Căn cước – một kiểu ‘trở về’ vạch xuất phát !
Trân Văn, VOA, 01/12/2023
Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên : Thời thuộc Pháp gọi là Thẻ Căn cước.
Giấy Chứng minh nhân dân và Chứng minh nhân dân Ảnh minh họa
Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa nhất trí thông qua "Dự luật sửa đổi Luật Căn cước công dân". Theo đó, luật liên quan đến loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam sẽ mang tên mới là "Luật Căn cước" (1) và "Thẻ Căn cước" sẽ thay thế cho "Thẻ Căn cước công dân" được cấp phát từ 1/1/2016. Sự kiện này đã gây ra một trận bão dư luận trên mạng xã hội.
Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội hoặc liệt kê, hoặc chuyền cho nhau xem quá trình thay tên, đổi họ của loại giấy tờ tùy thân mới được quyết định đổi tên : Thời thuộc Pháp gọi là Thẻ Căn cước. Đến 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra lệnh đổi thành Thẻ công dân. Đến 1947, cũng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra lệnh đổi tên gọi thêm một lần nữa thành Giấy Chứng minh. Đến 1964, cũng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định đổi cách gọi thêm một lần nữa thành Giấy Chứng minh/ Giấy Chứng nhận Căn cước. Năm 1976 – sau khi đất nước thống nhất, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phải gọi đó là Giấy Chứng minh nhân dân. Năm 1999, cũng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo ra Chứng minh nhân dân 9 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo ra Chứng minh nhân dân 12 số. Năm 2012, cũng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phải gọi loại giấy tờ tùy thân này là Thẻ Căn cước công dân. Sắp tới, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam yêu cầu gọi loại giấy tờ tùy thân ấy là Thẻ Căn cước(2).
Có người như Nguyễn Phan nhận xét :"Thẻ Căn cước" đã trở về "thẻ Căn cước" sau gần nửa thế kỷ lưu lạc.Có ai để ý từlâu "trực thăng" đã không còn là "máy bay lên thẳng", "lính thủy đánh bộ" cũng đã trở về với "thủy quân lục chiến".Còn tên lửa, tàu sân bay thì chưa trở về với hỏa tiễn và hàng không mẫu hạm (4).
Cũng có người như ông Mạc Văn Trang xem "Thẻ Căn cước" là sự kiện vừa bi, vừa hài. Theo ông Trang :Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày "cách mạng" đến nay, mọi thứvận động theo quy luật "đèn cù", chạytít mù nhưngsau khi quay vòng thì quay về lại chỗ ban đầu. Ông Trang lưu ý :Miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa không có những thay đổi này nên "thẻ Căn cước" thời thuộc Pháp vẫn là "thẻ Căn cước".Chỉ với "cách mạng", "thẻ Căn cước" mới chạy lòng vòng và sau gần một thế kỷ mới "trả lại tên cho em" ! Ông Trang cho rằng : Dù sao cũng có cái vui - những gì người Pháp hay Việt Nam Cộng Hòa đã dùng mà thấy đúng, thấytốt thì nay cứ lấy mà dùng, đừng "tự ái cách mạng", đừng "sợ mất lập trường" nữa. Chấp nhận việc nàyQuốc hội tỏ ra có tiến bộ.Nhân chuyện này, ông Trang đề nghị nên dùng triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa - "dân tộc – nhân bản – khai phóng" chứkhông thì mấy ông bộ trưởng gi áo dục cứ ấp úng- "Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng". Ông Trang cũng cho rằng :Quốc hộinên mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của Việt NamDân chủ Cộng hòa cho hợp lý, hợp tình, hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, khỏi phải đi lòng vòng !Người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại mà đi sao chép của Tây, của Tàu ? Lạ thật đấy (5) !
