến mới, có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều, có lẽ trong một tương lai không xa. Tất nhiên, cuộc chiến tranh này không được định trước. Ngay cả khi giả định rằng cuộc xung đột kết thúc trong những điều kiện chấp nhận được đối với Washington, nhưng nhiều vấn đề khác có thể chuyển hướng xấu.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ rất có thể sẽ bị sa lầy trong các cuộc xung đột ở Trung Đông với Iran và các đồng minh, và tại Viễn Đông với Trung Quốc và Đài Loan. Nếu như Mỹ gặp khó khăn tại những vùng này trên thế giới, họ sẽ chẳng thể nào quay lại với dự án tái thiết và tái vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây chỉ là những xác suất, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà theo đó Nga có ít, thậm chí là không có tầm ảnh hưởng nào. Thế nên, kế hoạch của Nga phải được dựa trên những kịch bản xấu nhất, đó là việc tái vũ trang nhanh chóng Ukraine. Vì vậy, nhìn từ quan điểm của Moskva, NATO không chấm dứt tồn tại chừng nào hiểm họa này không được loại bỏ.
Tháng 3/2022, Nga đã tiến gần đến việc chấp nhận một thỏa thuận hòa bình, theo đó, nước này sẽ không chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ mới, nhưng sẽ nhận được các bảo đảm về phi quân sự hóa và thế trung lập của Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị cản trở do sự can thiệp trực tiếp từ Mỹ và Anh theo như nhiều nguồn tin đáng tin cậy.
Kể từ đó, tình hình đã thay đổi. Nga phải đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của bốn vùng lãnh thổ mới. Theo quy định của Hiến Pháp Nga, mọi thỏa hiệp về lãnh thổ là điều không thể. Mối đe dọa cao về các hành động khiêu khích, phá hoại hay hành động khủng bố từ phía Ukraine có thể tạo ra nhu cầu vươn tới những đường biên giới khác.
Trong mọi trường hợp, vấn đề vùng lãnh thổ sẽ được giải quyết trên chiến trường. Biên giới hiện nay có nhiều khả năng sẽ nằm dọc theo đường tiếp xúc giữa hai bên tại thời điểm ngưng bắn.
Cân bằng lực lượng
Vị thế chiến lược của Ukraine đang xấu đi. Nhiều dấu hiệu cho thấy Kiev đang kiệt nguồn nhân lực, như việc cho phép huy động nhập ngũ từ người học ở bậc sau đại học, nữ bác sĩ cho đến người tàn tật, người mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn mãn tính, rối loạn tâm thần hay như cưỡng ép tòng quân, đánh đập những người trốn lính... Những tổn thất về nhân mạng cao hơn khả năng bù đắp, đến mức Ukraine khó thể trụ được trong lâu dài.
Hệ quả của việc đổi mới liên tục danh sách thứ hạng công dân thuộc diện phải nhập ngũ đang hạ thấp chất lượng tân binh và làm tăng số lượng nạn nhân trên chiến trường. Tất cả những động thái này chỉ nhằm đổi lấy sự tồn tại mong manh của một Nhà nước mà khả năng kiểm soát xã hội đang bị hạn chế vì nạn tham nhũng và trốn lính lan tràn.
Từ những quan sát này, tác giả người Nga này nhận định, phương Tây sai lầm khi cho rằng cả Ukraine và Nga khó thể tiến hành các cuộc phản công quy mô lớn. Nếu như điều này đúng đối với trường hợp của Ukraine thì không có gì cho phép kết luận là Nga không thể có bước đột phá trên chiến trường.
So với đối phương, quân đội Nga liên tục gia tăng quân số và tăng cường trang bị nhiều loại vũ khí mới hiện đại hơn cả về mặt số lượng và chất lượng (drone trinh sát, các loại đạn pháo có thể khả năng tấn công một cách tự chủ nhờ vào trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng…). Những loại vũ khí mà một năm trước đây Nga đã không có, giờ có thể cho phép quân đội Nga ở trong thế "ngang bằng vai vế", thậm chí vượt xa đối thủ.
Cuối cùng, xung đột bùng phát ở Trung Đông ngày 07/10/2023, và mối đe dọa ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự lớn xung quanh Đài Loan trong năm 2024 đã dẫn đến hệ quả là Mỹ phân bổ lại các nguồn lực quân sự và giảm hỗ trợ cho Ukraine. Vì vậy, khả năng tiến hành một cuộc tấn công lớn từ nay phụ thuộc nhiều vào năng lực triển khai các chiến thuật mới của quân đội Nga để vượt qua cuộc khủng hoảng "dậm chân tại chỗ" hiện nay. Nếu như khai thác được những năng lực chiến thuật và kỹ thuật mới, sự năng động của cuộc xung đột có thể thay đổi triệt để.
