Gian lận tài chính trong ngành bất động sản : Việt Nam kéo dài chiến dịch chống tham nhũng
Minh Anh, RFI, 23/11/2023
Công an Việt Nam hôm Chủ nhật 19/11/2023 công bố kết quả các cuộc điều tra về những bê bối tài chính trong lĩnh vực bất động sản, với thiệt hại được ước tính chiếm đến hơn 3% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam. Trước tình trạng này, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cam kết kéo dài chiến dịch chống tham nhũng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/01/2021 via Reuters - VNA
Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn truyền thông nhà nước Việt Nam, cho biết ông Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 22/11/2023, cam kết sẽ thúc đẩy "nhanh hơn và hiệu quả hơn" chiến dịch chống tham nhũng, đồng thời khẳng định "tiếp tục lâu dài" cuộc chiến này.
Tuyên bố này của lãnh đạo Việt Nam đưa ra sau khi công an Việt Nam công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về hai vụ bê bối tài chính, lần đầu tiên được tiết lộ về những gian lận, với tổng thiệt hại được ước tính 12,8 tỷ đô la, tức 3,2% GDP của Việt Nam.
Trong hai vụ án bị điều tra, vụ bê bối lớn nhất liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát Holdings Group. Bà cùng với đồng phạm bị cáo buộc biển thủ 304 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 12,54 tỷ đô la) từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
Vụ bắt giữ nữ doanh nhân này hồi tháng 10/2022 đã gây xáo động thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Theo Reuters, việc kéo dài chiến dịch "Đốt Lò", có phần nào giống Trung Quốc, đang gây những tác động tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo nhận định từ J.P. Morgan Research, quy mô của vụ bê bối này có thể dẫn đến việc thực thi các quy định tài chính chặt chẽ hơn, khiến chi phí sẽ cao hơn đối với bên đi vay, và như vậy có khả năng làm chậm tăng trưởng. Tháng 9/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng từ lĩnh vực địa ốc lan sang ngành ngân hàng, vào lúc tỷ lệ nợ xấu đang tăng lên.
Hôm qua, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s cho biết các nhà kinh doanh bất động sản niêm yết ở Việt Nam hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc trả các khoản nợ lớn, trong khi lợi nhuận sụt giảm và nguồn dự trữ tiền mặt đã bị giảm xuống đến mức thấp nhất trong hơn năm năm qua.
Minh Anh
*************************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp chống tham nhũng, yêu cầu ‘hợp đồng tác chiến’
VOA, 22/11/2023
Chủ trì cuộc họp tại của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 22/11, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng làm tốt, nhưng yêu cầu các cơ quan phải "hợp đồng tác chiến" và chớ "làm ví dụ, làm để cho có", theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bình luận của người đứng đầu Đảng cộng sản được đưa ra vào thời điểm nhiều vụ đại án diễn ra gần đây đang làm chấn động công chúng, gần nhất là vụ Vạn Thịnh Phát với số tiền các quan chức nhận hối lộ hàng triệu đô la.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết rằng gắn với vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, nhà chức trách đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can ; vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương ; các vụ án Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op hiện đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố.
Đã có 76 tổ chức đảng bị kiểm tra vì liên quan đến các vụ án ở Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Theo đó, 57 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm 3 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, vẫn theo trang tin của chính phủ Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học", và nói thêm rằng "cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam".
Các vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… được yêu cầu phải tập trung điều tra và "xử lý nghiêm".
Ông Trọng cũng lưu ý về việc xử lý chậm chạp, trì trệ. Ông nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "cần phải làm triệt để, hiệu quả, chứ không phải làm ví dụ, làm để cho có", đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp, "hợp đồng tác chiến" hiệu quả hơn, chứ "đừng cua cậy càng, cá cậy vây" hay "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay".
Một số tổ chức, định chế quốc tế theo dõi Việt Nam lâu nay đánh giá rằng tham nhũng là một vấn đề dai dẳng ở đất nước này trong nhiều năm và càng trở nên trầm trọng hơn do những thách thức cố hữu của nhà nước độc đảng, như nền pháp quyền yếu kém, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như mối quan hệ mạnh mẽ giữa chính trị và kinh doanh.
Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch "đốt lò" (chống tham nhũng) vào năm 2016, rất nhiều quan chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của ông của gây tranh cãi bởi một số ý kiến cho rằng nó cũng là công cụ thanh trừng lẫn nhau giữa các phe nhóm trong đảng.
Về mặt xã hội, những con số "khủng" về lượng tiền nhận hối lộ trong nhiều vụ đại án tham nhũng những năm gần đây đã khiến người dân sốc và bức xúc, nhưng điều công chúng quan tâm nhiều hơn là số tiền thu hồi có được trả lại cho dân hay không.
Báo cáo trong cuộc họp ngày 22/11 cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng.
VOA, 22/11/2023
*************************
Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng thúc đẩy việc đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng
RFA, 22/11/2023
Vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan vừa bị khởi tố thêm hai vụ án, thêm 72 bị can. Trong số này có 23 người là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương …
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp hôm 22/11/2023 tại Hà Nội - Nhân Dân/Duy Linh
Số tiền hối lộ hơn năm triệu USD cho nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là khoản lớn nhất từ trước đến nay.
Đó là thông báo được đưa ra ngày 22/11 về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng/Chống Tham nhũng, Tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì diễn ra trong cùng ngày.
Cũng theo thông báo, liên quan các đại án tham nhũng Vạn Thịnh Phát, AIC (Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế của chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn), FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết ; Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư đã kỷ luật bảy người thuộc diện quản lý của hai cơ quan cao nhất này của đảng cộng sản Việt Nam. Trong số này có ba nguyên bí thư tỉnh ủy, bốn chủ tịch, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương trên cả nước.
Ban Chỉ đạo cho biết trong thời gian tới sẽ phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với hai vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB và FLC.
Bên cạnh đó là đưa ra xét xử sơ thẩm bốn vụ án được cho là trọng điểm của Ban Chỉ đạo gồm vụ xảy ra tại Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng liên quan đến việc hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á ; vụ Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC tỉnh Hải Dương và các địa phương, đơn vị liên quan ; vụ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ; vụ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op ).
Phát biểu tại cuộc họp, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, thực tiễn luôn biến động không ngừng cho nên phải kiên trì đấu tranh, vừa làm vừa tổng kết thực tiễn để làm tốt hơn nữa.
RFA, 22/11/2023
************************
Luân chuyển cán bộ : phương thuốc hiệu nghiệm làm giảm tham nhũng ?
RFA, 22/11/2022
Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Hồng Phong khi báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội hôm 21/11/2023 cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ các cấp, các ngành… nhằm phòng ngừa tham nhũng cho 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ Công chức làm việc. Courtesy dongnai.gov.vn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hôm 22/11/2023 nói với RFA về việc này :
"Vấn đề luân chuyển cán bộ theo tôi là việc làm rất bình thường, để tránh tham nhũng, cũng như tiêu cực. Tôi thấy một cán bộ không nên làm lâu quá tại một chỗ, luân chuyển làm cho cán bộ đến những đơn vị mới sẽ tìm hiểu những công việc, tránh trường hợp bổ nhiệm những người thân quen trong gia đình. Và nếu về một đơn vị mới thì người đó có một sự độc lập, như vậy khi chỉ đạo điều hành sẽ khách quan công bằng, không bị áp lực bởi những mối quan hệ thân quen. Giống như một tổng thống không thể làm quá hai nhiệm kỳ, việc luân chuyển cán bộ sẽ làm cho công việc có hiệu quả hơn, vì làm lâu quá sẽ bị sức ì, sẽ không đổi mới, cho nên việc luân chuyển cán bộ sẽ giúp phát triển kinh tế xã hội cho đất nước".
