Trang mạng chuyên về nhân quyền Việt Nam Project88 hôm qua, 23/07/2024 cho biết nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên đã bị kết án 42 tháng tù trong một phiên xử kín. Án tù đối với giám đốc "tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất" ở Việt Nam được tuyên vào ngày 27/06, một tháng trước chuyến công du Hà Nội của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell vào cuối tháng 7, mà trọng tâm là phát triển bền vững và khí hậu.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam © Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE)
Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt hồi tháng 09/2023, một tháng sau khi một nhóm các nhà tài trợ quốc tế - gồm Hoa Kỳ và các nước Liên Âu - cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) của bà Ngô Thị Tố Nhiên tham gia vào việc triển khai dự án nói trên.
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu dự kiến sẽ làm việc tại Hà Nội trong ba ngày, từ 29 đến 31/07/2024. Project88 kêu gọi Liên Âu trong dịp này "công khai lên án" bản án tù đối với bà Ngô Thị Tố Nhiên, và có các biện pháp để chính quyền Việt Nam tôn trọng cam kết loại bỏ dần điện than và khuyến khích công chúng tham gia vào cơ chế "Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng".
Theo Project88, một năm sau thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, với trọng tâm là từ bỏ dần điện than, chính quyền Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại cam kết. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu than của Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than năm 2023 cao hơn 61% so với năm 2022. Project88 nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam "đang thất bại". Báo cáo của Project88, dự kiến công bố vào tuần tới, sẽ trình bày rõ về vấn đề này.
Trọng Thành
Thấy gì về vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên trước kế hoạch huy động tài trợ của Thủ tướng Chính ?
Dự án 88 (The 88 Project) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy vụ bắt giữ Giám đốc Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên là ‘vi phạm nhân quyền’ và ‘mang yếu tố chính trị’.
Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than.
Báo cáo do Tiến sĩ Ben Swanton và Michael Altman-Lupu là đồng tác giả, được công bố ngay trước ngày khai mạc Thượng đỉnh khí hậu COP28 tại Dubai vào 1/12 – nơi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự kiến có bài phát biểu công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP (Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng) trước các nhà tài trợ Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than. Bà cũng đang lãnh đạo một dự án cải cách thể chế nhằm thúc đẩy các công ty năng lượng nhà nước thoái vốn khỏi điện than.
"Hoạt động chính sách của bà, giống như hoạt động của các nhà hoạt động khí hậu, có thể bị các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là nỗ lực nhằm ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng’ vì nó thách thức sự độc quyền của đảng trong hoạch định chính sách", theo Tiến sĩ Swanton và Altman-Lupu.
Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Ravina Shamdasani, đã tuyên bố ‘quan ngại’ ngay sau khi bà Nhiên bị bắt, theo Reuters.
Từ nghiên cứu ‘quá táo bạo’
Việt Nam phụ thuộc nặng vào điện than
Bà Ngô Thị Tố Nhiên - người bị bắt hôm 15/9/2023 với cáo buộc ‘chiếm đoạt… tài liệu của cơ quan, tổ chức’ theo Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 - từng hợp tác với Liên Hiệp Quốc để thực hiện một ‘nghiên cứu nhạy cảm’, đưa ra kịch bản tối ưu để giảm phát thải than, các tài liệu mà Dự án 88 thu thập được cho thấy.
Trước COP26 tại Glasgow (Scotland) - nơi ông Chính bất ngờ tuyên bố cam kết đầy tham vọng với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 - một ‘cuộc đối thoại cấp cao’ đã được bà Nhiên lên kế hoạch để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới các lãnh đạo Việt Nam.
Nhưng nghiên cứu này đã bị một số người cho là ‘quá táo bạo’, theo lời kể của John Cotton, Giám đốc Chương trình cấp cao của Đối tác chuyển đổi Năng lượng (ETP) của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, năm nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt giữ trong các năm từ 2021-2023.
Không nản lòng, năm 2022, bà Nhiên tiếp tục giúp Liên Hiệp Quốc lãnh đạo một dự án nhằm cải cách ngành năng lượng Việt Nam.
