Henry Kissinger, người vừa qua đời hôm thứ Tư, là hiện thân cho khoảng cách giữa lời nói và hành động của nước Mỹ trên chính trường quốc tế. Đôi khi theo kiểu cơ hội và mang tính chữa cháy, chính sách đối ngoại của ông luôn lấy quyền lực làm màu sắc chủ đạo và không quan tâm đến những con người còn sót lại sau nó. Có lẽ vì nước Mỹ trong mắt ông không phải là ‘một thành phố trên đồi,’ nên ông chưa bao giờ thấy mình sai : ý tưởng và sáng kiến sẽ đến và đi, nhưng quyền lực thì không.
Henry Kissinger, người vừa qua đời hôm 29/11, là hiện thân cho khoảng cách giữa lời nói và hành động của nước Mỹ trên chính trường quốc tế.
Từ năm 1969 đến năm 1977, Kissinger đã khẳng định mình là một trong những quan chức quyền lực nhất trong lịch sử. Ông thậm chí là người duy nhất từng đảm nhiệm song song chức vụ cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, hai công việc rất khác nhau nhưng đồng thời đặt lên vai ông trọng trách định hình và tiến hành chính sách đối ngoại Mỹ. Nếu nguồn gốc Do Thái gốc Đức và giọng tiếng Anh đặc trưng khiến ông trở nên khác biệt, thì cách ông tiếp nhận quyền lực một cách vô cùng tự nhiên đã đưa Kissinger trở thành hình ảnh đại diện cho một cỗ máy an ninh quốc gia Mỹ phát triển trong suốt thế kỷ 20, hệt như một sinh vật tồn tại bằng cách tự mở rộng chính nó.
Ba mươi năm sau khi Kissinger nghỉ hưu và làm việc thoải mái trong khu vực tư nhân, tôi phục vụ trong một bộ máy an ninh quốc gia hậu Chiến tranh Lạnh, hậu 11 tháng 9, lớn hơn nhiều so với thời của ông. Với nhiệm vụ là phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách viết bài phát biểu và các vấn đề liên lạc, tôi thường tập trung nhiều hơn vào cách mà nước Mỹ nói hơn là cách chúng ta làm.
Khi ở trong Nhà Trắng, bạn ý thức được rằng mình đang đứng trên đỉnh chóp của một nền kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đồng thời có quyền định hình câu chuyện của nước Mỹ : "Chúng tôi coi những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người đều được sinh ra bình đẳng". Nhưng tôi liên tục phải đối mặt với những mâu thuẫn từ trong nội tại của giới lãnh đạo Mỹ, khi biết rằng chính phủ Mỹ tài trợ vũ khí cho những kẻ độc tài trong khi liên tục quảng bá về tự do để lôi cuốn những người bất đồng chính kiến đang tìm cách lật đổ các chế độ ấy. Hoặc rằng chúng tôi nghiêm túc thực thi các quy tắc – như công ước tiến hành chiến tranh, luật giải quyết tranh chấp và dòng chảy thương mại – cho đến khi nó trở nên bất tiện với chính sách của Mỹ.
Nhưng Kissinger không thấy có vấn đề gì với những mâu thuẫn ấy. Đối với ông, uy tín bắt nguồn từ những gì bạn đã làm hơn là những gì bạn đại diện, kể cả khi những hành động đó khiến các khái niệm quen thuộc của Mỹ về nhân quyền và luật pháp quốc tế trở nên vô hiệu. Ông đã góp phần mở rộng chiến tranh Việt Nam sang Campuchia và Lào, nơi Hoa Kỳ trút xuống một lượng bom lớn hơn cả tổng lượng bom ném xuống Đức và Nhật Bản trong Thế chiến 2. Các vụ ném bom đó – thường tàn sát dân thường một cách bừa bãi – không giúp đem lại các điều kiện thuận lợi hơn để tiến tới kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Nó chỉ lột trần việc Hoa Kỳ sẽ làm bất cứ điều gì để không phải chịu cảm giác thua cuộc.
