Vạn Thịnh Phát vỡ mủ, có còn không vai trò Nhà nước ?
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/11/2023
Những con số tịnh tiến
Gần 10 năm trước, tháng 1/2014 trong phiên tòa tại Hà Nội xét xử Dương Chí Dũng về những vi phạm tại tập đoàn Vinashin, dư luận đã choáng váng bởi lời khai trước tòa của Dương Chí Dũng về việc đã đưa hối lộ cho các quan chức của chế độ. Ở đó, Phạm Quý Ngọ nhận hối lộ một lúc 500.000 đô la và qua Phạm Quý Ngọ, khoản tiền 1 triệu đô la đưa đến hối lộ Trần Đại Quang là một hé lộ động trời.
Sau này những vụ hối lộ đến con số 3 triệu đô la như Nguyễn Bắc Son nhận của Phạm Nhật Vũ, hoặc hàng triệu đô la khác như vụ "Chuyến bay giải cứu" mới đây, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cầm số tiền gần 3 triệu đô la để chạy án… thì những con số đó đã trở thành bình thường.
Một vụ chạy án đơn giản như tay buôn hóa đơn, thì Đỗ Hữu Ca, nguyên thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng cũng đã ẵm gọn 35 tỷ đô la.
Nhưng cách đây 10 năm, con số 1 triệu đô la để hối lộ nhằm nhận được một Dự án là con số ghê gớm. Bởi cũng chỉ mới trước đó mấy năm, trong vụ án P.MU18 với những nhân vật nổi danh như Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Việt Tiến và các quan chức cộng sản thời đó, thông tin được tiết lộ là số tiền để chạy vào một chân Ủy viên Trung ương Đảng cũng chỉ hết 1 triệu đô la. Rồi sau đó, đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga khai trước tòa số tiền để chạy vào một chân Quốc hội đã là 1,5 triệu đô la.
Và con số cứ dần dần tịnh tiến lên, chắc hẳn không bởi lạm phát, mà theo thị trường quyền lực mua bán đổi chác ở Việt Nam càng ngày càng nóng bỏng, thậm chí nhiều khi tạo nên những cơn sốt trong xã hội.
Thế rồi, mới đây, chỉ một vụ án, nhằm để che giấu kết quả làm ăn thua lỗ, nợ nần ở ngân hàng SCB, mà Trương Mỹ Lan đã hối lộ riêng Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, trưởng đoàn thanh tra số tiền 5,2 triệu đô la.
Điều đặc biệt, là không chỉ một trưởng đoàn thanh tra nhận 5,2 triệu đô la để bẻ ngược nội dung đã thanh tra được, mà là cả đoàn thanh tra đã cùng nhau "đồng tâm, nhất trí" nhận hối lộ để bưng bít "những điều trông thấy".
Con số tiền hối lộ và nhận hối lộ cứ tăng lên về giá trị, số lượng các vụ án tham nhũng đi kèm những con số ngày càng dày đặc, quan chức, tướng tá ngày càng nhiều bị lôi ra tòa liên tiếp không phải vì cái gọi là "Cuộc chống tham nhũng", hay "đốt lò", "đánh chuột"… của TBT Nguyễn Phú Trọng được kết quả, hiệu quả hơn, mà cái chính là nạn tham nhũng đã không còn là sự lẻ tẻ, đã là "Quốc nạn" như Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Không thể không làm được, vì nó đã rõ quá rồi, nó đã thành xu thế rồi, thành phong trào rồi".
Vạn Thịnh Phát, quái vật giữa ban ngày
Đã từ rất lâu, cái tên Vạn Thịnh Phát được nhắc đến với cái tên Trương Mỹ Lan đưa hối lộ cả triệu đô la cho Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang để có được một dự án. Vụ việc sau đó bị cho chìm xuồng, nhưng cái tên Trương Mỹ Lan đã được thiên hạ chú ý từ đó.
Trương Mỹ Lan, từ một cô gái người Hoa buôn vải ở chợ Bến Thành, rồi chỉ nhờ có mối quan hệ quen biết, thân thiết với Trương Thị Hiền, vợ của Lê Thanh Hải, Bí thư Quận ủy Quận 5 - mối quan hệ giữa cộng sản đỏ và dòng tư bản đen, đã cấu kết chặt chẽ với nhau cùng phát triển cho đến hôm nay.