Dự án này đánh giá khả năng ngưng hoạt động của 26 nhà máy điện than của ba công ty năng lượng do nhà nước độc quyền là Petro Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đầu tư của ba công ty này vào than chiếm 50% công suất điện than cả nước. Bà Nhiên và các nhà phân tích của Liên Hiệp Quốc xác định đây là trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch.
‘Vi phạm nhân quyền’
(Từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng - những nhà hoạt động môi trường hàng đầu bị chính phủ Việt Nam bỏ tù.
Bà Nhiên bị bắt ngày 15/9 nhưng công an lại cho biết bà bị khởi tố vào 20/9. Tin bà Nhiên bị bắt giữ và những cáo buộc chống lại bà chỉ được công bố vào ngày 30/9.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, công bố vụ bắt giữ trong cuộc họp báo chính phủ vào ngày 30/9. Ông Xô nói bà Nhiên bị bắt sau khi trả tiền cho ông Lê Quốc Anh và Dương Việt Đức – hai chuyên gia của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mà VIETSE thuê làm tư vấn - để tiếp cận các tài liệu về quy hoạch và phát triển lưới điện của EVN.
Ông Xô nói các tài liệu này là ‘nội bộ, mật’.
Theo tài liệu mà Dự án 88 có trong tay, ông Anh và Đức đã giúp VIETSE tìm hiểu khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện của Việt Nam dựa trên các văn bản quy hoạch của EVN.
Hai ông bị công an thẩm vấn tháng 12/2022, khi đó bà Nhiên đang đi công tác nước ngoài. Khi trở về nước đầu 2023, công an tịch thu Hộ chiếu và bắt bà chín tháng sau đó.
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam lại cho thiết kế và ban hành một khung pháp lý mở rộng để ngăn chặn quyền này, Dự án 88 phân tích.
Điều 6 luật nói trên quy định những thông tin ‘bí mật nhà nước’ mà công chúng không được tiếp cận.
Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước cũng quy định công dân không được tiếp cận thông tin ‘chính trị’, ‘chính sách của Đảng và Nhà nước’ - những thông tin trên thực tế có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân.
Dự án 88 chỉ ra rằng cáo buộc ‘chiếm đoạt, mua bán… tài liệu mật của cơ quan nhà nước’ là mơ hồ và không phù hợp với luật về nhân quyền quốc tế.
Quyền tiếp cận thông tin là một khía cạnh tất yếu của quyền tự do ngôn luận, theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Quyền này bao gồm việc được tiếp cận với các tài liệu mà cơ quan công quyền nắm giữ, vì lợi ích cộng đồng.
Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 – vốn được dùng để buộc tội bà nhiên và hai ông Anh, Đức – hạn chế quyền được tiếp cận thông tin và sự hạn chế này là lớn hơn so với luật pháp quốc tế.
Khi buộc tội bà Nhiên tiếp cận thông tin quy hoạch lưới điện Việt Nam, Bộ Công an đã vi phạm quyền tìm kiếm và tiếp cận thông tin từ cơ quan công quyền – và các thông tin này có ích cho cộng đồng – do đó không nằm trong danh sách ngoại lệ của ICCPR.
Ngoài ra, khi công an ập vào văn phòng VIETSE, thẩm vấn nhân viên, họ đã không công khai việc bắt giữ bà Nhiên, nhưng tiếp tục giam giữ và cách ly bà dù bà không gây nguy hiểm cho xã hội.
Các phương thức này giống hệt các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động khí hậu khác trong khoảng thời gian 2021-2023.
Bên cạnh đó, việc chiếm đoạt tài liệu mật được quy định trong Điều 337 và Điều 361 chứ không phải Điều 342. Do đó sử dụng Điều 342 để bắt bà Nhiên là không phù hợp và tùy tiện.
Việc giam giữ bà Nhiên mà không cáo buộc là vi phạm Điều 9 ICCPR mà Việt Nam ký kết năm 1982.
Từ các bằng chứng thu thập được và các phân tích nói trên, Dự án 88 kết luận rằng việc bắt giữ bà Nhiên là vi phạm luật nhân quyền.
'Động cơ chính trị’
Dự án 88 nghiên cứu các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động môi trường trước đó, gồm Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, và thấy rằng họ đều là những người nỗ lực thành lập các liên minh thúc đẩy phong trào xã hội dân sự. Do đó, vô hình trung, đẩy họ vào thế xung đột với Đảng cộng sản Việt Nam.
