Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/11/2023

Châu Á - Thái Bình Dương và vai trò không thể phủ nhận về kim loại hiếm

Thùy Dương

Nhân chuyến công du Việt Nam ở cấp Nhà nước của nguyên thủ Mỹ Joe Biden, hôm 10/09/2023, hai nước đã ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm. Đến ngày 13/11, đến lượt tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo đồng thuận siết chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khai thác đất hiếm.

dathiem1

Các mẫu kim loại hiếm được trưng bày ở cơ sở Molycorp, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/06/2015. Reuters/David Becker/File

Không phải vô cớ mà Mỹ muốn hợp tác với hai nước này như vậy. Trên thực tế, Châu Á-Thái Bình Dương, với Trung Quốc, Úc, Việt Nam, Indonesia… là khu vực giàu kim loại hiếm, có giá trị chiến lược và được xem là vùng không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.

Trong bài viết "Kim loại hiếm : Tại sao Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là thiết yếu ?" đăng trên trang mạng nghiên cứu Asialyst, chuyên gia về Châu Á và các thách thức kinh tế quốc tế, Hubert Testard, nhấn mạnh đến các ưu thế của khu vực này về cả trữ lượng và sản lượng. Riêng về khai thác - tinh luyện thì chủ yếu do Trung Quốc kiểm soát, và điều này có thể khiến căng thẳng địa chính trị gia tăng, theo hướng bất lợi cho phương Tây, nhất là Châu Âu. RFI giới thiệu bài viết. 

Sản xuất kim loại hiếm tập trung chủ yếu ở Châu Á 

Trong báo cáo mới nhất năm 2023 về "vai trò của các loại khoáng sản quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch", Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã xác định được 3 nhà sản xuất khoáng sản quý hiếm hàng đầu thế giới năm 2022. 

Bảng xếp hạng của IEA cho thấy vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất đất hiếm và than chì (graphite), Úc thì dẫn đầu về lithium, còn Indonesia là nhà sản xuất niken lớn nhất. Châu Âu hoàn toàn lép vế, còn Mỹ thì chỉ nằm trong số 3 nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu, nhưng thua xa Trung Quốc. Nếu không tính Trung Quốc, phần còn lại của Châu Á-Thái Bình Dương cũng sản xuất 15% đất hiếm trên toàn thế giới. Tính tổng cộng, cả Châu Á chiếm 85% tổng sản lượng đất hiếm của thế giới. Một số nước Châu Á như Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, theo chuyên gia Hubert Testard, đều có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và là nguồn cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến của Trung Quốc. 

Riêng Cobalt chủ yếu do Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất, nhưng hầu như là để xuất khẩu sang Trung Quốc. Các công ty Nhà nước Trung Quốc (CMOC và Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc) sở hữu 2 trong số 5 mỏ cobalt lớn nhất Congo. Và cho dù vẫn thường xuyên có nhiều tranh cãi về các điều kiện môi trường và xã hội, như lao động trẻ em, cũng như những căng thẳng mạnh mẽ trong năm 2022 liên quan đến việc chia phần lợi nhuận cho Congo, mối quan hệ đối tác Trung Quốc-Congo về cobalt dường như không thể mất đi. 

Chỉ có liên quan đến đồng là Trung Quốc đã để mất vị trí nước sản xuất lớn thứ ba thế giới vào tay Congo và chỉ chiếm 9% thị phần. Đồng cũng là kim loại quan trọng duy nhất mà sản lượng được phân bổ tương đối rộng, 3 nhà sản xuất hàng đầu thế giới chỉ chiếm 50% thị phần so với tỉ lệ trên 80% đối với đất hiếm, than chì, lithium và cobalt. 

Ngành công nghiệp tinh lọc và chế biến kim loại hiếm tập trung chủ yếu ở Trung Quốc 

Trung Quốc thống trị áp đảo ngành công nghiệp chế biến : hoạt động tinh chế đất hiếm chiếm hơn 85% toàn cầu, 90% về wafer (những tấm bán dẫn rất mỏng) dành cho ngành công nghiệp pin mặt trời, 90% về than chì tinh chế dùng cho pin điện, ắc quy, 83% đối với pin ithium-ion, 76% coban, 68% lithium, 40% đồng và niken. 