Trương Mỹ Lan là người sáng lập và nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vạn Thịnh Phát (VTP Holdings Group) - một trong những đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn và bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Không ồn ào, không khoa trương nổ đến mức "banh trời" như một số "đại gia" khác về tình yêu đất nước, không lên mặt dạy dỗ thiên hạ về đạo đức xã hội, về kinh nghiệm "làm giàu không khó"… hay các vụ scandal ầm ĩ như Tân Hoàng Minh, FLC Trịnh Văn Quyết, Tân Hiệp Phát, hoặc làm loạn mạng xã hội như Nguyễn Phương Hằng… Trương Mỹ Lan âm thầm xây dựng đế chế của mình với hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hết sức rộng rãi và là một hệ thống hùng hậu mà đến khi bị bạch hóa, thiên hạ mới giật mình như phát hiện ra quái vật khổng lồ tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật mà không ai dám đụng đến, chẳng ai dám sờ đến… chỉ bởi có mối quan hệ với gia đình quan chức cộng sản, bắt đầu từ Bí thư Quận ủy rồi sau là Bí thư Thành ủy.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) được bà Lan sử dụng như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Tính đến 2022, SCB có vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng. Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần và chỉ đạo các đàn em, các tay chân của mình thực hiện các ý đồ của mình đối với ngân hàng này.
Theo số liệu mới được công bố, 93% số tiền của SCB cho vay với 1.066.000 tỷ đồng chỉ dành cho Trương Mỹ Lan sử dụng cho các ý đồ thâu tóm các nguồn lực tài nguyên ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Con số hơn 1,066 triệu tỷ đồng Trương Mỹ Lan rút từ ngân hàng này, có giá trị bằng khoảng 20% GDP 10 tháng đầu năm 2023, đã được sử dụng cho việc thâu tóm bằng nhiều cách, trong đó không thể thiếu những con đường đi trong bóng tối bằng nhiều thủ đoạn như hối lộ, băng nhóm, bè đảng quyền lợi… Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm hàng loạt những bất động sản vàng ở các vị trí đắc địa, những khu đất vàng, đất kim cương.
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên tập đoàn.
Trong số này có hàng loạt nhóm công ty "ma" tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" để phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan ở nước ngoài.
Và cơ quan điều tra đưa ra con số 304.000 tỷ đồng, cộng với số tiền lãi, Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm với số tiề 415.000 tỷ đồng.
Hệ thống các dự án, các tài sản của Vạn Thịnh Phát được người ta nhắc đến với những sự ngỡ ngàng, thậm chí là khiếp sợ về quy mô và giá trị của nó.
Các bất động sản của Vạn Thịnh Phát rất nhiều nơi như quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh), khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cùng các địa phương như : Long An, Bình Thuận, Khánh Hòa, v.v…
Trong số đó, dự án nổi bật nhất là Saigon Peninsula, tổng diện tích 117ha, ôm trọn khu vực Mũi Đèn Đỏ. Cùng nhiều dự án khác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - khu vực được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton đều thuộc sở hữu của Vạn Thịnh Phát.
Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như : Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza... Năm 2015 Trương Mỹ Lan gây sốt khi mua lại chung cư bị bỏ hoang nhiều năm với hy vọng hồi sinh bất động sản đắt đỏ mà chung cư sở hữu. Tòa nhà Thuận Kiều Plaza (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với hàng trăm nhà ở, văn phòng đa chức năng…
Hàng ngàn tài sản, đất đai, nhà cửa, xe cộ, du thuyền… của Vạn Thịnh Phát với con số ngàn tỷ đã bị kê biên.
Ở đâu, vai trò của Nhà nước ?
Theo dư luận nhân dân, thì những con số nói trên được cơ quan điều tra đưa ra, chưa đủ để nói lên tầm của vụ án Vạn Thịnh Phát – một vụ án mà ngay từ khi khởi tố, rất nhiều cái chết bất ngờ đã xảy ra. Và người ta buộc phải nghi ngờ về sự hiện diện , chi phối của Luật im lặng – Omertà của Mafia.
