Trên bình diện rộng lớn hơn, phải chăng Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã đến lúc không thể "nhắm mắt làm ngơ" cho Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an tác oai tác quái mãi được ?
Trên thực tế, 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án được liệt kê trong Quy định 132 đều đã có trong tất cả các bộ luật hiện hành.
Thay mặt Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 27/10/2023, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký quy định số 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (1). Tại sao bà Mai phải ký Quy định này ? Phải chăng vì, không có nơi đâu trên trái đất này, nghi can bị kết án tử nhưng thời điểm xảy ra án mạng, lại có đầy đủ bằng chứng ngoại phạm ? Chưa hết, hung khí gây án là cái thớt và con dao đã bị công an nhanh chóng phi tang khỏi hiện trường, nghĩa là vết máu và vân tay trên hung khí gây án kịp thời được loại bỏ, sau đó cơ quan chức năng ra chợ mua một cái thớt và con dao khác về làm vật chứng thay thế. Ấy mà bản thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, tuy thừa nhận đúng là có các sai sót trong quá trình điều tra, nhưng lạy Chúa, vị Giáo sư-Tiến sĩ duy nhất trong ngành khoa học an ninh này vẫn kết luận, điều ấy không hề làm thay đổi bản chất vụ án Hồ Duy Hải (2). Vụ này thực sự đã gây sốc và rung lắc đối với toàn xã hội suốt hàng mấy năm trời, cho tận đến hôm nay.
Bi thảm hơn là trường hợp một nạn nhân khác, tử tù Lê Văn Mạnh. Vụ án khét tiếng này đã vượt khỏi biên giới quốc gia hình chữ S, dội ra thế giới văn minh về một thể chế độc tài công an trị, vừa tàn bạo vừa vô nhân. Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam đã ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình từ năm 2005 nhưng bị can và gia đình liên tục kêu oan. Tuyên bố của EU đã "cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình" (3). Nhưng bất chấp sự lên tiếng của các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, Hà Nội vẫn thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nhận được tin này đã phải kêu lên, hành vi của Việt Nam "thật là ghê tởm (sickening) !" (4).
Trước bão táp của dư luận trong và ngoài nước, Chánh án Nguyễn Hòa Bình buộc phải lên tiếng chống chế. Nhưng càng thanh minh, càng lộ rõ bản chất "tam vị nhất thể" của các cơ quan tham gia tố tụng. Dù vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn chối phắt hiện tượng "án bỏ túi", "họp án" hay "chạy án phải đồng bộ". Bình thừa nhận, trong các vụ án, tuy Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an vẫn có họp chung với nhau, nhưng họp là để bàn giao tài liệu, thống nhất lộ trình, thời gian xét xử, "chứ không phải bàn về tội danh hay mức án" (5). Nhưng "dấu đầu hở đuôi", mới đây thôi, đánh mất hoàn toàn tính liêm sỉ và lòng tự trọng, Nguyễn Hòa Bình lên truyền thông trong nước công khai phát động một cuộc thi sáng tác ca khúc về cái gọi là " Tòa án nhân dân". Nguyễn Hòa Bình không che dấu tham vọng, qua cuộc thi này có thể tìm được những bản nhạc, bài hát có sức sống đi cùng năm tháng, "trở thành niềm tự hào của đội ngũ Thẩm phán, mỗi Thẩm phán hay cán bộ Tòa án khi hát lên sẽ say sưa với đầy niềm tự hào" (6).
Trên bình diện rộng lớn hơn, phải chăng Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã đến lúc không thể "nhắm mắt làm ngơ" cho Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an tác oai tác quái mãi được ? Gần đây, hàng trăm người dân đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư do các luật sư thảo ra, yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều tra lại các vụ án mà họ cho là oan sai đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, trong đó tử tù Mạnh đã bị hành quyết (7). Đã đến lúc chính quyền Hà Nội không thể che giấu nổi sự thật, Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng nhiều án tử hình nhất ở Châu Á và trên thế giới. Các vụ án nêu trong thỉnh nguyện thư chỉ là một số ví dụ nổi bật về hàng loạt sai trái trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Không thể bỏ ngoài tai mọi phản ứng của lương tri và văn minh nhân loại, trước sự oán thán quá trời của dân chúng, Đảng cộng sản Việt Nam thế chẳng đừng, buộc phải ban hành Quyết định số 132 về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp. Nhưng Quyết định chẳng qua cũng là để trấn an vậy thôi !
Vì vậy, hết thảy những ai có lương tâm và lương tri đều chia sẻ với lời kêu gọi của Facebooker Lâm Bình Duy Nhiên : "Lên án những sai lầm của nhà nước là điều cấp bách để tránh những ‘tội ác có hệ thống’ của nền tư pháp Việt Nam. Chọn thái độ chính trị đối lập với nhà cầm quyền là lương tâm và trách nhiệm của mọi công dân. Chỉ có một xã hội đa nguyên, đa đảng thì tiếng nói của người dân mới thực sự được tôn trọng và luật pháp mới thực sự đứng về kẻ cần được bảo vệ. Bằng không, sau Lê Văn Mạnh sẽ là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và bao nạn nhân khác… trong sự bất lực của tất cả chúng ta !" (8). Bởi vì, bằng cách nào mà Quy định 132 vừa ban hành có thể trở thành "tảng đá vững chắc trong thành trì chống tham nhũng" như báo nhà nước tụng ca (9), khi đưa ra đề nghị giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ ? Hóa ra, cán bộ đảng viên tham nhũng mà nhận tội thì sẽ được giảm nhẹ hơn so với "phó thường dân" ? Trên thực tế, 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án được liệt kê trong Quy định 132 đều đã có trong tất cả các bộ luật hiện hành. Nhưng tất cả chỉ tồn tại trên giấy. Có thêm nhiều Quy định 132 nữa cũng không thể nào giải quyết được các vấn nạn liên quan đến các bất cập trong hệ thống tư pháp công an trị.
Vũ Hải Lê
Nguồn : VOA, 16/11/2023
(2) https://lsvn.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-bao-cao-truoc-quoc-hoi-vu-ho-duy-hai.html
(6) https://baochinhphu.vn/phat-dong-cuoc-thi-sang-tac-ca-khuc-ve-toa-an-nhan-dan-102231101153721263.htm