Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2023

Tốt nhất là mẹ mất sớm

Trần Liên

Tôi đang nói về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ đã dành cơm, dành cả buồng tim của mình nuôi giấu, giúp đỡ những cán bộ chiến sĩ cách mạng dằng dặc hết kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ.

me0

Những người mẹ Việt Nam anh hùng dự Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 do Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và nhiều ban, ngành đoàn thể tổ chức tại Hà Nội vào sáng 25/7/2020 (minh họa) - Anh Tuấn/TTXVN

 

Những người mẹ khổ

Những người mẹ qua ngòi bút của những nhà thơ, nhạc sĩ cách mạng như Tố Hữu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Văn Tý… Những người mẹ sống ở khắp nơi trên dải đất Việt Nam, nối tiếp nhau qua đằng đẵng thời gian : bà bủ, bà bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt, người mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh đến khi phơ phơ đầu bạc, người mẹ vá áo cho chiến sĩ, bà mẹ Bàn Cờ, bà má Hậu Giang…

Có bà mẹ vùng trung du miền Bắc, mùa đông giá rét lội xuống ruộng nước cấy lúa để tự nuôi sống bản thân và góp nuôi Vệ quốc quân chống Pháp :

Bầm ơi có rét không bầm ?

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

(Bài thơ "Bầm ơi", tác giả Tố Hữu, 1948. In trong tập thơ Việt Bắc, Nhà xuất bản Văn học 1962).

Bài thơ này Tố Hữu viết tặng bà Nguyễn Thị Gái, một bà bủ (người phụ nữ lớn tuổi) sống tại thôn Gốc Gạo xã Gia Điền, vùng trung du huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (theo tư liệu), khoảng những năm 1947-1948, đoàn văn nghệ sĩ cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân… đã ở lại thôn Gốc Gạo, tại nhà bủ Gái để ba cùng với dân và sáng tác nghệ thuật. Bủ Gái đã dọn xuống bếp để nhường giường và không gian nhà trên cho họ.

Ban ngày bủ Gái đi ruộng đi nương, tối về ngủ trong ổ lá chuối khô dưới bếp. Ngày ấy vào mùa đông, người nghèo ở nông thôn phải bện lá chuối khô, trải thành chiếc ổ có lòng trũng để nằm bên trong cho đỡ lạnh. Bủ Gái có một người con trai duy nhất đã tòng quân Vệ quốc, nhưng anh đi chiến đấu lâu ngày mà không có thư từ tin tức gì về, nên bủ nhớ thương và lo lắng về con, đêm đêm thường khóc thầm. Các nhà thơ nhà văn ở trọ biết chuyện này bèn nhờ Tố Hữu sáng tác một bài thơ và giả làm bức thư của con trai gửi về để an ủi lòng bủ Gái.

Tố Hữu nổi tiếng là nhà thơ tả thực. Những bài thơ ông viết hầu hết đều lấy chất liệu từ đời thực, người thật, việc thật. Nên tình cảm và sự gian nan vất vả của những người mẹ Việt Nam trong thơ ông có thể tin rằng đó chính là tình cảm của (phần lớn) người mẹ Việt Nam thời ấy. Phần lớn, vì chắc chắn vẫn có một số người mẹ tuy sống trong cái nôi cách mạng nhưng có những suy nghĩ phản tỉnh khác.

Năm 1961, Tố Hữu viết về mẹ Tơm (tên thật Nguyễn Thị Quyển (1880-1953), quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Theo tài liệu lịch sử, năm 1942, do tình thế nguy cấp nên Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang vùng Hậu Lộc tiếp tục hoạt động. Ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của bà Nguyễn Thị Quyển được chọn trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, in tài liệu, viết truyền đơn, được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa bấy giờ. Tố Hữu cũng chính là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (đời bí thư thứ hai) thời đó.

Hai người con trai của mẹ Tơm ngày ấy đã bỏ công việc đồng áng, đi cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ, đồng thời làm giao liên, phát báo, rải truyền đơn…

Tố Hữu viết lời giới thiệu về bài Mẹ Tơm :

"Sau 19 năm đi xa, tôi lại về Hanh Cù, Hanh Cát - làng ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa - nơi ngày xưa có bà mẹ Tơm rất nghèo đã nuôi giấu chúng tôi, mấy anh em trốn tù về hoạt động. Mẹ Tơm có hai người con trai đầu là đảng viên cộng sản ngày ngày đi cúp tóc để nuôi nhà và nuôi đồng chí, về sau cả hai anh đều bị bắt và tra tấn, nhưng đều một mực không khai cơ quan và cán bộ Đảng".