Nguyễn Thông thì so sánh chuyện ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, tên gọi thẻ tùy thân phải là "Căn cước công dân" mới đầy đủ và hợp lý, không thể thay đổi, với chuyện Quốc hội vừa đổi "Căn cước công dân" thành "Căn cước" và bình : Một việc nhỏ con con, đơn giản, dễ làm mà phải mất bao nhiêu công phu, thời gian, tiền bạc, thậm chí mất đoàn kết, để "thành công tốt đẹp", chứng tỏ bộ máy thượng tầng rất rảnh, thái vô tích (vô tích sự), kém hiệu quả.
Ông Thông nói thêm : Trong dân chúng có không ít người cười, bảo rằng cuối cùng lại bắt chước chính thể Việt Nam Cộng Hòa, thực ra không hẳn vậy. Họ bắt chước chính họ. Chính cái bộ máy của chế độ này cách nay hơn 50 năm (nửa thế kỷ) đã từng gọi thẻ ấy là "Căn cước". Đang yên đang lành, tự dưng phát huy trí tuệ sáng suốt, đổ đốn tư duy, đổi nó thành chứng minh thư, Chứng minh nhân dân, giấy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, rất rắc rối, đèn cù, lằng nhằng dây điện... Cần nói thêm, theo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, "những Căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ". Vậy tôi hỏi các bác công an và tất cả các bác chức việc nhà nước kính mến : Căn cước công dân gắn chip của tôi ởmục "Có giá trị đến – Date of expiry" ghi rõ là "Không thời hạn", vậy tôi cứ tuân chỉ, làm theo luật mới thì có vi phạm pháp luật không ?Hàng triệu người đã được cấp Căn cước có giá trị vĩnh viễn (không thời hạn), vậy mà ra cái luật, thông qua cá i luật cũng không nên hồn (6).
***
Rất nhiều người bận tâm như Bị Cạo Râu : Tốn quá nhiều tiền và quá nhiều thời gian để có được cái tên- (thẻ) Căn cước. Chỉ cách đây vài năm, người ta đã không suy nghĩ kỹ khi đổi tên Chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân rồi nhanh chóng bỏ đi hai chữ Công dân như quyết định hôm nay của Quốc hội. Mỗi lần thay đổi là tốn kém, là phiền hà. Một việc rất nhỏ, đã bộc lộ tư duy ốm yếu, chậm chạp và không ổn định của bộ máy cầm quyền, gây hại cho ngân sách và phiền phức cho dân.Vấn đề nhạy cảm là, vì việc này họ bị công chúng mang ra làm trò cười, lại chuốc thêm tổn thất uy tín (7). Cũng vì những băn khoăn ấy, Bộ Công an nhiều lần khẳng định :Đổi Căn cước công dân thành Căn cước không phát sinh chi phí (8) !
Muốn biết Bộ Công an nói thiệt hay nói ngoa thì hãy tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng trên tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 29/11/2023 : ...Luật Căn cước công dân cuối cùng đã được Quốc hội chấp nhận đổi tên thành Luật Căn cước sau khi cơ quan soạn thảo giải trình được là thay đổi này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ.Tuy nhiên, khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh. Nếu mức chi phí phát sinh nhỏ hơn lợi ích mà các chính sách lập pháp mới mang lại thì điều kiện kinh doanh và đời sống của người dân được cải thiện. Ngược lại, mọi việc sẽ đi thụt lùi và khó khăn hơn.
Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn.Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nước ta chưa có số liệu chính thức về chi phí tuân thủ pháp luật của mình.Tuy nhiên, nếu mức chi phí này chiếm 15% GDP như các nước đang phát triển khác thì đó là 435 tỉ USD (GDP ước tính cho năm 2023) x 15% bằng 65,25 tỉ USD hay 1,566 triệu tỉ đồng.Một con số khổng lồ ! Vấn đề là với chất lượng chưa cao và với sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản pháp luật như hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của nước ta có thật sự là 15% GDP không hay là cao hơn(9) ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/12/2023
Chú thích
(9) https://tuoitre.vn/chi-phi-tuan-thu-phap-luat-20231129090604942.htm
*************************
Dốt nát hay "nuôi bệnh" ?
