Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/11/2023

COP28 vừa khai mạc tại Dubai : những vấn đề đặt ra

Nhiều tác giả

COP28 tại Dubai : Những nghi vấn về xung đột lợi ích

Thùy Dương, RFI, 30/11/2023

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Khí hậu COP28 hôm nay 30/11/2023 khai mạc tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, với sự tham gia của đại diện 196 nước. Đến dự COP28 không chỉ có 140 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, mà còn có các nhà thương lượng, các tác nhân kinh tế, đại diện của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của giới trẻ, các tôn giáo, giới khoa học …

cop1

Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP28 diễn ra tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, từ 29/11 đến 12/12/2023. AP - Rafiq Maqbool

COP28 được xem là có vai trò hết sức quan trọng, bởi các nước sẽ phải đàm phán về văn bản "tổng kết thế giới" về khí hậu, tổng kết, đánh giá các biện pháp đã được thực hiện cho đến nay, cùng với các mục tiêu cho những năm sắp tới. Trên cơ sở này, đến năm 2025, mỗi nước sẽ đề xuất các kế hoạch hành động quốc gia để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo La Croix ngày 29/11/2023, năm nay, rất có thể mục tiêu xóa bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) sẽ thành tâm điểm các cuộc tranh luận. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có dầu khí, là nguồn tăng khí gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cũng có một số nước, chủ yếu là các nước phát triển về công nghiệp dầu khí, trong đó có Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, lại muốn tập trung vào biện pháp thu hồi và lưu trữ carbon, trước khi tính đến chuyện ngừng sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, cho dù công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon vẫn chưa thể được xem là đã hoàn thiện và có thể triển khai trên quy mô lớn.

Một trong những thách thức lớn khác của COP28 là tiến tới việc lập "Quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại", dùng nguồn tiền đóng góp của các nước giàu nhất để hỗ trợ cho các nước dễ bị tổn thương nhất, các nước phải gánh chịu thảm họa khí hậu. "Quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại" đã được thông qua tại hội nghị COP27 nhưng vẫn còn nhiều bất đồng về cách triển khai : Ai sẽ phải chi tiền ? Nước nào được thụ hưởng ? …

Nhiều nước phát triển, trong đó có Liên Âu, đang kêu gọi các nước mà theo tiêu chí cũ của Liên Hiệp Quốc vẫn được xem là các nước "đang phát triển", như Trung Quốc, hay các nước sản xuất dầu lửa, đóng góp vào "Quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại". Quả thực, về lý thuyết, nhờ vị thế nước đang phát triển, Trung Quốc chưa bắt buộc phải đóng góp, nhưng theo trang mạng Lalibre của Bỉ, hôm 21/11/2023, Wopke Hoeksra, ủy viên Châu Âu về khí hậu đã nhấn mạnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên là nước đóng góp chứ không phải nước thụ hưởng "Quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại", bởi vì quỹ này chủ yếu để hỗ trợ khả năng thích ứng của một quốc gia khi phải gánh chịu thảm họa khí hậu. 

Theo La Croix, dựa vào số liệu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 6 trong top 10 nước sản xuất đầu lửa lớn nhất toàn cầu, trên cả Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, Iran, Brazil và Koweit. AFP dẫn số liệu của Viện nghiên cứu Potsdam thu thập qua công cụ Climate Watch, cho biết năm 2021, Trung Quốc đã thải ra 14,3 tỉ tấn khí CO2, nhiều nhất thế giới, hơn cả Mỹ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 50% tổng lượng khí CO2 Trung Quốc thải ra là do sử dụng than đá. Hiện giờ, 60% tổng sản lượng điện của Trung Quốc là điện than.

Tại sao COP28 được tổ chức tại Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất ?

Nhiều người hoài nghi về thành công của COP28, nhất là khi hội nghị khí hậu lại được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, nước sản xuất nhiều dầu lửa thứ 7 trên thế giới, sau Mỹ, Saudi Arabia, Nga, Canada, Irak và Trung Quốc. Không những vậy, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất vẫn luôn có tham vọng tăng sản lượng dầu thô.

