Tuệ Sỹ
Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch.
Ít khi một nhà tu ẩn dật, qua đời được nhiều người người nhắc tới như vậy.
Bởi vì trong một xã hội băng hoại, nhân phẩm đổ nát, ít có cơ hội được ca ngợi một người tốt, một tia sáng, một đôi chút hy vọng.
Nói về một người đáng kính cũng là một nhu cầu. Đó là một cách trấn an cho chính mình : đất nước chưa hoàn toàn bệ rạc, bởi vì còn những người như Tuệ Sỹ. Một cách khuyến khích cho những người còn nước còn tát.
Ở đây, tôi mạo muội dùng chữ Tuệ Sỹ trống không, như người ta viết về một nhà văn : Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử... Bởi vì sinh thời, một người nhiều tình cảm, suy tư như ông, chắc muốn viết văn, làm thơ hơn cả.
Tuệ Sỹ tượng trưng cho tất cả những gì đã mất ở xã hội Việt Nam, nhất là nhân phẩm con người.
Tuệ Sỹ là một nhà chân tu trong một thời mạt pháp, bên cạnh những hòa thượng, đại đức công an, thuộc kinh Hồ Chủ Tịch hơn khinh Phật.
Tuệ Sỹ sống thanh đạm, bên cạnh các thầy chùa quốc doanh lên xe xuống ngựa, vạt núi, xẻ rừng, phá hủy thiên nhiên để xây những ngôi chùa vĩ đại, kệch cỡm, thô bạo để kinh tài.
Trong một thời đại hỗn mang, dân lầm lẫn tôn giáo với mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh là chuyện làm ăn thịnh vượng nhất.
Tuệ Sỹ là trí thức thứ thiệt giữa một băng đảng ngụy trí thức. Hoặc bằng cấp giả, hoặc bằng cấp có được nhờ học thuộc lòng, nhưng quay mặt trước thảm trạng xã hội để được yên thân, để khỏi mất đôi chút bổng lộc. "Sĩ khí rụt rè, gà khải cáo. Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi", như ngày xưa Trần Tế Xương đã mỉa mai.
Tuệ Sỹ không đi tu để trốn đời, ông ghé vai lãnh việc chung, như Camus nói : trí thức hay không, người dân nào cũng ở trên thuyền, phải chèo.
Tuệ Sỹ lãnh án tử hình, không thèm xin khoan hồng, vì cho mình không có tội gì cả, ngoài tội yêu nước, và không có ai đáng để xét xử ông. Một câu ngắn đủ để nói lên thực trạng của công lý ở Việt Nam và tư cách của kẻ sĩ.
Dưới thân thể mảnh mai, gió nhẹ đủ để cuốn bay, khiến người ta nghĩ tới thánh Ghandi, nhà chân tu ấy đương đầu với cả một tập đoàn ma tăng, tập đoàn độc tài, cứu vãn cho danh dự Phật giáo Việt Nam trong cơn điên đảo.
Tuệ Sỹ là một trí thức uyên bác.
Trí thức không nhất thiết phải đi đôi với uyên bác, nhất là ở Việt Nam.
Những sách về Phật học của thầy mở một chân trời mới cho Phật tử, trong khi theo truyền thống "thuật nhi bất trác", đa số sách vở Việt Nam chỉ lặp đi lập lại những cái cũ, chỉ đi những lối mòn. Chưa nói đến tác phẩm tào lao tràn ngập thị trường của các nhà tu công an.
Thơ Tuệ Sỹ là những bát nước trong, nhưng bát nước chứa cả vũ trụ.
Một nhà chân tu, một trí thức uyên bác, một công dân bất khuất. Một người như vậy tưởng như không thể có ở Việt Nam ngày nay. Chuyện lạ là chuyện ấy có thực, nhân vật ấy có thực.
Thư thầy Tuệ Sỹ gởi tăng sinh Huế dưới đây, cách đây trên 20 năm, đáng lẽ phải dán ở mỗi chính điện, mỗi cổng chùa như một lá bùa, để ếm ma tăng khỏi mò vào cửa Phật:
"Một Phật tử xuất gia, khi cất bước ra đi, là đến phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư đốn của thế gian. Người Phật tử không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền, bạo lực.
Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc để giữ tròn danh tiết.
Chớ khoa trương bảo vệ chánh pháp mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho ma vương, là nơi tụ hội cho cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua quan bán chức".