Và trong thơ :

Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm ;

Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm

Hai đứa trai ngày đi cúp dạo

Nồi khoai sớm tối lót thay cơm.

Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật

Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con

Đêm đêm chó sủa... Làng bên động ?

Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn...

(…)

Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn

Lính về, lính trói cả hai con

Máu con đỏ cát đường thôn lạnh

Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non !

Thời chống Mỹ có mẹ suốt ngày đêm chèo con đò tay cũ kỹ dưới lưới bom lửa đạn chở bộ đội qua sông Nhật Lệ tiến vào mặt trận, gan dạ đến lạ lùng.

Gan chi gan rứa, mẹ nờ ?

Mẹ rằng : Cứu nước, mình chờ chi ai

Chẳng bằng con gái, con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò

Giữa trung tâm Sài Gòn, bà mẹ Bàn Cờ và con gái đánh cược tính mạng để nấu cơm nuôi sinh viên biểu tình, che giấu những người cộng sản : "Tôi thấy cảnh một bà cụ tóc bạc phơ đang gấp rút chuyển nồi cơm còn nóng hổi vào cho anh em ăn. Sau khi vào gặp thủ lĩnh Nguyễn Văn Thắng, tôi quay ra thì bị lộ. Trước tình thế dầu sôi lửa bỏng, con gái của bà cụ nhận tôi làm chồng để qua mắt bọn lính hằn học đứng canh trước cửa (nhà thơ Nguyễn Kim Ngân, lúc ấy là sinh viên Văn khoa Sài Gòn-1970).

Ở phần đất cuối cùng của tổ quốc, bà má Hậu Giang xả thân dưới nhát gươm quân Pháp để bảo vệ du kích trong rừng U Minh :

Má già trong túp lều tranh

Ngồi bên bếp lửa đun cành củi khô

Một mình má, một nồi to

Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười…

(…)

Má ngã xuống bên lò bếp đỏ

Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng

Má già nhắm mắt, rưng rưng

"Các con ơi, ở trong rừng U Minh

Má có chết, một mình má chết

Cho các con trừ hết quân Tây"

(…)

Thương ôi lời má lưỡi gươm cắt rồi

Một dòng máu đỏ lên trời

Má ơi con đã nghe lời má kêu

Tình thương yêu vô vị lợi và chân thành của những người phụ nữ Việt Nam với những người cộng sản trong thời chiến tranh dữ dội chỉ có thể so với tình mẹ, chỉ có thể có ở những người mẹ nồng nàn yêu thương con.

Nhưng nếu có một phép màu khiến những người mẹ ấy vượt qua bom đạn và tuổi tác để sống đến nay, tôi nghĩ họ sẽ ước giá mà được chết đi thật sớm.

me2

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Hình : VGP/Thế Phong

Một lũ bội tình

Vì, rất nhiều kẻ trong những người đã giữ được mạng sống nhờ cái chết máu đỏ đường thôn của những người mẹ và những đứa con ruột của họ, được nuôi giấu bằng mớ rau xanh mang từ cồn cát đi bán, bằng nồi cơm to nhuộm máu, bằng đồng tiền cắt tóc dạo, được che chở "buồng mẹ-buồng tim giấu chúng con", hóa ra, chỉ là một lũ bội tình !

Ngày xưa hai người con trai của mẹ Tơm thà chết không khai những cán bộ gia đình mình đã nuôi giấu. Vài chục năm sau, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 201-2020, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021, năm phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa của hai nhiệm kỳ bị xóa tư cách chức vụ trong quá khứ hay cảnh cáo… vì đã vi phạm nghiêm trọng trong quy hoạch, giao đất, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách trong nhiều dự án lớn",gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn đến tiền và tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội…". Ngắn gọn là tham nhũng đến mức kịch liệt.