Họ cũng đều là lãnh đạo các tổ chức vận động chính sách năng lượng và đều nhận được tài trợ nước ngoài để thực hiện công việc này.
Cùng ngày bà Nhiên bị bắt giữ, báo Nhân Dân có bài viết nhằm vào các nhà bảo trợ nước ngoài đang tài trợ cho các nghiên cứu chính sách ở Việt Nam.
Bài báo cho rằng ‘một nhóm nhỏ’ đang lợi dụng hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm môi trường, ‘làm vỏ bọc để can thiệp vào nội bộ Việt Nam’.
Bài báo xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Việt Nam được cho là đang ‘đàn áp sâu rộng’ xã hội dân sự.
Cuối cùng, bà Nhiên, ông Đặng Đình Bách và bà Ngụy Thị Khanh đã bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giữ và khởi tố. Nhưng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự quy định rõ : Cơ quan An ninh Điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra ‘tội phạm an ninh quốc gia’, ‘tội ác chiến tranh’, ‘tội phạm nghiêm trọng’, những tội không bao gồm Điều 342 mà bà Nhiên bị buộc tội. Theo luật thì cơ quan này chỉ được phép điều tra các tội phạm khác nếu được Bộ trưởng Bộ Công an cho phép như một trường hợp ngoại lệ, Tiến sĩ Swanton phân tích.
Từ các phân tích nói trên, việc bắt giữ bà Nhiên dường như có động cơ chính trị, theo Dự án 88.
Khuyến nghị
Dự án 88 khuyến nghị Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 6 nhà hoạt động môi trường và đảm bảo xã hội dân sự có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước mà không bị đe dọa, quấy rối và trả thù.
Dự án 88 cũng khuyến nghị các nhà tài trợ JETP ra tuyên bố công khai phản ứng với việc bắt giữ tùy tiện bà Ngô Thị Tố Nhiên ; đồng thời đặt điều kiện cho việc giải ngân hơn 15 tỷ USD là chính phủ phải trả tự do cho các nhà hoạt động nói trên.
Với Liên Hiệp Quốc, Dự án 88 khuyến nghị họ chỉ tham gia vào các thỏa thuận thúc đẩy nhân quyền theo đúng nguyên tắc và mục tiêu của họ.
Chính quyền Việt Nam nói gì ?
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 5/10/2023, người phát ngôn Phạm Thu Hằng khi trả lời phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và vụ bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đã nói :
"Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam cũng như về quan hệ đối ngoại của Việt Nam".
Bà Hằng cũng nói rằng, "Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".
Về bà Nhiên, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 30/9, trung tướng Tô Ân Xô nói rằng kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được đã xác định từ năm 2020, bà Nhiên biết ông Việt và ông Anh là những người có quyền tiếp cận tài liệu liên quan đến chính sách phát triển lưới điện EVN.
Ông Xô nói bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với hai người này theo hình thức bán thời gian, có trả lương.
"Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra", ông Xô nói.
Ông này cũng nói rằng sau khi bà Nhiên bị khởi tố, "một số cơ quan truyền thông nước ngoài và tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường".
Ông Xô nói rằng đây là hành động ‘can thiệp nội bộ Việt Nam’.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 01/12/2023
Việc bắt bớ những người hoạt động môi trường tình cờ đang phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.
Việt Nam bắt chuyên gia môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.
Bộ Công an lúng túng
Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Việt Nam để lại mối quan hệ song phương được nâng cấp lên mức cao nhất và nhiều lời phê phán về nhân quyền, Việt Nam bắt chuyên gia môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.
Thông tin ngay lập tức lan truyền, bao gồm trên cả các hãng thông tấn quốc tế như Reuters . Tuy nhiên, phải hơn 2 tuần sau đó, Bộ Công an mới chính thức lên tiếng về vụ bắt giữ bí ẩn này.
Không rõ lý do của sự chậm trễ này có phải là vì Bộ Công an chưa tìm ra tội danh phù hợp hay không, song phần trả lời của Trung tướng Tô Ân Xô cho thấy Bộ này đang lúng túng.
