Ukraine : Phải chăng phương Tây tìm cách thay thế Zelensky ?
Minh Anh, RFI, 22/11/2023
Báo Pháp Le Figaro ngày 20/11/2023 cho rằng Ukraine đang đối mặt với nguy cơ thất bại quân sự. Vào lúc cuộc phản công của Ukraine sa lầy, phương Tây tự hỏi làm thế nào hậu thuẫn Kiev trong lâu dài. Thế nhưng, trang mạng Asia Times ngày 11/11/2023 lại đưa ra một nhận định rằng ngày càng có một sự đồng thuận trong giới phân tích, theo đó, phương Tây (nghĩa là Mỹ với sự hậu thuẫn của Anh Quốc) muốn thay thế tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón người đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskytại Nhà Trắng, Washington, ngày 21/12/2022. AP - Andrew Harnik
Trang mạng thông tin độc lập Conflit của Pháp trước hết lưu ý, tác giả bài viết là Stephen Bryen, một người rất am tường về bộ máy quyền lực Mỹ. Cũng như nhiều bài phân tích khác, bài nhận định trên Asia Times phải được xem xét một cách thận trọng. Dù vậy, đây cũng là một trang thông tin hoàn toàn nghiêm túc, tập hợp nhiều tác giả có những hiểu biết tinh tế về chủ đề họ viết.
Tương lai sẽ cho biết liệu ông Zelensky sẽ tiếp tục cầm quyền hay phải ra đi. Tuy nhiên, trong thời gian từ cuộc trả lời phỏng vấn của tổng tham mưu trưởng Zaluzhny dành cho The Economist, trong đó, ông thừa nhận thất bại của cuộc phản công và việc Quốc hội Mỹ từ chối thông qua khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine, thì "gió đổi hướng" ở Washington. Như đã được nêu ra từ mùa xuân 2023, có khả năng đạt được một đồng thuận trong khoảng mùa đông 2023 - 2024 nhằm chấm dứt xung đột. Tương lai sẽ trả lời, nhưng phân tích này cho phép hiểu được những gì đang được thảo luận tại Châu Á và Hoa Kỳ.
**********
Trước hết, Stephen Bryen, tác giả bài viết, khẳng định : Hoa Kỳ có thói quen tìm cách chọn nhà lãnh đạo cho Ukraine. Cùng với đồng nghiệp Larry Johnson, ông nghĩ rằng CIA và MI6 của Anh đã bắt tay chuẩn bị địa bàn. Hoặc ông Zelensky buộc phải triệu tập một cuộc bầu cử tổng thống, dự trù cho tháng 3 năm tới và như vậy, ông sẽ được thay thế. Hoặc cho dù có cưỡng lại, ông Zelensky cũng sẽ bị thay thế trong khuôn khổ một cuộc nổi dậy theo kiểu Maidan.
Thay đổi chính trị
Theo tác giả, Hoa Kỳ đã từng thúc đẩy những thay đổi trong ban lãnh đạo của Ukraine và thứ trưởng ngoại giao hiện nay, bà Victoria Nuland, trước đây từng đứng sau một hoạt động như vậy. Một cuộc trao đổi qua điện thoại năm 2014 giữa bà Nuland và đại sứ Mỹ ở Kiev vào thời kỳ đó là ông Geoffrey Pyatt đã bị nghe lén và nội dung cuộc trao đổi được phát tán trên báo chí.
Cuộc điện đàm này thú vị vì Nuland và Pyatt đang tìm chọn một ứng cử viên tổng thống "có thể chấp nhận được" cho Ukraine, và họ đã kêu gọi sự trợ giúp của phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Joe Biden. Một điểm cần lưu ý là cùng với Joe Biden, còn có Jake Sullivan, hiện là cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, cũng tham gia vào việc lựa chọn tổng thống sắp tới cho Ukraine.
Về vụ việc này, báo Pháp Le Monde ngày 06/02/2014 từng tường thuật rằng ông Serguei Glaziev, cố vấn của tổng thống Vladimir Putin vào thời điểm đó, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant Ukraine đã kêu gọi "phương Tây nên ngừng hành động bắt chẹt và dọa dẫm", khi nêu ví dụ là cuộc gặp của bà Nuland với các nhà tài phiệt Ukraine ủng hộ chính quyền tổng thống Viktor Yanukovich thân Nga hồi tháng 12/2013.
