Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2023

Chung quanh Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương

Trần Đức Anh Sơn và một số chuyên gia

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương : Tại sao không kiện đòi lại mà phải mua ?

Mười lăm sự kiện tiêu biểu vào danh sách để bình chọn ra 10 sự kiện trong năm 2023 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công bố hôm 5/12 có sự kiện Ấn vàng "Hoàng Đế Chi Bảo" hồi hương.

an1

Chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam

Chiếc ấn của triều Nguyễn có nguồn gốc từ thời vua Minh Mạng từ Pháp trở về Việt Nam hôm 18/11 được đại gia Bắc Ninh -Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua lại từ nhà đấu giá Millon Pháp.

Chính phủ Việt Nam đang coi đây là sự kiện tiêu biểu của năm, tuy nhiên, cũng có thông tin nói rằng chiếc ấn triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đã bị thất lạc và một chiếc "ấn giả" (a fake seal) đã được làm ra từ thời vua Thành Thái. Thông tin này được nêu trong lời nói của vua Thành Thái trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" (tạm dịch : "Một cuộc đời trong mắt bão") xuất bản năm 2005 do Giáo sư Nguyễn Văn Châu chấp bút, kể về cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp (con Thượng thư Ngô Đình Khả, em ruột cố Tổng thống Ngô Đình Diệm) theo lời kể của chứng nhân lịch sử này. 

Trước các thông tin trên, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn và một số chuyên gia khác về chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo cũng như quá trình đưa chiếc ấn về Việt Nam.

Dưới đây là bài phỏng vấn Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn về quá trình đưa chiếc ấn về Việt Nam. Phần thảo luận về thông tin trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" sẽ được trình bày ở bài tiếp theo.

***********************

RFA : Có nhiều thông tin khác nhau về quá trình mua ấn này. Cũng có ý kiến nói vì sao không đòi lại chiếc ấn vì đó là tài sản của Việt Nam mà phải mua. Xin ông giải thích các băn khoăn này.

Trần Đức Anh Sơn : Đầu tiên, tôi xin giới thiệu tôi là Trần Đức Anh Sơn, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Đông Á ở Thành phố Đà Nẵng. Trước đây tôi tốt nghiệp ngành khảo cổ học với học vị tiến sĩ năm 2002. Sau đó tôi là nghiên cứu viên, phó giám đốc rồi giám đốc của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trong 18 năm. 

Trước hết, tôi nói một chút về lịch sử sở hữu chiếc ấn. Cái ấn và kiếm của vua Bảo Đại đó đã được đại diện của Bảo Đại trao cho đại diện của Chính phủ Việt Minh vào tháng 8 năm 1945. Cái ấn và kiếm đó đã được đưa ra Hà Nội, rồi sau đó trong kháng chiến chống Pháp thì hai cái ấn và kiếm này bị thất lạc. Người Pháp tình cờ tìm lại được cái ấn và kiếm này, rồi trao lại cho Bảo Đại với tư cách là quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam khi đó. 

Việc Pháp trao trả lại ấn và kiếm cho Bảo Đại khi đó là hợp lý vì khi đó họ không thừa nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo và đang kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Pháp khi đó thừa nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo được thành lập sau đó. Cho nên việc họ trả lại cho Bảo Đại là điều dễ hiểu. 

Trong hoàn cảnh chiến tranh, Bảo Đại sợ thất lạc nên gửi ấn và kiếm đó cho bà Nam Phương bên Pháp. Bà Nam Phương đã gửi ấn và kiếm vào trong ngân hàng để lưu giữ. 

Sau khi bà Nam Phương mất thì xảy ra cuộc tranh chấp giữa vua Bảo Đại và cựu Hoàng thái tử Bảo Long. Tòa án Pháp phân xử và phán quyết cho vua Bảo Đại giữ cái ấn, còn Bảo Long giữ cái kiếm. 

Việc thừa kế của cựu hoàng Bảo Đại cho bà vợ người Pháp, bà Monique Baudot, là chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng Pháp. Cho nên những người con của Bảo Đại nói tất cả người con của ông đều được thừa kế cái ấn đó. 

Có người viện dẫn điều luật 2276 Bộ Luật Dân sự Pháp nói rằng bất cứ ai bị mất hoặc bị trộm một cái gì đó đều có thể được yêu cầu trả lại. (RFA chú thích : Có thể xem một trong những ý kiến như vậy được đăng trên RFA ngày 28/11/2023).