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 30/11/2023
Con kiến mà leo cành đa
Ngày 27/11/2023, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin : Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Bản tin cho biết cụ thể như sau : Sáng 27/11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc, không đổi tên luật và tên thẻ thành thẻ Căn cước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nội dung này đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ Căn cước.
Đọc bản tin trên, người ta thấy điều gì ?
Điều thứ nhất, là Quốc hội đã thông qua với đa số phiếu. Điều này thì đã hẳn. Ở Việt Nam, xưa nay, việc thông qua luật hoặc nghị quyết, quyết định nào mà chẳng là đa số. Bởi đơn giản là câu cuối bản tin đã nói lên tất cả, rằng : "Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nội dung này đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ Căn cước". Mà khi đã có ý kiến Bộ Chính trị "đồng thuận, thống nhất cao", thì câu nói của chị Ngân Quốc hội vẫn còn đó : "Bộ Chính trị đã quyết định, không thể không ra luật được", hoặc như Nguyễn Tấn Dũng rằng : "Đây là chủ trương lớn của Đảng, nên dù có phản đối vẫn phải làm" khi mà Quốc hội giơ tay để làm Bô Xít Tây Nguyên mặc cho dân chúng hò hét và các trí thức đất nước phản đối quyết liệt.
Vậy nên cái "đa số đại biểu thông qua" là chuyện không có gì bàn cãi và nó cũng chẳng nói lên giá trị gì.
Đó cũng là cái trái khoáy, cái khác người của Việt Nam trong quá trình lập pháp, hành pháp với cái cách chẳng giống ai trên thế giới khi người ta thấy văn bản ghi rõ ràng rằng : "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước" và sau đó thì đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng định nghĩa thêm : "Nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng, chỉ sau nghị quyết của Đảng". Nghĩa là trên cái "Cơ quan quyền lực cao nhất" ấy, có thêm một siêu quyền lực phía trên, đó là quyền lực đảng.
Và Đảng thì đứng ra ngoài mọi quy định của luật pháp, dù Hiến pháp ghi rõ là "Đảng phải hoạt động theo pháp luật".
Phân tích điều này, để thấy rõ một điều : Ngay cả trong quy trình, văn bản luật pháp và thực tế hiện nay, thì vẫn là câu chuyện :
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt, leo ra leo vào.
Để giải thích cho việc thay đổi này, một lần nữa, lại là những câu nói ngụy biện từ cơ quan quyền lực nhất của cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng : "Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số".
Điều này nghe quen quen. Thì bởi từ trước đến nay, đã có khi nào Quốc hội đưa ra điều gì mà không khoa học, không tử tế, không ưu việt đâu, kể cả khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước Công dân.
Báo chí còn lưu lại bản tin rằng : "Chiều 20/11/2014, với đa số biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua hai luật gắn chặt với quyền công dân là Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Và "Luật Căn cước công dân là dự án Luật được bàn thảo tại Kỳ họp trước đây của Quốc hội và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp qua các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây cũng là dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư ; giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân theo hướng xây dựng mô hình quản lý hiện đại, tinh gọn. Dự án Luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lập số định danh cá nhân cho mỗi công dân, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn".
Vẫn là phục vụ nhân dân, vẫn là sự tiến bộ và khoa học, vẫn là phù hợp yêu cầu thực tiễn…
Dốt nát ?
Như vậy, cho đến nay, (chưa thể khẳng định là cuối cùng) thì cái Thẻ Căn cước sau một quá trình cải tạo, thay đổi, cải tiến rất "khoa học và thiết thực" và luôn luôn với danh nghĩa là để phục vụ nhân dân, Thẻ Căn cước, lại trở về đúng cái tên mà nó đã có cách đây gần… một thế kỷ trước.
Trước 1945, trong chế độ "Thực dân phong kiến thối nát và hủ bại" thì người dân Việt Nam đã được cấp "Giấy Căn cước" để sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Những năm giữa thế kỷ trước, người dân Miền Nam Việt Nam sống dưới "chế độ ngụy quyền và ách thống trị của Đế Quốc Mỹ" thì người dân đã được cấp "Thẻ Căn cước".