Người ta chỉ biết rằng, những hoạt động, những sai phạm của Vạn Thịnh Phát kéo dài, một cách có hệ thống, diễn ra từ năm 2012, tính đến nay đã hơn chục năm. Một con khủng long tác oai tác quái giữa ban ngày với dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng được sử dụng bất minh nhưng vẫn tiếp tục tồn tại.
Người ta cũng cho biết, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một tập đoàn lũng đoạn không chỉ thị trường, mà cả hệ thống chính trị này chỉ bắt đầu từ một mối quan hệ giữa một thương nhân chợ Bến Thành với vợ của Lê Thanh Hải - một quan chức Cộng sản chức danh Bí thư Quận ủy. Thế rồi, cùng với đà thăng tiến của Lê Thanh Hải lên đến Bí thư Thành ủy, thì Vạn Thịnh Phát mới vươn chiêc vòi của mình đi khắp nơi để lũng đoạn cả hệ thống.
Bằng mọi cách, trong đó nguyên tắc "Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền" mà Năm Cam đã để lại, Vạn Thịnh Phát đã thành công trong việc quy hàng hầu hết mọi ban ngành, mọi chức vụ của hệ thống tham nhũng hiện tại. Việc các đoàn Thanh tra, và nhất là "mua sỉ" cả đoàn Thanh tra của Ngân Hàng nhà nước là một ví dụ điển hình cho phương cách thành công của Vạn Thịnh Phát.
Thế rồi bỗng nhiên Vạn Thịnh Phát bị vỡ toang khi Trương Mỹ Lan và đồ đệ bị bắt hàng loạt. Như trên đã nói, việc bắt bớ này, không hẳn là để "chống tham nhũng" mà vì "Không thể không làm được, vì nó đã rõ quá rồi, nó đã thành xu thế rồi, thành phong trào rồi" (Nguyễn Phú Trọng).
Điều người ta thấy rất rõ, là ở đây, cơ quan điều tra chỉ mới bắt một số trong những đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, ở đó, cục trưởng Thanh Tra nhận 5,2 triệu đô la là điển hình. Nhưng hệ thống này đâu chỉ có chừng đó với một tập đoàn đã hoành hành giữa Sài Gòn hơn chục năm qua.
Bởi chỉ riêng phía Thanh tra, thì hệ thống này không chỉ có Thanh tra của Ngân Hàng Nhà nước. Mà còn hàng loạt các cơ quan khác như : Thanh tra Chính phủ ; Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương ; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh… Và đừng nói rằng hệ thống Thanh tra này không làm việc trong cả hơn chục năm qua.
Không chỉ có Thanh tra, hệ thống công an, an ninh kinh tế, an ninh nội bộ, an ninh chính trị, cảnh sát đủ thứ và đủ mọi loại kiểm sát, cơ quan bảo vệ luật pháp đầy rẫy, nhằng nhịt đến mức vài bà bán rau không kịp hối lộ, chung chi lập tức bị thu quang gánh.
Vậy mà cả hệ thống từ thấp đến cao này đã thúc thủ trước quái vật Vạn Thịnh Phát, và không chỉ một năm mà cả hơn chục năm trời.
Thế rồi, khi Ngân hàng SCB bị thối, và những ung nhọt trong đó, với hơn 42.000 khách hàng là nạn nhân đã không yên tâm, họ hốt hoảng với tài sản của mình, thì lẽ ra, hệ thống công an, báo chí, quan chức… phải bảo vệ người dân, bảo vệ quyền lợi, tài sản của họ. Thế nhưng, ngược lại, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để lại một lần nữa hùa với Vạn Thịnh Phát tiếp tục trấn áp, lừa đảo người dân.
Thậm chí, những ai đưa tin về sự thật là người dân đang đổ xô đến Ngân hàng SCB để rút tiền, lập tức bị phạt 7,5 triệu đồng cho một hình ảnh, một statute về sự thật ấy. Từ Nam ra Bắc, bao nhiêu người đã bị chính hệ thống công an, quan chức phạt tiền vì đã dám đưa sự thật.
Khốn nạn hơn, hầu như toàn bộ hệ thống báo chí đã được lệnh đồng loạt nhảy vào trò lừa đảo toàn dân. Trước tình hình người dân đổ xô đi rút tiền từ SCB, thì ngày 12/10/2022 hàng loạt các tờ báo đăng tin : "Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tình hình tại SCB đã ổn định hơn, có gần 6.000 tỷ đồng gửi vào SCB trong ngày 12/10, tăng mạnh so với mức 1.600 tỷ đồng trước đó". Rồi chừng như con số đó chưa đủ để trấn an, thực chất là lừa đảo người dân, ngày 13/10/2022 các báo lại đồng loạt đưa tin : "Cuối ngày 13/10, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Đến cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng".
