Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2023

Bạo lực học đường : tại sao học sinh bạo hành thầy cô ?

Diễm Thi - RFA

Học trò bạo lực với thầy cô : vì đâu nên nỗi ?

Diễm Thi, RFA, 06/12/2023

Các đoạn video clip đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua ghi lại cảnh một cô giáo cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học ; cũng cô giáo này, lại bị một nhóm học sinh dồn vào góc tường, ném rác, xúc phạm với lời lẽ thô tục. Cô giáo té xỉu khi bị ném dép vào mặt và chảy máu trên trán…

baohanh1

Học sinh một trường Trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm ngày 30/4 – AFP - Ảnh minh họa.

Tất cả các clip trên là câu chuyện xảy ra vào cuối tháng 11/2023 tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú ở tỉnh Tuyên Quang.

Bạo lực tại trường học, do đâu ?

Nhìn những hình ảnh trên, nhiều người làm việc cả trong và ngoài ngành giáo dục đều thấy đau xót cho hình ảnh người thầy ; thấy đau lòng cho thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời thầy Trương Minh Đức, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh : "Tôi quá bất ngờ ! Trong suốt 23 năm đi dạy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến có một ngày giáo viên phải lâm vào cảnh như cô giáo ở Tuyên Quang. Thật đau lòng !"

Nhà thơ Liêu Thái làm một bài thơ có tựa "Gai tre", bắt đầu bằng câu hỏi : "Chúng ta đang ở đâu vậy mà nhìn phía nào cũng buồn ?

Bộ Giáo dục - Đào tạo sáng 6/12 gửi văn bản yêu cầu tỉnh Tuyên Quang xác minh vụ việc trên và có hình thức xử lý nghiêm khắc giáo viên, học sinh trong clip. Bộ đồng thời khẳng định trong văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang rằng việc học sinh nhốt cô giáo như vậy là vi phạm đạo đức nghiêm trọng !

Một nhà giáo ở Hà Nội không muốn nêu tên, nêu nguyên nhân dẫn đến câu chuyện trên, với RFA hôm 6/12 :

"Tôi có xem qua một số video clip vụ này được lan truyền trên mạng xã hội, tôi thấy đây là chuyện không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục. Truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị phá vỡ hoàn toàn do quan điểm tất cả đều bình đẳng. Bạo lực học đường hiện nay là một vấn nạn không thể một sớm một chiều khắc phục được.

Theo tôi, nguyên nhân có thể là trong một đất nước mất mát quá nhiều sau hàng chục năm chiến tranh, hôm nay có một nhóm người giàu lên nhờ tham ô, cửa quyền. Đại bộ phận quần chúng không có cơ hội vươn lên nhưng không thể phản ứng với chế độ, với chính quyền. Những dồn nén đó sẽ bộc lộ ra hành vi hàng ngày. Đó là cội nguồn của vấn đề bạo lực hiện nay từ xã hội lan vào nhà trường. Do đó, tất cả những khẩu hiệu kêu gọi xóa bạo lực học đường đều trở nên vô nghĩa. Bạo lực là tấm gương phản chiếu những bất công trong xã hội".

Sự việc học trò xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang xảy ra ngay tại lớp học, nơi được trang hoàng với nhiều khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" hoặc "Tôn sư trọng đạo"...

Cách đây hai năm, sáng 21/11/2021, tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo", Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm đề nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (khẩu hiệu này được hiểu đơn giản là học lễ nghĩa trước, học kiến thức sau) để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Cũng theo vị giáo sư này, khẩu hiệu trên là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ lễ với người trên.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến nạn bạo lực lan đến thầy cô giáo - cụ thể là vụ cô giáo ở Tuyên Quang - là do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa không có triết lý giáo dục và không có cứu cánh giáo dục. Trong đó, triết lý giáo dục để dạy làm người và cứu cánh giáo dục để dạy nên người. Ông nói :

"Đứng dưới góc độ những học trò lớp 6, lớp 7 hiện nay, những đứa trẻ này hiểu rất rõ lợi thế về quyền trẻ em. Với sự việc vừa xảy ra, chúng biết dùng số đông để áp đảo, khiêu khích, hạ nhục cô giáo.