Việc viện dẫn điều luật này không đầy đủ, có tính cắt đoạn, biện minh cho một lập luận của người viện dẫn điều luật này đề nghị Pháp trả cái ấn cho Việt Nam. 

Thực ra điều luật 2276 quy định rằng đối với động sản, ai đang nắm giữ đồ vật trong tay thì mặc nhiên có quyền sở hữu. Nhưng người ta cũng dự liệu là có khả năng chủ sở hữu thật có thể giành lại quyền sở hữu bằng cách khởi kiện. Điều đó được quy định tại phần 3 điều 2276. Đồng thời, điều 2277 nói rất rõ là thời hạn để đòi lại quyền sở hữu là 3 năm. Sau 3 năm mà không đòi thì quyền khởi kiện bị triệt tiêu. (RFA chú thích : Có thể xem điều luật 2276 bản tiếng Pháp và các phiên bản sửa đổi tại website Chính phủ Pháp).

Chúng ta biết rằng cái ấn được Pháp trả lại cho Bảo Đại năm 1953, đến năm 2022 thì đã hơn nửa thế kỉ, nhưng không có chính phủ nào của Việt Nam đòi lại trong thời gian dài đó. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ được vua Bảo Đại trao ấn và kiếm năm 1945 và làm thất lạc thì đã không lên tiếng. Sau đó Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chính phủ kế thừa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1976 cũng không lên tiếng. Rồi tiếp theo là việc ông Bảo Đại với tư cách là quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam gửi cái ấn và kiếm sang Pháp, sau khi bầu cử lại thì Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cũng không lên tiếng. Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa sau đó cũng không lên tiếng. Con cháu họ Nguyễn Phước Tộc sau 1975 cũng không lên tiếng. Vậy thì đương nhiên cái ấn và kiếm đó thuộc quyền sở hữu của người đang sở đắc chúng. 

Do đó, viện dẫn Bộ Dân luật Pháp không đầy đủ, có tính chất cắt xén như vậy để đòi hỏi lấy lại cái ấn mà không thông qua mua đấu giá thì nó không đúng. Trong thực tế là chính phủ Pháp cũng không trả lại cái ấn đó. 

Một chuyên gia về cổ vật và thông thạo vấn đề này là Tiến sĩ Trần Hạnh đang giảng dạy tại Đại học California, Berkely, Hoa Kỳ, cũng đưa ra dẫn chứng là tại Paris năm 2019 thì nhà đấu giá Christie’s đã đưa ra đấu giá hai cái đầu thú bằng đồng trong bộ 12 con giáp có niên đại thời nhà Thanh bên Trung Hoa. Nguồn gốc rõ ràng là của triều đình nhà Thanh, bị liên quân 8 nước lấy đi sau cuộc chiến tranh nha phiến lần 2 năm 1860. Năm 2009 khi người Pháp đưa cái này ra bán đấu giá, chính quyền Trung Quốc tổ chức một cơ quan pháp lý có 81 luật sư để kiện nhà đấu giá Christie’s ra tòa án Pháp, đòi trả lại vì đây là đồ cướp bóc, nhưng không thành công vì tòa án Pháp sau khi xem xét cơ sở pháp lý đã không chấp nhận. Người Trung Quốc đã thất bại trong việc đòi lại cổ vật mà mua đấu giá cũng không được. 

Một ví dụ khác là năm 2013 nhà đấu giá Dallas Auction Gallary ở Mỹ cũng bán đấu giá một cặp bình sứ có niên đại thế kỉ 19 có nguồn gốc từ lò sứ hoàng gia chuyên sản xuất cho Nga hoàng. Cũng có ý kiến đòi hỏi phải trả lại cho Nga. Cuối cùng thì trước ngày đấu giá khoảng một tuần, một khách hàng từ Nga đã đến Taxas thương lượng để mua riêng với giá 2,7 triệu USD. Đây là trường hợp giống như Việt Nam mua lại ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" tại Pháp, cách "chatter sale" hay "private sale", tức bên bán, bên mua và nhà đấu giá làm việc riêng với nhau để mua cổ vật. Tôi đã trình bày với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, về điều đó. Chúng ta phải thương lượng để đứng ra mua chứ không phải là kiện để đòi lại, vì kiện sẽ thất bại như Trung Quốc đã làm. 

Thực tế diễn tiến theo đúng như vậy. Chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo đã được mua và hồi hương về Việt Nam theo cách đó. 

