Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/12/2023

"Nhích" lại gần Phương Tây hơn vì mục đích tăng trưởng

Phạm Quý Thọ

Những năm gần đây tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam trồi sụt, có xu hướng giảm. Các nhà lãnh đạo nỗ lực "ưu tiên tăng trưởng". Trước tình hình không đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% ấn định cho năm 2023, trong phiên bế mạc 29/11/2023 của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 ông Chủ tịch Quốc hội phát biểu ‘nhắc lại’ ưu tiên này cho năm 2024 và các năm còn lại nhiệm kỳ 2021-2026.

phuongtay1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (phải) tại Hà Nội hồi tháng 9/2023. AFP

Tại phiên toàn thể này các Nghị quyết được ban hành về thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện và thực thi các chính sách cải cách thể chế trong khi ông Chủ tịch nước công du Tokyo để nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới" và Thủ tướng chính phủ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để … xúc tiến đầu tư.

Có tăng trưởng mới có thêm việc làm, mới có thêm thu nhập, mới nâng cao được mức sống, ổn định xã hội… Hơn thế, có tăng trưởng mới có thể đảm bảo tính chính danh của Đảng cộng sản và chế độ. Những động thái ngoại giao ‘nhích’ lại gần phương Tây hơn của giới lãnh đạo nhằm mục đích kinh tế, trước hết, là ‘cứu’ tăng trưởng thay vì cải cách "đột phá" trong bối cảnh khó khăn tăng trưởng kinh tế, chống tham nhũng căng thẳng ở trong nước và những diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, để ‘cứu’ tăng trưởng, theo nghĩa tăng trưởng bền vững, thì "mở cửa" phải gắn liền với "cải cách" thị trường nhất quán trong một chính sách.

Trước hết, mối quan hệ giữa chính sách "mở cửa" và tăng trưởng là quan trọng và tích cực. Muốn đóng cửa với thế giới hãy nhìn Triều Tiên. Chỉ mở cửa về kinh tế thôi sẽ là không biện chứng, thị trường đòi hỏi cải cách thể chế cả kinh tế và chính trị phù hợp. Từ sau Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 13 năm 2021 xu hướng mở cửa ‘năng nổ’ hơn với những cuộc đón tiếp lãnh đạo nước ngoài tới thăm dồn dập và tần suất cao những chuyến công du tới các nước có chế độ chính trị khác nhau. Trong đó, việc ‘nhích’ lại gần phương Tây đang tạo dấu ấn, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc cuối năm 2022, với Mỹ trong tháng 9 và với Nhật Bản mới đây vào cuối tháng 11/2023. Ngoài những ‘toan tính’ địa chính trị như bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh và tự do hàng hải quốc tế, giới lãnh đạo trông chờ nhiều vào mục đích kinh tế, các hiệp định thương mại song phương và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng.

phuongtay2

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (trái) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) tại Tokyo hôm 27/11/2023. AFP

Lĩnh vực FDI và xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản là trục tăng trưởng chủ yếu chiếm hơn 50% tổng GDP. Đây là kết quả của nỗ lực liên tục suốt hơn 30 năm tiến hành chủ trương Đổi mới. ‘Tạm gác’ sang bên ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, vận dụng tư tưởng thực dụng để quyết định chính sách hội nhập kinh tế, ‘ngoại giao cây tre’ vượt qua rào cản từ khác biệt chế độ chính trị để đa phương hóa, đa dạng khóa quan hệ với mọi quốc gia ; tham gia vào hàng chục hiệp định tự do kinh tế và đầu tư, thúc đẩy du lịch ; ‘năng nổ’ tham gia các tổ chức quốc tế từ Ủy ban Nhân quyền đến Di sản của Liên Hiệp Quốc ; ủng hộ và tham gia vào các vấn đề mang tính xu hướng toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng xanh sạch, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo ; tích cực "tháo gỡ" vướng mắc thực thi các hiệp định như gỡ thẻ vàng về đánh bắt hải sản, đề nghị công nhận là nền kinh tế thị trường cho Việt Nam…

Tuy nhiên, một chính sách mở cửa ‘năng nổ’ đang bị thách thức, sự ‘cân bằng’ bị phá vỡ khiến giới lãnh đạo lo lắng trước "những cơn gió ngược" từ kinh tế thế giới suy giảm sau Đại dịch Covid-19 và sự chia rẽ giữa các cường quốc, phương Tây, Nga – Trung và các nước phương Nam bởi các cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Hamas – Israel, sự căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh thể chế mang tính ý thức hệ kiến thị trường rối loạn, cầu giảm và đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự lựa chọn của Việt Nam là nhích lại gần hơn với phương Tây, đây có thể là tín hiệu tích cực cho giới đầu tư nhưng cải cách thể chế nhất quán theo hướng thị trường mới là chính sách quan trọng. Sự ổn định chính trị cần thiết cho môi trường đầu tư nhưng nếu nó được duy trì bởi sự sợ hãi, thiếu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình từ phía chính quyền và trì hoãn các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, thì sự tăng trưởng kinh tế không thể bền vững.