Nhưng tại sao Dubai lại được chọn làm nơi tổ chức COP28 ? Báo La Croix ngày 13/10/2023 giải thích COP, tên viết tắt của "Conference of parties", Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về chống Biến đổi khí hậu, diễn ra hàng năm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Quốc gia đảm trách chức chủ tịch COP cũng là nước tổ chức các cuộc thảo luận, được chỉ định lần lượt, theo thứ tự đã được xác định phân bổ theo 5 châu lục được Liên Hiệp Quốc công nhận : Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ La-tinh và vùng Caribê, Tây Âu mở rộng và Đông Âu. Trong mỗi nhóm quốc gia, các nước phải đạt thỏa thuận về một ứng viên. Hồ sơ ứng viên sau đó sẽ phải được đệ trình và phải được sự chấp thuận của ban thư ký Liên Hiệp Quốc về biến bổi khí hậu. Chẳng hạn như vào năm ngoái, Ai Cập là nước duy nhất trong nhóm các nước Châu Phi đệ trình hồ sơ tổ chức COP.

Một trong số các điều kiện là thành phố đăng cai COP phải có khả năng tiếp đón một sự kiện quốc tế quy mô lớn. Theo ước tính, Dubai năm nay sẽ đón 80.000 khách đến COP28. Và đương nhiên thành phố đó phải có khả năng tài chính, bởi chi phí tổ chức một sự kiện lớn đến như vậy lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu euro.

Năm nay, trong nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương, hồ sơ của của Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất đã đạt được sự đồng thuận. Hàn Quốc từng ra ứng cử, nhưng sau đó đã rút lui. Đây cũng không phải lần đầu tiên hội nghị khí hậu COP được tổ chức tại Vùng Vịnh : Hồi năm 2012, COP đã diễn ra tại Qatar.

Chiến lược gây ảnh hưởng đằng sau mục tiêu khí hậu

Đối với Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, theo La Croix, việc đăng cai tổ chức COP28 là một chiến lược : Quốc gia vùng Vịnh này muốn hiện diện như một tác nhân lớn trên trường quốc tế, đề cao các đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng, nhưng vẫn kín đáo bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp dầu lửa của họ.

Về cuộc chiến tìm kiếm, mở rộng ảnh hưởng, trên đài RFI Pháp ngữ ngày 24/11, nhà nghiên cứu David Amsellem, thành viên của Géode, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành chuyên về các vấn đề chiến lược và địa chính trị của cuộc cách mạng kỹ thuật số, lãnh đạo Đài quan sát thế giới mạng bằng tiếng Ả rập, nhấn mạnh đăng cai COP28 là chiến lược của Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất để trở thành tâm điểm cuộc chơi, là cơ hội tập hợp các lãnh đạo có thế lực nhất thế giới về Dubai.

Chuyên gia David Amsellem nhấn mạnh, cho dù nước tổ chức COP không phải nước đưa ra các giải pháp, mà họ chỉ đề xuất và và tham gia thảo luận như mọi thành viên khác, quyết định vẫn là của cả tập thể, nhưng dẫu sao đây cũng là một đòn bẩy giúp Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế và và củng cố vị thế trong khu vực, trước các đối thủ như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar …

Khi El Jaber đóng hai vai trái ngược nhau

Từ tháng Giêng 2023, việc ông El Jaber được chỉ định làm chủ tịch COP28 làm dấy lên trong giới bảo vệ môi trường khí hậu những hoài nghi về thành công của hội nghị. Đó là bởi El Jaber không chỉ là bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, mà còn là chủ nhân ADNOC - công ty dầu khí quốc gia và cũng là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác dầu lửa và có khả năng sản xuất hơn 4% lượng dầu lửa giao thương trên thị trường thế giới (theo L’Obs ngày 23/11). Nhiều người xem việc để chủ công ty dầu khí ADNOC làm chủ tịch COP chẳng khác gì là "gửi trứng cho ác". Dân biểu Pháp Manon Aubry thì xem đó "cứ như thể một tập đoàn thuốc lá đa quốc gia giám sát công việc nội bộ của Tổ chức Y Tế Thế Giới".

Trả lời AFP, Kaisa Kosone, điều phối chính trị của tổ chức Greenpeace International, lo ngại việc ông El Jaber đóng hai vai trái ngược nhau như vậy có thể gây nguy cơ "xung đột lợi ích". Ba ngày trước khi khai mạc COP, theo HuffingtonPost, ông El Jaber đã bị cáo buộc "lợi dụng" COP28 để mở rộng thị trường dầu khí cho công ty ADNOC.