RFA : Xin ông cho biết trong năm 2022, ông nhận được thông tin về việc bán đấu giá chiếc ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" như thế nào ?

Trần Đức Anh Sơn : Tôi cũng là một trong những người được tiếp nhận thông tin đầu tiên về việc hãng đấu giá Millon tại Pháp ngày 8/10/2022 đưa ra đấu giá một cái ấn vàng, theo Catalog của họ cho biết, là có tên "Hoàng Đế Chi Bảo", thời Minh mạng, được hậu duệ của bà Monique Baudot, vợ người Pháp sau cùng của Bảo Đại. 

Tôi nhận thông tin từ một người bạn của tôi, một nhà sưu tầm cổ vật và thông hiểu lĩnh vực đấu giá cổ vật. Anh ấy rất quan tâm đến cổ vật Việt Nam nói chung và cổ vật triều Nguyễn nói riêng. Bạn tôi nghĩ tôi là người từng làm việc tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thì tôi có thể có quan hệ với đơn vị chủ quản là Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế, và các cơ quan này có thể bỏ kinh phí ra để mua các cổ vật quan trọng này về. (RFA chú thích : Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế do Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế quản lý về hành chính, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch quản lý về chuyên môn).

Sau đó tôi làm việc với anh bạn thì anh có gửi tôi các link về cổ vật đấu giá. Là người am hiểu vấn đề đấu giá cổ vật, bạn tôi tư vấn rằng nếu người Việt Nam mua lại thì rất khó, nhất là các cơ quan nhà nước của Việt Nam. 

RFA : Xin ông cho biết vì sao Việt Nam thường khó thành công khi đấu giá mua lại cổ vật của mình. Và vì sao lần đấu giá ấn Hoàng Đế Chi Bảo này lại thành công ?

Trần Đức Anh Sơn : Tôi biết trước đây có nhiều lần Việt Nam cử cán bộ đi mua đấu giá quốc tế thì thường không thành công. Lý do là người được cử đi đấu giá thường được cho phép đấu giá đến một mức giá nhất định thì phải dừng lại. Khi bị người đấu giá khác đưa ra giá cao hơn thì Việt Nam thường thất bại. Người cán bộ được cử đi đấu giá thường không thể đề xuất với các cơ quan chức năng nâng mức chi phí lên để đấu giá. 

Cho nên khi nghe được thông tin về bán đấu giá chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo thì anh bạn tôi và tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta nên thương lượng mua trước cổ vật này trước khi được bán đấu giá công khai. Đây là cách làm phổ biến trong nghệ thuật bán đấu giá. Người ta gọi là "chatter sale" hay là "private sale", tức là người mua và người bán cùng hãng đấu giá, tức là 3 bên hợp tác với nhau để thực hiện việc đấu giá, như tôi nói ở trên.

Tôi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tường thuật tình hình và đề nghị Tiến sĩ Đoàn làm tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đề nghị Bộ Văn hóa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam để cử một đoàn hoặc lập một kênh liên lạc để làm việc với hãng Millon, xin rút cái ấn này ra khỏi sàn đấu giá, để thỏa thuận với các bên để mua. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn đã soạn một tờ trình vào ngày 20/10/2022 trình cho Cục Di sản Văn hóa, sau một hai ngày thì trình tới Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã đồng ý lập một đoàn sang Pháp để giám định, thương lượng và mua lại cổ vật này. 

Người bạn chuyên gia về đấu giá của tôi cho biết lúc đầu hãng đấu giá không để giá dự kiến trên sàn, nhưng họ dự kiến đấu giá với giá khởi điểm là 2 triệu Euro. Ngoài ra, một người đấu giá ở Campuchia gốc Hoa dự kiến muốn đấu giá với mức 3 triệu Euro. 

Đoàn Việt Nam đến Pháp thương lượng nhưng không thành. Do một số thành viên trong gia đình vua Bảo Đại cho rằng việc vua Bảo Đại cho bà Monique Baudot thừa kế không có giá trị pháp lý vì không có chứng thực của một cơ quan chức năng tại Pháp. 

Tôi có trao đổi với một số con cháu của vua Bảo Đại không thuộc dòng của bà Monique Baudot mà dòng bà Mộng Điệp. Quan điểm của họ là những cổ vật này thuộc về tất cả con cháu của vua Bảo Đại chứ không của riêng nhánh nào. 