Thế rồi, chừng như con bệnh quá nặng không thể giấu diếm, chỉ hai ngày sau đó, ngày 15/10/2022, Ngân Hàng SCB đã bị đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Và trò lừa đảo đã bị lộ.
Trò lừa đảo đã bị lộ, nhưng những kẻ lừa đảo mang danh cán bộ nhà nước, là báo chí, thì lại vẫn nhơn nhơn, còn người dân, lại khốn nạn bởi chính những điều là sự thật mà họ chứng kiến, họ lên tiếng.
Người ta không hề thấy vai trò của Nhà nước ở đâu trong vụ việc Vạn Thịnh Phát tác oai tác quái cả hơn chục năm qua, dù đã bị vạch mặt, chỉ tên cả chục năm trước đó. Để rồi nạn nhân lại chính là người dân.
Và người ta hiểu rằng, sâu xa của sự việc, là một hệ thống lừa đảo theo kiểu mafia.
Và sự lừa đảo đó, bắt nguồn chính từ cái danh hiệu tự xưng : "Nhà nước của dân, do dân, vì dân".
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/11/2023
************************
Vụ án Trương Mỹ Lan và nghi vấn ‘ô dù rất lớn’
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Trần Quốc Thuận, VOA, 25/11/2023
Bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể làm mưa làm gió gây thiệt hại lớn như vậy trong nhiều năm ‘không thể không có sự bao che của quan chức lớn’, các nhà quan sát từ trong nước nhận định với VOA sau khi bà Lan bị khởi tố trong vụ án ở ngân hàng SCB.
Bà Trương Huệ Vân, cháu gái bà Trương Mỹ Lan, đã bị công an bắt giữ để điều tra
Hôm 17/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã truy tố bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, thêm các tội ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’ sau khi bà đã bị truy tố hồi năm ngoái về tội ‘Lừa đảo’ trong việc phát hành trái phiếu.
Theo cáo trạng thì các tội danh này của bà Lan xảy ra ở SCB, ngân hàng mà bà Lan nắm quyền chi phối mà nhờ đó bà đã rút ruột hơn 1.066.608 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 64.000 tỉ đồng. Số tiền này là tiền SCB huy động từ người dân và doanh nghiệp khắp cả nước.
Cùng bị truy tố với bà Lan là 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ Ngân hàng Nhà nước, về nhiều tội khác nhau, trong đó có ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’, ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.
Một trong những cán bộ nhà nước cấp cao nhất bị truy tố là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước. Bà Nhàn bị đề nghị truy tố tội ‘Nhận hối lội’ vì đã nhận đến 5,2 triệu đô la từ bà Lan để bỏ qua những sai phạm của SCB trong quá trình thanh tra ngân hàng này. Cấp trên của bà Nhàn là ông Hoàng Văn Hưng, phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cũng nằm trong 86 người bị truy tố đợt đầu.
Có người chống lưng ?
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà quan sát đồng thời là blogger được biết đến với tên Ba Sàm nhận định với VOA rằng trong vụ này nhiều khả năng ‘có cán bộ ở cấp cao hơn chống lưng cho bà Lan làm bậy’.
Theo phân tích của ông Vinh thì bà Nhàn hay ông Hưng ‘chỉ là tép riu’ vì qua mấy chục năm bà Lan có nhiều hoạt động làm ăn lớn ở thành phố Hồ Chí Minh thì ‘người ta thừa thấy là có ô dù bảo kê thì bà mới tự tung tự tác như thế’.
"Toàn bộ hoạt động chiếm đoạt số tiền khủng khiếp thế này và được bỏ qua như thế này thì dù cho những người thanh tra có lợi dụng chức vụ quyền hạn gì đi nữa thì cũng không thể nào qua mặt được cấp trên của họ ở Ngân hàng Nhà nước", ông Vinh nói.