Đài BBC dựa trên khoảng 150 trang tài liệu do các phóng viên độc lập là thành viên Trung tâm CCR (Center for Climate Reporting) cung cấp và khẳng định tính xác thực, tiết lộ là trước thềm COP28, EL Jaber đã có các buổi làm việc với chính phủ của ít nhất 27 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhằm cùng đánh giá cơ hội khai thác khí hỏa lỏng (DNL) tại Mozambique, Canada và Úc. Một tài liệu khác cho thấy ông El Jaber dường như gợi ý với một vị bộ trưởng Colombia rằng công ty ADNOC của ông sẵn sàng giúp đỡ các nước phát triển nguồn năng lượng hóa thạch.

Chủ công ty dầu khí ADNOC được biết đến là người cổ vũ mạnh mẽ cho giải pháp phát triển công nghệ để thu hồi và lưu trữ các khí gây biến đổi khí hậu, nhất là carbon, thay vì giảm khai thác dầu hoặc tìm cách giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Giới bảo vệ môi trường khí hậu lo ngại giới dầu khí, dĩ nhiên trong đó có ADNOC, dùng giải pháp thu hồi và lưu trữ khí thải làm cái cớ để trì hoãn việc từ bỏ các loại nhiên loại hóa thạch. Những lo ngại trên không phải vô cớ, bởi công ty ADNOC của El Jaber vẫn đang tìm cách tăng sản lượng dầu thô từ 3 triệu thùng/ngày trong năm 2016 lên thành 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Thùy Dương

**************************

COP28 : Khai mạc Hội nghị Khí hậu "quan trọng nhất" kể từ Paris 2015

Trọng Thành, RFI, 30/11/2023

Hôm nay, 30/11/2023, tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhật, hội nghị khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (COP28) khai mạc. Tham dự hội nghị kéo dài hai tuần lễ này có lãnh đạo của khoảng 180 quốc gia. Nước chủ nhà và Liên Hiệp Quốc hy vọng đây sẽ là một Hội nghị Khí hậu có ý nghĩa lịch sử, tương tự như Hội nghị Khí hậu Paris năm 2015.

cop2

COP28 tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, ngày 30/11/2023. AP - Peter Dejong

Theo lãnh đạo về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell, đây là "Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc quan trọng nhất kể từ Paris 2015. Cộng đồng quốc tế sẽ phải đạt được những bước tiến khổng lồ, trong bối cảnh chúng ta mới chỉ tiến được các bước nhỏ." Theo AFP, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, quốc gia thứ hai ở vùng Vịnh đăng cai Hội nghị Khí hậu sau Qatar, dự kiến tiếp đón tổng cộng hơn 97.000 người dự hội nghị (bao gồm phái đoàn các nước, giới truyền thông, ban tổ chức, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động hành lang, các kỹ thuật viên…), tức nhiều gấp hơn hai lần so với COP27.

Thông tín viên Nicolas Keraudren từ Dubai cho biết thêm về tình hình tại chỗ :

"Tham vọng của nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất cũng là biến hội nghị này thành một sự kiện đại chúng. Chẳng hạn như tại Dubai, từ nhiều ngày nay, các xe buýt của thành phố đã chuyển sang màu xanh, màu của COP28. Các doanh nghiệp địa phương cũng tranh thủ cơ hội để quảng cáo với biểu tượng của COP28. Trên biểu tượng hình cầu này, có hình ảnh những con người, các loài thú vật như lạc đà, hay các tấm pin mặt trời. 

Ngoài hơn 100.000 người được cấp giấy chính thức dự hội nghị, theo ban tổ chức, COP28 dự kiến mở cửa cho khoảng 400.000 người dân. Công chúng có thể tham gia vào nhiều hoạt động được, tổ chức bên lề các cuộc đàm phán, như hòa nhạc, triển lãm, hay hội thảo. Để tham gia, chỉ cần đặt chỗ miễn phí trên mạng. 

COP28 được tổ chức tại nơi đã diễn ra Triển lãm Thế giới 2021, do Các Tiểu Vương Quốc Ả rập đăng cai. Theo số liệu chính thức, sự kiện này đã thu hút khoảng 24 triệu khách".