Lúc đầu giá dự kiến ban đầu là mua với giá 2 đến 3 triệu Euro. Nhưng sau này, như báo chí trong nước loan tin, cách đây ít tuần, ngày 18/11/2023, cái ấn này đã được ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia ở Bắc Ninh, đã mua với giá 6,1 triệu Euro. Tôi không có thông tin sau cùng để biết vì sao giá ban đầu là 2 đến 3 triệu Euro nhưng cuối cùng lên đến 6,1 triệu Euro. Nhưng theo tôi được biết gián tiếp qua một số nguồn tin thì tôi phỏng đoán có lẽ đó là số tiền thỏa thuận để có thể đáp ứng yêu cầu quyền thừa kế của những người con khác của vua Bảo Đại. 

RFA : RFA xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, RFA sẽ trao đổi với một số chuyên gia về lịch sử triều Nguyễn và cung đình Huế về thông tin chiếc ấn truyền thời Minh Mạng đã bị thất lạc còn chiếc ấn được truyền lại sau đó là "ấn giả" từ thời vua Thành Thái, được nêu trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" ở trên. 

Nguồn : RFA, 05/12/2023

***********************

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là ấn giả hay thật ?

RFA, 06/12/2023

Tiếp theo phần trước liên quan đến Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là "ấn giả" hay thật, RFA trao đổi với một số chuyên gia về lịch sử triều Nguyễn và cung đình Huế về thông tin chiếc ấn triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đã bị thất lạc và chiếc ấn truyền lại sau đó là "ấn giả". Đây là thông tin được nêu trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu, nguyên giáo sư Luật khoa và Văn khoa ở Sài Gòn trước 1975, chấp bút. Cuốn sách ghi lại những hồi ức và cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, con gái Thượng thư Ngô Đình Khả và em gái cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, về những gì bà chứng kiến và được kể lại về vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam sau 1945. 

an1

Mặt triện của ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch

Chiếc ấn thất lạc không phải là Hoàng Đế Chi Bảo 

Trao đổi với RFA về thông tin trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" nêu trên, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, và nguyên là Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cho biết theo một thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì chiếc ấn vua Hàm Nghi mang theo và thất lạc trong rừng là ấn "Ngự Tiền Chi Bảo" làm từ thời vua Gia Long. Ở đây không có thông tin về ấn "Hoàng Đế Chi Bảo" truyền từ thời Minh Mạng bị thất lạc. Theo ông, thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là đúng.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh lý do là khi vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế, nhà vua khó có thể mang theo quốc ấn Hoàng Triều Chi Bảo mà chỉ mang theo một số tư ấn của mình. Nếu vua Hàm Nghi mang theo quốc ấn khi rời kinh thành, trong đó có ấn Hoàng Đế Chi Bảo, thì khi phát dụ Cần Vương tại Tân Sở năm 1885, không có lý do gì ông không đóng quốc ấn này lên dụ quan trọng này. Dụ Cần Vương không được đóng bằng quốc ấn. Vị chuyên gia về cung đình Huế giải thích bốn cơ sở để phán đoán như vậy :

Thứ nhất, nhà Nguyễn có hai loại ấn. Một là quốc ấn hay công ấn, dùng để đóng lên các văn bản công của quốc gia. Hai là các tư ấn. Tư ấn thì vua có mà quan cũng có. Ví dụ vua Tự Đức có nhiều tư ấn, trong đó hai bộ còn trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, làm bằng ngà. Một số tư ấn khác của Tự Đức làm bằng bạc và vàng. Tư ấn của vua Tự Đức được đóng trên các tập sách văn chương của ông. Tư ấn triều Nguyễn thường có bốn hình dạng : một là hình chữ nhật, hai là hình bầu dục, ba là hình tròn, bốn là hình có các góc. Kích thước tư ấn nhỏ hơn quốc ấn rất nhiều. Quốc ấn thường có hình vuông, kích thước lớn, có cái một cạnh dài khoảng 1 decimeter. Các quốc ấn thường khắc chữ triện, còn tư ấn khắc chữ chân hoặc chữ lệ. 

Thứ hai, quốc ấn làm bằng vàng, bạc, kích thước lớn, được đặt tại điện Cần Chánh. Vua không tự tay đóng quốc ấn vào các chiếu, chỉ, mà chỉ soạn văn bản, rồi người đứng đầu điện Cần Chánh, gọi là Cần Chánh điện Đại học sĩ, tương đương với chức Chánh văn phòng Chủ tịch nước ngày nay, sẽ đóng vào. Hoặc các quan có chức vụ cao liên quan đến vấn đề cũng có thể đóng dấu.