Thật trớ trêu khi loại chủ nghĩa hiện thực này đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một cuộc xung đột bề ngoài có vẻ là về hệ tư tưởng. Từ phía thế giới tự do, Kissinger ủng hộ các chiến dịch diệt chủng – của Pakistan chống lại người Bengal và của Indonesia chống lại Đông Timor. Ở Chile, ông bị cáo buộc giúp đặt nền móng cho một cuộc đảo chính quân sự dẫn đến cái chết của Salvador Allende, tổng thống dân cử tả khuynh, và mở ra một giai đoạn cai trị chuyên quyền khủng khiếp ở nước này. Lời bào chữa quen thuộc là Kissinger xem mục đích (sự sụp đổ của Liên Xô và Chủ nghĩa Cộng sản cách mạng) là sự biện minh chính đáng cho cách làm. Nhưng đối với thế giới bên ngoài, cách nghĩ này hàm chứa một thông điệp tàn bạo mà nước Mỹ thường truyền tải đến những nhóm dân cư bị thiệt thòi của chính mình : Chúng tôi quan tâm đến nền dân chủ của chúng ta, chứ không phải cho họ. Không lâu trước chiến thắng của Allende, Kissinger đã nói : "Các vấn đề này quá quan trọng đối với cử tri Chile nên không thể để họ tự quyết định".
Tất cả có xứng đáng không ? Kissinger nhấn mạnh uy tín, rằng nước Mỹ phải trừng phạt những ai dám phớt lờ chúng ta, từ đó định hình quyết định của các nước khác trong tương lai. Thật khó mà cho rằng vụ ném bom ở Lào, cuộc đảo chính ở Chile hay các vụ giết người ở Đông Pakistan (nay là Bangladesh) đã góp phần dẫn đến kết cục của Chiến tranh Lạnh. Nhưng quan điểm không ủy mị của ông Kissinger về các vấn đề toàn cầu đã cho phép ông đạt được những đột phá lớn với các đối thủ của Mỹ – giai đoạn hòa hoãn với Liên Xô đã làm giảm đà leo thang của cuộc chạy đua vũ trang, mở lại quan hệ với Trung Quốc đã làm sâu sắc thêm chia rẽ Trung-Xô, hội nhập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào trật tự toàn cầu, và mở đầu cho cuộc cải cách của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Việc những cải cách đó được khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình, cũng chính là người đã ra lệnh đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, nói lên bản chất mơ hồ trong di sản của ông Kissinger. Một mặt, việc xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần đưa Chiến tranh Lạnh đến hồi kết và cải thiện đời sống cho người dân Trung Quốc. Mặt khác, Đảng cộng sản Trung Quốc đã nổi lên như đối thủ địa chính trị chính của Hoa Kỳ và là ngọn cờ đầu cho xu hướng độc tài trong nền chính trị toàn cầu, đưa hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung và đe dọa xâm chiếm Đài Loan, một vấn đề mà học thuyết ngoại giao của Kissinger cũng không có câu trả lời.
Kissinger đã sống nửa phần đời còn lại của mình sau khi rời chính quyền. Ông là ví dụ nổi trội nhất cho một loạt các cựu quan chức lưỡng đảng xây dựng các doanh nghiệp tư vấn dựa trên các mối quan hệ toàn cầu. Suốt nhiều thập niên, ông là vị khách được thèm muốn tại các cuộc tụ họp của các chính khách và giới tài phiệt, có lẽ vì ông luôn có thể đưa ra một khuôn khổ trí tuệ để giải thích cho lý do tại sao một số người lại có quyền lực và có quyền nắm giữ quyền lực. Ông viết rất nhiều sách, trong đó có nhiều cuốn đã đánh bóng danh tiếng của ông như một nhà tiên tri về các vấn đề toàn cầu ; xét cho cùng, lịch sử được viết bởi những người như Henry Kissinger, chứ không phải bởi những nạn nhân của chiến dịch ném bom của các siêu cường, những trẻ em Lào vẫn tiếp tục hứng chịu hậu quả của bom mìn chưa nổ rải rác khắp đất nước.
Bạn có thể chọn xem những quả bom chưa nổ đó là thảm kịch không thể tránh khỏi trong việc điều hành các vấn đề toàn cầu. Từ quan điểm chiến lược, Kissinger chắc chắn biết rõ, rằng một siêu cường có phạm vi được phép sai lầm đủ lớn để cuối cùng sẽ được lịch sử tha thứ. Chỉ vài thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính những quốc gia mà chúng ta ném bom đã tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Bangladesh và Đông Timor hiện là những nước độc lập nhận hỗ trợ từ Mỹ. Chile có một tổng thống 8x theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và một bộ trưởng quốc phòng là cháu gái của ông Allende. Siêu cường làm những gì họ phải làm. Bánh xe lịch sử phải quay. Thời điểm và nơi bạn sống quyết định liệu bạn sẽ bị nó đè bẹp hay nâng đỡ.