Và sau khi cả đất nước được sự lãnh đạo tuyệt đối sáng suốt của Đảng cộng sản, là nơi tập trung "mọi tinh hoa của nhân loại, là khoa học của mọi khoa học, là đạo đức, là văn minh" thì mọi cái được cải tiến, được áp dụng khoa học tiến bộ… để rồi gần 1 thế kỷ sau lại trở về cái ban đầu.
Người ta đăt câu hỏi : Vậy có nghĩa là cả cái gọi là Quốc hội Việt Nam, cơ quan được Đảng lựa chọn cho dân bầu với khẩu hiệu là chọn những người "có tài có đức" đã không hề biết gì về cái sự luẩn quẩn cải tiến cải lùi của mấy lĩnh vực đơn giản như cái Thẻ Căn cước hay cái Hộ chiếu ?
Chẳng lẽ họ không biết rằng chỉ cần nhìn ra xung quanh, thì có thể thấy rằng cái vòng luẩn quẩn cả đống đại biểu họp nhau bàn hết ngày nọ sang ngày kia để rồi ra những sản phẩm quái thai dị dạng chẳng giống ai kia, để rồi "tít mù vòng quanh" rồi trở về "Cái máng lợn" là chuyện buồn cười và hài hước ?
Và đơn giản nhất, Bộ Công an, nơi đã đề xuất hết những dự án hài hước nọ, đến "những dự án ăn chửi" kia chẳng lẽ họ không biết rằng đó là những điều trái khoáy, chẳng giống ai ?
Tôi không nghĩ vậy.
Bởi bất cứ ai, cũng đều thấy rằng cái việc đưa tên cha mẹ vào Căn cước công dân, đưa tôn giáo của người dân vào thẻ Căn cước… là những điều mà các quốc gia văn minh đã không hề làm.
Bởi ai cũng thấy rằng việc bỏ nơi sinh của công dân trên Hộ chiếu là trái với thông lệ Quốc tế.
Hẳn nhiên, không thể những cán bộ, cá nhân phụ trách vấn đề đó được học hành, có chuyên môn lại không nhìn thấy vấn đề mà người dân rất dễ dàng nhận ra ấy.
Cách Bộ Công an "nuôi bệnh"
Việc liên tục chỉ trong mấy năm qua, các loại giấy tờ liên quan đến nhân thân của người dân như Căn cước, Sổ hộ khẩu, Hộ chiếu… liên tục được Bộ Công an đưa ra làm nóng diễn đàn Quốc hội và dư luận nhân dân, để rồi lại câu chuyện "Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt, leo vào leo ra" liên tục được diễn đi, diễn lại nhiều khi cứ như một trò hề, một câu chuyện hài hước để người dân xả stress sau những lo toan cho cuộc sống vốn đã gian nan, vất vả phải đối phó với đủ thứ áp lực.
Thế nhưng, đằng sau đó là tiền dân.
Và điều này mới quan trọng.
Ai cũng biết, mỗi thay đổi dù một chi tiết, một chữ, một câu trong hệ thống giấy tờ liên quan đến hàng chục, hàng trăm triệu người, đều là một dự án lấy tiền dân để thực hiện.
Để thay những chiếc Chứng minh Nhân dân từ giấy sang thẻ nhựa, thì hệ thống máy móc, đào tạo, vận hành… tất cả chẳng ai cho, không ai biếu và chẳng ai làm không. Để phục vụ cả nước thì hàng ngàn tỷ, hàng chục tỷ tiền dân cứ vậy mà đổ vào.
Chỉ riêng việc vừa qua, công an ngày đêm thi nhau bằng mọi cách để cấp "Căn cước Công dân gắn chip" với đủ mọi phong trào, đủ mọi cách vận động bằng xong việc cấp 80 triệu thẻ là một ví dụ.
Người ta có cảm giác rằng nếu không cấp kịp cho công dân cái Thẻ Căn cước Công dân gắn chip, thì có thể hoặc người dân chết hàng loạt như bệnh dịch, hoặc mất nước không chừng. Nên Công an phải làm ngày làm đêm, phải lăn lộn đến "từng ngõ, gõ từng nhà"… làm bằng xong.