Ông nói : "Theo những gì chúng tôi được biết, bà ấy đã dọa đưa các nhà tài phiệt vào danh sách đen của Mỹ nếu như tổng thống Yanukovich không nhường quyền hành cho phe đối lập. Hành động này không phù hợp với luật lệ quốc tế".
Vị cố vấn này còn khẳng định rằng Hoa Kỳ đã chi ra "khoảng 20 triệu đô la mỗi tuần để tài trợ cho phe đối lập và phe nổi dậy, bao gồm cả việc trang bị vũ khí", đồng thời ông tố cáo "một âm mưu đảo chính (từ Mỹ) tại Ukraine" mà theo ông, chính quyền Ukraine phải dùng vũ lực để chống lại "sự hỗn loạn".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Sergey Glaziev không quên nhắc lại rằng Nga cùng với Mỹ là những nước có trách nhiệm "bảo đảm" chủ quyền của Ukraine sau khi nước này, vào năm 1994, từ bỏ vũ khí hạt nhân và với danh nghĩa này, Nga có thể "can dự vào những cuộc xung đột như vậy. Những gì Mỹ đang đơn phương làm là một sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận trên".
Ukraine : Một đất nước chưa có "độc lập"
Nhìn từ những chi tiết này, người ta có thể khẳng định rằng Ukraine chưa thật sự là một nước hoàn toàn độc lập. Bài viết của ông Stephen Bryen trên tờ Asia Times cho biết thêm rằng hiện nay, ngoài việc là nguồn hậu thuẫn quân sự cho Ukraine, Hoa Kỳ còn trả lương cho công chức Nhà nước và quân đội Ukraine, bao gồm cả lương hưu.
Giờ đây, cũng chính ba tác nhân Mỹ – Biden, Sullivan và Nuland – một lần nữa quyết định số phận của Ukraine. Câu hỏi đặt ra : Vậy tại sao ba người này lại muốn "tống khứ" Zelensky ?
Washington khi cố tình cho rò rỉ thông tin ngầm đánh tiếng rằng bản kế hoạch cho cuộc phản công của Ukraine được thiết lập một cách kỹ lưỡng đã không được tổng thống Zelensky tuân theo. Trái với ý kiến từ các tướng lĩnh của mình – tổng tham mưu trưởng Zaluzhny và ông Syrskyi, một nhân vật kín tiếng nhất – tổng thống Zelensky đã quyết định tiếp tục các chiến dịch quân sự và cố sức chiếm lại thành phố Bakhmut, sau khi quân đội Ukraine đã bị quân Nga và lực lượng Wagner đánh đuổi.
Theo nhận định từ trang mạng Capital ngày 05/08/2023, thì trận chiến này là yếu tố bộc lộ sự thất vọng của Mỹ đối với chính quyền Kiev. Chiến lược quân sự của Ukraine và giá trị mang tính biểu tượng mà Kiev đặt ra trong cuộc chiến giành từng phần lãnh thổ Ukraine – đôi khi xung đột với quan điểm quân sự và chủ nghĩa thực dụng của các đồng minh. Ông Volodymyr Zelensky đã khiến Hoa Kỳ mất tinh thần khi quyết định tiếp tục cuộc chiến giành Bakhmut với cái giá phải trả là tổn thất nặng nề về người và vật chất.
Trang mạng chuyên về tài chính – kinh tế của Pháp này còn dẫn lời Konrad Muzyka, chuyên gia về tình báo khi trả lời câu hỏi của kênh truyền hình CNBC, phân tích như sau :
"Mỹ khuyến nghị Ukraine không nên tiến hành cuộc chiến giành Bakhmut bởi vì chiến dịch này có thể gây ra nhiều hậu quả lâu dài như tổn thất quân số và tiêu hao nhiều đạn pháo. Tuy nhiên, đối với Kiev, Bakhmut không đơn giản chỉ là một thành phố. Đó là biểu tượng cho thách thức của Ukraine, ngay cả khi giá trị chiến lược của thành phố này còn đáng ngờ. Thành phố này cuối cùng cũng đã rơi vào tay quân Nga và nhóm lính Wagner ngày 20/5/2023. Ukraine đã mất rất nhiều binh sĩ cũng như nhiều sĩ quan giàu kinh nghiệm. Họ đã chi rất nhiều đạn pháo mà lẽ ra sẽ phải được dùng cho cuộc phản công. Đây là điều đã khiến Washington thất vọng".