Phó tổng thống Mỹ dự COP28

Về sự tham gia của Hoa Kỳ, Washington thay đổi kế hoạch vào giờ chót. Hôm qua, 29/11, Nhà Trắng ra thông báo cho biết "tổng thống đã yêu cầu phó tổng thống Kamala Harris thay mặt ông dự COP28, để thể hiện vị thế lãnh đạo của nước Mỹ về khí hậu". Phó tổng thống Harris sẽ tới Dubai vào ngày mai, 01/12, ngày thứ hai của hội nghị.

Cũng tại Dubai, trả lời báo giới hôm qua, đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải thứ hai và thứ nhất thế giới (với 40% tổng lượng khí thải toàn cầu), đã "quyết định phối hợp các nỗ lực cho sự thành công của COP28", bởi "không có hành động kiên quyết của Trung Quốc và Mỹ, thế giới sẽ không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này".

Đặc phái viên khí hậu Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy để nội dung "tăng tốc từ bỏ sử dụng các năng lượng hóa thạch mà không có các phương tiện thu giữ khí thải CO2 (unabated)" được ghi vào Tuyên bố chung của COP28.

Trọng Thành

*****************************

"Tương lai của năng lượng hóa thạch" : Chủ đề trọng tâm của COP28

Trọng Thành, RFI, 30/11/2023

Hội nghị Khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc tại Dubai, khai mạc hôm nay, 30/11/2023, dự kiến tập trung ngày từ đầu vào vấn đề các năng lượng hóa thạch, bị điểm mặt là thủ phạm chính của biến đổi khí hậu. Theo AFP, COP28 sẽ đưa ra quyết định lớn đầu tiên về "đền bù tổn thất" do biến đổi khí hậu, để dồn sức cho các chủ đề quan trọng khác.

cop3

Ảnh minh họa : Một giàn khoan dầu khí trên biển. Joe Raedle/Getty Images/AFP

Người phụ trách về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell, hôm nay hối thúc thế giới khẩn trương bước vào "giai đoạn cuối cùng của kỷ nguyên năng lượng hóa thạch". Ông nhấn mạnh : "Nếu chúng ta không đưa ra tín hiệu là kỷ nguyên năng lượng hóa thạch sắp kết thúc có nghĩa là chúng ta đang chuyển bị cho sự cáo chung của chính chúng ta".

Kêu gọi của chủ tịch COP28 về "năng lượng hóa thạch"

Về phần mình, chủ tịch COP28, ông Sultan al-Jaber, nhấn mạnh phải đưa vấn đề "vai trò của các năng lượng hóa thạch" vào văn bản dự thảo thỏa thuận. Theo AFP, việc chức vụ chủ tịch COP28 do lãnh đạo tập đoàn khí đốt Adnoc, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất đảm nhiệm, gây nhiều hoài nghi. Về vấn đề này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định, việc quốc gia sản xuất dầu khí tốp đầu thế giới này làm chủ tịch COP28 có thể là một cơ hội thuận lợi cho phép cộng đồng quốc tế đi đến được một thỏa thuận về mục tiêu rời bỏ năng lượng hóa thạch, bởi chủ tập đoàn khí đốt Adnoc có khả năng thuyết phục "các đồng nghiệp trong ngành năng lượng hóa thạch".

AFP cũng cho biết, trong hai ngày cuối tuần 02 và 03/12, COP28 dự kiến sẽ đưa ra hàng loạt cam kết về khí hậu, đặc biệt là tăng gấp ba năng lượng tái tạo trước 2030, hoặc các nước giàu tăng hỗ trợ cho các nước dễ tổn thương nhất. Tăng vọt sản lượng năng lượng tái tạo, hay gia tăng mạnh việc tiết kiệm năng lượng dự kiến sẽ là các chủ đề dễ đạt đồng thuận. Ngược lại, triển vọng đạt một thỏa thuận hướng đến từ bỏ năng lượng hóa thạch là rất thấp.

Theo Reuters, từ bỏ năng lượng hóa thạch, và cam kết cắt giảm mạnh than, dầu, khí là các chủ đề gai góc nhất. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu muốn thỏa thuận COP28 ghi rõ mục tiêu chấm dứt năng lượng hóa thạch, trong lúc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) không đạt được đồng thuận, và một số quốc gia như Nga kiên quyết chống lại.

