Thêm tín hiệu xấu về kinh tế Trung Quốc ?
Thanh Hà, RFI, 09/12/2023
Trung Quốc đang lún sâu thêm vào vòng luẩn quẩn của giảm phát. Theo báo cáo Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 09/12/2023, chỉ số giá cả tiêu thụ trên thị trường nội địa trong tháng 11/2023 giảm "mạnh nhất kể từ ba năm nay".
Hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, ngày 06/08/2023. AP
Chỉ số IPC giảm 0,5% so với hồi tháng 10/2023. Đây là mức độ trượt dốc mạnh hơn so với những dự báo do hãng thông tấn Anh Reuters thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, giá cả trên thị trường Trung Quốc mới "có bước thụt lùi mạnh đến như vậy". Một ngày trước đó, báo chí chính thức tại Bắc Kinh cho biết lãnh đạo Trung Quốc kết thúc cuộc họp thường niên về tình hình kinh tế quốc gia và các bên quyết định "duy trì các biện pháp để khởi động lại nền kinh tế thứ hai toàn cầu". Nói cách khác, Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách nhà nước để tài trợ các chương trình đầu tư.
Không đi sâu vào chi tiết, nhưng Tân Hoa Xã nhấn mạnh là chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp và ông chủ trương "kích thích tăng trưởng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra rủi ro và bảo đảm ổn định" cho các hoạt động kinh tế.
Tính từ tháng 4/2023, lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc mới tăng lên trở lại vào tháng 11/2023. Bắc Kinh giải thích các hoạt động trong ngành sa sút do nhu cầu tiêu thụ của thế giới bị giảm vì "những cuộc xung đột" ở nhiều nơi.
Chính quyền vẫn tin tưởng là sẽ giữ được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay. Trái lại, một số nhà phân tích lo ngại rằng đà phục hồi của ngành xuất khẩu sẽ "không được lâu dài". Đầu tuần, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s vừa hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc do lo ngại nợ của nền kinh tế thứ hai thế giới càng lúc càng tăng nhanh.
Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc
Tại Washington, hôm 08/12/2023, chính quyền Biden thông báo đưa thêm ba tập đoàn Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Tập đoàn sản xuất đường COFCO Sugar Holding, tập đoàn công nghệ Sichuan Jingweida và hãng cung cấp vật liệu mới Anhui Xinya New Materials là ba hãng mới trong tầm ngắm của Hoa Kỳ. Cả ba bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nghĩ ở Tân Cương. Hiện tại, 30 doanh nghiệp của Trung Quốc bị cấm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lập tức mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng, Hoa Kỳ đã "căn cứ vào những thông tin dối trá" để trừng phạt các công ty của Trung Quốc.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 09/12/2023
*************************
Trung Quốc thất vọng vì bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm
Anh Vũ, RFI, 06/12/2023
Lần đầu tiên từ 5 năm qua, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Moody’s hôm 05/12/2023, đã hạ đánh giá triển vọng kinh tế của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng về tác động từ nợ nần của chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một công trường xây dựng nhà, tại quận Tiền Hải (Qianhai), Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 09/08/2023 Reuters – David Kỉton
Thông tín viên Stephan Lagarde tại Bắc Kinh cho biết những phản ứng của Trung Quốc :
Sau cú đòn nặng nề, các tài khoản mạng xã hội của truyền thông Nhà nước Trung Quốc ồn ào tung ra nhưng câu chữ mạnh vào chiều thứ Ba. Đó là hình ảnh các cần cẩu và công trường hoạt động nhộn nhịp trong video của trang Đệ nhất Tài kinh (Yicai). Trang thông tin tài chính này chạy dòng chú thích : Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc, bộ Tài Chính trả lời ! Trung Quốc đang đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế thế giới.
Nỗi thất vọng cũng được đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin. Bộ Tài Chính Trung Quốc còn nói thêm, kinh tế Trung Quốc có sức bền và tiềm năng phát triển vô cùng lớn, những nền tảng tích cực về lâu dài không thay đổi.
Moody’s biện minh việc đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc là tiêu cực vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc và khu vực công hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn.
Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ chủ yếu nêu ra cuộc khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 1/4 GDP của Trung Quốc và các vụ phá sản dây chuyền của các nhà đầu tư kinh doanh địa ốc.
Nhiều công trường xây dựng bị ngừng lại, làm mất đi nguồn thu ngân sách của các tỉnh và vùng gặp khó khăn do 3 năm dịch Covid.
Anh Vũ
****************************
Moody's hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc do tăng trưởng thấp, bất động sản rủi ro
Reuters, VOA, 05/12/2023
Công ty tài chính Moody's hôm 5/12 hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực", là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại toàn cầu ngày càng gia tăng về tác động từ nợ nần của chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Reuters.
Cảng container Thiên Tân, Trung Quốc.
Moody's nói trong một tuyên bố rằng việc hạ bậc này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng về việc các cơ quan quản lý sẽ phải cung cấp nhiều trợ giúp tài chính hơn cho các chính quyền địa phương và các công ty nhà nước đang chịu gánh nặng nợ nần, gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.
Moody's đưa ra quan điểm : "Sự đánh giá về triển vọng có thay đổi như vậy cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và mang tính cơ cấu, cũng như tình trạng lĩnh vực bất động sản ngày càng thu hẹp quy mô".
Chi phí bảo hiểm nợ chính phủ của Trung Quốc trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11.
Ông Ken Cheung, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối Châu Á thuộc Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, nhận xét : "Bây giờ các thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng bất động sản và mức tăng trưởng yếu, chứ không phải là rủi ro nợ công trước mắt".
Động thái này của Moody's là sự thay đổi đầu tiên trong việc đánh giá về Trung Quốc kể từ khi tổ chức này đã giảm mức xếp hạng một bậc, xuống mức A1 vào năm 2017, đồng thời viện dẫn những dự báo về tăng trưởng chậm lại và nợ gia tăng.
Hôm 5/12, trong khi Moody's khẳng định vẫn xếp hạng A1 đối với đối với cơ quan phát hành nội và ngoại tệ trong dài hạn của Trung Quốc, tổ chức này cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này sẽ giảm xuống 4,0% vào năm 2024 và 2025, và giữ mức trung bình 3,8% trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Việc Moody’s hạ mức đánh giá diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12, với các cố vấn chính phủ kêu gọi mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và nhiều biện pháp kích thích hơn.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay họ thất vọng trước quyết định của Moody’s, đồng thời nói rằng nền kinh tế nước này sẽ duy trì xu hướng phục hồi và phát triển dương. Bộ cũng cho rằng các rủi ro về bất động sản và ở cấp chính quyền địa phương đều có thể kiểm soát được.
Bộ nói : "Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết".
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu khoảng 5% được chính phủ đặt ra cho năm nay, nhưng con số này không ấn tượng vì nó tăng lên từ năm 2022 vốn đã bị suy yếu do đại dịch, và hoạt động của nền kinh tế rất không đồng đều.
Reuters
Nguồn : VOA, 05/12/2023