Tuy nhiên, ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 22/11/2023 liên quan vấn đề này cho rằng :
"Không phải vấn đề luân chuyển cán bộ mà giảm được tham nhũng. Tham nhũng là do cơ chế, tổ chức, thể chế chính trị tạo ra, cho nên anh nào ở trong guồng máy đó cũng tham nhũng hết, không tránh khỏi… Chứ không phải luân chuyển cán bộ là hết tham nhũng. Anh tham nhũng ở đây, thì qua cơ chế kia anh cũng tham nhũng. Vì cái gốc của nó là cơ chế tạo ra tham nhũng, chứ không phải vấn đề thay đổi ở chỗ này không tham nhũng, ở chỗ kia mới tham nhũng… ‘đau Nam chữa Bắc’… không giải quyết được gì hết đâu".
Theo Quy định số 65-QĐ/Trung ương ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị, luân chuyển cán bộ là việc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện. Phạm vi luân chuyển gồm : Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác ; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị…
Trao đổi với RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này hôm 22/11/2023, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cho rằng :
"Tôi nghĩ tính tham nhũng trong cán bộ không phải vì luân chuyện mà mất đi, cho nên việc luân chuyển sẽ không làm giảm được tình trạng tham nhũng… Hoàn toàn không làm giảm, có thể nó làm chậm, nó làm ngắt đi một vài nhịp trong một thời gian ngắn… sau đấy thì nó sẽ tiếp tục như vậy. Cụ thể thời gian vừa qua, ta thấy cũng có nhiều cán bộ mới được luân chuyển, nhưng vẫn tiếp tục tham nhũng ở vị trí công tác mới. Thứ hai, có đặc điểm này, ta vẫn nghĩ luân chuyển là tốt, nhưng tôi nghĩ nó như một cái tủ, một cái giường, một cái khung nhà gỗ đã rệu rã rồi, để nguyên thì nó vẫn còn là cái tủ, cái giường, cái khung nhà… nhưng cứ tháo đi lặp lại nhiều lần thì nó càng ngày càng nát…".
Những trường hợp cán bộ lãnh đạo sau khi luân chuyển đến nơi khác cũng bị phanh phui tham nhũng mà Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhắc đến đơn cử như trường hợp ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, vào ngày 17/9/2022 đã bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trước khi luân chuyển, ông Thăng là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 9/2011 đến tháng 11/2019 ; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2022.
Hay trường hợp Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, ngày 7/6/2022, về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Trước khi luân chuyển ông Chu Ngọc Anh từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2010 - 2013 và 2015 -2016 ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 9 năm 2015.
Một trường hợp khác là Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vào năm 2022 bị Cơ quan điều tra xác định đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Trước đó, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 10/2018 đến tháng 1/2020.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 22/11 nhận định với RFA :
"Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không giúp làm giảm tham nhũng, mà ngược lại nó có thể sẽ khiến tăng mạnh tình trạng tham nhũng. Đó là vì một cán bộ muốn vào được một cái ghế, anh ta phải bỏ tiền ra lo lót để được ngồi vào cái ghế đó. Khi ngồi vào đó rồi, anh ta sẽ tìm cách thu hồi vốn qua các hoạt động tham nhũng. Khi có chính sách từ cấp trên muốn luân chuyển, anh sẽ tìm cách đút lót cấp trên để khỏi luân chuyển hoặc luân chuyển sang các vị trí tương tự nhằm giữ được thu nhập. Cuối cùng thì chính sách này chỉ làm giàu cho những cấp trên, những người tổ chức cán bộ vốn đưa ra quyết định về việc luân chuyển cán bộ".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn chống tham nhũng thì cần có tự do. Tự do báo chí và truyền thông để vạch tham nhũng. Tự do chính trị để cạnh tranh giữa các đảng phái ; đảng đối lập sẽ giám sát đảng cầm quyền ; quốc hội sẽ giám sát chính phủ. Tự do bầu cử và ứng cử để gạt bỏ những ứng cử viên tham nhũng và chọn ra những ứng viên có đức và tài. Nhưng trong cơ chế chính trị độc đoán như hiện nay thì ông Vũ cho rằng, nếu thực hiện bất cứ điều nào trong những điều trên, những người cầm quyền lo ngại chế độ sẽ bị lung lay dẫn đến sụp đổ, vì vậy mà họ cứ loay hoay đưa ra những chính sách nhằm khoe mẽ và mị dân nhưng thực chất nó chẳng thể nào giải quyết được vấn đề.