Theo Washington, việc cố gắng chống lại Nga trên một mặt trận rộng lớn hơn nhiều còn có tác dụng phân tán lực lượng Nga ở phía nam, tập trung chủ yếu xung quanh vùng đi từ Quảng trường Bradley đến Zaphorie, bằng cách huy động một phần lực lượng tinh nhuệ Ukraine ở Bakhmut và trên nhiều mặt trận khác ở Donetsk.
Nhưng không chỉ có thế. Tác giả bài viết trên Asia Times còn nhận định rằng mục tiêu của Washington trong cuộc phản công này là nhằm chuẩn bị địa bàn để buộc Nga phải đúc kết một thỏa thuận về Ukraine. Bằng cách chọc thủng sâu điều gọi là tuyến phòng thủ Surovikin, quân đội Ukraine như vậy có thể sẽ đe dọa được bán đảo Crimea.
Căn cứ vào tình hình hiện này, tác giả Stephen Bryen cuối cùng lưu ý phải cẩn trọng với nhiều bài viết trên truyền thông Mỹ và Châu Âu khẳng định rằng Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ Surovikin. Theo ông, những bài viết này đơn thuần mang tính tuyên truyền.
Minh Anh
***********************
Nga đang giành thắng lợi trong cuộc chiến tuyên truyền về chiến tranh Ukraine ?
Trọng Thành, RFI, 22/11/2023
Từ ít tuần gần đây, vấn đề "thất bại quân sự" của Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lược Nga dường như không còn là điều húy kỵ trên truyền thông Châu Âu nói chung, truyền thông Pháp nói riêng. "Ukraine trước ám ảnh thất bại quân sự" là một tổng thuật đáng ý chú trên Le Figaro. Đài BFMTV nói đến việc "Chiến tranh Ukraine : Nga đang chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền". Phải chăng Nga đang chiến thắng trong cuộc chiến tuyên truyền về chiến tranh Ukraine ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh với các thành viên một số hiệp hội nhân Ngày Đoàn Kết Dân Tộc Nga, tại Quảng Trường Đỏ, Moskva, Nga, ngày 04/11/2023 via Reuters - Sputnik
Trong lúc chiến dịch phản công của Ukraine, khởi sự từ đầu mùa hè 2023, gần như dậm chân tại chỗ, trái ngược với mong đợi từ Kiev và các đồng minh phương Tây, Nga liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định thế thượng phong. Truyền thông nhà nước Nga liên tục khẳng định có đủ tiềm lực lâu dài, về người và về phương tiện quân sự, để duy trì chiến tranh và giành chiến thắng tại Ukraine. Trong bối cảnh thế trận giằng co trên chiến trường, các tuyên truyền mạnh mẽ của Moskva dường như đang giúp Nga chinh phục được niềm tin của công chúng tại các khu vực ngoài Châu Âu, và thậm chí ngay tại chính Châu Âu.
Đài BFMTV dẫn lại một thăm dò mới đây của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu, theo đó, dường như ngày càng có nhiều người cho rằng cuộc chiến tại Ukraine trước hết là "cuộc chiến ủy thác" giữa Hoa Kỳ và Nga, chứ không phải là cuộc chiến Ukraine chống xâm lược Nga. Trong các xã hội ngoài phương Tây, có một quan điểm phổ biến là chiến tranh cần phải chấm dứt, Ukraine phải nhân nhượng lãnh thổ cho Nga, và không phải Moskva, mà chính phương Tây mới là "trở ngại lớn nhất cho hòa bình". Quan điểm này, cho dù vẫn là "thiểu số" tại Châu Âu, có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng.
Điểm đặc biệt đáng lo ngại là cuộc chiến tại Ukraine, mà nhiều người thuộc các nước phương Nam tin tưởng là Nga "chắc chắn sẽ thắng", được coi là một trắc nghiệm đối với chính tương lai của Liên Hiệp Châu Âu. Vẫn theo điều tra nói trên, 41% cư dân ngoài Châu Âu thậm chí cho rằng Liên Âu có thể sụp đổ trong 20 năm tới, nhiều người gắn liền số phận của Liên Âu với cuộc chiến tại Ukraine.