"Đây là việc chiếm đoạt thông tin, thuộc danh mục tài liệu mật", Trung tướng Xô nói và cho biết thêm là bà Nhiên bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 342 Bộ luật Hình sự, theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ .
Tuy nhiên, Điều 342 Bộ luật Hình sự lại quy định rất rõ chỉ áp dụng cho những tài liệu "không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác", bởi lẽ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được chế tài theo Điều 337 .
Thật khó hiểu khi Trung tướng Xô, người phát ngôn lão làng của Bộ Công an, lại phạm sơ suất căn bản như thế. Và cũng thật khó giải thích khi đã có hai tuần suy tính, song Bộ Công an lại tỏ rõ sự lúng túng đến thế khi thông tin về vụ bắt giữ bà Nhiên cho báo chí.
An ninh năng lượng : Trung Quốc hay Mỹ ?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên được coi là một chuyên gia về môi trường hơn là một nhà hoạt động. Lý lịch này khiến vụ bắt giữ bà có vẻ không liên quan gì đến sáu vụ bắt giữ các nhà hoạt động môi trường đồng thời là lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ trước đó, mà gần đây nhất là Hoàng Thị Minh Hồng.
Tuy nhiên, có một điểm chung giữa bà và những người bị bắt là đều ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn. Điều này có thể vô tình đã đặt họ vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh năng lượng của Việt Nam, theo nhãn quan của cơ quan an ninh.
Cụ thể, Mỹ và phương Tây muốn hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch nhanh hơn, trong khi Trung Quốc là đối tác cung cấp các nhà máy nhiệt điện than hàng thập kỷ qua ở Việt Nam với một hồ sơ môi trường tai tiếng. Các nhà hoạt động môi trường được cho là đã hợp tác với sứ quán Mỹ tạo ra áp lực dư luận xã hội buộc Việt Nam phải nghiêng về phía Hoa Kỳ khi tìm kiếm đối tác năng lượng của mình.
Bằng chứng là trong một bài viết xuất hiện một năm trước khi làn sóng bắt bớ bắt đầu, các nhà hoạt động kể trên cùng với tổ chức của họ đã bị cáo buộc như vậy. Bài viết đặc biệt này được đăng trên blog Loa Phường, lâu nay được cho là do cơ quan an ninh Việt Nam đứng sau.
An ninh năng lượng có tầm quan trọng hàng đầu cho sự tồn tại và phát triển của mọi nền kinh tế. Do đó, quyết định chọn ai làm đối tác chiến lược trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ liên quan đến những cân nhắc địa chính trị của mỗi quốc gia. Vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã ký với G7 thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với cam kết tài chính lên đến 15.5 tỷ USD.
Mũi tên hai đích
Không rõ Trung Quốc có liên quan gì đến làn sóng bắt bớ những nhà hoạt động môi trường này không, song không khó để thấy họ có lợi trong việc này.
Hình ảnh khói thải bay ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh tư liệu : Báo Tuổi Trẻ
Làn sóng phản đối các vụ bắt bớ đã khiến các đối tác tài trợ của JETP trì hoãn xem xét hỗ trợ các dự án mà Việt Nam đang mong muốn thúc đẩy, giữa lúc tình trạng thiếu điện ngày một trở nên trầm trọng đang ngăn cản tham vọng kinh tế của quốc gia này.
Nếu không nhận được những hỗ trợ này, việc Việt Nam quay trở lại phụ thuộc vào nhiệt điện than, lĩnh vực Trung Quốc chiếm ưu thế, gần như không thể tránh khỏi.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, việc Việt Nam tăng cường bắt bớ các nhà hoạt động môi trường rõ ràng phù hợp với lợi ích của họ. Những vụ bắt bớ này chẳng những làm sứt mẻ mối quan hệ đang trở nên nồng ấm giữa Việt Nam và Mỹ, mà trong địa hạt cụ thể là năng lượng, cũng đang giúp Hà Nội gần lại với Bắc Kinh hơn.