Liên quan đến Indonesia, với nguồn tài nguyên niken và cobalt dồi dào, nước này đang trở thành nhà tinh lọc niken hàng đầu thế giới, nhưng đó cũng là nhờ hợp tác với Trung Quốc. 

Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực tinh chế không phải tự nhiên, mà là kết quả của hơn 30 năm đầu tư. Ngay từ kế hoạch 5 năm lần thứ 7, giai đoạn 1986-1990, Bắc Kinh đã hướng các nỗ lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất đến đất hiếm và vật liệu mới. Trái lại, đến đầu những năm 2000 thì Hoa Kỳ mới nhận thức được về vấn đề địa chính trị do các kim loại hiếm gây ra, Châu Âu thì chậm hơn Mỹ 10 năm. 

Trữ lượng kim loại hiếm lớn nhất thế giới là ở Châu Á - Thái Bình Dương 

Ngoại trừ đồng, nhìn chung Trung Quốc có trữ lượng dồi dào cho phép duy trì được sản xuất trong thời gian dài. Cộng với trữ lượng đáng kể của Úc về hầu hết các kim loại hiếm và trữ lượng của Indonesia, Philippines và New Caledonia về cobalt, niken, và trữ lượng đất hiếm của Việt Nam và Ấn Độ, thì Châu Á-Thái Bình Dương có cơ hội vẫn duy trì vị thế lục địa trung tâm của các lĩnh vực mới vốn là cơ sở của quá trình chuyển đổi năng lượng. Xét về sự phân bổ trữ lượng theo lục địa, Châu Á chiếm 30- 60% trữ lượng thế giới, tùy loại kim loại. 

Đứng thứ hai là Nam Mỹ và Mêhicô, với ưu thế về lithium và đồng. Châu Phi là trung tâm về cobalt và có nhiều than chì. Rất xa phía sau mới đến lượt Bắc Mỹ, nhưng do thiếu hoạt động thăm dò, nên có thể trữ lượng được xác định thấp hơn nhiều so với nguồn tài nguyên, chẳng hạn về đất hiếm. Châu Âu chỉ được biết đến với trữ lượng đồng. Gần đây, trữ lượng đất hiếm đáng kể đã được xác định ở Vòng Bắc Cực Thụy Điển, nhưng sẽ mất 10-15 năm mới khai thác được. 

Chiến lược mới của phương Tây không bảo đảm sẽ thành công 

Tất cả các nước phát triển hiện nay đều có một chiến lược kiểm soát các kim loại quan trọng và lĩnh vực chế biến. 

Chẳng hạn, Mỹ có chiến lược bảo đảm an ninh về cung ứng, với các khoản viện trợ đáng kể cho các nhà đầu tư trên lãnh thổ Mỹ và các quốc gia có hiệp định mậu dịch tự do hoặc thỏa thuận đặc biệt với Hoa Kỳ, trừ Trung Quốc và Liên Âu. Các đối tác ưu tiên của Hoa Kỳ ở Châu Mỹ là Canada, Mêhicô, Chilê và Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, theo nghiên cứu của Standard & Poor's, an ninh nguồn cung mới chỉ bảo đảm đối với lithium. Các nước đối tác của Mỹ về lâu dài không bảo đảm đủ nguồn cung cobalt và niken. Về đất hiếm, Mỹ vẫn lệ thuộc đến 80% vào dây chuyền chế biến của Trung Quốc và việc lệ thuộc này sẽ còn kéo dài vài thập niên. 