Phải chăng Nga đang giành được chiến thắng trong cuộc chiến tuyên truyền về chiến tranh Ukraine ? Rõ ràng là Nga đang ở thế thượng phong, nếu xét theo diễn biến dằng dai của cuộc chiến và hy vọng mà phương Tây đặt vào khả năng tự vệ và đẩy lùi xâm lược Nga của Ukraine. Hàng chục tỉ đô la đã được các đồng minh bỏ ra trong các viện trợ trực tiếp cho Kiev, cùng với rất nhiều trả giá khác về kinh tế và xã hội. Khả năng phòng thủ được coi là vững chắc bất ngờ của Quân đội Nga tại Ukraine rõ ràng tạo cơ sở cho các tuyên truyền của Nga.
Theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát quốc tế ở Nga, không khí mừng chiến thắng trong cuộc chiến tại Ukraine thể hiện rõ tại Nga. Một giới chức cao cấp Nga mới đây dự đoán : "Thất bại quân sự của Ukraine đã được báo trước. Điều này sẽ diễn ra từ đây đến cuối tháng 5/2024". Cựu ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nhận định : "Tổng thống Nga Putin rất tích cực trên mặt trận tuyên truyền vào thời điểm hiện nay. Ông ta muốn mang lại một kết quả cụ thể trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024. Sẽ không có việc Nga xuống thang từ đây đến tháng 3/2024".
Cuộc chiến trên truyền thông diễn ra song song với cuộc chiến trên chiến trường. Tình hình khác nhiều so với thời gian cách nay một năm, điện Kremlin giờ đây dường như hướng thẳng đến thắng lợi chứ không muốn đàm phán. Một quan chức cao cấp Nga cho biết "vấn đề Ukraine sẽ được quyết định trên chiến trường".
Cuộc phản công đẩy lùi quân Nga của quân đội Ukraine rõ ràng không diễn ra như mong đợi. Gần như đã không có một thắng lợi đáng kể nào vào lúc mùa đông đã tới. Tuy nhiên, bản thân chính tình hình của nước Nga cũng không khả quan. Giới quan sát ghi nhận, các trừng phạt của phương Tây đang tác động nặng nề đến nền kinh tế Nga, khiến Nga tụt hậu về công nghệ, và ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, chưa kể đến tình trạng dân số sụt giảm.
Chiến tranh Ukraine chống xâm lược Nga chưa ngã ngũ, cho dù cuộc phản công nửa cuối 2023 thất bại. Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến việc Châu Âu cần phải nỗ lực làm rõ lập trường về cuộc chiến Ukraine. Theo nhà báo Isabelle Lasserre của Le Figaro, chuyên về chính trị quốc tế, Châu Âu đang đứng trước thách thức phải xác định rõ chính sách về Ukraine. Các nước Châu Âu, cần từ bỏ thái độ mâu thuẫn, một mặt trông đợi ở chiến thắng của Ukraine, mặt khác chỉ đầu tư cầm chừng cho Ukraine.
Coi Ukraine là quốc gia bạn hữu ở tuyến đầu chống lại các tham vọng đế quốc của Nga, nhưng các hậu thuẫn của Liên Âu cho Ukraine chưa đủ tầm mức. Một thất bại của Ukraine do ủng hộ sụt giảm từ các đồng minh phương Tây sẽ để lại những hậu quả "rất nặng nề", trước hết với Châu Âu. Tình hình càng trở nên cấp bách vào lúc chỉ còn một năm nữa là bầu cử Hoa Kỳ, khả năng Donald Trump trở lại cầm quyền tại Mỹ, với chính sách thỏa hiệp với Moskva, đang đặt Liên Âu trước tình thế đầy bất trắc. Cựu ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cảnh báo, quân đội Nga thông báo sẽ tăng 70% chi phí quân sự, "với khoản tiền này, quân đội Nga có thể sẽ tiếp tục trụ vững trên chiến trường trong nhiều năm".