Còn đứng ở góc độ cô giáo, có lẽ cô giáo nhìn học trò như là đối thủ, như là cơ quan công quyền, như cấp trên cấp dưới chỉ có ra lệnh thôi nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.

Tuy nhiên, ở tầm bao quát hơn thì tôi cho rằng đây là hậu quả của giáo dục xã hội chủ nghĩa với nội dung căn bản nhất là áp đặt sự chuyên chế về ý thức hệ lên mọi hoạt động của xã hội, trong đó có giáo dục".

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét tiếp rằng bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, văn hóa là cội rễ và giáo dục là dưỡng chất. Do đó, ông nói tiếp :

"Lẽ ra phải nhìn mỗi học trò là một tác phẩm do mình đào tạo ra, thì họ lại nhìn mỗi học trò là một sản phẩm. Với những sản phẩm kém chất lượng ai sẽ chịu trách nhiệm ?

Trách nhiệm sẽ bị đổ lên cho cha mẹ, cho thầy cô, cho nhà trường. Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là một chế độ độc đảng toàn trị nên họ là những người quan trọng nhất trong thể chế chính trị hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm cao nhất và nặng nề nhất trong việc tưởng rằng nhỏ như thế này".

Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cũng có những nhìn nhận về mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo ra một thế hệ trẻ có tài và có đức. Thế hệ này là nguồn gốc cho sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục với những quyết sách của họ, và ảnh hưởng đến cả xã hội. Nếu thế hệ này không có đạo đức mà chỉ có tài năng thì xã hội sẽ gánh chịu hậu quả.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, với tư cách là một phụ huynh có con bắt đầu độ tuổi đến trường, chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang, RFA đã được cho phép trích đăng :

"Ai cũng có lúc sai, già như chúng tôi cũng còn sai nhưng sửa sai được hay không lại là điều khác. Như các cháu kia, sau vài lần thanh tra lên, xuống, điệp khúc xin lỗi, tạo điều kiện cho các cháu sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một câu văn mẫu. Ầm ĩ mấy hôm rồi chắc đâu cũng sẽ vào đó thôi, và các cháu này cũng khó mà nên người sau mấy câu nhắc nhở cho lấy lệ ấy. Sẽ không hề gì với các cháu, với bố mẹ các cháu, chỉ xã hội này mới phải chịu đựng các cháu trong suốt quãng thời gian dài sau này - điều đó mới kinh khủng !

Tôi chợt nghĩ xa xăm và ước gì thời gian quay về phía trước, khi mà lũ chúng tôi ai nấy đều sợ run người khi nhìn thấy cái thước gỗ trên tay cô giáo. Thời đó, dù cũ kỹ, lỗi thời nhưng người làm Thầy còn được trân trọng lắm…".

Xã hội đang ngày một phát triển, quan niệm về giáo dục cũng cần đổi mới hơn cho phù hợp. Nếu triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng thì có khi không có cảnh học trò dồn cô giáo vô tường với lời lẽ xúc phạm và ném dép vào mặt cô giáo !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 06/12/2023

**************************

Bộ Giáo dục và đào tạo : Việc học sinh nhốt cô giáo ở Tuyên Quang là "vi phạm đạo đức nghiêm trọng"

RFA, 06/12/2023

Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị tỉnh Tuyên Quang xác minh, làm rõ vụ một số học sinh có hành động vi phạm đạo đức với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận mấy ngày qua.

baohanh2

Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, liên tục xúc phạm. Cắt từ clip

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 6/12 dựa theo nội dung Công văn của Bộ Giáo dục và đào tạo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong ngày 5/12.