Hay nói cách khác, thay vì phá hoại quan hệ Việt - Mỹ một cách lộ liễu sẽ dễ bị phê phán, những ai muốn làm điều này có thể chọn cách kín đáo hơn là bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và môi trường, vừa được tiếng bảo vệ chế độ vừa là cách cản trở Việt Nam gần lại với Mỹ tốt nhất.
Quả là một mũi tên trúng hai đích.
Xét về tổng thể thì chuyện hoàn thuế, miễn thuế hay trốn thuế hoặc các sai sót khi tiếp nhận các khoản tài trợ cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thông điệp "chống lại can thiệp nội bộ" có thể là câu chuyện lớn hơn mà Bộ công an hướng đến.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên. (Hình : Trích xuất từ Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Ngày 20/9/2023, công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đại diện pháp luật của Doanh nghiệp xã hội sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE).
Lý do bắt giữ ban đầu không được công khai nhưng tạibuổi họp báo thường kỳ của Chính phủ 10 ngày sau đó, trung tướng Tô Ân Xô, đại diện BCA cho biết bà Nhiên bị bắt về tội"Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định tại điều 342 Bộ luật hình sự.
Cùng bị bắt với bà Nhiên còn có Dương Đức Việt và Lê Quốc Anh, đều là chuyên viên thuộc tập đoàn điện lực quốc gia EVN.
"Chiếm đoạt tài liệu" của EVN có chính xác ?
Điều 342 Bộ luật hình sự : Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, quy định :"Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đế 02 năm". Khoản 2 của khung hình phạt lên đến tối đa 5 năm.
Cần nhấn mạnh Điều 342 là dành cho tài liệu KHÔNG thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, bởi nếu là tài liệu mật thì Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm riêng tại Điều 337 và 361 của Bộ luật hình sự. Thế nhưng ông Xô đã trả lời phỏng vấn và nói đó là "tài liệu mật".
Theo quy định của pháp luật thì mặt khách quan của việc "chiếm đoạt" là "dùng thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của người đang quản lý tài liệu để lấy tài liệu". Nhưng ông Xô cũng cho rằng "Nhiên đã biết Việt và Anh là những người có quyền tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về lưới điện 500kV và 220 kV nên ký Hợp đồng chuyên gia với Việt và Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương để 2 bị can trên cung cấp tài liệu của EVN cho Nhiên".
Do không được biết chi tiết hành vi của 2 chuyên gia là Việt và Anh là "lén lút, gian dối hay uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của ai đó trong EVN để chiếm đoạt tài liệu" hay không nên ta không thể hiểu chính xác việc "chiếm đoạt" diễn ra như thế nào.
Tuy nhiên, nếu xét riêng những gì ta được biết về 3 bị can (Tố Nhiên, Đức Việt và Quốc Anh) thì có thể hiểu rằng họ đã công khai dùng kiến thức, thông tin và sự hiểu biết của mình mà tham gia vào công ty VIETSE như một chuyên gia để thực hiện các dự án nghiên cứu. Do vậy, nếu có vi phạm thì vấn đề ở đây liên quan đến quyền và nghĩa vụ hoặc sự xung đột lợi ích trong hợp đồng lao động, được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động.
Còn xét theo trả lời của Bộ công an thì cấu thành tội phạm của "chiếm đoạt tài liệu mật của cơ quan tổ chức" là không chính xác.
"Đánh" nguồn tài trợ về mình ?
Theo kết luận kiểm tra số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ nước ngoài thì chỉ riêng tại VUSTA từ 1/1/2018 đến 30/6/2022 thì tổ chức này đã nhận được 305 khoản tài trợ từ nước ngoài bao gồm : 22 khoản ODA không hoàn lại, 283 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết quy đổi tương đương 85,55 triệu USD.
Trong đó hầu hết đến từ các Tổ chức phi chính phủ Quốc tế (iNGO), các cơ quan phát triển quốc tế có uy tín và các Đại sứ quán như : Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu, USAID, Tổng lãnh sự Úc, Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Oxfarm, Bánh mì thế giới (Đức), PLAN, Wildaid, GIZ, IESR…
Điều khác nhau trong cách tiếp cận là các nhà tài trợ thường tìm kiếm những nhân sự giỏi, có uy tín để trực tiếp trao thầu thực thi công việc (đối với các dự án nhỏ) hoặc hoặc tiến hành đấu thầu lựa chọn (thường là đối với các hợp đồng trên 200 ngàn đô la). Qua quá trình làm việc các NGO thường trao đổi và hiểu các NGO nào của Việt Nam thì hoạt động hiệu quả, tính độc lập cao và nhân sự giỏi chuyên môn.