Trọng Thành
*************************
AP-NORC khảo sát : Gần nửa dân Mỹ cho rằng Mỹ viện trợ Ukraine quá nhiều
Reuters, VOA, 22/11/2023
Trong lúc các nghị sĩ ở Washington cân nhắc việc viện trợ thêm hàng tỷ đô la từ ngân sách liên bang cho Kyiv để giúp họ chiến đấu chống quân xâm lược Nga, có tời gần một nửa người dân Mỹ cho rằng đất nước mình đang viện trợ Ukraine quá nhiều, theo cuộc thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC và hãng tin AP.
Hậu quả của một vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở Kharkiv, Ukraine
Quan điểm này, chủ yếu do đảng Cộng hòa thúc đẩy, giải thích tại sao các nghị sĩ Cộng hòa ở Điện Capitol ngày càng chống đối quyết liệt nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm phê duyệt gói viện trợ mới cho Ukraine. Họ lập luận rằng số tiền này nên được dành chi cho các ưu tiên trong nước.
Tuy nhiên, thái độ phản đối viện trợ cho Ukraine đã giảm nhẹ so với một tháng trước trong một cuộc thăm dò khác của AP-NORC. Hiện tại, 45% người được thăm dò nói rằng chính phủ Mỹ đang chi quá nhiều tiền để viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, so với 52% vào tháng 10. Sự thay đổi đó dường như chủ yếu diễn ra bên đảng Cộng hòa : 59% cử tri Cộng hòa hiện cho rằng viện trợ cho Ukraine đã quá nhiều, giảm so với 69% hồi tháng 10.
"Tôi hiểu người dân đó cần sự giúp đỡ, nhưng tôi cảm thấy chúng ta đang chi quá nhiều cho Ukraine khi chúng ta có những vấn đề ở đây, trên chính đất nước này mà chúng ta cần phải giải quyết", ông Eric Mondello, 40 tuổi, ở Fountain, Colorado, nói. Ông chỉ ra các nhu cầu như chăm sóc y tế cho cựu chiến binh và tình trạng vô gia cư trong các cộng đồng.
Mondello nói thêm : "Tôi hiểu Mỹ là đồng minh của các nước khác, nhưng tôi cảm thấy hãy quan tâm đến người dân của chúng ta trước tiên".
Hơn 1/3 (38%) người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng con số chi tiêu hiện tại là ‘phù hợp’, tăng nhẹ so với tháng trước (31%). Trong số các đảng viên Cộng hòa, gần 3 trong 10 người (29%) nói rằng chi tiêu hiện tại là đúng, tăng từ 20% so với tháng trước.
Bà Paula Graves, 69 tuổi, nằm trong số những người nói rằng số tiền chi cho Ukraine là đúng.
"Putin, ông ta rõ ràng là quỷ dữ. Tôi không nghĩ rằng có nghi ngờ về điều này", bà Graves, cư dân ở Clovis, California, nói với AP. "Ông ta là nhà độc tài. Ông ta vi phạm nhân quyền, ông ta là một người rất đáng sợ và nếu Ukraine rơi vào tay ông ta, ai sẽ theo sau ? Tiếp theo sẽ là nước nào ?"
Bà Graves cho biết bà không theo đảng phái nào nhưng nghiêng về bảo thủ. Bà nói rằng bà tin Mỹ có vai trò lãnh đạo trên vũ đài toàn cầu và nói thêm : "Tôi nghĩ chúng ta chắc chắn phải đặt nước Mỹ lên trước hết, nhưng tôi không nghĩ cần phải là trước hết và duy nhất".
Nhà Trắng đã nhiều lần thúc giục Quốc hội thông qua gói chi tiêu khẩn cấp gần 106 tỷ đô la mà ông Biden đề xuất hồi tháng 10, trong đó có hơn 61 tỷ dành cho cuộc chiến ở Ukraine.
Chính quyền Biden đang ngày càng cảnh báo rằng ngân quỹ viện trợ cho Ukraine đang cạn dần. Trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv hôm 20/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu rằng nỗ lực của Ukraine nhằm đánh bại quân Nga ‘quan trọng đối với phần còn lại của thế giới’ và cam kết sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tiếp tục ‘về lâu dài’.
