Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2023

Cuộc chạy đua săn lùng dầu hỏa

Thanh Hà

Nhiều người vẫn kỳ vọng COP28 là hội nghị khí hậu quốc tế đầu tiên bàn về "tương lai năng lượng hóa thạch". Trong năm 2022-2023, các đại tập đoàn dầu khí trên thế giới tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đô la để được khai thác "vàng đen" tại hơn 50 quốc gia. Venezuela muốn chiếm đoạt vùng Essquibo của Guyana bởi đây là một mỏ dầu nhiều tiềm năng và Guyana có thể trở thành một Koweit ở Nam Mỹ.

dauhoa1

Một con tàu bồi cát xây đảo nhân tạo lập cảng để sản xuất dầu ở cửa sông Demerara ở Georgetown, Guyana. Ảnh chụp ngày 12/04/2023. AP - Matias Delacroix

Tháng 11/2023 Reclaim Finance, một tổ chức phi chính phủ chuyên quan sát về tác động của các hoạt động tài chính đối với môi trường và nhất là đời sống của con người - trụ sở tại Paris, ghi nhận vẫn không thiếu các dự án mới khai thác dầu khí trên thế giới.

Trong hai năm trở lại đây, tại 58 quốc gia, 200 tập đoàn tư nhân và của nhà nước đã khởi động 437 dự án đầu tư trong ngành dầu khí. Tổng đầu tư lên tới 528 tỷ đô la chỉ riêng cho các khâu "khai thác và sản xuất". Điểm đến của số tiền khổng lồ đó tập trung vào Qatar, Ả Rập Xê Út, Brazil, Mỹ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Riêng nước Nga, không nhận được nhiều đầu tư như các đối tác vừa nêu nhưng lại là nơi chiếm được nhiều dự án hơn cả, đứng trước Na Uy.

Ai tài trợ cho 437 dự án đầu tư mới vừa nêu ? Theo Reclaim Finance, tập đoàn quốc gia Ả Rập Xê Út Aramco dẫn đầu, kế tời là ExxonMobil của Mỹ. Đứng thứ ba là Petrobras của Brazil.

Cũng trong giai đoạn 2022-2023 do tác động của lạm phát đè nặng lên tăng trưởng của Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden, người từng đắc cử nhờ cam kết sẽ "không có thêm một giếng dầu nào khác trên đất Mỹ", đã cho phép tập đoàn ConocoPhillips khởi động một dự án "khổng lồ" tại Alaska. Tập đoàn dầu khí của Anh BP được phép thăm dò và khai thác ngoài khơi vùng Newfoundland của Canada mặc dù đấy là một vùng biển thuộc bảo tồn.

Tại Luân Đôn, thủ tướng Anh Rishi Sunak tháng 7/2023 cấp giấy phép cho ít nhất 100 dự án ở Biển Bắc. Pháp cũng đang lao vào cuộc săn lùng dầu hỏa : tháng trước, tập đoàn Canada Vermilion vừa được phép khoan thêm 8 giếng dầu ở vùng Gironde, miền tây nam nước Pháp. Paris, từ 2017 đã thông qua một đạo luận dự trừ ngừng sản xuất dầu hỏa và khí đốt kể từ năm 2040.

Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin hoàn toàn không có lý do gì để ngừng lại các dự án bạc tỷ với các đối tác Trung Quốc và kể cả Châu Âu bất chấp lệnh trừng phạt phương Tây ban hành từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraine. Các vương quốc dầu hỏa ở Trung Đông, các nhà sản xuất ở Châu Phi vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghiệp dầu khí.

Vương quốc dầu mỏ của Nam Mỹ và nguy cơ xung đột vũ trang

Không ồn ào như đại đa số các nhà sản xuất hay các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa lâu đời của thế giới, tại Nam Mỹ, hai nước nhỏ là Surinam và Guyana sắp nổi lên như những "mỏ dầu" của thế giới. Tập đoàn dầu khí Pháp, TotalEnergies dự kiến dầu tư 9 tỷ đô la thăm dò lô 58 ngoài khơi Surinam với tiềm năng 200.000 thùng dầu/ngày.

Từng là thuộc địa cũ của Hà Lan, với chừng 600.000 dân cư và là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực, Surinam kỳ vọng nhiều vào các nguồn tài nguyên ngoài khơi và đang mở rộng cửa đón tác tập đoàn của Mỹ, Trung Quốc và của Châu Âu.

