Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/12/2023

Thấy gì qua vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên ?

Mỹ Hằng

Thấy gì về vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên trước kế hoạch huy động tài trợ của Thủ tướng Chính ?

Dự án 88 (The 88 Project) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy vụ bắt giữ Giám đốc Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên là ‘vi phạm nhân quyền’ và ‘mang yếu tố chính trị’.

tonhien1

Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than.

Báo cáo do Tiến sĩ Ben Swanton và Michael Altman-Lupu là đồng tác giả, được công bố ngay trước ngày khai mạc Thượng đỉnh khí hậu COP28 tại Dubai vào 1/12 – nơi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự kiến có bài phát biểu công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP (Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng) trước các nhà tài trợ Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than. Bà cũng đang lãnh đạo một dự án cải cách thể chế nhằm thúc đẩy các công ty năng lượng nhà nước thoái vốn khỏi điện than.

"Hoạt động chính sách của bà, giống như hoạt động của các nhà hoạt động khí hậu, có thể bị các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là nỗ lực nhằm ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng’ vì nó thách thức sự độc quyền của đảng trong hoạch định chính sách", theo Tiến sĩ Swanton và Altman-Lupu.

Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Ravina Shamdasani, đã tuyên bố ‘quan ngại’ ngay sau khi bà Nhiên bị bắt, theo Reuters.

Từ nghiên cứu ‘quá táo bạo’

tonhien2

Việt Nam phụ thuộc nặng vào điện than

Bà Ngô Thị Tố Nhiên - người bị bắt hôm 15/9/2023 với cáo buộc ‘chiếm đoạt… tài liệu của cơ quan, tổ chức’ theo Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 - từng hợp tác với Liên Hiệp Quốc để thực hiện một ‘nghiên cứu nhạy cảm’, đưa ra kịch bản tối ưu để giảm phát thải than, các tài liệu mà Dự án 88 thu thập được cho thấy.

Trước COP26 tại Glasgow (Scotland) - nơi ông Chính bất ngờ tuyên bố cam kết đầy tham vọng với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 - một ‘cuộc đối thoại cấp cao’ đã được bà Nhiên lên kế hoạch để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới các lãnh đạo Việt Nam.

Nhưng nghiên cứu này đã bị một số người cho là ‘quá táo bạo’, theo lời kể của John Cotton, Giám đốc Chương trình cấp cao của Đối tác chuyển đổi Năng lượng (ETP) của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, năm nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt giữ trong các năm từ 2021-2023.

Không nản lòng, năm 2022, bà Nhiên tiếp tục giúp Liên Hiệp Quốc lãnh đạo một dự án nhằm cải cách ngành năng lượng Việt Nam.

Dự án này đánh giá khả năng ngưng hoạt động của 26 nhà máy điện than của ba công ty năng lượng do nhà nước độc quyền là Petro Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đầu tư của ba công ty này vào than chiếm 50% công suất điện than cả nước. Bà Nhiên và các nhà phân tích của Liên Hiệp Quốc xác định đây là trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch.

‘Vi phạm nhân quyền’

tonhien3

(Từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng - những nhà hoạt động môi trường hàng đầu bị chính phủ Việt Nam bỏ tù.

Bà Nhiên bị bắt ngày 15/9 nhưng công an lại cho biết bà bị khởi tố vào 20/9. Tin bà Nhiên bị bắt giữ và những cáo buộc chống lại bà chỉ được công bố vào ngày 30/9.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, công bố vụ bắt giữ trong cuộc họp báo chính phủ vào ngày 30/9. Ông Xô nói bà Nhiên bị bắt sau khi trả tiền cho ông Lê Quốc Anh và Dương Việt Đức – hai chuyên gia của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mà VIETSE thuê làm tư vấn - để tiếp cận các tài liệu về quy hoạch và phát triển lưới điện của EVN.

Ông Xô nói các tài liệu này là ‘nội bộ, mật’.

Theo tài liệu mà Dự án 88 có trong tay, ông Anh và Đức đã giúp VIETSE tìm hiểu khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện của Việt Nam dựa trên các văn bản quy hoạch của EVN.

Hai ông bị công an thẩm vấn tháng 12/2022, khi đó bà Nhiên đang đi công tác nước ngoài. Khi trở về nước đầu 2023, công an tịch thu Hộ chiếu và bắt bà chín tháng sau đó.

Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin 2016.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam lại cho thiết kế và ban hành một khung pháp lý mở rộng để ngăn chặn quyền này, Dự án 88 phân tích.

Điều 6 luật nói trên quy định những thông tin ‘bí mật nhà nước’ mà công chúng không được tiếp cận.

Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước cũng quy định công dân không được tiếp cận thông tin ‘chính trị’, ‘chính sách của Đảng và Nhà nước’ - những thông tin trên thực tế có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân.

Dự án 88 chỉ ra rằng cáo buộc ‘chiếm đoạt, mua bán… tài liệu mật của cơ quan nhà nước’ là mơ hồ và không phù hợp với luật về nhân quyền quốc tế.

Quyền tiếp cận thông tin là một khía cạnh tất yếu của quyền tự do ngôn luận, theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Quyền này bao gồm việc được tiếp cận với các tài liệu mà cơ quan công quyền nắm giữ, vì lợi ích cộng đồng.

Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 – vốn được dùng để buộc tội bà nhiên và hai ông Anh, Đức – hạn chế quyền được tiếp cận thông tin và sự hạn chế này là lớn hơn so với luật pháp quốc tế.

Khi buộc tội bà Nhiên tiếp cận thông tin quy hoạch lưới điện Việt Nam, Bộ Công an đã vi phạm quyền tìm kiếm và tiếp cận thông tin từ cơ quan công quyền – và các thông tin này có ích cho cộng đồng – do đó không nằm trong danh sách ngoại lệ của ICCPR.

Ngoài ra, khi công an ập vào văn phòng VIETSE, thẩm vấn nhân viên, họ đã không công khai việc bắt giữ bà Nhiên, nhưng tiếp tục giam giữ và cách ly bà dù bà không gây nguy hiểm cho xã hội.

Các phương thức này giống hệt các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động khí hậu khác trong khoảng thời gian 2021-2023.

Bên cạnh đó, việc chiếm đoạt tài liệu mật được quy định trong Điều 337 và Điều 361 chứ không phải Điều 342. Do đó sử dụng Điều 342 để bắt bà Nhiên là không phù hợp và tùy tiện.

Việc giam giữ bà Nhiên mà không cáo buộc là vi phạm Điều 9 ICCPR mà Việt Nam ký kết năm 1982.

Từ các bằng chứng thu thập được và các phân tích nói trên, Dự án 88 kết luận rằng việc bắt giữ bà Nhiên là vi phạm luật nhân quyền.

'Động cơ chính trị’

tonhien4

Dự án 88 nghiên cứu các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động môi trường trước đó, gồm Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, và thấy rằng họ đều là những người nỗ lực thành lập các liên minh thúc đẩy phong trào xã hội dân sự. Do đó, vô hình trung, đẩy họ vào thế xung đột với Đảng cộng sản Việt Nam.

Họ cũng đều là lãnh đạo các tổ chức vận động chính sách năng lượng và đều nhận được tài trợ nước ngoài để thực hiện công việc này.

Cùng ngày bà Nhiên bị bắt giữ, báo Nhân Dân có bài viết nhằm vào các nhà bảo trợ nước ngoài đang tài trợ cho các nghiên cứu chính sách ở Việt Nam.

Bài báo cho rằng ‘một nhóm nhỏ’ đang lợi dụng hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm môi trường, ‘làm vỏ bọc để can thiệp vào nội bộ Việt Nam’.

Bài báo xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Việt Nam được cho là đang ‘đàn áp sâu rộng’ xã hội dân sự.

Cuối cùng, bà Nhiên, ông Đặng Đình Bách và bà Ngụy Thị Khanh đã bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giữ và khởi tố. Nhưng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự quy định rõ : Cơ quan An ninh Điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra ‘tội phạm an ninh quốc gia’, ‘tội ác chiến tranh’, ‘tội phạm nghiêm trọng’, những tội không bao gồm Điều 342 mà bà Nhiên bị buộc tội. Theo luật thì cơ quan này chỉ được phép điều tra các tội phạm khác nếu được Bộ trưởng Bộ Công an cho phép như một trường hợp ngoại lệ, Tiến sĩ Swanton phân tích.

Từ các phân tích nói trên, việc bắt giữ bà Nhiên dường như có động cơ chính trị, theo Dự án 88.

Khuyến nghị

Dự án 88 khuyến nghị Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 6 nhà hoạt động môi trường và đảm bảo xã hội dân sự có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước mà không bị đe dọa, quấy rối và trả thù.

Dự án 88 cũng khuyến nghị các nhà tài trợ JETP ra tuyên bố công khai phản ứng với việc bắt giữ tùy tiện bà Ngô Thị Tố Nhiên ; đồng thời đặt điều kiện cho việc giải ngân hơn 15 tỷ USD là chính phủ phải trả tự do cho các nhà hoạt động nói trên.

Với Liên Hiệp Quốc, Dự án 88 khuyến nghị họ chỉ tham gia vào các thỏa thuận thúc đẩy nhân quyền theo đúng nguyên tắc và mục tiêu của họ.

Chính quyền Việt Nam nói gì ?

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 5/10/2023, người phát ngôn Phạm Thu Hằng khi trả lời phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và vụ bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đã nói :

"Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam cũng như về quan hệ đối ngoại của Việt Nam".

Bà Hằng cũng nói rằng, "Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".

Về bà Nhiên, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 30/9, trung tướng Tô Ân Xô nói rằng kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được đã xác định từ năm 2020, bà Nhiên biết ông Việt và ông Anh là những người có quyền tiếp cận tài liệu liên quan đến chính sách phát triển lưới điện EVN.

Ông Xô nói bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với hai người này theo hình thức bán thời gian, có trả lương.

"Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra", ông Xô nói.

Ông này cũng nói rằng sau khi bà Nhiên bị khởi tố, "một số cơ quan truyền thông nước ngoài và tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường".

Ông Xô nói rằng đây là hành động ‘can thiệp nội bộ Việt Nam’.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 01/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Hằng
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)