"Như Tổng thống Biden đã nói, khi những kẻ gây hấn không trả giá cho sự hung hăng của chúng, chúng sẽ gây ra thêm hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt", ông John Kirby, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia, nói trong cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 20/11. "Chúng sẽ làm tới, và cái giá và nguy cơ đối với Mỹ và thế giới sẽ tiếp tục tăng".
VOA, 22/11/2023
***************************
Nhiều lãnh đạo Châu Âu đến Kiev để bày tỏ ủng hộ Ukraine nhân kỷ niệm 10 năm cuộc Cách mạng Maidan
Chi Phương, RFI, 21/11/2023
Cách nay 10 năm, 21/11/2013, cuộc Cách mạng Maidan đã nổ ra tại Kiev và kéo dài trong vòng một năm. Hàng ngàn người biểu tình đã đến quảng trường Maidan để phản đối tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich. Hôm nay, 21/10/2023, nhiều lãnh đạo Châu Âu, trong đó có chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, có mặt tại Kiev để bày tỏ ủng hộ đối với Ukraine.
Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev kín người biểu tình làm cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine, ngày 23/11/2004. Associated Press – Efrem Lukatsky
Sau chuyến thăm hôm qua của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, với cam kết hỗ trợ thêm 100 triệu đô la cho Ukraine, hôm nay, đến lượt chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius tới Kiev. Theo AFP, tại quảng trường Maidan ở trung tâm thủ đô Ukraine, bộ trưởng Pistorius đã đặt hoa tưởng niệm và khẳng định chuyến công du lần này, xin trích, "trước hết là để bày tỏ ủng hộ với Ukraine cũng như tình đoàn kết và mối liên hệ sâu sắc, và sự ngưỡng mộ của chúng tôi đối với cuộc chiến dũng cảm" đang diễn ra ở Ukraine.
Về phần mình, trước khi đến Kiev, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết sự hiện diện của ông tại Ukraine là để bày tỏ ủng hộ của Liên Âu, và cũng để thảo luận với tổng thống Ukraine, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của khối 27 nước vào tháng 12 tới, với nội dung về hồ sơ gia nhập Liên Âu của Ukraine.
Về lễ kỉ niệm 10 năm Cách mạng Maidan, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, hôm nay nhấn mạnh rằng sự kiện này là "thắng lợi đầu tiên" của Ukraine trong cuộc chiến "chống quân xâm lược Nga". Phong trào quần chúng đã tố cáo chế độ thân Nga tham nhũng, lật đổ tổng thống lúc bấy giờ là Viktor Yanukovich sau các cuộc đàn áp đẫm máu những người biểu tình của cựu lãnh đạo thân Nga.
Ông Zelensky cũng cảnh báo các đồng minh phương Tây trước mọi cám dỗ "thỏa hiệp" với Nga : Nếu "thế giới văn minh bắt đầu nhượng bộ những kẻ bạo chúa, tất cả chúng ta sẽ thất bại".
Chi Phương
*************************
Tổng thống Zelensky : Quân Ukraine gặp khó khăn trong phòng thủ khi mùa đông tới
Reuters, VOA, 23/11/2023
Quân đội Ukraine đang đối mặt với việc phòng thủ ‘khó khăn’ ở một số nơi trên mặt trận miền đông với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông đã bắt đầu, nhưng các lực lượng Ukraine ở miền nam vẫn đang tiến công, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm 22/11.
Binh lính Ukraine đi trên sông Dnipro trên chiến tuyến gần Kherson
Quân đội Nga đã phát động tấn công vào các điểm khác nhau của chiến tuyến ở miền đông Ukraine vào mùa thu này, và cố gắng tiến lên ở thị trấn Avdiivka bị tàn phá và ở khu vực đông bắc – vùng giữa các thị trấn Lyman và Kupiansk.
"Thời tiết khó khăn, phòng thủ khó khăn trên các mặt trận Lyman, Bakhmut, Donetsk và Avdiivka. Các hoạt động tấn công ở miền Nam", ông Zelenskyy viết trên Telegram.
Tuyết và nhiệt độ đóng băng ở mức khoảng âm 5 độ C trong ngày 22/11 và có dự báo sẽ giảm xuống thấp hơn, có thể làm phức tạp thêm các hoạt động trên chiến trường, nơi giao tranh đang chuyển sang giai đoạn tiêu hao.