Ngược lại, nhà nước luôn luôn tìm cách giới thiệu, đề nghị các doanh nghiệp thuộc Nhà nước hoặc nhà nước kiểm soát được bất chấp khả năng, trình độ và hiệu quả công việc. Những NGO mà được chính các nhà quản lý đã về hưu thành lập luôn có "quan hệ" và ảnh hưởng nhất định lên việc trao hợp đồng dự án nhưng về mặt chuyên môn không phải khi nào cũng được đánh giá cao, do đó các nhà tài trợ quốc tế ít trao dự án cho những tổ chức này.
Do có nguồn tài trợ để làm nghiên cứu, VIETSE có thể thuê chuyên gia để thực hiện các hợp đồng công việc cho mình. Sản phẩm của các công ty chính là những báo cáo, những kết quả nghiên cứu và khi có sản phẩm thì công ty có thể cung cấp cho người đã thuê làm dự án hoặc bán nó ra thị trường như một sản phẩm thông thường.
Truy bắt người tài ?
Trong VIETSE thì bà Ngô Thị Tố Nhiên làm chủ tịch, giám đốc nghiên cứu là Tiến sĩ Hà Dương Minh Xavier. Bản thân bà Tô Nhiên là người giỏi, tốt nghiệp đại học Bách khoa, có bằng Thạc sĩ quản lý và Hệ thống năng lượng của Đại học Flensburg, Đức với hơn 15 năm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng thế giới, EU, Liên Hiệp Quốc, ADB… tài trợ.
Tiến sĩ Hà Dương Minh Xavier là một nhà nghiên cứu khoa học với chục bài báo, nghiên cứu và tài liệu viết chung và riêng về vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Ông sinh năm 1969 có quốc tịch Pháp và Việt Nam.
Ông cùng bà Ngô Thị Tố Nhiên thành lập nên Sáng kiến chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) vào năm 2018 và đã bắt đầu có những hợp đồng tư vấn từ OECD, Liên Minh Châu Âu và AFD, GTZ cho các đối tác chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á.
Sự việc càng nóng khi bà Nhiên cùng tiến sĩ Hà Dương Minh càng ngày càng có được sự chú ý của cơ quan tài trợ quốc tế vì tính hiệu quả trong công việc của bà và nhóm chuyên gia ở hiện tại và những dự phóng cho công việc chuyển đổi năng lượng sắp tới.
Thật vậy, tìm kiếm được các chuyên gia giỏi trong ngành để làm việc càng trở nên quan trọng khi vào cuối năm 2022, Việt Nam đã ký thoả thuận Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm nước giàu trị giá 15,5 tỷ đô la để đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050.
Điều khó khăn là hiện nay các NGO vừa nằm dưới sự quản lý của Bộ KH&ĐT và cả Bộ Tài chính theo 2 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định 56/2020/NĐ-CP. Nhiều tổ chức NGO thực sự quay như chong chóng vẫn không thể nào thoát khỏi mớ bòng bong tài chính, tài trợ và báo cáo cho các cơ quan nhà nước đặc biệt những quy định tại Thông tư số 109/2007/TT-BTC của Bộ tài chính.
Thông điệp chống "Can thiệp nội bộ"
Thế nhưng, xét về tổng thể thì chuyện hoàn thuế, miễn thuế hay trốn thuế hoặc các sai sót khi tiếp nhận các khoản tài trợ cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thông điệp "chống lại can thiệp nội bộ" có thể là câu chuyện lớn hơn mà Bộ công an hướng đến.
Vào ngày cơ quan an ninh tiến hành lục soát văn phòng Vietse và bắt giữ bà Nhiên, Báo Nhân dân có bài viết : "Không được phép can thiệp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và Nhân dân Việt Nam" trong đó nhấn mạnh :"Nổi lên trong thời gian qua là hiện tượng nhân danh hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, giáo dục, y tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, người lao động, đất đai, môi trường... một số NGO tìm cách can thiệp các công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông tin, đánh giá thiếu khách quan nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, dấy lên những nghi kị, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước".