Về phần Guyana, quốc gia duy nhất thuộc Khối Thịnh Vượng Chung của Anh Quốc ở Nam Mỹ trong hai năm vừa qua, GDP đã được nhân lên gấp 3 lần nhờ có dầu hỏa. Viễn cảnh dầu hỏa của Guyana bảo đảm 1 % nhu cầu tiên thụ cho toàn thế giới vào ngưỡng 2025 đã làm dấy lên lòng tham của Venezuela sát cạnh. Guyana có đường biên giới chung với Brazil, Surinam và Venezuela cũng chính con sông Essquibo được coi là đường biên giới tự nhiên giữa thuộc địa cũ của Anh Quốc với một mỏ dầu của thế giới tại Mỹ Latinh là Venezuela.

Vào lúc Caracas không phát huy được ngành công nghiệp dầu khí để phát triển thì trong vỏn vẹn 2 năm, GDP của Guyana được nhân lên gấp ba lần nhờ phát hiện những mỏ dầu ở ngoài khơi với trữ lượng ước tính tương đương với của Koweit hay của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nguồn sản xuất dầu hỏa lớn thứ 7 hiện nay trên thế giới.

Ngày 03/12/2023 Caracas tổ chức trưng cầu dân ý khẳng định chủ quyền với vùng Essquibo, trải rộng trên 160.000 km vuông, tương đương với 2/3 lãnh thổ của Guyana. Hơn 95 % những người được hỏi xem Essquibo thuộc về Venezuela. Kết quả đó làm dấy lên lo ngại Caracas viện cớ để lấn chiếm Guyana, tước đoạt các nguồn tài nguyên tại Essquibo.

Đây là một vùng đất với nhiều mỏ vàng, mỏ kim cường, đồng hay beauxite và dầu hỏa.

Đầu tháng 11/2023 Chevron chi ra 53 tỷ đô la mua lại Hess, cũng một tập đoàn năng lượng của Hoa Kỳ để được quyền đồng quản lý các mỏ dầu ở Guyana, bởi đây là những mỏ "vàng đen dễ khai thác". Theo tạp chí kinh tế Capital Economics, ngay cả trong trường hợp giá dầu dao động từ 25 đến 35 đô la một thùng, Chevron cũng đã có lãi.

Trên nguyên tắc trong hai năm nữa, sản xuất dầu thô của Guyana sẽ cao hơn so với của Anh Quốc hiện nay và kể cả của Venezuela. Đương nhiên trong những điều kiện đó chính quyền Guyana đang đàm phán lại các hợp đồng với các đại tập đoàn của Mỹ và cả với CNOOC của Trung Quốc.

Vấn đề gây lo ngại ở đây như giới trong ngành ghi nhận là lòng tham của Caracas, mà ai cũng biết, hai điểm tựa truyền thống của Venezuela là Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của chế độ Maduro và thậm chí Venezuela thanh toán trực tiếp cho chủ nợ bằng dầu hỏa. Còn Matxcơva là nguồn cung cấp đến 75 % vũ khí cho Caracas và các hãng dầu của Nga có ảnh hưởng rất lớn tại quốc gia Châu Mỹ Latinh này.

Lợi nhuận và sức khỏe con người

Trong cuộc chạy đua săn lùng dầu hỏa đó làm thế nào để các nhà khoa học thuyết phục được gần 200 phái đoàn tham dự hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai từ bỏ năng lượng hóa thạch ?

Một nghiên cứu được tạp chí khoa học British Medical Journal công bố trước ngày COP28 khai mạc, năng lượng hóa thạch là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 5 triệu người trên thế giới. Tất cả là nạn nhân của hiện tượng ô nhiễm không khí, bụi và do tác hại của khí ozone.

Trong cương vị chủ nhà COP28 Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dự trù đầu tư thêm 150 tỷ đô la từ nay đến 2027 để nâng cao"khả năng cung cấp về dầu khí" quốc gia.

Một tín hiệu đáng lo ngại khác được các tổ chức bảo vệ môi trường và sức khỏe con người như Reclaim Finance báo động là "ngay cả các tập đoàn năng lượng chủ yếu là của Châu Âu như Shell, BP hay TotalEnergies đang thu hẹp lại những mục tiêu chống biến đổi khí hậu và những tham vọng phát triển năng lượng sạch". Tập đoàn Ý ENI mua lại Neptune Energy của Na Uy để tiếp tục đầu tư ở Bắc Âu. TotalEnergies của Pháp không che giấu là sẽ tiếp tục đầu tư vào những giếng dầu mới, tối thiểu là đến ngưỡng 2030. Điều đó không cấm cản lãnh đạo TotalEnergies thông báo những tham vọng và nỗ lực làm sạch môi trường. 

Chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu hỏa Pháp Patrick Pouyanné phát biểu nhân một hội nghị quốc tế : "Chúng tôi sẽ đầu tư 40 tỷ đô la trong sáu năm sắp tới để đẩy mạnh năng lượng sạch, để giảm bớt lượng phát khi thải carbon trong các hoạt động của tập đoàn TotalEnergies. 40 tỷ đô la đó tương đương với từ 40 đến 50 % tổng đầu tư của tập đoàn với mục tiêu phát huy những công nghệ mới, cắt giảm CO2 và đóng góp cho một mô hình năng lượng mới".

Giáo sư đại học Paris Dauphine, chuyên về dầu khí Philippe Chalmin lưu ý trong một bảng xếp hạng gần đây về thiện chí của các hãng dầu khí hạn chế phát thải carbon, ENI của Ý đứng đầu, kế tới là TotalEnergies.

Trái lại từ COP21 ở Paris đến nay chưa bao giờ các đại tập đoàn của Mỹ cam kết về bất kỳ điều gì về một chiến lược chuyển đổi năng lượng. Cũng giáo sư Chalmin nhắc lại rằng, sở dĩ mà các hãng dầu khí tiếp tục đầu tư vào các dự án mới, bởi nhu cầu của thế giới còn tiếp tục tăng thêm : 

"Theo tôi Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề hơn rất nhiều so với các nước sản xuất dầu hỏa. Nói một cách thực công bằng, thì sở dĩ mà các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa tiếp tục khai thác công nghiệp này là do nhu cầu của thế giới vẫn còn tiếp tục tăng thêm. Năm tới, mỗi ngày trung bình thế giới cần thiêu thụ khoảng từ 1,5 đến 2 triệu thùng dầu".

Trong báo cáo giữa tháng 11/2023 Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE dự phóng nhu cầu tiêu thụ vào năm tới trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh và có thể là sẽ "phá kỷ lục". Chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, Trung Quốc tiêu thụ hơn 17 triệu thùng dầu/ngày. Phải đợi đến khoảng 2030 nhu cầu chung của nhân loại mới tăng chậm lại.

Marc Antoine Eyl Mazzega đặc trách về khoa năng lượng tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI giải thích về thách thức rất lớn đặt ra cho các nền kinh tế đang phát triển và đây không phải là lúc để những nước như Ấn Độ hay Brazil, Trung Quốc chấp nhận giảm tiêu thụ về năng lượng. Những quốc gia này vẫn nghiện dầu hỏa :

"Tiêu thụ dầu hỏa tại các nước phương Tây giàu có, có chiều hướng giảm đi, tuy là giảm chậm hơn nhiều so với mong đợi từ phía các nhà khoa học. Vấn đề đặt ra là ở những nơi khác trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa đã tăng rất mạnh. Đành là có những giải pháp khác nhưng tất cả đều quá đắt và ngoài tầm tay của các nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng về dân số đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải đi theo và đây là một áp lực vô cùng to lớn đối với những nền kinh tế đang trỗi dậy. Tôi muốn nói đến trường hợp của Ấn Độ, của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á… Trong hoàn cảnh đó, dầu hỏa vẫn chiếm một vị trí trung tâm chi dù chúng ta đã bắt đầu nói đến đỉnh điểm vào khoảng 2030, kể từ đó tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ bắt đầu tăng chậm lại trước khi sụt giảm".

Khó để phủ nhận những kết quả nghiên cứu khoa học báo động về nguy cơ năng lượng hóa thạch đè nặng lên sức khỏe con người. Khó để bác bỏ những kết luận dầu hỏa, khí đốt và than đá thải 80 % carbon là hâm nóng trái đất. Chấp nhận những kết quả nghiên cứu đó là một chuyện, nhưng từ bỏ năng lượng hóa thạch để đi tìm những "giải pháp thay thế" là một chuyện khác.

Trước khi COP28 hạ màn, Ả Rập Xê Út, hôm 05/12/2023 báo trước sẽ "tuyệt đối" chống lại việc khai tử năng lượng hóa thạch. Lập trường này được Nga và Trung Quốc tán đồng. 

Thanh Hà

Nguồn : RFA, 05/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 162 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)