Minh Anh
************************
Tổng thống Zelensky : Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine
Thùy Dương, RFI, 15/11/2023
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba 14/11/2023 cho biết quân đội Ukraine đang phải đối phó với "sự gia tăng số vụ tấn công của Nga" tại miền đông, nhất là quanh thành phố công nghiệp Avdiïvka.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev, ngày 04/11/2023. AP - Efrem Lukatsky
Theo AFP, quân đội Nga từ một tháng qua tìm cách bao vây thành phố công nghiệp Avdiïvka của Ukraine, nơi đã trở thành một trong những điểm nóng trong cuộc xung đột. Nỗ lực tấn công, bao vây của Nga diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine phản công trong nhiều tháng nhưng không giải phóng được các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Các chiến tuyến dường như không suy suyển cho dù cả điện Kremlin và chính quyền Zelensky đều khẳng định chiến tranh không đi vào ngõ cụt.
Trên mạng Telegram, tổng thống Zelensky cho biết : "Quân đội đã báo cáo là có sự gia tăng số các cuộc tấn công của kẻ thù" như Avdiivka, Koupiansk và Donetsk ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, tổng thống Zelensky bảo đảm rằng binh sĩ Ukraine vẫn "giữ vững vị trí" và cũng đang tiến hành "các cuộc tấn công".
Trước đó một hôm, trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một trung tâm phân tích đặt trụ sở tại Mỹ, cho biết "các lực lượng Nga hôm 13/11 đã tiếp tục các cuộc tấn công gần Avdiivka và đạt được một số thắng lợi".
Trong khi đó, theo báo Pháp Le Monde, chỉ huy các đội quân trên bộ của quân đội Ukraine hôm qua nhận định quân đội Nga sử dụng ngày càng nhiều drone tự sát, đang tấn công về phía miền đông Ukraine và phản công ở phía bắc và nam của Bakhmout.
Về phía tình báo quân đội Ukraine, lãnh đạo Kyrylo Boudanov cho rằng rất có thể là sẽ không bao giờ có hiệp định hòa bình ký với Nga. Ông tuyên bố, trong lịch sử, có những trường hợp chiến tranh giữa các nước không được giải quyết bằng một hiệp định.
Thùy Dương
************************
Nga thừa nhận quân Ukraine đã vượt sông Dnipro tiến vào vùng Kherson
Reuters, VOA, 15/11/2023
Nga hôm 15/11 lần đầu tiên thừa nhận rằng quân Ukraine đã vượt sông Dnipro rộng lớn để tiến vào các vùng bị chiếm đóng ở khu vực Kherson, nhưng cũng nói thêm họ đã triển khai thêm quân để ngăn chặn trong lúc Kyiv cố gắng mở một tuyến tấn công mới vào bán đảo Crimea vốn đã bị Nga sáp nhập.
Lính Ukraine đứng gác dọc sông Dnipro gần vùng Kherson đang bị Nga chiếm đóng
Ukraine hôm 14/11 nói họ đã tạo được thế đứng vững ở bờ đông sông Dnipro ‘bất chấp mọi khó khăn’, nhiều khả năng là bước lùi lớn đối với quân chiếm đóng Nga ở phía nam.
Phát ngôn nhân quân đội Ukraine hôm 15/11 cho biết quân Ukraine đang cố gắng đẩy lùi quân Nga khỏi bờ đông sông Dnipro, vốn là rào cản tự nhiên đáng gờm trên chiến trường.
Ông Vladimir Saldo, thống đốc do Nga bổ nhiệm ở khu vực Kherson mà Moscow kiểm soát, thừa nhận trong một tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã vượt sông, nhưng nói rằng phía Ukraine đã hứng chịu tổn thất nặng nề.
"Viện quân của chúng tôi đã đến nơi. Quân thù bị mắc kẹt ở khu dân cư Krynky và địa ngục rực lửa đã ở đó chờ chúng : bom, tên lửa, hệ thống súng phun lửa hạng nặng, đạn pháo và máy bay không người lái", ông Saldo nói.
Dẫn điều mà ông cho là thông tin trực tiếp từ nhóm quân sự ‘Dnepr’ của Nga, ông cho biết quân Ukraine đã bị giữ chặt trong các tầng hầm trong ngày và dự đoán cuộc tấn công của Ukraine sẽ bị đẩy lùi.
Làng Krynky nằm gần Dnipro cách thành phố Kherson mà Ukraine đã giành lại gần như đúng một năm trước khoảng 30 km về phía đông bắc.
Bà Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, mô tả tiền tuyến là ‘khá uyển chuyển’ và cho biết quân của Kyiv đã gây áp lực cho quân Nga dọc theo con sông.
"Quân chúng tôi phản công trên một chiến tuyến kéo dài từ 3 đến 8 km dọc theo toàn bộ bờ sông từ mép nước", bà nói.
"Hiện tại, chúng tôi sẽ yêu cầu không tiết lộ thông tin... điều này sẽ cho phép chúng tôi thông báo về những chiến thắng lớn sau", bà phát biểu trên truyền hình.