Về phần mình, Ủy Ban Châu Âu hồi tháng 03/2023 đã giới thiệu một dự luật về các nguyên liệu thô quan trọng, trong đó chẳng hạn có mục tiêu tăng tỉ lệ tái chế kim loại hiếm lên thành 15% và đa dạng hóa nguồn cung, nhắm vào Trung Quốc khi ngăn chặn việc một quốc gia duy nhất nắm giữ hơn 65% thị trường Châu Âu đối với mỗi kim loại và mỗi giai đoạn sản xuất. Xin nhắc lại, hồi năm 2020, 98% đất hiếm Châu Âu nhập khẩu là từ Trung Quốc. 

Ủy Ban Châu Âu đang dự kiến một hệ thống khá phức tạp để đẩy nhanh việc cấp phép cho các mỏ mới, nhưng miễn giảm thuế nhiều như Mỹ. Liên Âu cũng có ý định chuyển hướng dần viện trợ phát triển sang các dự án khai thác mỏ ở các nước đang phát triển, nhưng cũng không tăng thêm tài trợ. Một nghiên cứu của Viện Jacques Delors chỉ ra những bất cập và kết luận dự án của Liên Âu chưa đủ tầm. 

Trung Quốc vẫn dẫn đầu cuộc đua về các công nghệ thay thế 

Một trong những giải pháp nhằm giảm nhu cầu về lithium và cobalt và giảm lệ thuộc vào lĩnh vực lithium-ion của Trung Quốc, là thay thế ắc quy lithium-ion bằng các loại ắc quy khác. Một trong những giải pháp được xem là có triển vọng là ắc quy sodium-ion, có ưu điểm là sử dụng nguồn tài nguyên giá rẻ và đặc biệt dồi dào. 

Thế nhưng, vấn đề là các công ty đi đầu trong việc phát triển và tiếp thị loại ắc quy mới này hiện giờ đều là của Trung Quốc. 

Rủi ro địa chính trị gia tăng 

Lệnh cấm vận đất hiếm mà Bắc Kinh nhắm vào Nhật Bản hồi năm 2010, sau một sự cố tàu cá ở Biển Đông, là tín hiệu báo động đầu tiên cho các nước phương Tây. Trong 12 năm, Tokyo đã cố gắng giảm lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc, từ gần như lệ thuộc hoàn toàn xuống còn khoảng 2/3. Kể từ đó, Trung Quốc cũng thi thoảng áp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Indonesia, về niken, thì ra lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, buộc các công ty lớn trong lĩnh vực kim loại hiếm đầu tư vào lĩnh vực chế biến ngay trong nước. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), hạn chế xuất kim loại quý hiếm đã tăng gấp 5 lần tính từ năm 2009 và ít nhất 10% thương mại toàn cầu về kim loại quý hiếm bị ảnh hưởng do các kiểu rào cản thương mại (hạn ngạch, lệnh cấm …) Trong số các quốc gia đưa ra những hạn chế này, có Trung Quốc, Việt Nam, Achentina, Nga, Kazakhstan và Indonesia. 

Riêng Trung Quốc, hồi tháng 08 vừa qua, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu gallium và germanium (dùng để sản xuất chất bán dẫn), và đến tháng 10/2023 thì thông báo cơ chế cấp phép xuất khẩu than chì tinh khiết dùng cho pin điện. Cả hai trường hợp này đều là biện pháp Bắc Kinh đáp trả việc Hoa Kỳ và các đối tác áp dụng các lệnh hạn chế việc cung cấp vật liệu và chất bán dẫn thế hệ mới nhất cho Trung Quốc. 

Chuyên gia về Châu Á và kinh tế quốc tế Hubert Testard kết luận là những cuộc giao tranh này có thể trở thành một "cuộc chiến tranh kim loại quý hiếm" thực thụ nếu các căng thẳng địa chính trị liên quan đến Đài Loan và Biển Đông biến thành các xung đột mở. Khi trừng phạt kinh tế Bắc Kinh, có một hạn chế mà phương Tây vấp phải là Trung Quốc đang có một vị thế không thể phủ nhận trong ván cờ về kim loại quý hiếm và các lĩnh vực phục vụ chuyển đổi năng lượng. 

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 17/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 195 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)