Đối đầu gia tăng giữa các nhóm nước trong bối cảnh căng thẳng địa-chính trị

Các thảm họa do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng dồn dập tại khắp các châu lục đang buộc cộng đồng quốc tế nhanh chóng đi đến các thỏa hiệp. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng gây chia rẽ hiện nay là một trở lực lớn. Đặc phái viên Jeanne Richard từ Dubai cho biết thêm :

"Tình hình hiện tại rõ ràng đòi hỏi phải khẩn cấp đạt đồng thuận, nhưng với các cuộc chiến tranh tại Ukraina và Gaza hiện nay, Liên Hiệp Quốc đang trải qua khủng hoảng uy tín. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thương lượng về môi trường theo ông Sebastien Treyer, giám đốc Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế - IDDRI, "Tiếng nói của Hội Đồng Bảo An, các cơ quan Liên Hiệp Quốc về Gaza không được lắng nghe, cơ chế đa phương quốc tế hiện tại đang rất bất lực."

Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện IDDRI cũng ghi nhận sự gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia, cũng như trong nội bộ các quốc gia, và đặc biệt là, giữa các khối nước, các kênh đối thoại đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Ông nói : "Chúng tôi nhận thấy có sự đối đầu giữa các nhóm nước tại COP28, khiến hội nghị này đặc biệt khó khăn. Tôi hy vọng là chúng ta có thể tránh được việc tái diễn cuộc đối đầu giữa các nước phương Tây chống lại các nước phương Nam, khiến tình hình lâm vào bế tắc. Nếu chúng ta không đạt được kết quả, các nước phương Bắc sẽ bị lên án".

Trọng Thành

****************************

Ông Phạm Minh Chính đến Dubai dự COP28 bàn về giảm phát thải

RFA, 30/11/2023

Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) về Biến đổi khí hậu (COP28) chính thức khai mạc tại Dubai thuộc Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào trưa ngày 30/11.

cop4

Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị  

Hội nghị dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 12/12 tới đây ; tuy nhiên theo thực tế của các kỳ hội nghị trước, nếu các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ, hội nghị có thể kéo dài thêm.

Phái đoàn của Việt Nam tham dự COP28 do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu. Ông Chính sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong hai ngày bắt đầu từ ngày 1/12. Khoảng 140 nguyên thủ và thủ tướng chính phủ các nước sẽ tham dự và trình bày kế hoạch chống biến đổi khí hậu của quốc gia họ.

Đối với Việt Nam, tại COP28, một kế hoạch chi tiết về phương thức sử dụng 15,5 tỷ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn sẽ được chính thức công bố.

Chín nước công nghiệp phát triển trên thế giới đồng ý cung cấp khoản tài trợ 15,5 tỷ USD giúp cho Việt Nam chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào điện than và nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo theo chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT).

Tại COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương Quốc Anh vào ngày 1/11/2021 Thủ tướng chính phủ Hà Nội Phạm Minh Chính đưa ra cam kết với cộng đồng quốc tế đến năm 2050 Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0.

RFA, 30/11/2023

******************************

COP28 Dubai : Trung Quốc và Mỹ gây khí thải nhiều nhất trên thế giới, nguyên thủ đều vắng mặt

Thanh Hà, RFI, 29/11/2023

Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Joe Biden cùng vắng mặt tại Hội Nghị Khí Hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc. COP28 mở ra từ ngày 30/11-12/12/2023. Phó tổng thống Kamala Harris cùng với đặc sứ của tổng thống Biden về khí hậu, John Kerry dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Bắc Kinh hiện tại mới chỉ thông báo về sự hiện diện của đặc phái viên Trung Quốc về môi trường Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua).

cop5

Nhà máy nhiệt điện than Guohua hoạt động giữa những người bán đồ trên đường phố ở Định Châu, Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, ngày 10/11/2023 / AP - Ng Han Guan

Giới quan sát lấy làm tiếc là lãnh đạo hai nền kinh tế gây ô nhiễm nhất trên thế giới đều vắng mặt tại sự kiện quan trọng này. Một số người đặt câu hỏi phải chăng sự vắng mặt đó là một hình thức "hợp tác" Mỹ-Trung về khí hậu mà nguyên thủ hai nước đã cam kết nhân thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình hôm 15/11/2023 tại San Francisco ?