Bài báo trên tờ Nhân dân cho rằng các tổ chức NGO quốc tế đã "lôi kéo" các tổ chức xã hội ở VN không đủ điều kiện để tham gia vào các dự án và hình thành các nhóm tư vấn chính sách cho Việt Nam. Họ coi những tổ chức NGO có khuynh hướng độc lập và tự do này là một mối nguy cơ khi họ tổ chức những buổi hội thảo để trình bày những báo cáo và khuyến nghị chính sách của mình rộng rãi.
Đó có thể là điều mà chính quyền Việt Nam không thể chấp nhận được.
Bởi vì thiếu minh bạch đã là căn bệnh kinh niên. Bên trong thì càng duy trì tình trạng càng mờ mịt càng dễ cho những nhóm lợi ích đục khoét còn bên ngoài thì vị thế của Việt Nam đang lên.
Điều đó càng giúp chính quyền tự tin hơn trong việc bắt giữ những người có ảnh hưởng với quốc tế, bất luận nó có tác động xấu như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 04/10/2023
Chính quyền Việt Nam xác nhận vụ bắt giữ giám đốc một công ty tư vấn về năng lượng
Hãng tin Pháp AFP ngày hôm nay, 01/10/2023 đã trích dẫn báo chí Việt Nam cho biết là chính quyền Hà Nội đã xác nhận việc bắt giữ lãnh đạo một công ty tư vấn về chính sách năng lượng. Đây là chuyên gia về môi trường thứ 6 bị chính quyền Việt Nam giam giữ trong vòng hai năm gần đây.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc tổ chức Sáng Kiến về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam. © Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE)
Theo AFP, ngày 20/09 vừa qua, tổ chức phi chính phủ mang tên Dự án 88 (The Project 88) đã lên tiếng báo động về việc bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc công ty Sáng Kiến về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam (tên tắt tiếng Anh là VIETSE), đã bị bắt giam vào ngày 15 trước đó, một thông tin không được chính quyền Việt Nam xác nhận.
Tuy nhiên, liên tiếp trong hai ngày 30/09 và 01/10, truyền thông nhà nước tại Việt Nam đã bắt đầu đưa tin về việc bà Ngô Thị Tố Nhiên đã bị khởi tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức" và bị bắt tạm giam vào ngày 20 tháng 9.
Cùng bị bắt và khởi tố trong vụ này còn có hai chuyên gia trong lãnh vực điện lực là Dương Đức Việt và Lê Quốc Anh.
Báo chí Việt Nam cũng trích lời trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên bộ Công An Việt Nam, trong cuộc họp báo chiều hôm qua 30/09, đã tố cáo "một số cơ quan thông tấn nước ngoài và các tổ chức phản động lưu vong đã đưa thông tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam" sau khi bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt.
Theo ông Tô Ân Xô : "Bộ Công An bác bỏ luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".
Theo ghi nhận của AFP, bà Ngô Thị Tố Nhiên đã làm việc với một số tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc. Theo tổ chức Dự án 88, vào thời điểm bị bắt, bà đang làm việc trên vấn đề thực hiện kế hoạch 15 tỷ đô la do nhóm G7, trong đó có Pháp, và các tổ chức quốc tế tài trợ, nhằm giúp Hà Nội đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo AFP, giới quan sát đang rất hoài nghi về tham vọng môi trường của Việt Nam sau một loạt những vụ bắt giữ và kết án nhắm vào một số nhà hoạt động nổi tiếng.
Gần đây nhất là vụ bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường hàng đầu ở Việt Nam đã bị kết án ba năm tù vào ngày 28/09 về tội trốn thuế.
Trọng Nghĩa
Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động môi trường thứ sáu, bà Ngô Thị Tố Nhiên của VIET
RFA, 20/09/2023
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) – vừa bị bắt giữ hôm 15/9 vừa qua, hiện không rõ lý do bắt giữ. Tổ chức chuyên theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam – Project 88 – loan tin này hôm 20/9.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành VIET - VIET
Theo Project 88, công an đã khám xét văn phòng của VIET và thẩm vấn các nhân viên của văn phòng này nhưng không công bố lý do bắt giữ.
Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ một người biết tin này nhưng không thể nêu danh tính vì lý do an toàn xác nhận vụ bắt giữ.
Theo Project 88, bà Nhiên "có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp".
AP dẫn lời ông Ben Swanton – đồng Giám đốc Project 88 – nhận định : "Việc bắt giữ bà Nhiên là dấu hiệu quan trọng cho thấy việc nghiên cứu chính sách năng lượng tại Việt Nam hiện nay là không được phép".
Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ hai bị bắt giữ trong năm nay tại Việt Nam sau trường hợp bà Hoàng Thị Minh Hồng của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE bị bắt vào ngày 30/5 vừa qua với cáo buộc tội "Trốn thuế".
Đây cũng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bắt giữ trong vòng hơn hai năm qua. Năm người bị bắt trước đó đều bị cáo buộc tội "Trốn thuế". Các tổ chức quốc tế đã lên án các vụ bắt giữ và kết án tù những nhà hoạt động này là có động cơ chính trị.
VIET là môt tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập vào cuối năm 2018 với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao.
Theo AP, khi bị bắt giữ, bà Nhiên đang làm việc với tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc để giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) mà Việt Nam vừa đạt được hồi cuối năm ngoái với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy.
Theo thỏa thuận này, các đối tác sẽ giúp Việt Nam hơn 15 tỷ đô la để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng bền vững từ sử dụng than sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Hôm 10/9 vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, Hà Nội đã trả tự do cho một trong số năm nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ là nhà báo Mai Phan Lợi 18 tháng trước thời hạn tù bốn năm với cáo buộc tội "Trốn thuế". Ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).
Nguồn : RFA, 20/09/2023
****************************
Việt Nam bắt giam chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên, vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Biden
Reuters, VOA, 20/09/2023
Việt Nam vừa bắt giữ một chuyên gia năng lượng vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội và công bố nhiều sáng kiến chung, bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền, theo Reuters.
Ngày 20/09/2023 công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên (y phục đen, đứng giữa), Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE)
Reuters dẫn thông tin từ The 88 Project hôm 20/9 cho biết trong một tuyên bố rằng công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15/9.
Chính quyền chưa đưa ra thông báo nào về việc bắt giữ này và báo chí trong nước cũng chưa đưa tin về việc này. Chính phủ Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Một người biết rõ sự việc xác nhận với Reuters rằng bà Nhiên đã bị giam giữ.
The 88 Project (Dự án 88) cho biết thêm 5 chuyên gia năng lượng và khí hậu khác hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam trong bối cảnh quốc gia do cộng sản cai trị này đang đàm phán với các đối tác quốc tế để đẩy nhanh các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vào thời điểm bị giam giữ, bà Nhiên đang hợp tác với văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thực hiện Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, một cam kết trị giá 15,5 tỷ đôla của nhóm G-7 và các nước khác nhằm giúp Việt Nam giảm sử dụng than, Dự án 88 và nguồn tin cho biết.
UNDP Việt Nam chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Ông Biden rời Việt Nam vào ngày 11/9 sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao và ký kết nhiều thỏa thuận với lãnh đạo Hà Nội, vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền cáo buộc ông gạt bỏ các vấn đề nhân quyền.
Tờ thông tin của Nhà Trắng về chuyến thăm có hơn 2.600 từ, trong đó có 112 từ về nhân quyền. Nhà Trắng đề cập đến "tăng cường cam kết đối thoại có ý nghĩa" về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền mà không nêu chi tiết.
Hôm 19/9, Reuters đưa tin rằng như một phần của thỏa thuận, hai nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ đã được thả và hai người khác bị cấm xuất cảnh, sẽ được phép định cư đến Hoa Kỳ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hồi đầu tháng này rằng trước chuyến thăm của ông Biden, Việt Nam giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị và giam giữ 22 người khác.
Ông Ben Swanton, Đồng giám đốc Dự án 88, cho biết : "Việc giam giữ bà Nhiên chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang sử dụng tù nhân chính trị làm công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán ngoại giao".
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Nguồn : VOA, 20/09/2023