Theo nội dung văn bản, Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định việc học sinh ở một trường học ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhốt, ném đồ vào người cô giáo là hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc trên, do đó Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu tỉnh Tuyên Quang có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan : Giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

Ngoài ra, UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung công tác quản lý và đánh giá giáo viên ;xây dựng văn hóa học đường ;giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh ;phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả về Bộ trước ngày 29/12/2023. 

Trước đó, vào ngày 4/12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn bốn phút, ghi cảnh một giáo viên bị nhóm học sinh tấn công. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném bằng dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục. Trước hành vi bạo lực của nhóm học sinh, nữ giáo viên này không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại.

Trả lời báo chí tối 4/12 về clip trên, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xác nhận thông tin đoạn clip ghi lại hình ảnh sự việc xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú.

Đại diện sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, Sở đã nắm được thông tin, xác nhận sự việc xảy ra cách đây khoảng hai tháng và đoạn video được đăng tải lại vào ngày 4/12.

RFA, 06/12/2023

***********************

Tuyên Quang : Cô giáo phải kiểm điểm sau khi bị học sinh bao vây và xúc phạm

RFA, 05/12/2023

Một cô giáo dạy tại một trường Trung học cơ sở ở huyên Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị công an xác định là có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc sau khi có một đoạn video ghi lại hình ảnh cô này bị một nhóm học sinh bao vây và ném dép vào mặt được đăng trên mạng xã hội.

baohanh3

Một số học sinh cầm cán chổi, quạt chửi bởi, khiêu khích cô giáo (ảnh từ video clip).

Truyền thông Nhà nước hôm 5/12 cho biết vào cùng ngày, Công an huyện Sơn Dương đã có báo cáo cơ quan cấp trên về tình hình an ninh mạng liên quan đến đoạn clip cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung.

Theo báo cáo này, vào ngày 2/12, Công an huyện Sơn Dương phát hiện trên mạng xã hội Facebook đăng tải một video clip có thời gian một phút 49 giây liên quan đến giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương.

Sự việc được xác định xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 29/11 tại trường Trung học cơ sở Văn Phú khi một số học sinh lớp 6 và lớp 7 có lời nói, hành vi khiêu khích với cô giáo P.T.H. (sinh năm 1985), giáo viên âm nhạc của trường.

Đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều học sinh liên tục khiêu khích cô giáo này trong khi cô giáo không có phản ứng lại mà chỉ dùng điện thoại ghi hình. Một học sinh thậm chí đã dùng dép ném trúng mặt nữ giáo viên khiến cô này ngã xuống và nhóm học sinh tiếp tục reo hò.

Công an huyện Sơn Dương đã làm việc, yêu cầu Trường Trung học cơ sở Văn Phú họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc trên. Tại buổi làm việc có 14 ý kiến tham gia, trong đó đều thống nhất nhận xét, cô giáo P.T. H. và các học sinh xuất hiện trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc.

Đoạn video sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận. Cũng đã có những ý kiến phản đối việc Công an huyện Sơn Dương xác định sai phạm thuộc về cô giáo và yêu cầu cô này phải kiểm điểm vì cho rằng cô chỉ là nạn nhân bị học sinh hành hung.

Đến chiều ngày 5/12, UBND huyện Sơn Dương đã có báo cáo về vụ việc và cho biết nguyên nhân là do có những khúc mắc trong giờ học giữa cô giáo và học sinh vì cô giáo nhắc nhở một số học sinh vào lớp khi đến tiết học nhưng học sinh không nghe.

Báo cáo của UBND huyện Sơn Dương cũng xác định, một số em học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực như nói tục, xúc phạm, quay video với cô H..

Theo truyền thông Nhà nước, Công an huyện Sơn Dương đã tiến hành can thiệp, gỡ bỏ 17 lượt bài đăng. Tuy nhiên đến clip trên tiếp tục được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội có nhiều người theo dõi.

RFA, 05/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 240 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)