Vua sống ở trong điện Cần Thành, còn các quốc ấn thì đặt tại điện Cần Chánh. Vua làm việc hàng ngày ở điện Cần Chánh. Các quan đến tiếp kiến vua tại điện Cần Chánh bốn ngày trong tháng, là ngày 5, 10, 20, 25 âm lịch. Còn ngày 1 và 15 thì vua ở điện Thái Hòa, các quan sẽ diện kiến vua tại đây.

Các tư ấn được đặt tại chỗ vua ở, còn các quốc ấn được đặt tại điện Cần Chánh, và triều đình quy định rõ về thời điểm sử dụng quốc ấn : dịp trước Tết, khoảng 23 tháng chạp, người ta làm lễ phong ấn, tức là niêm phong các quốc ấn trong hộp. Đến ngày 7 tháng giêng thì người ta mới mở quốc ấn ra, bắt đầu làm việc lại. 

Thứ ba, khi xảy ra vụ phản công kinh thành Huế, vào rạng sáng ngày 5/7/1885, vua Hàm Nghi không phải là người chủ động. Người chủ động là Tôn Thất Thuyết. Lúc đầu, khi tấn công qua quân Pháp, lúc đầu phía nhà Nguyễn có vẻ thắng lợi, cho nên vua Hàm Nghi lúc đó mới 12 tuổi, vẫn ở trong điện Cần Thành, toàn bộ trận tiền được giao cho những người ở phía ngoài. 

Vua Hàm Nghi không ở tâm thế của người thua cuộc, không nghĩ mình phải bỏ chạy, nên không có lý do gì để ông chuẩn bị sẵn để mang các quốc ấn bên điện Cần Chánh rút lui vào rừng sâu. Nhưng bất ngờ về phía nhà Nguyễn bất thình lình có người mở cho quân Pháp vô, đốt được một kho đạn làm cho phát nổ. Khi quân Nguyễn đang đánh mặt trước mà mặt sau nổ kho đạn thì bị vỡ trận. Triều đình phải rút khỏi kinh thành. Quân Pháp tràn vào hoàng cung, cuớp phá, vơ vét, sau này dùng cả một chiếc tàu để chở về các đồ qúy cướp được. 

Trong tình huống như vậy, vua Hàm Nghi chỉ có thể mang theo những chiếc tư ấn ở chỗ mình ở. Khả năng ông sang điện Cần Chánh, lấy quốc ấn để mang theo kháng chiến, trong hoàn cảnh như vậy, là khó xảy ra. 

Căn cứ vào những điều trên, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho rằng vua Hàm Nghi không thể mang theo quốc ấn Hoàng Đế Chi Bảo khi rời kinh thành được mà chỉ mang theo các tư ấn thôi. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Sơn, người tham gia giám định cái ấn Hoàng Đế Chi Bảo mua về từ Pháp là Tiến sĩ Phạm Quốc Cung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, và Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, đương kim Giám đốc của Bảo tàng này. Họ đều khẳng định cái ấn này là thật. 

Về giá trị của lời kể trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm"

Trong sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu, lời vua Thành Thái được chép lại là lời gián tiếp qua nhiều bậc : vua Thành Thái nói với các đại thần, lúc đó không có mặt ông Ngô Đình Khả, ông Ngô Đình Khả được kể lại và sau đó kể cho bà Ngô Đình Thị Hiệp, bà Hiệp kể cho ông Nguyễn Văn Châu và ông Nguyễn Văn Châu kể lại cho độc giả. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận xét rằng vì lý do trên, mức độ khả tín của thông tin này rất thấp. 

Tiến sĩ Hương Nguyễn, Giáo sư sử học tại Đại học California, Irvine, cho rằng mặc dù trong sách này, lời vua Thành Thái được trích dẫn đầy đủ trong "ngoặc kép", thông tin lịch sử về chiếc ấn như bà Hiệp nhớ lại là một loại thông tin kiểu "thâm cung bí sử", không thể được kiểm chứng (thực ra là gần như không thể). 

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Hương Nguyễn, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng nói với RFA rằng chi tiết "chiếc ấn Hoàng triều, biểu trưng cho sự tiếp nối của vương triều Nguyễn", "do Hoàng đế Minh Mạng truyền lại" đã bị vua Hàm Nghi làm thất lạc khi kháng chiến trong rừng sâu là sai. Vì chiếc ấn thất lạc trong cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi là "Ngự tiền chi bảo". 