Bia tàu
Một video được coi hàng triệu lần trên Weibo, hệ thống YouTube của Tàu. Video quay cảnh một nhân công hãng bia nổi tiếng Tsingtao ở Quảng Châu vén quần đái thoải mái vào cái bồn chứa rượu bia.
Nhà chức trách hoảng, vì Tsingtao là nguồn lợi khổng lồ, một biểu tượng của thực phẩm Trung Quốc, hứa sẽ điều tra.
Điều tra kiểu Trung Quốc.
Giống như như Bắc Kinh đang điều tra về bệnh bệnh hô hấp cực kỳ nguy hiểm đang hoành hành bên Tàu.
Người ta nhớ sau Covid, Trung Quốc đã chấp nhận cho một phái đoàn thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Tàu để điều tra về nguồn gốc Covid. Tới nay, chưa ai biết mặt mũi bản báo cáo thế nào. Cuộc điều tra kể như chìm xuồng luôn.
Ai cũng biết Tedros Ghebreyesus là người được Trung Quốc tin cẩn, leo lên chức Giám đốc WHO nhờ phiếu của các nước đàn em của Tàu.
Hy vọng vụ Tsingtao pha nước tiểu sẽ khiến bạn bè bớt dẫn tới Chinatown ăn cơm Tàu.
Rất ớn cơm Tàu, cái gì cũng đầy mỡ, xì dầu đen thui. Có lần ở Bắc Kinh, sau một tuần lễ, ớn quá, xin ông đầu bếp cho ăn cơm trắng, rau luộc. Ông ta hiểu, cười hề hề, mang lên một đĩa ra luộc tổ bố, phủ đầy dầu hào đen thui. Và một chai Tsingtao !
Người Việt vẫn chưa bỏ được ý nghĩ coi chuyện đi ăn "cao lâu" là sang trọng ?
Dear Henry
Kissinger lìa đời, 100 tuổi.
Cùng một lúc cố vấn an ninh, và bộ trưởng ngoại giao cho Nixon từ 73 tới 75, tiếp tục phụ trách ngoại giao dưới thời Gerald Ford tới 77, Nixon là khuôn mặt ngoại giao nổi đình đám nhất trong thế kỷ vừa qua, người đã bắt tay với Trung Quốc để dẫn nước Tàu tới địa vị cường quốc ngày nay.
Có người ca tụng Kissinger như một nhà ngoại giao xuất sắc nhất của Hoa Kỳ, có người coi ông ta là một Rasputin kiểu Mỹ.
Rasputin là một anh phù thủy, vô luân, được Nga hoàng tin cẩn, cố vấn, giựt dây cho Nga hoàng làm những chuyện mờ ám nhất trong thời buổi băng hoại của nước Nga đầu thế kỷ 20.
Kissinger cùng với Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa Bình 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.
Ủy ban Nobel đôi khi gây ngạc nhiên khi họ trao giải Nobel Văn Chương, hay Nobel Hòa Bình, nhưng trao giải Nobel Hòa Bình cho Kissinger, Lê Đức Thọ là chuyện lố bịch nhất.
Thọ là một trong những lãnh tụ Bắc Việt quyết tâm phải đánh chiếm miền Nam bằng bất cứ giá nào. Kissinger là người bán đứng một quốc gia đồng minh và sinh mạng của hàng chục triệu người, không thương tiếc.
Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel, vì nhận giải Hòa Bình sẽ khó ăn nói với đồng đội sẵn sàng quyết tử.
Kissinger hy sinh hàng triệu nhân mạng của dân miền Nam Việt Nam chỉ có mục đích là dâng món quà gọi là hòa bình cho cử tri Mỹ.
Kissinger là cha đẻ của lý thuyết ngoại giao "realpolitik", lạnh lùng coi lợi ích của nước mình (nước Mỹ) trên hết, bất chấp luân lý, đạo đức, tình nghĩa, liên hệ tình cảm đối với đồng minh
Trong trường hợp ký hiệp định Paris, dẫn tới hàng triệu boat people và hàng triệu người đi tù cải tạo, Kissinger cũng chẳng nghĩ tới quyền lợi, uy tín của nước Mỹ. Chỉ nghĩ tới quyền lợi của cá nhân ông ta, và của ông chủ là Richard Nixon, đang bị lúng túng vì khó khăn nội bộ.
Có tin nói năm 75, khi Bắc Việt chiếm miền Nam, Kissinger muốn trả lại giải Nobel Hòa Bình, vì thấy Bắc Việt đã vi phạm hiệp định.