Ông đưa ra dẫn chứng là bà Lan đã bị ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải và là bị cáo trong một phiên tòa, khai ra cách nay gần 10 năm về mối quan hệ của bà với Thứ trưởng và Bộ trưởng Công an khi đó là các ông Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang. "Điều đó cho thấy thân thế bà ấy khủng khiếp đến thế nào", ông nói.
Tuy nhiên, mọi việc sau đó nhanh chóng chìm xuồng, vì nó đụng đến một lãnh đạo cấp cao mà không có chứng cứ, chỉ dựa hoàn toàn vào lời khai, ông Nguyễn Hữu Vinh giải thích.
"Tại sao từng đấy năm trời, nhiều người tham gia như thế, vi phạm như thế mà đến năm ngoái mới khởi tố, mới bắt bà Lan ?" ông Vinh đặt vấn đề.
Bà Lan bắt đầu rút ruột ngân hàng SCB kể từ khi ngân hàng này ra đời hồi năm 2012 trên cơ sở sáp nhập các ngân hàng đang chao đảo cho đến ngày 7/10/2022, tức là ngày bà Lan bị bắt để điều tra.
Do đó, các cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước ăn hối lộ của bà Lan ‘chỉ giúp bà Lan giải quyết một phần thô,i đó là bao che những vi phạm về nợ xấu, những vi phạm về việc cho vay vốn…’. Ngoài ra, những sai phạm khác của bà Lan cũng cần có người bao che, cũng theo lời blogger này.
Ông Vinh cho rằng hiện giờ người dân ‘đặt nghi vấn rất nhiều về vụ bà Lan’ cho nên nếu các nhà điều tra không đi đến tận cùng vấn đề thì ‘không thể nào giải đáp hết thắc mắc của người dân’.
"Cũng giống như các vụ đại án trước cũng thế, vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu cũng thế. Nếu không đi đến cùng thì người ta cứ hỏi trùm cuối là ai", ông Vinh cho biết.
Ông bày tỏ hy vọng vụ án sẽ được mở rộng điều tra hơn nữa, chẳng hạn như khi ra tòa các bị cáo sẽ khai ra thêm manh mối khiến tòa trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Còn nếu tòa chấp nhận kết quả điều tra này mà không đi tới thì ‘sẽ là đáng ngại’, cũng theo lời ông Vinh.
"Phải làm triệt để, làm đến cùng tất cả những thế lực nào đã bảo kê cho bà Lan trong vòng 30 năm qua để bà ấy có thể làm mưa làm gió ở thành phố Hồ Chí Minh", ông kêu gọi.
Tuy nhiên, ông Vinh nói ông ‘đánh giá cao’ việc chính quyền của Đảng cộng sản phanh phui một vụ án lớn và phức tạp như vụ bà Trương Mỹ Lan ra ánh sáng.
"Phải nói cho công bằng thì việc đưa ra khởi tố các đối tượng chỉ sau một năm thì đấy là một thành quả đáng ghi nhận", ông nói.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Hữu Vinh, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với VOA rằng bà Trương Mỹ Lan ‘chắc chắn có người chống lưng’.
"Trong một xã hội mà một con kiến bò qua cũng có thể biết được thì việc rút ruột số tiền cả triệu tỉ đồng trong thời gian dài thì không thể không biết được", luật sư Thuận lập luận và cho rằng người như bà Lan có thể ăn trên xương thịt của dân số tiền lớn như vậy ‘phải có thế lực đủ mạnh chống lưng’.
Theo lời ông, sở dĩ xảy ra tình trạng có doanh nhân bất lương như bà Lan là do ở Việt Nam ‘tổ chức bộ máy không hiệu quả, thiếu sự kiểm soát’.
"Phải có lực lượng nào đó có tiếng nói kiểm soát thì sẽ ngăn cản được những vụ việc như thế sớm hơn. Trong khi ở đây một người một chợ", ông Thuận nói với ý nói Đảng cộng sản Việt Nam một mình nắm trong tay tất cả quyền lực.
Ông đơn cử như Luật Đất đai mà vừa rồi đã được Quốc hội sửa nhưng không sửa quy định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý’. Ông cho rằng chính quy định này đã tạo kẽ hở cho những doanh nhân như bà Lan cấu kết với quan tham làm giàu.