Chỉ thua có Trung Quốc, Hoa Kỳ là nguồn phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính thứ nhì trên thế giới. Năm 2021 Mỹ góp phần hâm nóng trái đất khi thải ra 6,28 tỷ tấn CO2, theo thẩm định của Viện Nghiên Cứu Posdam về biến đổi khí hậu. Giao thông vận tải là "thủ phạm chính" thải đến 28% CO2, kế tới theo thứ tự là các hoạt động của các nhà máy điện (25%), công nghiệp (23%), các hoạt động thương mại và của tư nhân (13%) và cuối cùng là do lĩnh vực nông nghiệp gây nên. Để sản xuất điện lực bảo đảm nhu cầu cho cỗ máy sản xuất đồ sộ của Hoa Kỳ và cho tư nhân, 60% các nhà máy điện sử dụng khí đốt, 20% dùng than đá. Năng lượng tái tạo và hạt nhân vẫn còn chiếm một vị trí khiêm tốn với 21,5% và 18%.

Năm 2021 khi lên cầm quyền tổng thống Biden cam kết đến năm 2030 Mỹ sẽ giảm 50% khí thải làm hâm nóng trái đất so với thời điểm 2005. Washington liên tục ban hành nhiều kế hoạch đầu tư vì mục tiêu này. Nhưng một báo cáo gần đây của Chương trình bảo vệ môi trường PNUE của Liên Hiệp Quốc, nhận định là Washington sẽ bị chậm trễ so với lộ trình tổng thống Joe Biden đã đề ra. Trong trường hợp khả quan nhất, đến 2030 Mỹ sẽ giảm được từ 32 đến 42% CO2 so với thời điểm 2005.

Trung Quốc vẫn "nghiện" than đá

Cũng thời điểm 2021 lượng CO2 Trung Quốc thải ra cao hơn gấp 2 lần so với của Hoa Kỳ. Hơn một nửa trong số 14,3 tỷ tấn carbon là do các nhà máy điện than của nước này gây nên. 60% nguồn điện của công xưởng thế giới này có được là nhờ than đá. 

Trung Quốc có nhiều nhà máy, công xưởng, nên đây là nguồn thải đến 36% CO2. Cũng vì là nạn nhân đầu tiên từ ô nhiễm không khí nên Trung Quốc đã tăng tốc tiến trình chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng gió và mặt trời, thủy điện ...) 

Năm 2020 Bắc Kinh cam kết giảm thiểu lượng khí thải carbon từ nay đến 2030 và nhất là đến ngưỡng 2060 thì sẽ đạt mức "quân bình" carbon tức là lượng thải ra và khả năng hâp thu carbon sẽ ngang bằng nhau.

Thanh Hà

****************************

COP28 : Loại bỏ năng lượng hóa thạch, kịch bản còn xa vời

Thanh Hà, RFI, 30/11/2023

Một trong những trọng tâm của Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP28 Dubai là bàn về "nguyên tắc ra khỏi năng lượng hóa thạch". Thế mà nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất là nước sản xuất dầu hỏa lớn thứ 7 thế giới, còn lãnh đạo tập đoàn dầu lửa quốc gia Abu Dhabi National Oil lại giữ chức chủ tịch COP28. 

cop6

Một nhà máy lọc dầu của hãng BP tại Gelsenkirchen, Đức, ngày 24/10/2023. AP - Martin Meissner

Hai tuần lễ từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 là thời gian quá ngắn ngủi để tìm ra đồng thuận giữa hơn 190 phái đoàn đại diện các quốc gia, các tổ chức bảo vệ môi trường trên vấn đề năng lượng hóa thạch. Khoảng 75% khí thải gây hiệu ứng lồng kính trên thế giới là từ than đá, dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là nguồn bảo đảm đến 80% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của hành tinh chúng ta. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chứng minh năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính làm hâm nóng Trái đất. Năm 2023 cũng là năm nóng nhất trên thế giới kể từ 1900 đến nay. So với thời điểm 1992, năm diễn ra hội nghị khí hậu Rio, lượng khí thải carbon trên toàn cầu đã tăng 75%.

Bất chấp những tín hiệu báo động đỏ ấy, quốc tế vẫn như một con thiêu thân lao vào năng lượng hóa thạch, bởi đơn giản là nhân loại chưa thể "cai nghiện" than đá hay dầu khí. Theo một nghiên cứu được công bố tháng 6/2023, trong năm 2023, tổng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ước tính lên tới 528 tỷ đô la chỉ riêng cho các khâu khai thác và sản xuất. Con số này như vậy cao hơn mức của năm 2022 đến 11% và là mức cao nhất kể từ 2015, tức là từ hội nghị COP21 tại Paris, khi cộng đồng quốc tế cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng lồng kính.

