Hôm nay ngồi nhà có coi mấy audio và video clip của VOA, RFA... trong tuần qua. Có câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể tham gia vào "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình (có thể) sắp tới hay không ? Nhiều người trả lời câu hỏi này nhưng tôi thấy không mấy thuyết phục.
Việt Nam - Trung Quốc nhất trí hợp tác cùng xây dựng ‘Vành đai và Con đường’ - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh Nhật Bắc
Chuyện này tương tự như vụ hội luận vài tuần trước về chủ đề "vành đai - con đường" của Trung Quốc.
Theo tôi, Việt Nam hiện thời đã "liền da liền thịt" với Trung Quốc rồi. Nhứt là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thuộc về dự án "hai hành lang một vành đai" của Trung Quốc. Dự án này đã được hai bên Việt Nam-Trung Quốc triển khải từ những năm 2004 đến nay.
Chỉ số phát triển (GRDP) trung bình hiện nay của các tỉnh này 8,5% so với cả nước 5%.
Từ 2016 đến 2021, bất chấp Covid, GRDP các tỉnh đồng bằng sông Hồng tăng gần gấp đôi (gấp 1,8 lần). Riêng Hải Phòng liên tục tăng trưởng ở mức 13%, Quảng Ninh 10%...
Đóng góp các tỉnh đồng bằng sông Hồng (gồm Hà Nội) vào GDP cả nước là 30,4%.
Tức là phát triển khu vực miền Bắc gắn liền với Trung Quốc và việc này làm cho Hà Nội qua mặt Sài Gòn.
Dự án "hai hành lang - môt vành đai" thực tế là một phần không tách rời của đại dự án 2013 "Vành đai - con đường" của Tập Cận Bình.
Hai hành lang : 1/ Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. 2/ Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội - Hải Phòng.
Một vành đai : vành đai kinh tế Vịnh Bắc Việt và tỉnh Hải Nam.
Dự án "hai hành lang - môt vành đai" thực tế là một phần không tách rời của đại dự án 2013 "Vành đai - con đường"
Mục đầu tiên của kết ước hợp tác "hai hành lang một vành đai" giữa Việt Nam và Trung Quốc là "phát triển cơ sở hạ tầng". Ta thấy trên thực tế hệ thống đường cao tốc ở miền Bắc đã được xây dựng, vượt xa miền Nam.
Theo tôi, các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Lạng sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc... trên thực tế đã "có chung vận mệnh" với Trung Quốc rồi.
Tức là chuyện "gia nhập" hay không chỉ là "đầu môi chót lưỡi", chỉ có giá trị "tiếng vang" mà thôi.
Trở lại chuyện khen Hà Nội hôm trước (mà tôi bị ném đá).
Tôi thấy là Sài Gòn vẫn "dậm chân" tại chỗ, vẫn cắm cúi làm việc để góp cho trung ương 82% của cải làm ra.
Tôi cũng thấy là quan chức "làm nhiệm vụ đảng giao", Sài Gòn ra sao thì "kệ mẹ" Sài Gòn.
Chốt lại một điều : xe bus Sài Gòn thua xa với Hà Nội.
Vấn đề là dân Sài Gòn cũ, nhứt là những người hải ngoại, hình như đồng hồ đã đứng kim vào ngày 30/4/75.
Dĩ nhiên so sánh Hà Nội 75 với Sài Gòn 75 là so sánh đom đóm với ánh đèn. Không mấy ai chịu "thức tỉnh", về thực tại để thấy Hà Nội 2023 đã vượt vô cùng xa Sài Gòn 75. So sánh Sài Gòn 2023 thì Hà Nội 2023 vẫn qua mặt, trên nhiều phương diện. Con người cũng vậy.
Cả miền Nam, Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long, một bên là túi tiền của đảng. Một bên là vựa lúa của cả nước. Trong một thời gian dài.
Tình hình là nay là GDP của Hà Nội và đồng bằng sông Hồng đã vượt qua GDP của Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng Sài Gòn vẫn là túi tiền của đảng và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa của cả nước.
Dân Sài Gòn vẫn coi đồng hồ chỉ giờ 30/4/1975 để quan sát và phán đoán sự việc.
Nói sao không thua kém người ta.
Trương Nhân Tuấn
(03/12/2023)