Nhưng thế giới quan đó nhầm lẫn chủ nghĩa hoài nghi – hay chủ nghĩa hiện thực – với sự khôn ngoan. Câu chuyện, nội dung của nó, rất quan trọng. Cuối cùng, Bức tường Berlin sụp đổ không phải vì những nước cờ được thực hiện trên bàn cờ của một ván cờ lớn mà là vì người dân phương Đông muốn được sống như người dân phương Tây. Kinh tế, văn hóa đại chúng và các phong trào xã hội đều quan trọng. Bất chấp nhiều sai sót, phương Tây có một hệ thống và câu chuyện tốt hơn, hấp dẫn hơn.
Trớ trêu thay, một phần sức hấp dẫn của Kissinger lại bắt nguồn từ thực tế rằng câu chuyện của ông mang đậm chất Mỹ. Gia đình ông thoát khỏi bánh xe lịch sử vào ngay phút chót, chạy trốn khỏi Đức Quốc xã đúng lúc Hitler bắt đầu tiến hành diệt chủng. Kissinger quay lại Đức với tư cách một lính Mỹ và tham gia giải phóng một trại tập trung. Trải nghiệm này đã khiến ông cảnh giác với hệ tư tưởng thiên sai (messianic) gắn liền với quyền lực nhà nước. Nhưng ngay cả điều đó cũng không khiến ông có thiện cảm với những người yếu thế. Nó cũng không thúc đẩy ông ràng buộc siêu cường Mỹ thời hậu chiến trong chính mạng lưới các chuẩn mực, luật pháp và lòng trung thành với những giá trị nhất định vốn được ghi trong trật tự thời hậu chiến do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác.
Suy cho cùng, uy tín không chỉ nằm ở việc bạn có trừng phạt một đối thủ để răn đe các đối thủ khác hay không ; mà còn là việc bạn có làm đúng như những gì bạn nói hay không. Quan hệ giữa các nước dĩ nhiên cũng không khác hơn quan hệ giữa con người với nhau là bao. Nhưng Hoa Kỳ đã phải trả giá cho thói đạo đức giả của mình, mặc dù điều đó khó đo lường hơn là kết quả của một cuộc chiến tranh hoặc đàm phán. Suốt nhiều thập niên, câu chuyện của chúng ta về nền dân chủ đã trở nên rỗng tuếch đối với ngày càng nhiều người, những người có thể chỉ ra những nơi mà hành động của Mỹ đi ngược với ý nghĩa của ngôn từ, và "dân chủ" nghe như một cách Mỹ đi mở rộng lợi ích của mình. Tương tự như vậy, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà nước Mỹ nhấn mạnh đã bị những kẻ độc tài phớt lờ, khi họ dùng chính hành động của Mỹ để biện minh cho tội lỗi của mình.
Giờ đây bánh xe lịch sử đã hoàn tất một vòng quay của nó. Trên khắp thế giới, chúng ta chứng kiến sự hồi sinh của chế độ chuyên chế và chủ nghĩa dân tộc, rõ ràng nhất là trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tại Gaza, Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho Israel giết hại dân thường với tốc độ khiến phần lớn thế giới một lần nữa cho rằng chúng ta rất chọn lọc trong việc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Trong khi đó, ở trong nước, dân chủ đã trở thành thứ yếu so với việc theo đuổi quyền lực trong quan điểm của một bộ phận đảng Cộng hòa. Đây là nơi mà chủ nghĩa hoài nghi sẽ dẫn đầu. Bởi vì khi không có khát vọng cao hơn, không có câu chuyện nào mang lại ý nghĩa cho hành động của chúng ta, chính trị và địa chính trị sẽ chỉ là một trò chơi có tổng bằng không. Trong thế giới đó, kẻ mạnh là kẻ đúng.
Tất cả những điều này không thể bị quy cho mình Henry Kissinger. Ông vừa là tác giả, vừa là sản phẩm của bộ máy an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng câu chuyện của ông cũng là một câu chuyện mang tính cảnh báo. Dù không hoàn hảo, nước Mỹ cần câu chuyện của chính mình để tồn tại. Nó là sợi dây gắn kết nền dân chủ đa chủng tộc trong nước và phân biệt Mỹ với Nga và Trung Quốc.
Câu chuyện đó khẳng định rằng những đứa trẻ ở Lào đều bình đẳng về nhân phẩm và giá trị như con cái chúng ta, và người dân Chile cũng có quyền tự quyết như người Mỹ. Đối với Hoa Kỳ, đó phải là một phần của an ninh quốc gia. Quên đi câu chuyện đó sẽ đặt chúng ta vào nguy hiểm.
Ben Rhodes
Nguyên tác : "Henry Kissinger, the Hypocrite", The New York Times, 30/11/2023.
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/12/2023
Ben Rhodes từng là phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, phụ trách soạn diễn văn và các vấn đề liên lạc của tổng thống Barack Obama.