Nếu tin đó đúng, "nhà ngoại giao thông minh nhất nước Mỹ" quả thực là ngây thơ cụ. Vì bất cứ một người bình thường nào, dốt nát tới đâu, cũng biết rằng người Cộng Sản ký kết các hiệp định để ngồi xổm trên đó.
Dù sao cũng phải công nhận là nhân sinh quan "realpolitik" đã giúp Kissinger thành công trong đời sống cá nhân. Khi rời chính trường, ông thành lập Kissinger Associates, một công ty cố vấn cho các tai to mặt lớn trên thế giới, cực kỳ phát đạt. Muốn trở thành khách của Kissinger Associates để được cố vấn, phải đóng niên liễm… 225.000 dollars mỗi năm.
Về phía Mỹ thì kết quả hơi khác.
Sau 75, Hoa Kỳ khốn đốn mỗi lần tham chiến, từ Iraq, Syria, tới Afghanistan. Bởi vì nước nào cũng ớn về tình nghĩa đồng minh của Hoa Kỳ, khi nghĩ tới cuộc tháo chạy không danh dự khỏi Việt Nam.
Hy vọng Hoa Kỳ sẽ không áp dụng lý thuyết "realpolitik" của Dear Henry đối với Ukraine và Đài Loan.
Nhiều hội nhân quyền coi Kissinger là tội phạm chiến tranh, chịu trách nhiệm về ít nhất 3 triệu người chết trên thế giới.
Khi đã nổi danh, dù không phải là một sex symbol, ông cố vấn luôn luôn cập kè với những top models. Ông nói quyền lực khiến đàn ông trở thành quyến rũ. Ông ta nói : Tôi làm việc suốt ngày với Golda Meir (bà thủ tướng Do Thái), không lẽ lại qua đêm với Indira Gandhi (bà thủ tướng Ấn Độ). Tôi thích Jill St John hơn (Jill St John là một cô đào nhan sắc của Hollywood).
Carolyn Eisenberg, trong cuốn "Never Lose : Nixon, Kissinger and the Illusion of National Security" viết : Cái cơ hội chủ nghĩa (opportunism) của Kissinger không bờ bến. Cái nhu cầu cần được coi là quan trọng, được nổi danh của ông ta thật bao la".
Nếu cái nhu cầu ấy của Dear Henry nhỏ hơn, có lẽ ít người chết hơn.
Với một dân tộc như vậy…
Tôi soạn một bài nói chuyện về hiện trạng báo chí Việt Nam với một nhóm trẻ.
Bài viết xong, suýt nữa hài lòng. Nếu không đọc một đoạn Hannah Arendt viết về tự do báo chí.
Arendt là một triết gia Đức, nổi tiếng về những tác phẩm nghiên cứu về các chế độ toàn trị. Đọc xong, thấy bài mình còng lưng viết nó dài dòng, nhạt, rỗng, vô thưởng vô phạt.
Chỉ trong vài câu, Arendt tóm tắt gọn vấn đề, trong sáng, chính xác. Mà đó cũng không phải là một bài viết, chỉ là một câu trả lời phỏng vấn.
Hannah Arendt viết :
"Khi chúng ta không còn báo chí tự do, tất cả có thể xẩy ra.
Cái cho phép một chế độ độc tài toàn trị, hay bất cứ một chế độ độc tài nào, nắm vững quyền hành, là sự kiện người dân không được thông tin : làm cách nào bạn có thể có ý kiến, nếu không có thông tin ?
Nếu mọi người nói láo thường trực, hậu quả không phải là bạn tin những chuyện xảo trá, hậu quả tai hại là không ai tin chuyện gì nữa. Quả vậy, những chuyện dối trá, tự bản chất của nó, phải thay đổi, thêm bớt và một chính quyền gian trá phải liên miên viết lại chuyện do chính họ bịa ra. Người dân không phải chỉ nghe một lời dối trá, đôi khi tới hơi thở cuối cùng, nhưng nhận được rất nhiều dối trá, tùy theo nhu cầu chính trị. Và một dân tộc không còn tin gì nữa, sẽ không quyết định gì nữa. Người dân bị tước đoạt không những khả năng hành động, mà bị tước đoạt cả khả năng suy nghĩ, khả năng phán xét. Với một dân tộc như vậy, bạn có thể làm tất cả những gì bạn muốn".
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 30/11/2023