Trước hết, theo đuổi lợi nhận, các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài có tính độc lập tương đối với chính phủ trong quyết định đầu tư, kinh doanh. Họ nhạy bén với môi trường thể chế và có tầm nhìn toàn cầu. Tất cả họ đều tính toán khi Việt Nam thông qua luật thuế tối thiểu toàn cầu và thực thi từ đầu năm 2024. Hãy theo dõi những bài học từ Trung Quốc khi FDI có xu hướng giảm trong năm 2023 có lý do bất ổn thể chế, sự trỗi dậy hung hăng và vấn đề phi dân chủ, nhân quyền của giới lãnh đạo Đảng cộng sản. Một trong những hệ quả là sự dịch chuyển vốn FDI khỏi quốc gia có dân số một tỷ tư người, nhưng Việt Nam cũng chỉ là một trong nhiều lựa chọn điểm đến. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản chọn Việt Nam không những vì yếu tố văn hóa, địa chính trị như đồng quan điểm về sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương mà họ còn ‘dễ dãi’ và ‘thấu hiểu’ chế độ độc đoán vì kinh nghiệm từng trải về chuyển đổi dân chủ từ chế độ độc đoán hay phát xít trong khi các tập đoàn Mỹ, Châu Âu không hẳn đã có thái độ ứng xử như vậy. Chẳng hạn, Tập đoàn Intel tuyên bố không tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như kế hoạch khiến giới ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận có vấn đề thể chế như cải cách hành chính trong khi Quốc hội khóa 15 đang họp tại Hà Nội. Hay, mới đây, ngày 21/11/2023 Orsted - Tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sau hơn 1 năm triển khai… Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia mới nổi khác có thể ‘không khó’ để công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường trong khi Hoa Kỳ, một đối tác chiến lược toàn diện, từng được đề nghị yêu cầu như vậy, nhưng Bộ Thương mại phản hồi rằng "sẽ rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam ‘theo quy tắc’…

phuongtay3

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Washington DC hôm 19/9/2023 (giờ địa phương). VGP/Nhật Bắc

Tiếp đến, xin nêu những thách thức "nội bộ" từ thể chế. Chính quyền "toàn trị" không những chỉ thực hiện chức năng đại diện quốc gia trong ký kết các hiệp định thương mại đầu tư với các nước khác mà còn "đại diện" cả cho người lao động, ngoài khuôn khổ chung như Bộ Luật lao động, còn ‘đàm phán’ với giới chủ về về các điều kiện, chế độ làm việc, lương bổng cụ thể. Chẳng hạn, Hội đồng về tiền lương tối thiểu bao gồm đại diện ba bên : Nhà nước (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), người lao động (Tổng Liên đoàn lao động) và giới chủ (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), nhưng chỉ về hình thức vì thiếu vắng tính độc lập dù chỉ tương đối, thực chất tất cả đều chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản. Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 ngày 2/12/2023 ông Tổng bí thư Đảng cộng sản đã nhấn mạnh đây là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng cộng sản lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, nó không còn "của giai cấp công nhân" nữa vì tiền lương thì do giới chủ trả, thiếu nguyên tắc tự nguyện, nhưng vẫn phải đóng "phí công đoàn" nuôi bộ máy quản lý cồng kềnh. Hơn thế, các quyền hiến định về thành lập các hội đoàn, biểu đạt bị trì hoãn thực thi. Các nguyên tắc thị trường bị phá vỡ !

‘Nhích’ lại gần phương Tây hơn mới chỉ là điều kiện cần nhưng để "cứu" và tăng trưởng kinh tế bền vững cần phải cải cách thể chế mạnh mẽ, đột phá. Những vấn đề được trình bày ở trên cho thấy cải cách tăng trưởng còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế đang lệ thuộc vào lĩnh vực FDI đặt ra những vấn đề như phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và đào tạo nhân lực, môi trường cạnh tranh bình đẳng…

Thể chế ngày càng có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Nên chăng tiếp tục làm sâu sắc thêm ý nghĩa của nhận định này cho cải cách tăng trưởng, chẳng hạn, với một trục tăng trưởng kinh tế quan trọng khác, lĩnh vực bất động sản ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 04/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 208 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)