Nga đã ngăn chặn được phần lớn cuộc phản công của Kyiv ở mạn đông nam, nhưng bước tiến của Ukraine ở khu vực Kherson bị chiếm đóng có thể khiến tuyến phòng thủ của họ phải dàn trải hơn và áp lực lên họ sẽ gia tăng.
"Bất chấp mọi khó khăn, các lực lượng vệ quốc của Ukraine đã giành được chỗ đứng ở tả ngạn (phía đông) sông Dnipro", Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết hôm 14/11.
Vị quan chức này nói rằng cuộc phản công của Ukraine, mà họ phát động hồi tháng 6, đang ‘tiến triển’ và Kyiv biết ‘làm sao để chiến thắng’.
Quân đội Nga hồi tuần trước cho biết các lực lượng của họ đã làm thất bại nỗ lực của Ukraine nhằm tạo ra một đầu cầu ở bờ đông sông Dnipro và các cồn lân cận, gây tổn thất nặng nề cho Ukraine.
Reuters
Nguồn : VOA, 15/2023
************************
Cung cấp đạn pháo cho Ukraine : Liên Âu khó đạt được mục tiêu
Thanh Phương, RFI, 15/11/2023
Vào tháng 3 năm nay, 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine tổng cộng 1 triệu đạn pháo từ đây đến tháng 03/2024 để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Nhưng rất có thể là Liên Âu sẽ khó mà thực hiện được mục tiêu này.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell (giữa) đến dự cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Bruxelles, Bỉ, ngày 13/11/2023. AP - Virginia Mayo
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Liên Hiệp Châu Âu đã cấp tổng cộng 27 tỷ euro viện trợ quân sự cho Kiev. Từ hôm qua, 14/11/2023, các bộ trưởng Quốc Phòng Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles để bàn về viện trợ quân sự cho Ukraine và đã một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục yểm trợ chống quân Nga.
Nhưng các bộ trưởng châu Âu phải tìm cách huy động thêm phương tiện và thúc đẩy nhịp độ cung cấp viện trợ đó trong bối cảnh mà chính Ukraine nay nhìn nhận chiến dịch phản công được khởi động từ tháng 6 đã thất bại và Kiev đang lo ngại là các đồng minh phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Xung đột giữa Israel với Hamas nay càng khiến cho các nước châu Âu bớt quan tâm đến chiến tranh Ukraine.
Trước báo chí hôm qua, chính bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius đã nói thẳng thừng là Liên Âu sẽ không thể đạt được mục tiêu một triệu đạn pháo như đã cam kết. Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới gởi 300.000 đạn pháo sang Ukraine, lấy từ các kho dự trữ.
Với nhịp độ như vậy, Liên Hiệp Châu Âu khó thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Trang mạng châu Âu Politico, trụ sở đặt tại Bruxelles, cho biết : "Các nhà sản xuất vũ khí thường nêu trình trạng thiếu nhân công và khó khăn về nguồn cung cấp chất nổ. Đó là những trở ngại đối với những công ty gia công đang cố tăng sản lượng (đạn pháo)".
Hiện giờ khoảng 40% sản xuất đạn pháo của Liên Hiệp Châu Âu là dành để xuất khẩu sang khoảng 30 quốc gia khác, theo lời lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell. Ông cho rằng Liên Âu nên chuyển sang ưu tiên sản xuất cho Ukraine và "đây là một thay đổi đáng kể".
Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton thì khẳng định, từ tháng Hai đến nay, khả năng sản xuất của Liên Âu đã tăng thêm từ 20 đến 30%. Mục tiêu sản xuất hơn một triệu đạn pháo sẽ đạt được vào mùa Xuân năm sau. Nhưng vấn đề là các nước thành viên Liên Âu phải nhanh chóng đặt mua, mà trong vấn đề này thì có rất nhiều chậm trễ, cho dù gần đây đã có nhiều hợp đồng được ký kết.
Theo lời ông Borrell, hiện chỉ mới có khoảng 180.000 đạn pháo được đặt mua và sẽ được giao cho Ukraine năm nay hoặc năm tới, tức là ít hơn phân nửa so với mục tiêu đề ra. Ông nhìn nhận rằng dù con số này có tăng thêm thì cũng khó mà thực hiện được cam kết giao một triệu đạn pháo cho Ukraine trước cuối tháng 3 năm tới.
Nhưng cho dù Liên Âu có hội đủ một triệu đạn pháo cho Kiev thì vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay của Ukraine lên tới ba triệu đạn pháo mỗi năm, nhất là trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn trên chiến trường, và coi như đang lui về thế phòng thủ thay vì phản công. Chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài hơn là dự kiến và như vậy là Liên Âu sẽ phải tiếp tục yểm trợ cho Kiev trong nhiều năm nữa.
Vào tháng Bảy vừa qua, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Borrell đã đề nghị một ngân sách tổng cộng 20 tỷ euro cho bốn năm tới để tạo điều kiện cho việc cung cấp vũ khí cho Kiev, nhưng nhiều nước thành viên không muốn cam kết về ngân sách này.
Thanh Phương