Hậu Giang tiếp nối sự nổi tiếng của "má già trong túp lều tranh" bằng một nhân vật "lẫy lừng" hơn gấp bội. Cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang-Trịnh Xuân Thanh có đủ thứ "thành tích" từ ăn chơi xa hoa, chạy huân chương, chạy bằng khen của thủ tướng, chạy danh hiệu Anh hùng lao động. Cho đến khi nguy cơ thành củi áp sát gáy thì… chạy thẳng ra nước ngoài-những đất nước mà chỉ vài chục năm trước bị các anh cực lực lên án là tư bản bóc lột, kẻ thù của giai cấp công nông !

Ngày xưa mẹ một nồi củ lang, củ mì thay cơm nuôi một đám "con". Giờ, những đứa con ấy vênh vang ở biệt thự, mua bất động sản ở tư bản tiện thể đút túi phòng hờ chiếc quốc tịch tây, gửi tiền ngân hàng Thụy Sĩ, xe hơi tiền tỷ đi đến đâu thì cảnh sát lăm lăm dùi cui hú còi để các "ba", các "mẹ" nép vào lề đường nhường chỗ đến đó.

Xưa, mẹ đào hầm giấu "con", phủ kín nắp hầm bằng cả máu thịt của mình. Nay những đứa con ấy ăn chia đến cả tiền thờ cúng liệt sĩ, tiền làm bia mộ…

Xưa mẹ nhường nhà cho "con", vì nuôi quân mà liều thân sống trong túp lều tranh nơi động cát hoang vắng, núp bên tảng đá, trên cánh đồng từng đỏ máu nghĩa quân. Nay, mẹ bị những đứa "con" bắt tay nhau dưới danh nghĩa "quy hoạch", trắng trợn công khai cướp luôn mảnh ruộng, nếp nhà.

Xưa, con ngủ, mẹ thức đêm canh giấc cho con được an toàn. Nay "con" núp kín trong xe hơi, biệt thự, có lính bồng súng gác cửa. Những người mẹ cùng cực chỉ còn cách liều mình chặn đầu xe hơi của "con" để trình đơn kêu oan.

Dẫu biết rằng đành phải quen mà sống

Quen những mặt trơ lì những miệng trơn lu

Quen đừng tin yêu quen đừng mơ mộng

Quen giả ngu giả điếc giả mù

(…)

Tất cả

tất cả mọi điều

có thể đành quen

Duy một điều không thể nào quen

Không thể nào quen nhìn lưng còng của mẹ

Dẫu con biết nghìn năm mẹ đã còng như thế

Còng đến đáy ruộng đồng

Còng mất con mất cháu mất chồng

Để vẫn hoàn còng đứng ngồi rón rén

Mắt mờ đục miệng phào móm mém

"Nhờ ơn trên, nhớ ơn trên…"

(Không, mẹ ơi… Tác giả Bùi Minh Quốc 1997)

Trần Liên

Nguồn : RFA, 14/11/2023

Tham khảo :

https://www.google.com/search?q=m%E1%BA%B9+t%C6%A1m+l%C3%A0+ai&rlz=1C1CHBF_enVN1024VN1024&oq=m%E1%BA%B9+t%C6%A1m&gs_lcrp=EgZjaHJvbWUqEAgBEEUYExgnGDsYgAQYigUyCAgAEEUYJxg7MhAIARBFGBMYJxg7GIAEGIoFMgYIAhBFGEAyCQgDEEUYORiABDIICAQQABgWGB4yBggFEEUYPTIGCAYQRRg9MgYIBxBFGDzSAQgzMzIwajBqN6gCALACAA&sourceid=chrome&ie=UTF-8

https://vnexpress.net/khu-di-tich-lich-su-me-tom-4513047.html

https://thanhnien.vn/tac-gia-nguoi-me-ban-co-va-ky-uc-ve-mot-thoi-tranh-dau-185332743.htm

https://hahoa.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/title/176/ctitle/34

https://tienphong.vn/khoi-to-cong-chuc-xa-tham-o-tien-tro-cap-tho-cung-liet-si-post1571883.tpo

https://nld.com.vn/thoi-su/cuu-chu-tich-huyen-tham-o-tien-lam-nghia-trang-liet-si-xin-giam-doc-tham-20230310162618951.htm

https://vnexpress.net/nhieu-lanh-dao-cap-cao-bi-ky-luat-trong-vu-ong-trinh-xuan-thanh-3507294.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Liên
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)