Tiến sĩ Hương Nguyễn và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có cùng một nhận xét là cuốn sách này không có giá trị của một cuốn "hồi ký", dù nó được ông Nguyễn Văn Châu chấp bút từ lời kể của bà Ngô Đình Thị Hiệp. Cuốn sách này về cuộc đời bà Ngô Đình Thị Hiệp được viết lại thông qua nhãn quan/ngòi bút của ông Nguyễn Văn Châu. Toàn bộ cuốn sách ông Châu nói về bà Hiệp ở ngôi thứ 3, chứ không thuần túy là bà Hiệp thuật lại câu chuyện cuộc đời của bản thân mình. Dù cuốn sách dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với bà Hiệp, thì ta vẫn có thể đặt nghi vấn về trí nhớ của bà Hiệp liệu đã bị mai một ? Câu chuyện có thể bị "tam sao thất bản" trong nhiều bối cảnh khác nhau ? Do không viết lại lời kể của bà Hiệp với tư cách viết hồi ký, tác giả Nguyễn Văn Châu có quyền biên tập/cắt xén một vài chi tiết. Do đó, cuốn sách này không tránh được khả năng bị xem là tác phẩm hư cấu. 

Tiến sĩ Trương Nhân Tuấn nói với RFA rằng xem trong "Đại Nam thực lục", quyển 9, thấy có ghi là vua Hàm Nghi khi xuất cung chỉ mang theo cái ấn "Văn lý mật sát" mà thôi. Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I viết rằng nhà Nguyễn chỉ có hai cái ấn "Văn lý mật sát", một làm dưới thời Gia Long và một làm dưới thời Đồng Khánh. Ông cho rằng cái ấn vua Hàm Nghi đem theo là cái ấn thời Gia Long. 

Từ đó, Tiến sĩ Trương Nhân Tuấn nhận xét rằng dữ kiện cái ấn thất lạc trong sách của bà Ngô Đình Thị Hiệp có thể là cái ấn "Văn lý mật sát" chứ không phải ấn "Hoàng đế chi bảo". Có thể vua Đồng Khánh làm cái ấn khác vì cái ấn để lại từ thời Gia Long đã bị vua Hàm Nghi làm mất. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Tuấn, ngày 28/8/1945, ông Phạm Khắc Hòe giao ngọc tỷ truyền quốc "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ" cho chính quyền cách mạng. Chiếc ngọc tỉ này quí giá hơn cái ấn vàng kia vì nó biểu tượng quyền lực quốc gia.

Nguồn : RFA, 06/12/2023

--------

RFA chú thích :

an2

Chương 3 của sách "A Lifetime in the Eye of the Storm" có thuật lại sự kiện Phụ chánh Đại thần Trương Như Cương theo Pháp, ép vua Thành Thái từ ngôi. Thượng thư Ngô Đình Khả đã từ chối kí vào thư yêu cầu vua thoái vị. Phụ chánh Đại thần Trương Như Cương và các đại thần theo Pháp đã ép vua viết chiếu thoái vị theo mẫu viết sẵn, trong đó tên người kế vị được bỏ trống. Sau khi viết lại chiếu thoái vị đó, vua Thành Thái đã nói :

"Ấn Hoàng triều ở trong điện của trẫm. Chiếu chỉ cần phải được đóng ấn. Nhưng ấn Hoàng triều của trẫm, biểu trưng cho sự tiếp nối của vương triều Nguyễn, lại là ấn giả. Chiếc ấn thật, do Hoàng đế Minh Mạng truyền lại, như các khanh có thể đã biết, đã được Hoàng đế Hàm Nghi, vị Hoàng đế tiền nhiệm dũng cảm của ta, đưa vào rừng sau khi ngài thất bại trong cuộc nổi dậy chống Pháp. Cuối cùng, người Pháp đã bắt được Hoàng đế, nhưng Ấn Hoàng triều đã bị thất lạc trong rừng và không bao giờ tìm lại được. Này các khanh, sự kế tục vương triều ngày nay chỉ là một từ ngữ sáo rỗng. Xin Trời phù hộ các khanh trong những ngày sắp tới !" (Giáo sư Nguyễn Văn Châu, "A Lifetime in the Eye of the Storm", chương III, Erin Go Bragh Publishing, 2015 - RFA dịch đoạn trên).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Đức Anh Sơn
Read 179 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)