Vài ngày trước hội nghị COP28, Cơ Quan Năng Lượng Quốc tế AIE báo động trong năm 2022-2023 nhiều nước trên thế giới đã thông qua hơn 400 dự án đầu tư, mở rộng các hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt, bất chấp những lời kêu gọi hạn chế sử dụng và thu hẹp vai trò của các loại năng lượng hóa thạch nhằm đạt mục tiêu "trung hòa carbon" vào ngưỡng 2050. Quốc tế đã "không ngần ngại cấp khoảng 1.000 tỷ đô la" hỗ trợ cho ngành dầu khí, với hy vọng giá xăng dầu không đè quá nặng lên mãi lực của người tiêu dùng.

Theo các dữ liệu thống kê của cơ quan tư vấn Rystad Energy, 58 quốc gia đã cấp giấy phép cho 437 dự án đầu tư, trong đó bao gồm cả các dự án của các công ty tư nhân và nhà nước, 60% trong số đó liên quan đến các chương trình khai thác dầu hỏa, 40% còn lại là các kế hoạch phát triển khí đốt. Điểm đến của các chương trình nói trên tập trung vào Qatar, Saudi Arabia, Brazil, Hoa Kỳ và nước chủ nhà COP28 là Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống nhất. Cùng lúc, cũng theo tổ chức này, "nhiều tập đoàn năng lượng Châu Âu như Shell, BP hay TotalEnergies thông báo giảm mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi năng lượng"

Làm thế nào giải thích hiện tượng nói trên ? Giới trong ngành đồng loạt cho rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục đầu tư vào năng lượng hóa thạch bởi vì nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa từ nay đến giữa thế kỷ 21. Tổ chức OPEC quy tụ các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, dự phóng đến ngưỡng 2045, nhu cầu tiêu thụ vàng đen để phục vụ cho các nhà máy, cho sinh hoạt của người dân sẽ còn tăng thêm 17% so với thời điểm hiện tại. Như tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Shell Wael Sawan ghi nhận "thế giới vẫn còn rất khát dầu".

Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa của thế giới trong năm nay sẽ "đạt mức kỷ lục" với khoảng hơn 102 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức là còn cao hơn cả đỉnh điểm 2019 trước đại dịch Covid.

Francis Perrin, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS đặc trách về năng lượng ghi nhận, những dự báo nói trên càng "châm thêm củi lửa" thúc đẩy các nhà sản xuất đẩy mạnh đầu tư. 

Thêm một lý do khác khiến năng lượng hóa thạch vẫn còn có sức "thu hút cao", đó là năng lượng tái tạo vẫn chưa "cất cánh". Sau giai đoạn phấn khởi ban dầu, các nhà sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong 2 năm trở lại đây liên tục phải đối mặt với lãi suất ngân hàng tăng cao, giá các nguyên liệu (đất hiếm, đồng …) để sản xuất các trang thiết bị không ngừng tăng : nhiều dự án "năng lượng xanh" bị chậm trễ, thậm chí là bị bỏ dở. Tập đoàn Orsted của Đan Mạch và Iberdrola của Tây Ban Nha đã rút khỏi các dự án tại Mỹ. Hãng Vattenfal của Thụy Điển bỏ dở dự án lắp đặt cánh quạt điện Biển Bắc với các đối tác Anh. Từ hội nghị khí hậu Paris2015 đến hội nghị Dubai2023, tương lai tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch chưa khi nào mù mịt như hiện tại.

Cuối cùng, năng lượng hóa hoạch không lo sớm bị khai tử vì ngay cả những quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ hay Canada cũng đã không ngần ngại cấp giấy phép cho các dự án khai thác dầu khí. Hơn thế nữa, như trên tất cả mọi hồ sơ lớn liên quan đến vận mệnh toàn cầu, còn có các yếu tố địa chính trị, nhất là vào thời điểm các nước đang nghèo bị "khủng hoảng niềm tin" trước thái độ đạo đức giả và "bủn xỉn" của các nước phát triển phương Tây.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 30/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Trọng Thành, Thanh Hà, RFA,
Read 127 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)