"Nhà nước quản lý vậy Nhà nước là ai ? Là mấy ông cầm quyền chứ ai. Là ủy ban nhân dân các cấp, là các sở ngành. Một khi các ông quyết định quy hoạch thì đất nông nghiệp từ vài triệu một mét vuông bỗng tăng giá lên gấp trăm, gấp ngàn lần".
Nguồn : VOA, 25/11/2023
************************
Ba vấn đề liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát
Nguyễn Ngọc Chu, 23/11/2023
1
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát, về 3 tội : Tham ô tài sản ; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng ; Đưa hối lộ [1].
Trong khối tài sản kê biên của bà Trương Mỹ Lan có 1237 bất động sản [2]. Bà Trương Mỹ Lan là chủ của nhiều dự án bất động sản tại các khu đất vàng của Thành phố Hồ Chí Minh [3] như Times Square, Khách sạn Duxton, Union Square…
Câu hỏi là : Việc chuyển giao các khu đất vàng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tuân thủ theo đúng pháp luật chưa ? Có bỏ sót tội phạm trong lĩnh vực này không ? Hay là sẽ xem xét vấn đề này trong các trường hợp khác ?
2
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì trong vụ án Việt Á [4] số tiền thu lợi bất chính là 1 200 tỷ đồng, số tiền hối lộ là 106 tỷ đồng. Liên quan đến sai phạm trong vụ án Việt Á [5] đã phải xử lý đến 3 Ủy viên Trung ương Đảng. Vụ án Vạn Thịnh Phát có mức độ sai phạm lớn hơn rất nhiều so với vụ án Việt Á [6], đạt kỷ lục về hối lộ và thất thoát, nhưng chưa thấy cán bộ cấp cao nào bị liên đới. Chỉ riêng Dự án di dời công năng cảng Sài Gòn, theo lời khai của ông Dương Chí Dũng, thì bà Trương Mỹ Lan đã qua ông Dương Chí Dũng để chuyển đến cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ 1 triệu USD [7].
Mức độ sai phạm rất lớn của vụ án Vạn Thịnh Phát mà chỉ liên quan đến cấp vụ trưởng, cục trưởng [5] thì có bình thường không ?
3
Luật pháp ban ra thì rõ ràng, không thể tùy tiện theo quan điểm của người xét xử. Đã nhận tiền thì phải có nguyên do. Làm sao có thể xác định được nhận tiền mà "không có động cơ", "không cam kết làm gì có lợi cho bên đưa tiền"… Ông Chu Ngọc Anh mấy tháng mà không nhớ túi quà, khi chuyển nhà mới phát hiện ra, thì làm sao chứng minh được có cam kết ?
Cho nên,
"Người nhận ít, không có động cơ ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà ; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính" [8].
Không phải "có lý có tình" mà đã vận dụng không đúng Luật pháp. Đã có tội thì chiếu theo Luật [9] mà xử, tại sao lại "không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính" ?
Các thầy cô giáo giảng dạy về Luật sẽ giải thích ra sao cho sinh viên về "nhận tiền mà không có động cơ, không cam kết làm lợi cho người đưa tiền" ?, "không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính" ? Đây có phải là điểm mới khác biệt của của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa ?
Các vị Đại biểu quốc hội đang tham gia Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV không biết có thời gian để lưu tâm đến các vấn đề nêu trên ?
Nhân dân nhiệt liệt ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Nhà nước. Càng mong muốn không bỏ sót tội phạm.
Nguyễn Ngọc Chu
Nguồn : fb.chu.nguyenngoc, 23/11/2023
Tài liệu dẫn
[1] https://vnexpress.net/them-72-nguoi-lien-quan-dai-an-van...
[2] https://tuoitre.vn/ke-bien-hang-ngan-bat-dong-san-du...
[3] https://vietnamnet.vn/kinh-ngac-nhung-khu-dat-vang-cua...
[4]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-viet-a-vi-sao-co... .
[5] https://vnexpress.net/23-cuu-lanh-dao-bi-khoi-to-lien...
[6] https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-la-ky-luc-ve-hoi-lo...
[7] https://tuoitre.vn/nhung-loi-khai-chan-dong-cua-duong-chi...
[8] https://vnexpress.net/mientrach-nhiem-hinh-su-nguoi-khong...
[9] https://thuvienphapluat.vn/.../toi-nhan-hoi-lo-theo-quy...