Và đến nay đã cấp đủ 80 triệu thẻ. Với 80 triệu thẻ đó, chi phí máy móc chưa tính, đạo tạo và thực hành chưa biết bao nhiêu, chỉ riêng số tiền được công bố khoảng 70.000 đồng/thẻ thì số tiền ít nhất cũng đã 5.600 tỷ đồng.
Và bây giờ, sau khi cấp đủ 80 triệu "Thẻ Căn cước Công dân" thì Bộ Công an lại đưa ra để Quốc hội bàn đổi thành "Thẻ Căn cước". Và một dự án thay đổi mới đã được khởi động để lại chi hàng ngàn tỷ đồng khác.
Điều ai cũng biết, là các dự án, các chương trình liên quan đến tiền bạc, mà cứ dính vào Công an, thì đố ai có thể kiểm tra được nó còn mất ra sao. Bởi công an không kiểm tra ai thì thôi chứ làm gì có ai lại đi kiểm tra công an.
Người ta hỏi nhau rằng : Sau khi công luận và dư luận lên tiếng về những dự án hài hước như bỏ nơi sinh trong Hộ chiếu, rồi lại thêm nơi sinh vào Hộ chiếu, bỏ Công dân trong Căn cước và muôn vàn những điều tương tự đã diễn ra ở các dự án… đã bị lên án, bàn tán vậy ở Quốc hội tốn kém thế thì đã đủ chưa.
Liệu sau khi đổi và cấp xong "Thẻ Căn cước" lần này, thì liệu còn có cách nào, có biện pháp nào để Bộ Công an lại tiếp tục đưa ra Quốc hội, để bàn bạc, để thống nhất, để thấy sự khoa học, sự cần thiết, để phục vụ nhân dân tiếp ?
Và người dân bảo nhau : Chắc đây là lần cuối trò hề này được diễn trở lại, chẳng lẽ nào lại có cơ quan nào "mặt dày" đến mức không thấy ngượng trước quốc dân đồng bào ? Chẳng lẽ chừng đó cái khoa học, thiết thực, phục vụ nhân dân còn chưa đủ sao ? Và bây giờ bàn hết rồi, trao đổi hết rồi, rút kinh nghiệm nhiều rồi thì làm gì còn cái gì nữa để mà sửa đổi, để mà làm dự án thay thế để lấy tiền dân…
Thế rồi, có người lại bảo : Lại vẫn cứ ngựa quen đường cũ thôi. Cha ông đã nói rồi, rằng "Máu tham hễ thấy hơi tiền là mê". Cái "Thẻ Căn cước" hôm nay được Quốc hội thông qua kia, Bộ Công an cũng đã gài được cơ sở để chuẩn bị sửa đổi sau khi được thực hiện. Hãy xem việc Căn cước đã thay "Quê quán" bằng "Nơi đăng ký khai sinh" thì rõ. Bởi hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau không thể thay thế. Điều này ai cũng biết, chỉ một mình Quốc hội là không biết.
Trong xã hội hiện nay, đủ mọi mánh khóe kiếm tiền tàn bạo và bất lương trên thân xác công dân. Bác sĩ thì nuôi bệnh, giáo viên thì giấu kiến thức để dạy thêm, công quyền gây khó khăn để ăn hối lộ bằng đủ mọi mánh khóe thì việc dừng lại các dự án tiêu tiền dân là điều không tưởng, nhất là các dự án được bảo đảm là an toàn như dự án của Công an.
Và điều dự đoán của dư luận đã không phải là không có cơ sở.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước, thì báo chí đã cho biết : Công an sẽ đề nghị tích hợp dữ liệu về mống mắt của công dân vào Căn cước.
Và đó sẽ là dự án mới. Bởi "Nuôi bệnh" cũng là nghề không chỉ của bác sĩ mà còn là nghề của công an.
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/11/2023