Kể từ giữa tháng 10, Avdiivka, nơi tiền tuyến ít thay đổi kể từ khi cuộc chiến đầu tiên nổ ra hồi năm 2014 giữa Kyiv và lực lượng do Nga hậu thuẫn, đã đối mặt với làn sóng tấn công rồi yên ắng sau đó, quân đội Ukraine cho hay.
Sau thời gian yên ắng như thế một ngày trước đó, người đứng đầu bộ chỉ huy quân sự ‘Tavria’ hôm 22/11 cho rằng quân đội Nga đã ‘gia tăng đáng kể’ số lượng các cuộc tấn công và không kích.
"Quân phòng thủ chúng tôi đang kiên cường giữ vững thế trận phòng thủ theo hướng Avdiivka", tư lệnh Oleksandr Tarnavskyi viết trên Telegram. Quân Ukraine tiếp tục tiến công trên mặt trận Melitopol ở phía đông nam, ông nói thêm.
VOA, 23/11/2023
**************************
Nga khẳng định vô hiệu hóa nhiều drone của Ukraine tấn công bán đảo Crimea
Trọng Thành, RFI, 22/11/2023
Hôm 22/11/0223, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã bắn hạ nhiều drone của quân đội Ukraine tấn công bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine mà Moskva sáp nhập từ năm 2014.
Hiện trường một chiếc drone của Ukraine bị bắn rơi ở Rostov-on-Don, Nga, ngày 07/09/2023. AP
Theo AFP, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổng cộng bốn drone hải chiến tấn công bán đảo Crimea từ phía biển bị bắn hạ, và hệ thống phòng không Nga cũng vô hiệu hóa ba drone tấn công bằng đường không. Các cuộc phản công bằng drone của Ukraine diễn ra liên tục từ đầu chiến tranh, nhưng có chiều hướng gia tăng kể từ đầu cuộc phản công mùa hè vừa qua.
Về phần mình, Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 14 drone Shahed-131/136 do Iran sản xuất và một tên lửa hành trình của Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu trong đêm qua, rạng sáng nay. Bộ quốc phòng Ukraine nói rõ là tên lửa hành trình X-22 của Nga đã bị lệch khỏi mục tiêu, rớt tại một khu vực không người ở tỉnh Zaporijjia, vụ nổ làm hư hại một số nhà dân, nhưng "không gây tổn thất về người". Chỉ huy quân sự tỉnh Odessa miền tây nam Ukraine cũng cho biết "không có ai bị thương" trong cuộc tấn công trong đêm hôm qua của Nga vào khu vực này.
Châu Âu bảo đảm "cung cấp đủ một triệu đạn pháo" cho Ukraine
Từ hôm qua, 21/11, Nghị Viện Châu Âu bắt đầu xem xét việc giao đạn dược đã hứa cho Ukraine, đặc biệt là kế hoạch một triệu đạn pháo vào mùa xuân tới. Trong lúc ngày càng có nhiều thông tin lan truyền về khả năng Liên Hiệp Châu Âu bị chậm trễ trong kế hoạch này, trả lời RFI hôm qua, ủy viên Châu Âu phụ trách Thị trường Nội địa, ông Thierry Breton, phủ nhận các tin đồn và bảo đảm là Liên Âu sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trong chuyến công du Kiev bất ngờ hôm 20/11, tái khẳng định sự hỗ trợ của Washington đối với chính quyền Ukraine. Trước chuyến công du của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, trả lời ABC News, một giới chức Ukraine cho biết số lượng đạn pháo 155 mm Mỹ cung cấp "giảm hơn 30%" kể từ khi xung đột bùng nổ tại Gaza.
Cũng ngày 20/11, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo một đợt viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 100 triệu euro, bao gồm nhiều hệ thống phòng không. Truyền thông quốc tế chú ý đến một hệ thống phóng tên lửa Himars trong đợt viện trợ mới. Theo báo Mỹ Forbes, điều đáng chú ý là dàn phóng Himars nói trên có thể đã được chỉnh sửa để gia tăng tầm bắn. Hiện tại quân đội Ukraine đã sở hữu 32 bệ phóng Himars, do Mỹ viện trợ và chưa hệ thống nào bị hư hỏng.
Trọng Thành